Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

SỐ: 250 - tác giả PHẠM TUẤN VŨ





TRẺ MỤC ĐỒNG VỚI BỨC TRANH LÀNG QUÊ
TRONG THIÊN TRƯỜNG VÃN VỌNG




Thiên Trường vãn vọng (Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra) là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật nổi tiếng được vua Trần Nhân Tông (tên thật Trần Khâm, 1258-1308) sáng tác trong dịp về thăm quê nhà tại phủ Thiên Trường (nay thuộc tỉnh Nam Định). Bằng nhãn quan tinh tường của một tâm hồn thanh tịnh, “nổi tiếng khoan hòa, nhân ái”, tác giả - “một nhà văn hóa lớn, một nhà thơ tiêu biểu của thời Trần” đồng thời cũng là một nhà sư, “vị tổ thứ nhất của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử” (Ngữ văn 7) - đã vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp, đậm chất thiền môn về làng quê Bắc bộ ngày trước.
Bức tranh ấy được vẽ nên trước tiên bằng hai câu đầu độc đáo. “Thôn hậu thôn tiền đạm tử yên/ Bán vô bán hữu tịch dương biên” (Trước xóm sau thôn tựa khói lồng/ Bóng chiều man mác có dường không – Ngô Tất Tố dịch). Một loạt thủ pháp được sử dụng trong hai câu đầu: điệp (thôn, bán), đối (thôn hậu/ thôn tiền, bán vô/ bán hữu), so sánh (sau thôn trước thôn đều mờ mờ như khói phủ/ Bên bóng chiều (cảnh vật) nửa như có nửa như không – Bản dịch nghĩa của SGK). Với những thủ pháp này, không gian trong bài thơ như được giãn nở, có sự mở rộng biên độ đến tối đa theo hai chiều tiền-hậu (sau và trước); cảnh vật trong buổi chiều tà như bị làm nhòe, mờ đi, trở nên mơ hồ, khó nắm bắt (nguyên tác chữ Hán chỉ nói “nửa có nửa không bên mặt trời chiều – tịch dương biên” mà không hề nhắc tới cảnh vật càng làm cho khung cảnh thêm mờ ảo). Ánh nắng nhạt của mặt trời lúc chiều muộn (tịch dương), cùng với khói lam chiều, sương xuống dường như hòa quyện vào nhau, tất cả đều bị nhạt nhòa, trở nên mơ hồ, như không như có. Bút pháp gợi tả đặc trưng của thơ cổ điển đã phát huy thế mạnh trong hai câu đầu. Bức tranh thiên nhiên vì vậy mà giống tranh thủy mặc, đứng im, trầm lặng, dễ gây cảm giác đìu hiu, quãnh quẽ.
Thông thường, trong thơ cổ nói chung, thơ tứ tuyệt Đường luật nói riêng, hai câu đầu tả cảnh, hai câu sau gợi tình. Cảnh vắng lặng, u trầm thì tình cũng thường buồn bã, mang nhiều tâm trạng, bởi nói như cụ Nguyễn Du: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Truyện Kiều). Thế nhưng tâm trạng của chủ thể trữ tình trong bài thơ có phải như thế? Ta chú ý tâm thế của tác giả lúc này: Một vị vua yêu nước, yêu thiên nhiên, giàu lòng nhân hòa đang đứng trước cảnh quê hương thanh bình, xã tắc bền vững, kết quả mà ông “đã cùng vua cha lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên thắng lợi vẻ vang” (Ngữ văn 7). Hơn nữa, thi nhân còn là thiền nhân, một cao tăng đắc đạo đang đứng trước làng quê yên lành với một tâm thiền bình tịnh. Rõ ràng chủ thể trữ tình không mang tâm trạng buồn sầu. Điều gì giúp nhà thơ có được cái nhìn nên thơ, thanh thản như vậy? Hình ảnh mục đồng trong câu ba giúp ta trả lời điều này.
Câu thứ ba của bài thơ là: “Mục đồng địch lí ngưu quy tận”. Tạm dịch “trong tiếng sáo của trẻ chăn trâu, trâu đã về hết”. Hai câu đầu sang câu ba đã có sự biến chuyển lớn. Từ một không gian nhạt nhòa, dường như đứng im chuyển sang không gian động (trâu về hết và hình ảnh “từng đôi cò trắng liệng xuống đồng” trong câu cuối), có âm thanh (tiếng sao vẳng). Đặc biệt, hình ảnh mục đồng xuất hiện đúng lúc, quy tụ bức tranh thiên nhiên để thành một điểm nhấn quan trọng. Con người với cuộc sống lao động đã làm bừng dậy sự sống của cảnh vật. Ta chợt nhớ đến hình ảnh “cô em xóm núi xay ngô tối” cùng lò than rực hồng là điểm sáng, ánh ngời lên sự sống không bao giờ lụi tàn đồng thời thể hiện ở thi nhân tinh thần lạc quan cách mạng, yêu thiên nhiên với một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm trong cảnh bị tù đày giữa núi rừng lúc chập tối cô quạnh, hắt hiu, mệt mỏi trong bài Mộ của Hồ Chủ tịch (Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ/ Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không/ Cô em xóm núi xay ngô tối/ Xay hết lò than đã rực hồng – Nam Trân dịch). Mặt khác, hình ảnh trẻ con chăn trâu hồn nhiên với tiếng sáo trong veo, cao vút, hình ảnh đàn trâu no cỏ chậm rãi bước về, những đôi cò trắng bay xuống đồng đã làm cho bức tranh làng quê qua cái nhìn của thi nhân trở nên sống động, gần gũi, nói lên được nhiều điều ở con người tác giả, đúng như nhận xét: “Cảnh tượng buổi chiều ở phủ Thiên Trường là cảnh tượng vùng quê trầm lặng mà không đìu hiu. Ở đây vẫn ánh lên sự sống của con người trong sự hòa hợp với cảnh vật thiên nhiên một cách nên thơ, chứng tỏ tác giả là một người tuy có địa vị tối cao nhưng tâm hồn vẫn gắn bó máu thịt với quê hương thôn dã” (Ngữ văn 7).
Hình ảnh mục đồng thường xuất hiện trong thơ ca cổ điển, là đề tài quen thuộc của tác giả trung đại. Trong bài Thanh minh của nhà thơ Vãn Đường nổi tiếng Đỗ Mục cũng có hình ảnh mục đồng. Trong bài thơ này, đứa trẻ chăn trâu với cái chỉ lối ra thôn Hạnh Hoa (mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn) lặng lẽ, mệt nhọc (dao chỉ nghĩa là chỉ ra xa xa) làm cho người đi đường (lộ thượng hành nhân) trong cái lạnh lẽo của mưa rơi lất phất (thanh minh thời tiết vũ phân phân) chỉ muốn hỏi ai đó một quán rượu để dừng chân (tá vấn tửu gia hà xứ hữu - ướm hỏi quán rượu nơi nào có) càng tê tái thêm nỗi buồn của người lữ hành cô độc (dục đoạn hồn). Còn trong bài thơ của Trần Nhân Tông, trẻ mục đồng qua tiếng sáo vẳng vẳng, qua đàn trâu no cỏ thong thả về chuồng lại hiện lên tươi vui, yêu đời, thanh thản. Tại sao có sự khác nhau như vậy? Có lẽ do mỗi bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh khác nhau, cảm xúc, tâm thế của mỗi tác giả cùng không giống nhau, mỗi hình ảnh được xây dựng nhằm phục vụ cho một ý đồ nghệ thuật riêng. Dầu vậy, có thể khẳng định rằng, mỗi hình ảnh đều mang một giá trị độc đáo riêng, gặp nhau ở chỗ đều là điểm quy tụ để rồi bung tỏa toàn bộ nội dung tác phẩm, thể hiện được nhiều điều về tâm trạng, cái nhìn của chủ thể trữ tình.

Có thể nói, trong tác phẩm văn học, nhất là trong thơ, hình ảnh có một vai trò quan trọng. Đó là phương tiện đắc lực trong việc giúp nhà thơ phản ánh hiện thực, bộc lộ tình cảm, nêu lên quan niệm… Có nhứng bài thơ mà toàn bộ giá trị của nó hầu như được quy tụ, kết tinh trong một hoặc một vài hình ảnh, dĩ nhiên đó phải là hình ảnh rất “đắt”. Trẻ mục đồng trong bài Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông là một trong những hình ảnh như vậy. Bởi nó không chỉ có tác dụng làm “ánh lên sự sống con người” mà còn nói lên được ở tác giả một tâm hồn nhạy cảm, “gắn bó máu thịt với quê hương thôn dã” dù đang ở trong địa vị tối cao. Bài thơ không dài, viết bằng chữ Hán, lại ra đời rất sớm trong giai đoạn đầu của văn học viết nước ta nhưng có sức sống lâu bền trong lịch sử văn học dân tộc, là một trong những bài thơ hay về trẻ em thôn quê ngày trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét