Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

SỐ: 251 - tác giả VŨ DY




TẬN MẶT TÂY BẮC
Tùy bút



Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
                                                                                     (Quang Dũng)
                                  
    Những nương ngô chập chùng trên núi, bản làng cheo leo và từng cung đèo ngoạn mục uốn lượn là nét chấm phá tuyệt đẹp trên nền xanh hun hút của núi rừng Tây Bắc. Một chuyến đi ngắn nhưng kí ức cứ dài xa tít tắp. Bây giờ thì Sơn La, Điện Biên đã trở thành miền thương nhớ. Khôn nguôi. Như mắt  cô gái Thái, không lời, nhưng sâu vợi.
   Trước đó một ngày chúng tôi về thăm cố đô Hoa Lư, lên chùa Bái Đính trưa nắng chói chang hòng “ăn mày cõi phật” để chiêm ngưỡng cái bề thế của một công trình, nghe đâu là ngôi chùa lớn nhất nhì Đông Nam Á, dù còn dang dở, và để thấy cái tục lụy thời mở cửa, đã thâm nhập ồn ã đến tận cửa thiền. Buổi chiều chèo thuyền thăm khu danh thắng Trường An. Đi qua nhiều hang động, núi cao hàng hàng và hồ nước quanh co xanh ngắt rong chìm, lòng vòng như ma trận, thành lũy phên dậu của vua Đinh thời giữ nước đây mà. Đặng Bá Tiến cùng Hồng Chiến nhẩn nha bấm máy. Thuyền đi lững lờ, chúng tôi chèo phụ với chị lái đò và hát “Thuyền ơi viễn xứ xa xôi, một lần qua dạt bến lau thưa, hò ơi giọng hát thiên thu, suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về”*. Chiều xuống chậm, một con chim vịt líu ríu đùa dưới chân hoa súng, lẻ loi. Bóng núi chìm sâu, nghe một chút hào sảng, một chút ngậm ngùi.
    Bây giờ thì tôi đã ở giữa lòng Sơn La. Và Sơn La đã trong tôi. Phố trong núi và núi trong phố. Phố mà vẫn xanh ngời bóng núi. Mưa đã rơi xuống lần đầu trong suốt những ngày chờ đợi, xua đi cái oi nồng của một đêm Lăng Cô, một trưa Hà Tĩnh gió Lào. Mưa giữa khuya, mơ hồ trên mái tôn và cây lá, trên những đồi ngô cao tít có những ngôi nhà kiêu hãnh một mình. Cô đơn và kiêu hãnh. Tháng sáu ngô bắt đầu ấp bẹ, hoa trắng xám và râu ngô tím giữa nhạt nhòa lá xanh. Đẹp và buồn. Phố Sơn La ban đêm như một giấc mơ. Sầm uất và một chút hoang liêu. Như Buôn Ma Thuột mươi, mười lăm năm trước, hoang liêu và nhung nhớ. Tôi nhớ cái thân tình  bữa tiệc chiêu đãi của anh em văn nghệ Sơn La, nhớ cái nồng ấm của rượu đắng và măng ngọt, mỗi thứ một vị, nhưng cuộc say có khác gì nhau, cứ mãi ngọt ngào. Buổi sáng Sơn La mùa này không có sương nhưng phố vẫn điệu đàng vì những cô gái Thái gánh hàng rau xuống chợ. Những bó rau gọn gàng xanh biếc, những chùm ớt đỏ, quả rừng chỉn chu thật đẹp ở hai đầu đòn gánh đong đưa. Váy đen, áo tím, thắt lưng xanh màu lá. Con gái Thái xuống chợ cũng đẹp như đi hẹn hò. Đặng Bá Tiến, Trần Chi liên tục bấm máy, còn tôi, anh Tiến Thảo và Khôi Nguyên cứ ngẩn ngơ nhìn.Tôi nhớ Yên Châu và Mộc châu, dõi mắt cố tìm đàn bò trên thảo nguyên xanh nhưng không thấy, chỉ toàn đồi ngô, mỏi mắt, thi thoảng những vạt dong riềng hoa đỏ rưng rưng giữa đá tai mèo. Sơn La mùa này hoa ban chưa nở, lá cứ nhưng nhức xanh, hình móng bò. Tôi tiếc mãi vì không được nhìn thấy màu trắng và đỏ của một loài hoa đã yêu lâu rồi nhưng chưa tận mặt. Một cuộc tranh luận không ngã ngũ nổ ra ngay trên sân Nhà đày vì ai đó phát hiện hoa ban Sơn La giống hệt hoa móng bò ở Buôn Ma Thuột. Hoa ban nghe thơ mộng, còn móng bò lại gần gũi. Sao cứ phải là hai loài hoa khác nhau mà không là một để Tây Nguyên và Và Tây Bắc gần nhau hơn chút nữa? Tôi thầm nghĩ. Rời Nhà đày Sơn La ngược nguồn sông Đà lên thủy điện. Sông Đà mù khuất trong mưa, mưa mù khuất tôi. Sừng sững trước chúng tôi là một con đập bê tông khổng lồ chắn ngang dòng sông hung dữ. Tầng tầng kiên cố. Mới thấy trước cái vĩ đại của con người làm thiên nhiên phải khuất phục một cách toàn diện. Rất tiếc, mới đầu mưa, cổng xả lũ chưa hoạt động và chúng tôi không được chiêm ngưỡng vẻ mĩ lệ khi hàng nghìn khối nước thoát qua, tung bờm trắng xóa như lũ ngựa bất kham băng về phía hạ nguồn. Dưới mờ xa, sông Đà trắng ngần như dải lụa. Bên lan can ướt mưa nhìn xuống, tự dưng mơ mộng, muốn mình bé nhỏ như chiếc lá rừng, thoát lìa, đáp xuống, qua bao ghềnh thác, trôi mãi về phía hạ du.
    Cơn bão số hai bám theo chúng tôi suốt hàng trăm cây số đường rừng về đến Điện Biên bằng một chiều mưa lê thê. Cuối cùng rồi cũng đến được Điện Biên, mảnh đất huyền thoại, gắn liền với những tên đất, tên người và những trận đánh ác liệt. Phố đẹp, thơ mộng và yên bình, chim sếu theo bão rớt dạt về, chấp chới đầy bầu trời thành phố. Tôi cứ nghĩ hình như nơi đây chưa từng trải qua những tháng năm kháng chiến gian khổ “Mưa dầm, cơm vắt” đầy máu và nước mắt. Điện Biên đã hồi sinh giữa núi rừng xanh mướt. Buổi sáng ở Văn phòng Hội VHNT Điện Biên chúng tôi vừa nói chuyện vừa chờ ngớt mưa để thăm Nhà bảo tàng và lên chiến địa xưa. Những cái tên như hầm Đờ-cát, đồi A1, Him Lam, Mường Thanh… vẫn còn đó, nguyên vẹn, sừng sững suốt 70 năm qua. Chúng ta đã bước một bước dài về phía trước, nhưng đối với người Pháp nơi đây mãi mãi là một kỉ niệm buồn. Buổi trưa, đứng bên tượng đài Chiến thắng nhìn xuống, thành phố non trẻ rạng rỡ sau mưa, lô nhô giữa cây lá, xanh ngời như ngọc.
    Đi chợ là một thú vui, dù chẳng để mua gì hoặc chỉ để xem người ta mua mua chọn chọn. Dân văn nghệ thường hay uống rượu nên tìm thuốc làm mát gan. Trần Chi và Đặng Bá Tiến đến bữa ăn nào cũng kè kè theo can rượu nên lên chợ khuân về cơ man là bọc to bọc nhỏ la hán quả và lá rừng để củng cố lá gan. Lạ thật, thuốc bổ gan nhưng phải ngâm trong rượu cho dễ uống!? Đêm Điện Biên mát lạnh, cảm giác thật lạ lùng khi đi trên phố khuya Tây Bắc, ngang qua những quán ăn “Lợn bản, gà đồi, dê núi”, những dãy phố toàn các loại rượu ngâm sâu chít, hà thủ ô, sâm núi và vô số các loại cây lá, rễ rừng, những shop bán trang phục người Thái, Mường, nghe một chút bâng khuâng, một chút nuối tiếc ở nơi biết rằng sẽ còn cơ hội để quay lại. Đêm cuối cùng ở Điện Biên quá nhiều kỉ niệm, cũng giống Sơn La, ngồi xếp bằng trên sàn uống rượu. Món ăn kiểu người Thái. Có thịt băm nướng lá, có măng nấu chua, có xôi nếp tím trong lá chuối xanh, có những món tôi không nhớ tên nhưng không thể nào quên vị. Rượu nồng, đầy ắp niềm vui và “khát vọng”.
    Nhớ đêm Hòa Bình. Từ Điện Biên về đến hơn 8 giờ tối mà anh em trong cơ quan Hội văn nghệ Hòa Bình vẫn còn đợi và cho người ra dẫn đường. Thật vui và cảm động. Đêm giao lưu ấy Khôi Nguyên làm MC, anh Tiến Thảo, Đặng Bá Tiến, Trần Chi đọc thơ, Chị Lệ Hải hát “Bóng cây kơ nia”. Sau này tôi hỏi nhỏ hôm ấy đau chân sao vẫn đọc thơ nồng nàn vậy, Tiến Thảo bảo hôm ấy anh dẫm phải “gai tình”. Ngồi xe suốt hàng trăm cây số chẳng sao, vừa đặt chân xuống đất Mường đã dẫm phải gai tình. Lạ thật? Nhớ Hòa Bình, tôi còn nhớ những ngôi nhà sàn lá cọ, đêm ngủ se se lạnh, nhớ một Kim Bôi, một “Nụ cười sơn cước”**.
     Bây giờ tất cả đã tận mặt và đã vụt xa. Những đêm và ngày Tây Bắc, núi rừng và lũng đèo, những nói cười, ánh mắt, và cả những chuyện tiếu lâm, những câu thơ châm chọc, khúc hát trên suốt dọc đường và giai thoại, tự biên, thêm thắt và “diễn nôm”, tất cả đã thành thương nhớ mà mỗi lần hồi tưởng lại cứ thấy tươi rói, trong veo, mát lành như suối tưới.

                                                                                    Krông Bông, 4.7.2013







* Lời trong bài “Thuyền viễn xứ” của Phạm Duy
** Tên một nhạc phẩm của Tô Hải





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét