Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

SỐ: 250 - tác giả TRẦN CHI




CÓ MỘT M’DRAK KHÁC…


Ấn tượng trong tôi mỗi khi đi trên quốc lộ 26, qua địa bàn của huyện M’Đrắk là một vùng đất hoang sơ, mênh mông đồng cỏ, mênh mông núi đồi… Mãi cho đến khi được nghe nhạc phẩm Ơi M’Đrắk của nhạc sỹ Nguyễn Cường, tôi mới dần hình thành suy nghĩ: Có một M’Đrắk khác đầy tiềm năng đang cần đầu tư để khai thác, để hình thành một vùng nông thôn mới trù phú.
Tại buổi làm việc giữa Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh với UBND huyện vào đầu tháng 5, ông Nguyễn Ngọc Bình - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: M’Đrắk có địa bàn rộng với nhiều núi đồi, diện tích tự nhiên 133.600 ha, dân số 69.000 người gần 17 dân tộc cùng chung sống. Đã bê tông hóa 80% đường huyện quản lý và gần 30% các tuyến đường của xã. Toàn huyện có 51 trường học và huy động đạt 80% con em trong độ tuổi đến trường. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt gần 15 triệu đồng và tổng thu ngân sách của huyện ước đạt 20 tỷ… Huyện đã cơ bản quy hoạch xong cụm công nghiệp với các nhà máy gạch, mía đường, gỗ lạng, gỗ ép… Về trồng trọt, chăn nuôi, M’Đrắk nổi bật với những cánh đồng mía, sắn bạt ngàn cùng với tổng đàn trâu - bò chừng 30.000 con được chu chuyển hàng năm…
Sau buổi làm việc tại UBND huyện, anh Nguyễn Trọng Tấn, cán bộ Phòng Văn hóa đã được huyện cử dẫn chúng tôi đến các xã, thị trấn trong huyện để tìm hiểu thêm về đời sống của người dân. Anh em trong đoàn cùng hội ý và thống nhất đi đến 3 xã - một xã khá, một xã trung bình và một xã còn khó khăn.
Điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là xã Krông Jing. Tại đây đoàn được Bí thư Đảng ủy - Nguyễn Văn Khoa, một người tầm trung niên và một nữ Phó chủ tịch xã trẻ trung, năng động cùng tiếp và làm việc với đoàn. Nhìn chủ nhà phối hợp làm việc, tiếp đoàn tôi chợt có suy nghĩ về công tác cán bộ và đội ngũ kế thừa của xã Krông Jing là khá ổn… Có thể nói vo như thế này, xã có trên 2.000 hộ với chừng 10.000 dân. Kinh tế của xã khá phát triển với các cây, con chủ lực như lúa, mía, bò lai và các loại cây cao sản khác, xã có nhiều trang trại lớn với những cánh đồng được cải tạo để trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi. Thủy lợi chỉ đáp ứng được 60% diện tích cây trồng, tình trạng phá rừng tuy ít nhưng việc lấn chiếm đất của lâm trường để sản xuất hoa màu đang là vấn đề nhức nhối của xã… Về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của xã, anh Trọng Tấn cán bộ văn hóa huyện cho biết: Krông Jing có phong trào vào loại nhất, nhì của huyện.
Sau khi làm việc tại văn phòng ủy ban, xã đã cử anh Y Phô Niê - cán bộ văn hóa - đưa đoàn đến thăm buôn Hoang. Con đường trải nhựa băng ngang qua buôn cùng với đường điện hạ thế cho thấy đời sống, sinh hoạt của bà con là khá dể chịu. Buôn Hoang chừng 10 năm trước đây đã từng nổi tiếng là nơi sản xuất mè đen với những cánh đồng bạt ngàn. Nay do giá cả thấp, mè đen không còn đủ sức hấp dẫn người dân trồng trọt nữa. Được biết tại buôn Hoang, bình quân mỗi nhân khẩu được cấp 2 ha đất để chăn nuôi, trồng trọt (đất tại huyện M’Đrắk hầu hết là đất cát pha mùn đen, bạc màu và xen lẫn sỏi đá, vì vậy tuy đất đai nhiều nhưng người dân vẫn còn khó khăn trong đời sống, trong sản xuất)… Tại đây anh em trong đoàn đã ghé thăm một số gia đình, trong đó đáng chú ý là gia đình anh Y Mi Niê. Anh Y Mi là con của một liệt sỹ đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, vợ chồng anh hiện có 4 người con, lại phải cưu mang thêm 5 người con của người chị vợ đã qua đời, gia đình anh chị có 20 ha, mỗi năm gieo trồng được 1,3 ha lúa nước 2 vụ, 7 ha mía, 1 ha sắn và 1 ha bắp, diện tích còn lại anh chị trồng cỏ để chăn nuôi bò, gia đình có 10 con bò mẹ và một số bê con. Có thể nói phong trào chăn nuôi ở buôn Hoang khá tốt, gia đình nào cũng có những đàn bò từ 5 đến 10 con trở lên…
Theo con đường nhựa để đến buôn Tai, nơi có nhà văn hóa cộng đồng đầu tiên của huyện. Buôn Tai hộ nghèo còn rất cao (hộ nghèo chiếm 45%), là buôn đặc biệt khó khăn của xã Krông Jing. Tìm hiểu chúng tôi được biết, buôn Tai nghèo là do đông con, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt và nước phục vụ cho sản xuất lại càng thiếu…
Những ngày tiếp theo đoàn cũng tranh thủ đi một số thôn, buôn thuộc xã Ea Pil cùng một số xã khác, và ở đâu cũng vậy. Vụ mùa 2012, 2013 do thời tiết không thuận lợi, nắng hạn kéo dài làm giảm năng xuất cây trồng. Đồng cỏ chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp, diện tích trồng mía, trồng sắn đã lâu năm nhưng ít có sự chuyển đổi nên đất ngày càng bạc màu…
Một điều đáng buồn khi tham quan, tìm hiểu các thôn, buôn ở M’Đrắk, khi chúng tôi đề nghị cho xem các bộ cồng chiêng thì không nhà nào đồng ý, với lý do kiêng cữ, phải vận động mãi có nhà mới chịu cho xem, nhưng chỉ có phóng viên truyền hình mới được vào quay cùng chủ nhà… Hỏi ra mới biết rằng trước đây đã từng có những người lợi dụng danh nghĩa Sở Văn hóa để trưng mua chiêng, ché, vì vậy đồng bào rất ngại khi có người lạ muốn xem cồng chiêng của gia đình.
Ngày thứ ba ở M’Đrắk, anh em trong đoàn thống nhất đi 2 trường học, một trường tốt, hoàn chỉnh nhất và một trường khó khăn nhất của huyện. Thầy giáo Phó phòng Giáo dục đã đưa chúng tôi đến Trường tiểu học Kim Đồng. Tại đây đoàn đã được Ban Giám hiệu, Công đoàn nhà trường tiếp đón, giới thiệu một số hoạt động cơ bản của nhà trường, đồng thời đưa đoàn đi tham quan một số lớp học…Trường Kim Đồng là một trong những trường điểm của huyện, vì vậy tỉ lệ học sinh khá giỏi cao, tỉ lệ học sinh bỏ học hầu như không có. Vấn đề khiến chúng tôi băn khoăn là tỉ lệ học sinh nam, học sinh nữ mất cân đối, tỉ lệ học sinh nam ở trường Kim Đồng đã vượt quá 55%. Đây là điều mà ban dân số KHHGĐ các cấp cần suy nghĩ!
Rời trường Kim Đồng, chúng tôi hướng về ngả đèo Phượng Hoàng (đường đi Nha Trang) để đến với Trường tiểu học La Văn Cầu, trường cách trung tâm huyện chừng 40 Km, trong đó có gần 12 Km phải đổ đèo, vượt các đồi núi trọc (vì rừng đã biến mất…). Các thầy, cô cho biết: Cách đây chưa đầy một năm, đoạn đường này vẫn chưa đổ cấp phối, đổ nhựa, xe máy phải bọc xích để đi trong mùa mưa và phải chờ nhau đi cùng để còn giúp nhau đẩy xe mỗi khi mắc lầy, sụt hố, hoặc gởi xe, đi bộ. Trường La Văn Cầu còn có 2 phân hiệu cách trường chính trên 5 Km, đó là phân hiệu Sông Chò có 5 lớp nhưng chỉ có 3 giáo viên, vì vây phải có 2 lớp ghép (lớp hai với lớp ba, lớp bốn với lớp 5), phân hiệu Ea Sanh chỉ có 2 lớp nhưng lớp học lại rất tạm bợ, phụ huynh phải đóng tiền mua tôn, tự cưa cây, xẻ ván làm phòng học. Trường chỉ đầu tư bảng chống lóa và bàn ghế cho học sinh… Giáo viên ở trường chính còn có nhà công vụ để ở, nhưng 2 điểm trường còn lại phải đi ở nhờ. Học sinh ở 2 phân hiệu phải đi từ 3 đến 7 cây số để đến lớp. Vấn đề nước sinh hoạt và công trình vệ sinh vẫn là điểm bức xúc nhất cho thầy, trò nơi đây. Về sinh hoạt, đời sống, giáo viên ở đây một tuần đi chợ 1 lần, giữa tuần tại các điểm bán lẻ trong khu vực có thêm món gì tươi sống thì sẽ mua bổ sung… Cuộc sống cơ cực như vậy, tạm bợ vậy nhưng khi chúng tôi hỏi về mong ước của giáo viên ở đây là gì? Thì điều đáng xúc động là hầu hết đều trả lời ngay mà không cần suy nghĩ - đó là mong muốn Nhà nước sớm làm một cây cầu ở điểm trường Ea Sanh để học sinh, giáo viên và cả người dân được thuận tiện đi lại. Có giáo viên khi trả lời phỏng vấn của phóng viên truyền hình đã nói rất thật lòng: “Ban đầu khi nhận quyết định vào trường La Văn Cầu, lòng không mong muốn chút nào nhưng nghĩa vụ phải vào; tuy nhiên khi vào đến đây thấy học sinh quá tội, quá thương nên phải tận tâm dạy dỗ, tận tâm giúp đỡ rồi gắn bó với trường với lớp luôn”.
Trong đoàn chúng tôi có nhiều người đã từng đi một số điểm trường ở các tỉnh biên giới phía Bắc, trường ở đó rõ ràng là rất khó khăn, và mặc dù mọi so sánh đều khập khiễng nhưng theo chúng tôi những ngôi trường như La Văn Cầu ở Tây Nguyên, Đắk Lắk cũng không hơn các điểm trường ở 6 tỉnh biên giới phía bắc là bao!
Rời trường La Văn Cầu, tôi chợt nhớ lại lời hứa của một quan chức cấp cao khẳng định rằng: Năm 2012 lương của ngành giáo dục sẽ đủ sống… Lời hứa này đã có lúc làm cho vợ, con của tôi (là người của ngành Giáo dục) rất mừng và tin tưởng vào một ngày mai xán lạn. Lời hứa đó đã trở thành nỗi buồn gặm nhấm tôi trong suốt cuộc đi này.
Sau những chuyến đi về các buôn làng, về các trường học, tôi đóng cửa ngồi viết với hy vọng rằng: Vẫn còn những mảng sáng ở lâm nghiệp, ở công nghiệp, đặc biệt là cụm công nghiệp của huyện đã và đang hình thành. Ở đó sẽ thu hút được nhiều lao động dôi dư của huyện, sẽ là đòn bẩy để phát triển nền kinh tế của M’Đrắk một cách bền vững và để có một M’Đrắk khác…

Viết ở trại sáng tác M’Đrắk tháng 5.2013


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét