Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

SỐ: 250 - tác giả Y CHINH sưu tầm

SỰ TÍCH KRÔNG BÔNG
VÀ DRAY H’LING
(Truyện cổ Êđê)



Ngày xưa, bên bờ sông mẹ, có một bộ tộc sống trong một buôn lớn nhất vùng. Tất cả các trận chiến để chiếm lĩnh và mở rộng lãnh thổ, buôn này đều thắng nên dân trong vùng bầu một vị tướng tài giỏi nhất của buôn lên làm mtao (tù trưởng).
Mtao kết hôn với một cô gái đẹp nhất trong buôn rồi sinh hạ một cô con gái được đặt tên là H’Ling. Về phía mtao, khi nghe tin vợ sinh con thì mtao liền truyền lệnh cho tất cả trai làng “Hãy mau mau thu thập lại tất cả voi ngựa và chuẩn bị sẵn 12 trai làng xuất sắc nhất đi báo tin cho những tù trưởng của các vùng khác nhau đến dự tiệc rượu ăn mừng”. Ba ngày sau, những trai làng cùng với các vị tù trưởng từ các vùng khác đã đến đông đủ để dự tiệc rượu ăn mừng. Ngày khởi tiệc mtao ra lệnh bắt bảy con trâu để cúng cho các thần linh và 12 con heo to nhất có nhiều thịt nhất để tiếp đãi 12 sứ giả từ 12 vùng khác. Buổi tiệc được bắt đầu, ăn mừng được kéo dài đến bảy ngày rồi cứ vậy từng người một đến và đem theo vật quý dâng lên cho H’Bia H’Ling mới chào đời. Trong bảy ngày tiệc đó có biết bao tiếng khèn đing năm, đing tut và cồng chiêng cùng với những lời ca tiếng hát của những trai gái đối đáp tình duyên. Khi bảy ngày tiệc đã sắp tàn thì xuất hiện một ông mtao cuối cùng ở vùng khác đến mừng, nhưng người vẫn đông như kiến, ông là người bạn thân thời trai trẻ của mtao nên đích thân mtao và vợ tiếp đón. Ba người uống rượu hết ché này lại tiếp ché khác, cứ thế… và câu chuyện cuối cùng của ba người là ông khách xin mtao gả H’Bia H’Ling cho con trai mình. Sau khi suy nghĩ, mtao và vợ gật đầu đồng ý. Mtao nói: “Hãy để cho hai đứa chúng nó lấy nhau sau 16 mùa rẫy”. Thời gian cứ thế trôi đi hết mùa này lại sang mùa khác, cứ đến một mùa rẫy trôi qua là ông lại dẫn con trai mình đi gặp H’Bia H’Ling một lần. Đến mùa rẫy thứ 15, hai đứa con cũng đã lớn cả rồi. Hai bên gia đình bàn bạc chuẩn bị cho hai người lấy nhau trong đầu mùa rẫy sắp tới. Trong thời gian chờ đợi lại có một chàng trai đến từ miền khác và ghé nơi mtao để nghỉ chân. Chàng trai này được biết mtao có con gái rất xinh nên muốn xem mặt. Sau khi xem mặt H’Bia H’Ling, chàng mê đắm vì sắc đẹp của nàng nên có ý xin mtao gả con cho mình nhưng mtao không đồng ý vì H’Bia H’Ling đã có hôn ước rồi.
Chàng quay về trong đầu luôn nghĩ mình sẽ chiếm và lấy H’Bia H’Ling bằng được. Sau một thời gian, chàng quay lại và chuẩn bị binh lính cùng vũ khí với ý định: “Nếu mtao không gả con gái thì sẽ tấn công chiếm lĩnh buôn và bắt H’Bia H’Ling làm vợ”. Mọi chuyện đã nằm trong sự sắp xếp của chàng. Khi đến nơi, mtao vẫn một mực không gả con gái cho hắn vì H’Bia H’Ling đã có hôn ước. Chàng trai liền đưa ra lời đe dọa như ý định của mình. H’Bia H’Ling nghe thấy vậy liền bỏ chạy với suy nghĩ: “Không thể vì mình mà cả buôn mình phải đánh trận, vì mình mà dân trong buôn sẽ phải bị thương và chết chóc”. Nàng chạy mãi, chạy thật xa, đêm nàng cũng đi, ngày nàng cũng chạy, qua hết ngọn núi này lại đến ngọn núi khác, nàng đã vượt không biết bao nhiêu là con suối. Khi đến một khu rừng sâu bên thác của sông Srêpôk, nàng dừng chân trên một tảng đá to bên cạnh thác nước ngồi khóc. Nàng nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ người thương đã cùng hôn ước với mình, nhưng nàng không vì hạnh phúc riêng mà đánh đổi bằng mạng sống của cha mẹ, của dân buôn, nước mắt nàng hòa trong nỗi đau. Nàng khóc ngày qua ngày, tháng qua tháng, rồi một mùa rẫy mới sắp đến gần, mùa trăng tròn trôi qua, lúc này nàng mệt và đói, nàng thiếp đi và nàng chết vì quá đau buồn.
Về phần mtao khi thấy H’Bia bỏ đi mà không thấy về thì rất lo lắng và càng bực tức chàng trai kia. Nhưng việc trước mắt là tập trung dân làng để tìm H’Bia. Mọi người đi tìm H’Bia hết buôn này đến buôn khác, hết khu rừng này sang khu rừng nọ nhưng không thấy. Khi đến khu rừng bên thác nước có một tảng đá to, xung quanh có nhiều cây đại thụ che chắn, mọi người tìm thấy thi thể nàng nằm trên tảng đá, vội đưa nàng về. Khi về đến nhà, vợ mtao quá đau buồn khiến bà bị hôn mê. Sau khi chôn cất H’Bia H’Ling xong, mọi người quay lại dòng thác nơi mà nàng H’Ling chết để làm lễ cầu hồn cho nàng và đặt tên cho thác là Dray H’Ling (dray có nghĩa là thác).
Về phần vợ mtao, sau khi con gái mất đi, bà rất đau buồn rồi lâm bệnh nặng. Mặc dù mtao đã sai các thuộc hạ của mình đi hết khắp vùng buôn xa, buôn gần để tìm thầy thuốc chữa bệnh cho vợ và lấy đủ các loại thuốc để chữa trị nhưng sức khỏe của bà vẫn không có tiến triển gì. Một thời gian sau bà cũng mất. Mtao vừa đau buồn vừa tức giận chàng trai kia, nhưng còn phải lo chôn cất vợ. Mtao liền sai binh lính chặt cây bên kia sông Srêpôk để làm quan tài cho vợ mà không được chặt cây bên này vì mtao nổi tức giận rừng bên này sông đã giấu H’Bia H’Ling, làm cho nàng chết vì đói, khát. Mtao sai thuộc hạ là những người có cơ bắp rắn chắc, thật khỏe mạnh qua bên kia sông chặt cây rồi chuyển về. Cây phải là cây gỗ to nhất và quý nhất. Các thuộc hạ của mtao qua bên kia sông tìm cây gỗ to và quý nhất rồi đục đẽo để làm quan tài cho vợ mtao. Sau khi đục đẽo quan tài xong, các thuộc hạ chuyển quan tài qua sông nhưng khi đi đến chính giữa con sông thì quan tài liền chìm xuống đáy sông và biến mất, không sao tìm vớt lên được. Mọi người phải quay lại tìm chặt cây khác, nhưng khi đưa qua sông thì vẫn bị chìm và biến mất như cái trước. Rồi cứ như thế, cái thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu đều bị chìm xuống giữa lòng sông. Sau nhiều ngày dài, mệt nhọc, suy nghĩ vì đã làm đến cái quan tài thứ sáu mà vẫn chìm xuống sông. Đêm hôm đó, mtao nằm mơ gặp thần rừng, mtao liền hỏi: “Tại sao thuộc hạ của tôi lấy cây gỗ bên kia sông làm quan tài khi chuyển về qua bên này sông lại bị chìm xuống hết vậy?” Thần rừng đáp: “Ta không muốn cho mtao lấy bất cứ thứ gì bên kia sông vì không thuộc quyền quản lý của mtao”. Mtao chợt hiểu ra nhưng vẫn cố xin thần rừng một cây gỗ để làm quan tài cho vợ và được thần rừng đồng ý với một điều kiện là hãy đặt tên cho vực sông này là “Krông Bông” (krông có nghĩa là sông, Bông có nghĩa là quan tài) và mtao đồng ý. Tỉnh giấc mtao liền vội nói với thuộc hạ của mình là qua bên kia sông tìm cây to và quý nhất làm quan tài và chuyển về, đây là quan tài thứ bảy. Rồi từ đó mọi người gọi tên sông nơi mà quan tài bị chìm là Krông Bông. Cái tên ấy được lưu truyền đến ngày nay.
Sau khi chôn cất vợ xong, mtao liền cho người đi tìm chàng trai đã có hôn ước với con gái đến gặp mtao. Khi chàng trai đến, mtao liền tập hợp thuộc hạ và dân làng trong buôn rồi tuyên bố: “Kể từ bây giờ chàng trai này là mtao của mọi người, cai trị, thống nhất lãnh thổ”. Sau khi nhận làm tù trưởng chàng trai liền tập hợp và kêu gọi dân làng hợp sức cùng đánh đuổi chàng trai kia – người đã làm cho H’Bia H’Ling và vợ mtao chết…


   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét