Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

SỐ: 251 - tác giả HỒNG CHIẾN

HỒNG CHIẾN
SUY NGẪM SAU MỘT “VỤ MÙA”



Nhân kỷ niệm 88 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925-21.6.2013), Ban chỉ đạo cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ trao thưởng các tác giả, tác phẩm đạt giải Cuộc vận động sáng tác,  quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2013. Trong số 37 tác phẩm được trao giải lần này, riêng Văn học – Nghệ thuật có 7 tác phẩm được trao giải từ A đến C, không có giải khuyến khích.
Để có 7 tác phẩm văn học – nghệ thuật trao thưởng lần này, Hội VHNT tỉnh nhà đã tổ chức phát động từ tháng 3 năm 2011 và được đông đảo văn nghệ sĩ trong cả nước nhiệt tình hưởng ứng, tham gia gửi bài về Ban tổ chức. Riêng tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Chư Yang Sin đã nhận được hơn 200 tác phẩm dự thi, ban sơ khảo tuyển chọn 53 tác phẩm giới thiệu trên Tạp chí. Có thể thấy, chưa có cuộc thi nào chỉ trong một thời gian ngắn đã có bài vở gửi về tham gia nhiều về số lượng, phong phú về thể loại đến thế. Về Thơ, bên cạnh gương mặt quen thuộc thường xuất hiện trên văn đàn và thường xuyên nhận giải cao của các kỳ trao giải lần trước như nhà thơ Hữu Chỉnh, còn có các tác giả gửi nhiều tác phẩm tham gia như: Lê Thị Minh Nghiệm, Nguyễn Văn Tao, Nguyễn Trọng Tuất, Nguyễn Đăng Việt, Nguyễn Hưng Hải, Nguyễn Trọng Đồng... về Văn xuôi có: Đặng Bá Tiến, Hồng Chiến, Nguyễn Liên, Nguyễn Trọng Đồng, Trương Bi, Hoàng Bích Hà, Trần Thu Thủ...; Âm nhạc có tác giả: Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Tiến Liêu... Nhiếp ảnh có tác giả: Bảo Hưng, Thạch Sơn.
Có thể nói tất cả các tác phẩm đã đăng trên tạp chí Chư Yang Sin đều có chất lượng khá cao. Nhưng vì số lượng giải thưởng có hạn, Ban tổ chức cân nhắc và rất khó khăn để chọn ra 7 tác phẩm xuất sắc nhất trao giải lần này.
Hai giải A thuộc về nhà thơ Hữu Chỉnh và nhà nhà báo, nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Bá Tiến. Nếu như tác giả Hữu Chỉnh với tác phẩm “Vĩ nhân bình dị” tìm thấy vẻ đẹp mới qua lăng kính của nhà thơ về Bác, làm người đọc, người nghe cảm nhận được sự gần gũi, thân thương của Người Cha Già dân tộc luôn luôn và mãi mãi bên cạnh mọi người thì tác phẩm “Người chỉ huy thao lược trên thương trường” của tác giả Đặng Bá Tiến lại đề cập đến cuộc vật lộn của các doanh nghiệp để hòa nhập kinh tế thị trường; tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh một vị “tướng” trên thương trường, dưới sự chỉ huy tài ba của mình, ông đã đưa một công ty nhỏ cấp tỉnh lẻ, vốn hơn 500 triệu, sau 18 năm đã vươn ra thế giới, góp mặt trong tốp 500 doanh nghiệp vốn lớn nhất nước và là một trong 1000 doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất nước.
Hai giải B được trao cho hai tác giả Vân Trang và Nguyễn Liên. Nếu tác phẩm “Đi lên từ sự đồng thuận của xã hội” của tác giả Hồng Chiến (bút danh Vân Trang) dẫn bạn đọc đến với tấm gương điển hình của một trường tiểu học vùng xa, nhưng bằng sự cố gắng của cả tập thể đảng bộ, chính quyền địa phương cũng như lòng tận tụy, yêu nghề của các thầy cô giáo đã xây dựng thành công “Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ hai”. Trong thành công chung đó có vai trò quan trọng của người hiệu trưởng gương mẫu, biết tập hợp lực lượng, đoàn kết nội bộ xây dựng được hai trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện Ea Kar, đây chính là phát hiện mới của tác giả đối với công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Tác phẩm “Trên lưng ngựa Chư Yang Sin” của tác giả Nguyễn Liên lại đưa người đọc đến với tấm gương người lính anh dũng trong chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và khi bòa bình lập lại, vị tướng trong quân đội về hưu vẫn cố gắng cống hiến sức lực còn lại của mình cho công cuộc đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước trong thời kỳ hội nhập.
Ba giải C được trao cho các tác giả Hồng Chiến, Nguyễn Trọng Đồng, Nguyễn Liên. Trong ba tác phẩm đoạt giải C lần này, ngoài tác phẩm “Lòng tốt gửi vào thiên hạ” của Nguyễn Liên tiếp tục giới thiệu tiếp về tấm gương điển hình của người lính khi hoàn thành nhiệm vụ trên chiến trường được Đảng và Nhà nước cho nghỉ, nhưng vẫn cố gắng đóng góp công sức của mình một cách vô tư vào công cuộc xây dựng đời sống mới nơi mình thường trú – hình ảnh đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ. Các tác phẩm còn lại đề cập đến những mảng khác nhau của cuộc sống. Nếu tác phẩm “Tàn mà không phế” của tác giả Hồng Chiến nêu tấm gương người nghệ sĩ tật nguyền biết vượt lên trên số phận, sống có ích cho gia đình và xã hội; thì tác phẩm “Chỗ dựa tinh thần của buôn làng” của tác giả Nguyễn Trọng Đồng đưa chúng ta đến với một vị già làng tiêu biểu, khi chứng kiến cảnh đổi mới của đất nước đã đứng ra vân động bà con các dân tộc thiểu số chống lại bọn xấu, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, áp dụng khoa học vào sản xuất nên mọi nhà trong buôn có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Có thể khẳng định 07 tác phẩm văn học - nghệ thuật được trao giải lần này là minh chứng cho sự nhiệt tình của văn nghệ sĩ tỉnh nhà hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Văn nghệ sĩ đã thâm nhập vào cuộc sống trên khắp mọi vùng đất của tỉnh nhà, từ thành phố Buôn Ma Thuột đến các các huyện vùng sâu, vùng xa như: Krông Năng, Krông Bông, Ea Kar, Lăk..., phản ánh kịp thời các tấm gương tiêu biểu của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội; đó là vị Tổng giám đốc tài ba trên thương trường, hay vị tướng lừng danh khi về hưu đến các nhà giáo, già làng, văn nghệ sĩ... Mỗi một tấm gương điển hình ấy có những cách học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác khác nhau, nhưng đều có chung một kết quả là góp phần quan trọng xây dựng cho xã hội ngày một phồn vinh, hạnh phúc. Qua cuộc trao giải lần này chúng ta hy vọng các văn nghệ sĩ tỉnh nhà tiếp tục có những tác phẩm mới xuất sắc, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước, xứng đáng với lời dạy của Bác: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

1 nhận xét: