Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

SỐ: 250 - tác giả THU HƯƠNG




NGHỆ SỸ TRƯƠNG ÂN
VÀ ĐÀN ĐÁ SAN HÔ TRƯỜNG SA


Bằng đam mê và sự nhạy cảm của một người nghệ sỹ, trong một lần ra đảo Trường Sa, nghệ sỹ Trương Ân, Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk đã phát hiện những phiến đá san hô nơi đây khi gõ lên đã cho ra những âm thanh vang và trong trẻo. Và trong hành trình về lại Buôn Ma Thuột lần đó anh đã có một món quà từ đại dương, từ biển đảo quê hương, đó là bộ đàn làm từ đá san hô đảo Trường Sa. Bộ đàn đá sau đó được nhạc sỹ Sỹ Hùng viết nhạc để sử dụng và đã đoạt huy chương vàng, huy chương bạc tại một số liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp.

Sinh năm 1963, nghệ sỹ Trương Ân được biết đến là một nghệ sỹ giỏi trong lĩnh vực biểu diễn và chế tác nhạc cụ dân tộc tại Đắk Lắk. Công tác tại Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk từ năm 1979, đầu tiên với vai trò là một nghệ sỹ thổi kèn trum pét. Dần dần niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc đã cuốn hút anh. Người nghệ sỹ này đã không bỏ lỡ một cơ hội nào để sáng tạo trong lĩnh vực nhạc cụ của mình. Chính vì thế, năm 2008, trong một chuyến đi biểu diễn phục vụ chiến sỹ đảo Trường Sa, anh đã phát hiện những phiến đá san hô khi gõ lên đã cho ra những âm thanh rất đặc biệt. Và khi trở về đất liền anh đã chế tác một bộ làm từ đá san hô Trường Sa. Trương Ân tâm sự: “Ra đảo Trường Sa lần đó, nhiệm vụ của mình là biểu diễn nghệ thuật nhưng trong một lần cùng các anh em đi dạo trên đảo lượm những vỏ ốc, vỏ sò mà mình phát hiện có những phiến san hô lại có được một âm thanh nghe rất trong trẻo và mình đã liên tưởng ngay đến một bộ đàn đá.”
Trở về sau chuyến đi đó, biết rằng những phiến đá san hô này có những âm thanh trong và vang lại không bị bồi âm, công việc còn lại là gò đẽo lại, thử cho đúng nốt nhạc và ráp lên thành một bộ đàn đá. Hạnh phúc vì một món quà từ biển đảo lại có thể trở thành một nhạc cụ độc đáo mà âm thanh cũng trong hơn, vang hơn những bộ đàn đá thông thường, bằng mối quan hệ thân hữu có từ lâu, nghệ sỹ Trương Ân đã nghĩ ngay đến nhạc sỹ Sỹ Hùng sẽ là người đầu tiên viết một bản độc tấu cho bộ đàn đá này.
Còn nhạc sỹ Sỹ Hùng, sau khi tận mắt nhìn thấy và nghe thấy những âm thanh làm từ đàn đá san hô này, trong ông đã dâng lên những cảm xúc và thế là bài độc tấu Hát với đảo xa đã ra đời, bản nhạc có sự dạt dào, lắng đọng của sự kết hợp giữa âm hưởng dân ca Tây Nguyên và dân ca vùng Nam Trung bộ.
Khác với đàn đá thông thường, đàn đá Trường Sa mỏng manh và dễ vỡ hơn, vì thế nghệ sỹ Trương Ân đã lựa chọn nhạc công cho bộ đàn đá là H’Joanh Niê. Vì theo anh, nếu nhạc công là nam thì tay đánh khỏe có thể gây ảnh hưởng đến độ bền của đàn đá và H’Joanh đã đáp ứng được những yêu cầu này vì có tốc độ đánh và lối đánh phù hợp.
Nghệ sỹ Trương Ân ra đảo Trường Sa tháng 4, năm 2008, sau đó bắt tay ngay vào làm nhạc cụ, tập bài hòa tấu cho dàn nhạc, tháng 8 năm 2008, bộ đàn đá san hô do anh sáng tạo đã có dịp trình làng tại Liên hoan Đội tuyên truyền Văn hóa tuyến biên giới, bờ biển khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ VI tổ chức tại Phú Yên. Tại liên hoan này, tiết mục độc tấu đàn san hô Hát với đảo xa do H’Joanh Niê Kđăm thể hiện đã giành huy chương vàng. Cũng tiết mục này, Năm 2009, tại Hội diễn liên hoan toàn quân khu vực miền Trung - Tây Nguyên tổ chức ở Gia Lai, chiếc đàn đá san hô lại tiếp tục mang về tấm huy chương bạc.
Đến nay, đã gần 5 năm trôi qua, bộ đàn đá san hô đã được thừa nhận, đã đi biểu diễn và đoạt được những giải thưởng cao, nghệ sỹ Trương Ân vẫn đau đáu một niềm mong ước: “Giá như mà mình ra đó một lần nữa, mình lấy được một bộ đàn nữa rồi mình sẽ gửi tặng lại Bộ Tư lệnh Hải quân, thứ hai nữa là cũng nhờ các nhạc sỹ viết bài rồi mình sẽ làm đĩa và gửi lại cho Bộ Tư lệnh để làm, giống như là tư liệu cho phòng truyền thống.
Đam mê chế tác nhạc cụ, nghệ sỹ Trương Ân vẫn mang trong mình mộtt niềm trăn trở, làm sao để đàn đá san hô, một món quà từ biển đảo quê hương sẽ được phổ biến hơn nữa, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa. Tiếc rằng, trong 2 năm qua, do hoàn cảnh riêng, nghệ sỹ Trương Ân đã chưa làm được  điều mà anh mong muốn. Giờ đây, niềm mong muốn lớn nhất của anh là được các nhạc sỹ quan tâm nhiều hơn để có nhiều tác phẩm cho cây đàn đá này, vì theo anh có nhiều tác phẩm thì bộ đàn đá mới sống được, mới tồn tại được với một danh nghĩa hoàn toàn mới là đàn đá chứ không còn là những phiến đá san hô thông thường.
Với việc sáng tạo bộ chiêng đeo và gần đây là đàn đá san hô Trường Sa nghệ sỹ Trương Ân đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với mọi người về một người nghệ sỹ giàu cảm xúc, có tâm hồn nhạy cảm và giàu lòng yêu văn hóa truyền thống. Đối với đồng nghiệp và những người bạn có dịp tiếp xúc với anh đều yêu mến và trân trọng những thành quả anh làm được vì anh không được đào tạo chuyên ngành. Tất cả những gì anh có được đều do niềm đam mê cuốn hút và nỗ lực tự học hỏi. Nhạc sỹ Sỹ Hùng, một người bạn thân thiết với nghệ sỹ Trương Ân đã cho rằng: “Tôi rất kết Trương Ân ở tính đã đam mê cái gì là đam mê đến cùng, như nhạc cụ chẳng hạn: từ khi anh ấy tiếp xúc rồi như bị nghiện, anh đã học rất nhanh, rất chuẩn. Làm nghệ thuật phải có sự đam mê như vậy, tôi tin là anh sẽ còn tiến xa nữa trên con đường nghệ thuật.”
Năm 2012, sau nỗi buồn riêng khi người vợ, cũng là một đồng nghiệp ở trong đoàn ca múa dân tộc qua đời sớm với căn bệnh ung thư, nghệ sỹ Trương Ân hầu như càng dốc sức cho niềm đam mê sáng tạo trong lĩnh vực nhạc cụ dân tộc. Với những tâm sự, giãi bày đầy chân tình, mộc mạc hy vọng rằng ngoài nhạc sỹ Sỹ Hùng sẽ còn nhiều nhạc sỹ khác hợp tác với anh để cho ra đời nhiều tác phẩm khác dành riêng cho bộ đàn đá san hô. Bởi đối với anh, đàn đá không chỉ là một kỷ vật thiêng liêng từ Trường Sa mà nó còn cất lên giai điệu thể hiện tấm lòng của một người dân, một người nghệ sỹ đang hướng về Trường Sa, đang gửi gắm vào những thanh âm, giai điệu tình yêu đất nước, tình yêu với biển đảo quê hương.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét