Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

SỐ: 251 - tác giả THỦY LINH LUNG





MỘT SẮC CAO NGUYÊN

Tản văn


Bầu trời như nhả bạc. Nắng không còn là những vẩn nắng li ti mà đã chếnh choáng men say của núi rừng, trong nắng như nở rộ từng đoá hoa nhỏ xinh của đất và đám bụi, những bông đỏ màu đất tươi mới đang soi mình đùa vui mỗi bận gió ù thổi qua. Đón đợi điều ấy mọi người khẽ thì thầm một mùa khô nữa bắt đầu rồi. Mùa khô đang về giữa đại ngàn.
Mùa bỗng cởi chiếc áo thâm chùng của những màn mưa để khoác lên mình chiếc áo mới sặc sỡ đón đợi một mùa vui. Nơi vương quốc của nắng và gió. Nắng rỏ ong những giọt mật còn gió thì cứ lồng lộng trên cao. Giữa cao nguyên xanh rờn của núi rừng đã chờn vờn những đốm vàng rực rỡ - một sắc cao nguyên, sắc áo của Cúc Quỳ. Những người bạn tôi chỉ mới nghe đến loài hoa ấy với cái tên thật mĩ miều Dã Quỳ, nên bất chợt bắt gặp một bức ảnh Dã Quỳ trên báo thì tôi lại buồn khi nghe họ kết luận đó là hoa Hướng Dương. Thực ra, thoạt nhìn có thể thấy Dã Quỳ có phần nào giống với loài hoa Hướng Dương vì chúng cùng thuộc họ Cúc. Nhưng tôi có phần nào yêu quý loài hoa hoang dại này hơn bởi sức sống kì lạ của nó. Dã Quỳ được biết đến với rất nhiều tên gọi khác nhau như Cúc Quỳ, Sơn Quỳ, Quỳ Dại, Hướng Dương Dại, hay với những cái tên như Hướng Dương Mexico. Với người Nhật họ gọi nó với cái tên gắn liền với người đã đưa nó đến với xứ Phù Tang này đó là Cúc Nitobe. Dã Quỳ sống hồn nhiên chân tình và mạnh mẽ như những con người Tây Nguyên vậy. Sức sống kì lạ ấy phải chăng đã được hun đúc từ ngàn đời! Bởi cây hiên ngang giữa vùng đồi núi, dù trong đất nghèo nàn chất dinh dưỡng, giữa nắng đốt hay mưa dầm hàng tháng nhưng cây vẫn vươn mình cho đời những bông hoa đẹp đẽ xinh tươi.
Mẹ tôi thường kể chuyện ngày xưa, khi bộ đội mới về thường chặt từng ôm cây để nguỵ trang, bởi lẽ đâu đâu trên vùng đất này cũng mọc thứ cây này nên dễ dàng tìm thấy và địch cũng khó phát hiện được. Có lần tôi thử nhai lấy vài đọt lá cây, ngai ngái một vị đắng chát đầu lưỡi, nhưng bỗng thấy mùi cỏ dại thơm nồng, đối với người Tây Nguyên nó là thứ thuốc của trời. Rồi hương nồng đượm đắng chát ấy lớn dần theo người khi cắt từng ôm cây để về ủ lại làm thành một thứ phân bón mà người ta vẫn gọi là phân xanh để giúp đất màu mỡ hơn vì thân cây Dã Quỳ chứa nhiều chất P, Ca, Mg, cũng như cách người ta trồng cây đậu phộng (cây lạc) vào các loại cây khác để lợi dụng những nốt sần mang vi khuẩn cố định đạm giúp đất tươi tốt; đây là cách “nhất cử lưỡng tiện” của ông cha ta mà đến ngày nay những người nông dân  vẫn sử dụng. Hướng Dương chỉ thích cuộc sống đơn độc nên chỉ thường mọc thành từng cây, còn Dã Quỳ thì khác. Khó có thể tìm thấy một bông hoa Dã Quỳ cô độc, bởi lẽ Dã Quỳ mọc thành bụi và nở nhất loạt như một tràng pháo báo hiệu mùa sang.
Tôi thì yêu lắm cái màu vàng lựng của những đoá Dã Quỳ một hữu sắc vô hương, mẹ tôi  thường nói Dã Quỳ là loài hoa vô duyên nhưng tôi lại thấy quý cái vẻ rất riêng rất Tây Nguyên ấy của hoa, bởi trên mảnh đất cao nguyên gió lộng này có lẽ hoa đã vụng về gửi hương của mình theo những con gió mà sống chân tình, hồn nhiên giữa đất trời. Tôi chợt nhớ đến vô tự bia của nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên của đất nước Trung Hoa như một bí ẩn đời đời không thể lí giải và thầm khâm phục chữ “Vô” của đạo Thiền.
          Tôi kể cho bạn tôi nghe về câu chuyện tình tha thiết đầy bi ai của  nàng H'Linh, của con suối dành cho chàng K'Lang của núi rừng để rồi chúng tôi ngạc nhiên thơ thẩn bởi một mái tóc cài bông Dã Quỳ vừa nở làm gương mặt hồng lên trong nắng chiều, rồi thốt lên “Ôi! Những bông hoa rừng”. Tôi mơ màng chìm trong màu vàng rực bên bờ suối như đang nhuộm vàng  tình yêu thủy chung son sắt của các chàng trai cô gái Tây Nguyên.
Một mùa khô nữa lại về giữa cao nguyên có nắng, có gió, có một màu vàng lựng như ấp ủ một tình yêu thầm kín mang sắc màu của tình yêu cao nguyên ban tặng cho hoa.


Mùa hoa!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét