MÀU XANH CƯ K’RÓA
Ghi chép
Tháng 5 này về xã Cư Króa, huyện M’Đrắc, chúng
tôi như bị lạc giữa màu xanh của rừng trồng. Bởi đi đâu, ở đâu, đến bất cứ ngã đường
nào, thôn nào của xã cũng đều rợp trong màu xanh của keo lá tràm. Có cảm giác
như đất này sinh ra là để dành riêng cho cây keo lá tràm bén rễ, xanh cành, tươi
tốt.
Ông chủ tịch xã Nguyễn Văn Song khi nghe tôi hỏi chuyện:
- “Hình như xã ta có phong trào Người người trồng keo, nhà nhà trồng keo thì
phải?” đã trả lời một cách hóm hỉnh, rằng: - “Ở xã chúng tôi không chỉ có
phong trào người trồng keo mà còn có cả phong trào keo trồng người nữa
đấy. Người trồng keo bạt ngàn xanh tốt, keo giúp người xây nhà to, mua xe xịn,
biến nhiều hộ nghèo, vợ chồng lục đục, thành giàu sang, hạnh phúc. Keo không chỉ
giúp nhiều hộ dân thoát được đói, nghèo mà còn “nâng tầm” cho nhiều hộ trở thành
tỷ phú. Có thể nói dân xã tôi và cây keo có mối lương duyên với nhau thiết tha đằm
thắm lắm”. Ông chủ tịch xã trả lời tôi thế, rồi cười một cách vui vẻ. Tôi biết
là lòng ông đang rất vui. Không vui sao được, làm chủ tịch ở một xã vùng sâu, vùng
xa, vốn xưa kia đầy khó khăn, trên 80% số
hộ nghèo đói, dân cứ loay hoay mãi không biết xoay xở cách nào, trồng cây gì,
nuôi con gì để có thể xóa được đói, giảm được nghèo. Thế rồi Công ty nguyên liệu
giấy Tân Mai đưa cây keo đến đất này như là một loài cây định mệnh đã gắn kết với
con người nơi đây, trở thành thứ cây trồng chủ lực, mở lối cho địa phương vươn
lên.
+
Tôi còn nhớ cách đây khoảng 20 năm, tôi đã có dịp về Cư
Kroá. Ngày ấy, đồng bào ở đây còn cơ cực lắm. Mới di dân từ Nam Thanh, tỉnh Hải
Dương vào, chưa quen khí hậu Tây Nguyên, nên nhiều người bị ốm đau, bệnh tật
triền miên. Phổ biến và nặng nề nhất là bệnh sốt rét, có năm toàn xã có trên 30
người chết vì sốt ác tính. Đất đai ở đây lại là đất cát pha sét, pha sỏi, bạc màu,
nên không trồng được cà phê – thứ cây trồng có giá trị kinh tế cao nhất ở Tây
Nguyên - mà chỉ trồng được các cây hoa màu như đậu, lạc, khoai, sắn, nhưng năng
suất cũng… lè tè. Những năm đó hoa màu lại quá rẻ. Bởi thế nhiều hộ đã không cầm
cự nổi, phải bỏ Cư K’róa trở về Hải Dương. Số ở lại cứ phải loay mãi trong việc
tìm hướng làm ăn. Cái câu hỏi to đùng cứ lơ lửng thường trực trong đầu mỗi cán
bộ cấp ủy, chính quyền địa phương, lơ lửng mãi trong nghĩ suy, trăn trở của người
dân ở đây hết năm này qua năm khác là trồng cây gì đây, nuôi con gì đây để có
thu nhập ổn định, thoát được đói, giảm được nghèo? Bấy giờ nào đã có ai dám mơ
làm giàu được trên mảnh đất cát bạc màu này.
Theo ông chủ tịch xã thì: Mãi cho đến năm 2001, khi Công ty nguyên liệu giấy Tân Mai từ
Đồng Nai đổ quân lên đây khảo sát đất đai, rồi bắt đầu cắm cây keo lai xuống đất
này. Cây keo lai như “gái gặp hơi trai” cứ bời bời xanh tốt, tốc độ sinh trưởng
như trông thấy được từng ngày; sau 5 năm đa số đã có đường kính gốc từ 15 đến
25 cm, cao 7 – 8m, cho người trồng một nguồn thu không nhỏ: 70 – 100 triệu đồng/ha.
Thế là từ đó dân cả xã nhào theo cây keo. Xã có 9 thôn, 757 hộ dân, thì chỉ có
hơn 200 hộ ở thôn 7 và thôn 9 người dân tộc Mông không trồng keo; còn lại 7 thôn
người Kinh với trên 550 hộ tất cả đều trồng keo, hộ ít cũng một ha, hộ nhiều tới
bảy, tám chục ha. Đến thời điểm này cả xã có tới 16.725 ha keo lá tràm thuộc
nhiều lứa tuổi khác nhau, chiếm gần 80% diện tích tự nhiên của toàn xã. Nếu tính
cả các loại cây xanh khác như nhãn, mít, vải, chôm chôm… thì diện tích che phủ
của toàn xã lên tới gần 90%.
Có lẽ đây là một xã có diện tích che phủ vào hàng bậc nhất
nước ta. Bởi thế về thăm Cư K’róa, chỉ mới bước chân đến thôn 1 - thôn đầu tiên
của xã - chúng tôi đã bị bao bọc khắp tứ bề bởi màu xanh, như được đắm mình miên
man, mơ mộng giữa màu xanh. Màu xanh ấy cho ta cảm giác thật trong lành, thư thái;
và đặc biệt cho ta sự mát mẻ dù trời đang đổ nắng chang chang và Đài khí tượng
quốc gia cho hay nhiệt độ trong vùng đang 35 – 36 độ C.
Theo anh cán bộ địa chính xã thì: Dân
Cư K’róa nhào theo cây keo không chỉ vì cây keo hợp với thung thổ ở đây mà còn
vì nó dễ tính, không phải đầu tư nhiều. Suốt chu kỳ kinh tế của nó (5 năm), mỗi
ha keo chỉ phải chi tất tần tật khoảng 10 – 12 triệu đồng, nhưng cho thu hoạch
tới 100 ster gỗ và nguyên liệu giấy. Với loại cây lớn, có đường kính từ 20 cm
trở lên (dùng làm gỗ ép) sẽ bán được 1 ster 1,5 triệu đồng. Loại đường kính nhỏ
hơn 20 cm, bán được 700.000 – 800.000 đồng/ ster. Như vậy, cứ trồng 1 ha keo
lai, sau 5 năm sẽ cho nguồn thu khoảng 100 triệu đồng.
Điều kỳ diệu của cây keo là khai thác xong có thể dọn gốc
trồng lại ngay và cây keo trồng lứa sau bao giờ cũng tốt hơn lứa trước. Không
như trồng sắn chỉ làm được vài vụ là đất bị bạc màu, trơ lì, những vụ sau, người
trồng sắn chỉ còn “ăn rễ”. Vì thế, nhà có nhiều diện tích, người ta trồng keo
liên tục, hết chu kỳ này đến chu kỳ khác, không bao giờ cho đất nghỉ. Cũng vì
thế trên địa bàn xã năm nào cũng có khoảng 70 – 80 ha keo được khai thác bán
cho các công ty nguyên liệu giấy và làm gỗ ép, người dân thu về 6 – 7 tỷ đồng/năm.
Hôm ở Cư K’róa, chúng tôi đã đến thăm
một trong những hộ trồng keo giỏi nhất của xã – Đó là hộ bà Ngô Thị Vân ở thôn
2, hiện đang trồng 82 ha keo lai, từ năm thứ 1 đến thứ 5. Bà Vân cho biết: Từ đầu
năm 2012 đến đầu tháng 5.2013 bà cho khai thác 33 ha, thu trên 2 tỷ đồng. Bà
thuê tới 7 nhân công làm việc quanh năm, hết thu hoạch xong liền chuyển sang trồng
mới ngay, không bao giờ để đất trống. Tiếp khách dưới rặng nhãn râm mát ngay
trong vườn nhà, bà Vân xởi lởi:
- “Bây giờ thì tôi mê cây keo quá rồi chú ơi, mê đến quên
ăn quên ngủ, lúc nào cũng nghĩ về nó, lúc nào cũng muốn làm việc, mà làm không
biết mệt. Năm nay đã 65 tuổi, tôi vốn là giáo viên nghỉ hưu, chồng tôi cũng là
cán bộ nghỉ hưu, cả 2 vợ chồng đều có lương hưu đủ sống an nhàn, nhưng tôi thấy
mình không thể ngồi yên trong nhà được. Làm có hiệu quả, nên lòng dạ lúc nào cũng
thấy vui vẻ, quên cả mệt nhọc, quên cả tuổi già. Đấy chú xem, không có cây keo
thì làm gì có cơ ngơi này, làm gì có ô tô, máy kéo và các phương tiện sinh hoạt
đắt tiền khác, lấy đâu ra tiền để đầu tư cho con cái học hành và giúp chúng nó
mở được công ty làm ăn riêng ”…
Nghe cách nói chuyện khá hoạt khẩu,
nhìn vóc dáng khỏe khoắn, bước đi nhanh nhẹn và nhìn nước da rám nắng nhưng mặn
mà của bà, tôi biết bà là một con người rất chịu thương chịu khó, giàu nghị lực,
giàu ý chí, biết nhìn xa trông rộng, đã quyết làm việc gì thì làm bằng được. Đấy
cũng là điều giúp tôi giải thích vì sao từ cách đây mười mấy năm bà đã “thâu tóm được” 82 ha đất trồng keo bới
giá rẻ. Giờ chỉ riêng giá trị đất thôi, nếu chuyển nhượng bà cũng thu được cả
chục tỷ đồng. Từ Hải Dương vào đất này năm 1993, với hai bàn tay trắng, tạo được
gia sản như thế, thật đáng nể phục.
Rời Cư K’róa, lòng chúng tôi không
chỉ có niềm vui về đời sống của người dân đã khấm khá hẳn lên, làng quê thanh bình
và gương mặt người nào cũng lộ rõ sự vui tươi, phấn khởi, mà Cư K’róa còn cho
chúng tôi thấy rõ một hướng đi, hay có thể nói là một giải pháp hữu hiệu để triển
khai thực hiện một nội dung hết sức quan trọng vừa được Hội nghị TW 7 (khóa 11)
đề cập – đó là vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong rất nhiều giải pháp để
ứng phó với biến đổi khí hậu thì trồng rừng, nâng cao độ che phủ cho mặt đất
theo chúng tôi là biện pháp hàng đầu cấp thiết nhất hiện nay. Vì rừng sẽ tạo ra
sự cân bằng sinh thái, giữ nước, tạo nguồn sinh thủy, đất mặt không bị rửa trôi,
tránh được lũ ống, lũ quét, không bị hạn hán, sa mạc hóa… Và như vậy, Cư K’róa
chính là một tấm gương, một mô hình tốt để những nơi khác có điều kiện tương tự
học tập.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét