Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

SỐ: 250 - tác giả TRƯƠNG BI






GIA PHẢ CỦA  NGƯỜI M’NÔNG NONG
                                                                        




Người M’nông Nong là một trong những dân tộc bản địa thuộc nhóm ngôn ngữ Môn Khơ Me, hiện cư trú tại các huyện Đắk Song, Đắk R’Lấp, Đắk Rtích của tỉnh Đắk Nông. Dân số người M’nông Nong hiện có khoảng 45.000 người, nhưng nhóm tộc người M’nông Nong đã khẳng định được bản sắc văn hóa của mình trong nền văn hóa độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên.
Từ bao đời nay, người M’nông Nong có phong tục: Trước khi đôi trai gái chuẩn bị lấy nhau, hai gia đình (bên trai, bên gái) gặp nhau, mỗi bên phải cử đại diện đọc gia phả dòng họ mình. Nếu gia phả hai bên không cùng Bà tổ (nghĩa là không cùng dòng họ), thì đôi trai gái đó được lấy nhau. Nếu gia phả cùng dòng họ thì không được lấy nhau. Đó là những quy định đã được ghi vào luật tục cộng đồng. Gia đình nào làm trái sẽ bị xử phạt rất nặng. Điều đó đã được phản ánh trong sử thi M’nông. Sử thi “Kể dòng con cháu mẹ Chép” có đoạn: Người con trai của của ông Bông Kon Rông đến nhà cậu mình chơi (nhà cậu ở bên bờ sông Mê Kông), vì chàng trai này không biết kể gia phả của dòng họ mình nên bị gia đình người cậu đánh cho đến chết. Từ câu chuyện này, người M’nông Nong muốn khuyên bảo con cháu rằng: Đã là người M’nông thì phải biết kể gia phả của dòng họ mình.
  Qua nhiều năm sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian của đồng bào M’nông Nong, chúng tôi đã sưu tầm được bộ gia phả của tộc người này còn lưu truyền trong cộng đồng. Được sự giúp đỡ và cộng tác tích cực của các nghệ nhân: Điểu Kau,  Điểu Klung, Điểu Jach, Điểu Nkuh, Điểu Tă, Điểu Kluk, Thị Juanh, Điểu Nkranh, Điểu Mpioih, Điểu Krong… chúng tôi đã ghi âm và dịch ra song ngữ M’nông - Việt bộ gia phả M’nông Nong, với tổng số 87 dòng họ, 1262 đời khác nhau. Ở đây, mỗi dòng họ của ngưởi M’nông Nong là một cây gia phả độc lập và vô cùng độc đáo, hiếm thấy trong các tộc người khác ở Tây Nguyên. Họ của người M’nông Nong được thể hiện trong gia phả này đã được tổ tiên họ lấy tên những cây rừng, ngọn núi, con suối và tên ông bà có công lập nên bon làng để đặt tên dòng họ của mình. Thí dụ: rừng Le Păng Sơ (Rừng đầu nguồn của  ông, bà Sơ), bà Sơ kết hôn với ông Păng, sinh ra ông Ting. Ông Ting kết hôn với bà Băng, sinh ra ông Tông. Ông Tông kết  hôn với bà Bung sinh ra bà Khuar. Bà Khuar kết hôn với ông Đông sinh ra ông Toch, từ ông Toch sinh ra các đời con cháu tiếp theo. Như thế, từ đời bà tổ Sơ kết hôn với ông tổ Păng, dòng họ đầu tiên (tên là Păng-Sơ) của người M’nông Nong sinh ra 31 đời có quan hệ huyết thống với nhau. Tiếp đến là dòng họ Drôn, dòng họ Nrang và nhiều dòng họ nối tiếp, không cùng huyết thống lại sinh ra các đời con cháu khác nhau.
  Như thế gia phả của người M’nông Nong có 87 dòng họ độc lập với nhau, nghĩa là không có quan hệ huyết thống. Mỗi dòng họ là một cây gia phả do một bà tổ đứng đầu. Tên bà tổ và ông tổ được lấy làm tên dòng họ, hoặc tên núi rừng nơi bon làng của ông bà xây dựng đầu tiên được lấy làm tên dòng họ ấy. Cứ thế con cháu các đời sau nối tiếp có chung một dòng họ. Do một dòng họ có nhiều đời và mỗi đời có nhiều con cháu, nên các thế hệ sau không nhớ nổi tên dòng họ mình. Vì vậy, luật tục của người M’nông Nong quy định, các thế hệ con cháu trong dòng họ phải thuộc gia phả của họ mình, nhằm giáo dục truyền thống xây dựng, bảo vệ cộng đồng của tổ tiên cho con cháu; đồng thời giúp lớp trẻ lớn lên lấy nhau không bị trùng huyết thống. Vì lấy nhau cùng huyết thống là vi phạm luật tục, làm cho giống nòi bị diệt vong và sẽ bị các vị thần linh trừng trị. Điều đó đã được kể  trong sử thi “Gió xoáy bon Tiang”, “Bon Tiang bị sập”, “ Con đỉa khổng lồ nuốt Bon Tiang”…Vì do bà Rông, ông Kong cùng huyết thống lấy nhau, nên đã bị các vị thần trừng phạt, cả bon làng bị gió cuốn đi, bị dìm xuống lòng đất, và bị con đỉa khổng lồ nuốt vào bụng. Do đó người M’nông Nong rất  coi trọng gia phả, nhằm tránh hôn nhân cùng huyết thống và tránh những tai hoạ về sau cho con cháu.
  Việc sưu tầm và phổ biến bộ gia phả M’nông Nong trong giai đoạn hiện nay, có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng bon làng văn minh, giàu đẹp.                                                                    









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét