Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

SỐ: 250 - tác giả HỒNG CHIẾN








THỨC DẬY MỘT TIỀM NĂNG

Ghi chép


Theo quốc lộ 26 A từ Buôn Ma Thuôt đi thành phố Nha Trang, đến km 85 thuộc địa phận huyện M’drak ta bắt gặp một tấm biển dựng bên trái đường không lớn lắm có ghi: Thác Đray K’nao; rẽ trái theo con đường nhựa tương đối bằng phẳng đi thêm gần 3km, trước mắt chúng ta hiện ra một cơ ngơi khá đẹp mắt: Khu nhà tròn không lớn lắm dùng làm nhà hàng, xung quanh trồng hoa và cây cảnh trang nhã, nhiều cây rất lạ được chủ nhân mang từ dãy núi Chư Yang Sin về, đứng soi bóng xuống bể nước nơi có đàn cá cảnh tung tăng bơi lội, đùa giỡn, làm tăng thêm vẻ trang nhã. Sau khu nhà hàng là bãi để xe khá rộng, có mái che bằng tôn; chếch bên phải, một ngôi nhà sàn làm theo kiểu của người Êđê dài độ 70 mét trông rất đẹp; gần nhà sàn là khu nhà nghỉ, phòng hát karaoke… Có thể nói cơ sở hạ tầng của khu du lịch sinh thái Đray K’nao đã đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của du khách đến tham quan và muốn lưu lại. Phía đông, cánh rừng nguyên sinh trải dài, cây cối xanh tốt, chim, sóc… líu lo ca hát, nhảy múa… dưới tán của cánh rừng ấy, tiếng nước đổ nghe như một bản nhạc du dương quyến rũ du khách đến khám phá. 
Theo con đường đổ bê tông hình bậc thang từ khu nhà hàng xuống thác, du khách đi dưới tán cây rừng cao chót vót tỏ bóng mát rượi; trên các ngọn cây, bầy cu xanh đông đúc đứng ngắm trời, khoe bộ lông xanh biếc có điểm thêm một vòng màu gạch nhạt xung quang cổ trông thật đẹp. Con đường uốn lượn qua các gốc cây, đưa chúng ta đến bên dòng thác. Đray K’nao không lớn lắm nếu so với các thác khác trên dòng sông Serepok, nhưng cái riêng và khác chính là độ dài của dòng thác. Từ con đường bê tông đưa ta đến lưng chừng thác, hiện ra trước mắt những khối đá đen khổng lồ chen nhau xếp hàng tạo nên dòng chảy nhiều bậc, mỗi một bậc tạo ra một vẻ đẹp khác nhau làm say đắm lòng người. Vẫn theo con đường bê tông đi ngược dòng chảy, ta được chiêm ngưỡng những gốc đa cổ thụ, gốc lớn chừng vài vòng tay người lớn ôm không hết; cái lạ và hấp dẫn ở đây chính là những cây đa mọc lên từ đá, bộ rễ xù xì ôm trọn những hòn đá lớn giống như cây bonsai khổng lồ đã được một nghệ nhân tài hoa tạo hình. Nhưng cũng có cây chỉ ôm một phần tảng đá lớn, phần tảng đá còn lại to như một gian nhà, khá bằng phẳng để du khách có thể ngồi hóng mát, thưởng cảnh thác và cùng nhau nhâm nhi thì thật thú vị. Lại có hòn đá được hai thân cây đa cùng buông rễ ôm ấp, tạo thành hình của chiếc ô khổng lồ, có thể bày bàn nhậu cho vài chục người cùng chung vui.
Bên mép nước, nhiều hòn đá lớn xếp với nhau tạo nên những cái hang huyền bí, cũng là nơi những bạn trẻ ưa mạo hiểm có thể rủ nhau cùng khám phá, mang lại niềm vui thích thú đến bất ngờ. Bờ phía đông dòng thác, quang cảnh còn rất hoang sơ vì chưa được tôn tạo; chính điều ấy tạo nên một nét đẹp riêng, lôi cuốn những ai muốn thử sức sự mạo hiểm khám phá thiên nhiên của mình. Hai bên thác, rừng cây nguyên sinh được bảo vệ tương đối tốt, tỏa bóng che mát trọn đoạn đường cho tất cả mọi du khách đến tham quan thác; trên ngọn cây, chim, sóc nhảy múa cũng tạo nên một bức tranh sinh động, thu hút khách xem, đây cũng chính là điểm khác biệt của Đray K’nao với các dòng thác khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Có thể nói: Mỗi gốc cây, mỗi mỏm đá đều gợi cho ta những liên tưởng khác lạ và thúc dục ta khám phá, tìm hiểu và thư giản hình như khi dừng chân bên dòng thác này, chúng ta xua đi mọi phiền muội của đời thường.
Đray K’nao đẹp như thế, có địa thế thuận lợi về giao thông, được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tương đối đầy đủ như vậy, tại sao vẫn ít khách? Đây là câu hỏi đang đặt ra cho chủ đầu tư, Ban quản lý khu du lịch sinh thái cũng như chính quyền địa phương. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy tạm chia tay thác, quay ra quốc lộ 26 A trở về thị trấn M’drak, qua chợ Khánh Chỉ; cả một đoạn đường dài như vậy, tuyệt nhiên không thấy có thêm bất cứ một hình ảnh nào giới thiệu về thác để du khách biết. Đray K’nao nằm trên tuyến du lịch: Nha Trang – Buôn Ma Thuột – Đà Lạt – Nha Trang, nhưng đã có công ty nào đưa khách của mình ghé thăm? Phải chăng thời gian qua, dòng thác đẹp, thơ mộng giống như “công chúa ngủ trong rừng”, chưa được đánh thức. Muốn mọi người biết để đến tham quan, ban quản lý thác phải biết quảng bá hình ảnh trên pano, áp phích, hay tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng… để du khách chưa đến đã biết và khi đã biết là muốn đến; còn khi đã đến địa phương phải thấy được những hình ảnh biết nói, lôi kéo du khách đến, đến một lần rồi lại muốn dẫn gia đình bạn bè đến thăm lần nữa. Bên cạnh đó Ban quản lý thác cần liên kết với buôn Tai, xã Krông Jin tạo thêm điểm tham quan, giới thiệu cho du khách tìm hiểu những ngôi nhà sàn truyền thống của người Êđê đang được lưu giữ và bảo tồn khá phong phú song song với những ngôi nhà dài được xây dựng mới, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng riêng của nền văn hóa bản địa. Rời buôn Tai, du khách tiếp tục đến thăm trang trại Trung Nguyên, tại đây mọi người được chiêm ngưỡng đồng cỏ thảo nguyên M’drăk thu nhỏ - hình ảnh của thảo nguyên M’đrăk một thời nổi tiếng nay đã biến mất nhường chỗ cho các cánh đồng mía, khoai mì, cao su…; thăm đàn ngựa trên trăm con được mua từ các nước Ả rập, Tây Âu, Úc về, tung tăng trên đồng cỏ; hoặc xem hươu sao, heo rừng… được nuôi bán tự nhiên; tất cả những nét đặc biệt đó tạo nên quần thể du lịch hấp dẫn du khách trên địa bàn. 
Để phát huy hết tiềm năng của sản phẩm “công nghiệp không khói Đray K’nao”, đã đến lúc những người làm công tác quản lý nơi đây phải có một tầm nhìn chiến lược, quảng cáo quy mô kết hợp với liên kết với các công ty du lịch ở các tỉnh Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lăk…, tạo điều kiện thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan. Việc cải tạo và nâng cấp một số hạng mục phục vụ việc tham quan thác của du khách cũng cần phải được làm ngay. Thác Đray K’nao” có chiều dài gần 700 mét còn nhiều điểm hấp dẫn nhưng chưa được khai thác hết để du khách có thể chiêm ngưỡng như: Đường nhánh đi xuống các mỏm đá đẹp, gốc cây lớn hay các hang động phía đông... Đặc biệt phía chân thác, nước tạo thành một chiếc hồ nho nhỏ có thế ngồi câu cá cũng chưa được đầu tư đường để du khách xuống thưởng ngoạn. Nếu những người quản lý nơi đây, làm được những điều ấy, tôi tin du khách bốn phương không chỉ nhớ tới vùng đất xinh đẹp thường được biết với cái tên thảo nguyên M’Drak thơ mộng qua bài hát “Ơi M’Drak” của nhạc sĩ Nguyễn Cường, mà còn nhớ đến M’Drak như một điểm du lịch hấp dẫn, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng.

Mùa mưa năm 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét