Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

SỐ: 245&246 - truyện ngắn nước ngoài


JAYEETAHHOSH (Ấn Độ)

Jayeeta Ghosh là giám đốc điều hành một công ty tư nhân ở Kolkata. Những tác phẩm bằng tiếng Anh đã được xuất bản như: “Dạo chơi trong từ ngữ: Một át – lát văn học”, “Từ ngữ trong gió đổi chiều”... Đã từng giành được giải cao trong cuộc thi “Trái tim nói về văn thơ” ở Kolkata, được đưa vào kho sách Oxford.


NGƯỜI QUEN XA LẠ


Hơn tám tháng trước, Aditi ly dị với Sekhar và ở với Rohan, cậu con trai ba tuổi của họ. Aditi đã phải mạnh mẽ lắm mới đưa ra quyết định chắc chắn đến vậy, khi mà không gì có thể níu kéo họ được nữa. Cô đã cố gắng cả thập kỷ chỉ để thiết lập một con rô-bốt, nhưng vô dụng. Đó cũng chính là một trong những quyết định sai lầm của cô, cô không thể chung sống dưới một mái nhà với một người người chồng không khác gì cái máy của mình. Thậm chí cô đã nghĩ tới kiểu thử nghiệm mới, đó là việc có con sẽ tạo nên một chất keo - dán các cặp đôi lại với nhau như thuở ban đầu, nhưng rồi cũng thất bại. “Thay vì để cho đứa trẻ vô tội này càng ngày càng khổ sở hơn vì phải sống trong cảnh cha mẹ đánh đập, chửi rủa lẫn nhau suốt ngày thì việc tốt hơn hết là nên tách ra ở riêng”, trái tim Aditi đã mách bảo điều đó. Ngay sau lần choảng nhau cuối cùng của cô với người đàn ông tàn nhẫn ấy, cô quyết định rời khỏi nhà cùng đứa con trai bé nhỏ tới ở nhà cha mẹ đẻ vào một buổi sáng sớm.
Cha mẹ cô đã nổi một trận lôi đình, những quan niệm truyền thống của người già không thể dễ dàng chấp nhận được chuyện họ có một cô con gái - người phụ nữ có gia đình – lại bỏ chồng về nhà mẹ đẻ để sống như vậy. Họ có quá nhiều lo ngại cho những lời đàm tiếu của hàng xóm láng giềng, rồi họ hàng sẽ nói ra nói vào, và cả việc sẽ phải diễn kịch như thế nào khi mà mọi người đều đã rõ tất cả cùng làm họ không thôi đau đầu nhức óc. Còn Aditi thì bất lực vì họ không chịu hiểu cho cô, họ không chịu hiểu rằng độc thân cũng có thể mang lại thành công hơn là cứ phải giả vờ sống có đôi có cặp mà lại chẳng có tý tình cảm và mối quan hệ nào cả. Hơn thế nữa, bọn họ sợ cô con gái và mọi người đổ lỗi cho mình vì đã sắp xếp một cuộc hôn nhân không mấy tốt đẹp. Có con gái trong nhà như thế thì luôn phải chịu nhiều tai tiếng ngay cả khi mọi chuyện được coi như lắng xuống. Aditi biết điều đó nhưng cô đủ trưởng thành để hiểu ra sự thật là không phải do quyết định của họ mà là do bản chất của Sekhar khiến cô không còn cách nào để chịu nổi nữa, đành phải đi đến việc kết thúc mọi thứ. Cô luôn tin vào số phận và tôn thờ những ngôi sao may mắn. “Cô mà cưới Purab thì biết đâu chuyện đổ vỡ này cũng sẽ xảy ra thì sao? ” Cô và Purab tưởng chừng như sẽ keo sơn gắn bó với nhau đến trọn đời nhưng chẳng ai ngờ trước được chuyện gì cả, chỉ đành tự an ủi chính mình như vậy thôi. Bỗng tầm nhìn của cô trở nên mờ ảo hơn vì nước mắt chảy ra lúc nào không hề hay biết.
Cuối tuần là ngày duy nhất trong tuần, Aditi được phép làm bất cứ điều gì mà cô ấy muốn. Những ngày còn lại thì phải dành cho công việc của mình. Đúng vậy, cuối tuần luôn là khoản thời gian thoải mái nhất, tha hồ đi mua sắm trong các trung tâm, vui đùa thỏa thích với cái cầu thang cuốn hay tràn ngập tiếng cười trong thang máy với bạn bè… Thậm chí hẹn hò đầy bất ngờ với những nhà hàng gần đó, nướng mình trong vị sữa lắc béo ngậy hay những cây kem đặc biệt có một không hai. Đôi khi chỉ là đi dạo vòng quanh công viên hay đi coi phim cũng là những kế hoạch hoàn hảo. Tuần này, Aditi sẽ cùng Rohan đi thăm sở thú. Vì đây là lần đầu tiên được đi sở thú với mẹ nên cậu chàng rất vui mừng, đối với thằng nhóc thì đi chơi với mẹ là không gì có thể hơn được nữa.
Aditi đã rất thành công trong việc tẩy đi hết quá khứ với Sekhar trong tâm trí của Rohan và dẫm trên những gánh nặng của bà mẹ đơn thân để vươn lên. Vì thế việc vừa làm một người mẹ, vừa làm một người cha cũng không hề gây khó khăn cho cô. Cô mong một ngày nào đó con trai mình sẽ dễ dàng bước tới tương lai. Aditi tin rằng Rohan là niềm an ủi lớn lao nhất của cuộc đời mình, cậu bé là một phần trong chuyến hành trình rẽ ngang cuộc đời này. Cô biết Rohan sẽ là người đồng hành trung thành, sẽ cùng cô vượt qua các thử thách để tiến xa hơn nữa. Chỉ sự ngây thơ trong sáng của cậu bé mới làm cô vui vẻ và giúp cô không ngừng hi vọng về một thế giới đầy mơ ước sẽ sớm trở nên có thực. Rohan chính là một món quà – là một lý do để cô sống nốt quãng đời còn lại.
Kỳ nghỉ đông của Rohan đã bắt đầu từ một ngày trước, sau hôm đó là buổi sáng thứ bảy để lười biếng ủ trong chăn ấm. Những tia nắng mỏng tang khẽ lướt nhẹ qua ban công nhà kế bên rồi từ từ tắm cho căn phòng ngủ đẫm ấm áp. Một trong số chúng nồng nhiệt hôn lên đôi mắt đang còn nhắm của Aditi. Cô cau mày quay về phía bàn, mắt nhắm mắt mở liếc coi giờ đồng hồ. Đã chín giờ rồi! Rohan vẫn đang còn say ngủ trên cánh tay cô. Cô khẽ rút tay ra, và vuốt ve mái tóc thằng bé rồi như thường ngày cô lại khẽ đặt một nụ hôn nhẹ lên trán cậu trước khi rời khỏi giường. Aditi xuống bếp chuẩn bị bữa sáng, tờ báo hẵn còn treo bên ngoài cánh cửa. Hai tay hai bên, cô cầm một tách cà phê nóng và một cốc sữa bước vào phòng ngủ và cố gắng dỗ dành Rohan dậy. Chắc chắn nếu nói về chuyến đi chơi sẽ khiến thằng bé dễ dàng chịu chui ra khỏi giường hơn.
Rohan tỏ ra thích thú khi thấy đám đông những người đang đứng ngoài sở thú. Nó trông như một hội chợ đầy màu sắc, nào là những hàng bán bóng bay, nào là những chiếc xe kem rộn ràng… Mọi người thì đang xếp hàng đợi đến lượt để mua vé vào bên trong. Cũng phải hai mươi năm rồi, cô mới trở lại nơi này. Cô vẫn còn rõ cảm giác vui vẻ như thế nào mỗi khi được đi tới nơi này hàng năm lúc còn là đứa trẻ. Để nhớ lại những ngày ấy, Aditi dắt Rohan đến cái chuồng khỉ phía bên trái gần đó, nơi mà lúc nhỏ cô thích nhất. Mỗi khi biết được thêm một con vật nào đó thì ánh mắt và khuôn mặt thằng nhóc lại trở nên long lanh, bừng sáng hơn. Nụ cười trên môi nó khiến Aditi cảm thấy thoải mái vô cùng, bất chợt – như một món quà tặng mẹ - Rohan ôm chầm lấy cô.      
Hai mẹ con cũng khá mệt sau khi phải đi bộ khám phá từ chuồng thú này đến chuồng thú kia, họ quyết định thưởng cho mình những cây kem ốc quế mát lành, lững thững vừa đi vừa ăn cho đến gần chuồng chim. Lúc đó, vừa hay con công xanh đang trình diễn điệu múa xòe đuôi tuyệt đẹp của mình để quyến rũ khách tham quan. Đám đông lộn xộn thì nhìn chăm chú vào nó và không ngớt buông những lời tán dương. Aditi đã không kịp cho Rohan bé nhỏ của mình xem điệu múa ấy. Hai người bọn họ bị đám đông che khuất nên không thể thấy gì. Mọi người dường như bận rộn hơn để chen lấn, cố gắng mở rộng tầm nhìn của mình. Còn Aditi thì cố gắng gõ nhẹ hai đến ba lần vào lưng một người đàn ông cao to trên đầu đội một cái mũ, trông anh ta có vẻ như là một nhiếp ảnh gia, nhờ anh ta di chuyển qua một bên để cho con trai mình có cơ hội được trải nghiệm điệu múa đẹp mắt của con công. Nhưng sức của cô không thể chiến thắng nổi đám đông om sòm ấy, Rohan liền nhìn mẹ tỏ vẻ hờn dỗi. Ngay lập tức, cô dỗ dành thằng bé, cố gắng xoa dịu nỗi buồn của nó:
- Tới chỗ khác thôi con, lát nữa hai mẹ con mình quay lại đây coi cũng được mà, Rohan nhỉ?
- Nhưng con công sẽ đi ngủ mất. Nó sẽ bị mệt và sẽ không múa nữa đâu!
Cậu chàng không thỏa mãn với những gì mà mẹ hứa, liền cãi lại. Aditi mỉm cười, dịu dàng hôn lên cái mũi bướng bỉnh của thằng bé và nói:
- Đừng lo con yêu, mẹ sẽ bắt nó phải múa cho con xem. Chúng ta sẽ cho nó ăn kem, và nó sẽ xòe đuôi rồi múa. Rất hấp dẫn đúng không nào Rohan yêu quí của mẹ?
Bỗng đâu đó có một giọng nói rất quen thuộc từ một người đàn ông, phá vỡ cuộc trò chuyện của hai mẹ con cô.
- Này, Aditi phải không?
Cô mở tròn mắt, cau mày và nhìn chằm chằm vào người đàn ông, và không thể tin nổi…
- Pur –a – a- a-b?
Trái tim cô đập rộn ràng khi nhắc đến cái tên ấy. Vẫn là đôi mắt lấp lánh ấy, vẫn là mái tóc xoăn ấy, vẫn là nụ cười như mùa thu tỏa nắng ấy và vẫn còn đây giọng nói quyến rũ lòng người của anh – Purab của cô sau cả chục năm xa cách. Điều duy nhất thay đổi ở anh chính là bộ râu không được cắt tỉa gọn gàng, hình như nó che giấu một cuộc sống và tình yêu không mấy vẹn toàn.
“Cái hộp buôn chuyện” đó là cách Aditi đã giới thiệu về mình cho Purab. Thế giới ảo và mạng xã hội đã mang trái tim của hai con người trẻ tuổi đến với nhau ở thế giới thực trong những năm đại học. Sau một khoảng thời gian chát chít kéo dài, khi cả hai cảm thấy không thể sống thiếu nhau – giống như bị nghiện – và không thể để mình rơi vào mối quan hệ mập mờ về định nghĩa như thế này được nữa, họ quyết định gặp gỡ nhau. Chàng trai mảnh khảnh, cao khều Purab chỉ có thể cuốn hút Aditi bằng cách thỏ thẻ về những câu chuyện vô lý và trò đùa ngốc nghếch. Ngoài việc chụp hình bằng cái máy ảnh rẻ tiền của mình ra, anh ta chẳng còn một mục đích nào để sống. Anh luôn muốn chụp ở khắp mọi nơi, mọi khoảnh khắc của cuộc đời và ghi lại những điều thú vị bằng chính máy của mình. Thỉnh thoảng đôi mắt đen láy của Aditi cũng bị anh ghi lại bất chợt. Lần đầu tiên hút thuốc lá, uống bia hay là cúp học ra nhà hát đen tối nhất của thành phố đều là do Purab bày cho cô. Nụ hôn đầu tiên hay lần đầu đụng chạm đầy đam mê và khờ dại của bọn họ diễn ra trong cơn mưa đầu mùa sau một buổi chiều hè nóng oi ả. “Purab” mặc dù sẽ chẳng bao giờ xứng với cái tên đầy ý nghĩa ấy, nhưng con người anh giống như là ánh sáng đối với Aditi. Đó là cái tên đầu tiên đã in sâu vào trong tâm trí của cô, có những nỗi muộn phiền cô không nói ra nhưng anh vẫn dễ dàng hiểu được. Một niềm khao khát không gọi thành tên đã buộc chặt hai tâm hồn lại với nhau. Thậm chí Purab – người đã nửa đêm dưới cơn mưa nặng hạt – không quản mọi khó khăn lặn lội tới bệnh viện để chăm sóc cho cha của Aditi khi nghe tin ông bị tai biến mạch máu não. Và cũng chính anh đã chẳng màng tới sức khỏe suy nhược của mình mà truyền máu cho ông. Cha cô đã được cứu. Nhưng lại ép Aditi lấy Sekhar. Ngay cả thủ tục mà ông tình nguyện cam kết cho cô cưới gã điển trai giàu có Sekhar cũng không được báo trước với cô. Còn Purab – chàng trai nghèo thất nghiệp không một xu dính túi làm sao có thể xoay sở kịp để khiến cha cô thay đổi ý định gả cưới cô. Sekhar đưa cô vợ mới cưới của mình đến Chandigarh, một thành phố xa hoa đắt đỏ nhất nước để ổn định cuộc sống vợ chồng.
Khoảng thời gian dài mười năm dường như không bao giờ quá nhiều để cô bị thu hút với cuộc sống hôn nhân mới. Nhưng hình ảnh Purab thì cũng dần phai mờ đi, giống như ánh mặt trời lúc tàn và trong suy nghĩ của cô anh chỉ còn là một phần nào đó. Lý trí đã không cho phép cô nghĩ đến anh, vì sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ của cô với Sekhar. Nhưng đâu đó, trong trái tim cô vẫn thực sự mong muốn Rohan bé nhỏ của mình trở nên thoải mái, tự do, hoang dại như Purab… Nhưng chợt cô giật mình nhận ra: “Purab thật là yên bình. Purab sôi nổi trước kia đâu rồi? Em nhớ anh, Purab”, đôi mắt cô im lặng cố gắng đấu tranh để nói to hơn và để tiếng nói ấy tiến gần tới tai của anh hơn, “Em nhớ anh nhiều! Tại sao anh không đến và mang em đi cùng anh mãi mãi?”
- Đây là người đàn ông bé nhỏ của em à?
Purab phá vỡ trí tưởng tượng của cô. Rohan thì tỏ ra khó chịu vì thấy người lạ trêu chọc mẹ. Cô mỉm cười nhẹ nhàng:
- À, nó là Rohan, vệ sỹ của em đấy.
Sau khi nghe mẹ nói như thế, Rohan liền cảm thấy hãnh diện và lườm nguýt Purab.
- Này nhóc… à phải là ngài Rohan chứ nhỉ… thưa ngài, ngài có muốn thử cái này không, hay lắm đấy?
Anh cố gắng làm thân với cậu nhỏ bằng cách đưa cái máy ảnh vẫn đang còn treo trên cổ ra. Mặt của thằng bé bừng sáng lên, nó chạy nhanh tới anh là tò mò hỏi:
- Cái này là cái gì thế chú?
Aditi cảm thấy thoải hơn, cô dõi mắt nhìn theo hai người, một bên là người tình cũ một bên là đứa trẻ - cầu nối của mối quan hệ bị ép buộc, họ đang chơi đùa với nhau thật ấm áp và đầy thân mật. Cô lại chìm trong biển ký ức, cô nhớ tới những trò trêu đùa nghịch ngợm ngớ ngẩn của họ vào buổi chiều ở nhà Purab lúc cha mẹ anh ta đi nghỉ cuối tuần. Cô vẫn còn nhớ ánh mắt gần gũi và những nụ hôn nồng ấm, mềm mại lướt trên làn môi mượt mà của cô. Chợt thôi hồi tưởng, cô nhớ ra rằng từ lâu mình đã có kế hoạch cho Rohan trở thành một nhiếp ảnh gia.
- Chắc là giờ anh đã nổi tiếng rồi phải không?
Cô cất tiếng trêu đùa anh khi họ bắt đầu cất nhanh bước tới tiệm cà phê của sở thú.
- Nghe hay đấy! Nhưng chẳng có gì giống như thế cả. Anh chỉ được thuê bởi một công ty khá là lớn… ừ thì nó lớn nhưng không có nghĩa anh được làm lớn.
Anh nháy mắt nhìn cô. Cô hạ giọng hỏi tiếp:
- Vậy chứ còn… ưmmm… ý em là còn gia đình anh thì sao?
Thực sự thì cô muốn thốt lên từ “vợ” nhưng đã mau lẹ thay thế nó bằng từ “gia đình”. Purab thở dài:
- Cha mẹ anh gặp một tai nạn cách đây ba năm. Cha đã tử vong ngay tại đó. Mẹ cũng không qua khỏi cơn nguy kịch, bà ra đi sau đó hai ngày. Còn Prabhu thì giờ đang định cư bên Mỹ. Năm ngoái, nó cưới một cô gái người Mỹ. Còn anh à? Anh vẫn như thế, nghèo nàn và rất khó khăn để kiếm nổi một mẩu bơ và bánh mì…
Cô chăm chú lắng nghe anh nói… 
- Và… cuộc đời như thế!
Anh kết thúc câu chuyện của mình bằng một tràng cười to. Một cái gì đó thuộc về Purab đã biến mất. Anh vẫn cười như xưa, nhưng lại vô hồn; khuôn mặt anh vẫn rạng rỡ nhưng đầy vẻ thiếu niềm tin, anh vẫn nói nhưng tất cả cũng chỉ còn là sáo rỗng. Con người anh trống rỗng. Có vài lần Aditi đã thử nói với anh, người đang dồn hết tâm trí mình vào cậu nhóc Rohan, bằng ánh mắt như xưa; cô khao khát được trả lời những câu hỏi từ rất lâu rồi vẫn chưa có hồi đáp; nhưng anh vẫn cứ lặng im như thế. Aditi muốn anh ôm cô trong vòng tay như trước kia, như cái lúc cô đã từng yếu mềm, nhưng anh hoàn toàn dửng dưng. Aditi cúi gằm đầu xuống tập trung bước đi trên vỉa hè, nước mắt khẽ len lén chảy ra làm cay mắt cô. Tiếng nức nở câm nín vỡ òa tràn ngược vào trong tim cô, đau nhói. Lòng nặng trĩu. Cô đã để mất Purab. Cô đã để anh lạc lối. Và thậm chí cô đã không biết tại sao hôm nay mình lại khóc. Chính cô đã không đấu tranh chống lại sự sắp đặt của cha, để giành lấy cuộc hôn nhân của riêng mình. Cô mất anh mãi mãi. Purab đã thay đổi để giống tất cả mọi người trong cuộc đời cô, hay nói cách khác giờ đây anh cũng chỉ giống như một người đã đi ngang qua cuộc đời cô như bao người khác. “Một người quen nhưng hoàn toàn xa lạ”. Aditi cố gắng giấu những giọt nước mắt rớt trên gò má, cô nhắm mắt hít một hơi thở sâu. Cô nhìn về phía trước – phía có mối quan hệ mới, tràn đầy tình yêu thương của Rohan và Purab, bọn họ đang vừa đi vừa khám phá cái máy ảnh. Cô ngừng khóc, vội vã theo họ bước tới tiệm cà phê như bình thường.
                                                                           MAI ANH dịch

SỐ: 245&246 - tác giả HỒNG CHIẾN

Tác giả HỒNG CHIẾN


Truyện ngắn


Ông mặt trời mải miết đi về hướng tây, xô bóng cây kơ nia đổ dài về phía đông, trùm lên cả các cây phượng đứng xếp hàng nơi sân trường. Bầy chim sẻ kéo nhau đứng túm tụm dưới gốc cây, há mỏ, xù lông lên để thở. Trời oi bức, ngột ngạt, hình như sắp hết không khí thì phải. Sẻ em nói với Sẻ chị:
- Chắc cô Gió bị ốm rồi phải không chị?
- Sao em nói vậy?
- Mọi ngày vào giờ này đã thấy cô ấy đi lang thang ve vuốt mọi người, còn hôm nay chẳng thấy đâu cả.
- Ừ nhỉ!
- Không phải vậy đâu.
Chú Sóc Út, hai chân trước bê hạt cây kơ nia to gần bằng đầu mình, ngừng ăn góp chuyện. Gia đình nhà Sóc có sáu thành viên: sóc ba, sóc má và bốn anh chị em quây quần bên đống hạt để dưới gốc cây kơ nia; mỗi người một hạt, nhẩn nha ăn trông thật đầm ấm. Cái lạ là không ai tranh của ai cả và ai nấy ngồi rất nghiêm chỉnh, tư thế giống y chang như nhau: hai chân sau co lại, chiếc đuôi dài có lông xù to là thế được uốn cong chống xuống mặt đất, hai chân trước bê hạt lên ngang ngực.
- Bạn bảo không phải thế thì tại sao cô Gió hôm nay không đến?
Sẻ em hỏi lại, Sóc Út trả lời:
- Mọi ngày cô Gió đi chơi thường có chú Mây đi cùng, hôm nay chắc chú Mây đau nên cô Gió phải ở nhà chăm sóc không đi thăm mọi người đấy chứ.
- Không phải vậy, cô Gió ốm nên chú Mây ở nhà thì có.
Sẻ em không chịu, đáp lại. Sóc Út vẫn giữ cái lý của mình là đúng. Thấy vậy Sẻ chị bảo:
- Cả hai em nói đều có cái lý của mình, vậy cô Gió hay chú Mây bị ốm ta phải chờ khi nào cô ấy quay lại hỏi thì biết ngay thôi.
- Các bạn nói sai rồi, chẳng ai ốm đau cả đâu, cô chú ấy đang bận công việc đấy.
Chị em Sẻ và Sóc Út giật mình nhìn lại nơi phát ra tiếng nói, thấy một chú Kiến đen bé téo tẹo tèo teo; bé đến mức chắc chỉ to hơn chiếc lông mũi nhà Sẻ một tý ty, dừng lại góp chuyện; còn họ hàng nhà Kiến đông đúc đang hối hả làm việc, người vác đồ ăn, người lại đội trên đầu những chiếc trứng trắng, nối đuôi nhau leo lên cây. Gia đình nhà Kiến thật đông, đi theo hàng năm, thành một dây dài như không có điểm cuối.
- Bạn nói sao cơ?- Sóc Út tò mò hỏi lại.
- Ông mặt trời hôm nay nóng hơn mọi ngày, chắc chắn cô Gió và chú Mây đang chuẩn bị nước để mang mưa đến giúp mọi người đấy.
- Cậu chỉ bịa chuyện, trời đang nóng thế này làm sao có mưa được!
Sẻ em nghiêng nghiêng cái đầu tỏ vẻ không tin và hỏi lại:
- Nhà cậu có chuyện gì mà bồng bế nhau leo tuốt lên ngọn cây thế kia?
- Ông mình bảo trời sắp mưa, nên mọi người đang phải vội vã chuyển nhà lên cao không bị lụt, nước cuốn trôi đi đấy.
- Ôi, nhà thiên văn đại tài ơi, trời như thế này mà bảo sắp mưa à? Chắc cậu bị ấm đầu rồi!
Sóc Út đáp lại rồi cùng với Sẻ chị, Sẻ em ngả nghiêng cười, chúng cười đến mức cái hạt kơ nia Sóc Út đang ôm cũng rơi xuống đất. Kiến con thấy vậy, bực mình nói:
- Tùy các bạn thôi, tin hay không chốc nữa sẽ biết.
Kiến nói xong vội vã đội lên đầu một hạt cỏ vàng óng, to ngang với mẩu lông đuôi của sóc chạy nhập vào dòng Kiến leo lên cây. Chị em nhà sẻ và Sóc Út nhìn theo vẻ thương hại cho Kiến con.
Một chốc sau, cô Gió chạy lướt qua, Sẻ em reo lên:
- Cô Gió đến rồi, cô ấy hết ốm rồi!
- Chắc chú Mây đỡ đau nên cô ấy đi lấy thuốc đấy.
- Sao bạn nói vậy?
- Tại cô ấy đi một mình đấy thôi, nếu chú Mây khỏe chắc phải đi cùng cô ấy chứ.
- Hai em đừng cãi nhau nữa.
Sẻ chị ra vẻ người lớn, giảng giải:
- Nhìn lên phía tây kia kìa, chú Mây đang đến đấy; hình như cô Gió chạy nhanh hơn rồi thì phải.
Cả bọn ngước nhìn lên phía tây, mây đen kéo đến che khuất cả mặt trời. Cô Gió hối hả chạy làm chú Mây cũng tất bật chạy theo. Bỗng một tia lửa xé ngang bầu trời, kèm theo một tiếng nổ to đùng vọng đến. Cả nhà Sóc giật mình bỏ dở bữa ăn, kéo nhau leo tuốt lên hốc cây cao. Bầy chim sẻ không ai bảo ai cũng tung cánh vội vã bay lên núp vào dưới mái hiên.
Mấy cây bàng, cây phượng thi nhau nô đùa với cô Gió; cành lá lả lướt vờn bay như muốn giữ cô Gió lại. Mây đen sùm sụp chạy đến rồi phút chốc trời tối om, mưa lất phất rơi. Lúc đầu chỉ lắc rắc vài hạt, sau rơi nhiều hơn rồi hình như chảy thành dòng. Cô Gió tạt cả mưa vào cửa số lớp học, kêu lốp bốp và tinh nghịch xốc ngược áo Sẻ em làm lông xù ra. Sân trường vừa nãy còn nóng bỏng, giờ đã thành con sông lớn, nước kéo nhau chảy ùa ra cổng. Bỗng Sẻ em kêu lên, giọng hoảng hốt:
- Kiến con kìa! Kiến con kìa!
- Đâu, đâu?
Sẻ chị đang rụt đầu vào cổ đứng trên trần nhà lao vụt ra bên cạnh Sẻ em hỏi. Theo hướng Sẻ em chỉ, Sẻ chị thấy con Kiến con lúc nãy đang vật lộn với dòng nước. Nước chảy mạnh quá, Kiến không thể chống lại được. Sẻ chị nhìn quanh rồi quyết định dùng mỏ, giật ngay một chiếc lông đuôi của mình. Sẻ em thấy thế ngạc nhiên kêu lên:
- Chị làm gì vậy?
- Phải cứu Kiến con không nước cuốn nó đi mất.
- Nhưng gió to quá, chị ra không cẩn thận bị đau đấy.
Miệng ngậm chiếc lông, Sẻ chị lao ra làn mưa đang ầm ầm trút xuống, thả chiếc lông xuống bên Kiến con. Kiến con vẫy vùng một cách tuyệt vọng trong dòng nước chảy một lúc một dữ dội hơn; bỗng thấy có chiếc lông rơi bên cạnh liền cố giơ tay tóm lấy. Chỉ chờ có thế, Sẻ chị dùng chân cắp lấy chiếc lông bay lên hiên nhà, mặc cho những hạt mưa lạnh buốt ném vào người đau điếng. Cả bầy Sẻ ùa ra hò reo vang cả góc nhà, át cả tiếng mưa rơi, khen Sẻ chị dũng cảm. Kiến con được cứu, giơ hai tay vuốt râu rồi cúi đầu cảm ơn Sẻ chị. Sẻ chị lắc mình cho nước rơi ra khỏi bộ lông, nghiêng đầu nói:
- Chị em mình có lỗi, khi nãy đã không tin còn chế giễu bạn; mong bạn thông cảm nhé!
- Dạ, không có gì đâu ạ!
Bầy Sẻ vây quanh, nghiêng đầu nhìn Kiến con tỏ vẻ kính trọng. Kiến con thấy vậy cúi đầu nói:
- Dạ, cháu chỉ nghe ông bà dạy: phải quan sát xung quanh và đo nhiệt độ, độ ẩm trong không khí mà đoán biết khi nào trời mưa đến thôi ạ.
- Họ nhà Kiến giỏi quá, biết trước lúc nào trời mưa. Các cháu nhớ nhé, khi nào thấy nhà Kiến chuyển nhà lên cây phải tìm chỗ tránh mưa nghe chưa?
Sẻ ông nói xong, cả đàn cúi đầu vâng lời. Dưới sân nước hết chảy. Ông mặt trời ló ra khỏi đám mây, cảnh vật bừng sáng lên rực rỡ.  Cô Gió trở lại hiền từ, đi lắc nhẹ từng lá cây cho rơi bớt nước. Kiến con từ biệt bầy sẻ quay về nhà trong tiếng cười vui của mọi người.

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

SỐ: 245&246 - tác giả NGUYỄN THỊ BÍCH THIÊM


       
Nhà văn NGUYỄN THỊ BÍCH THIÊM



CHÁU ĐÍCH TÔN
                                                                                      
Truyện ngắn


- Thằng Cán về đấy!
- Thật không? Có ai về cùng không?
Chú ấy về thật không? Còn người kia… có về không?
Những tiếng lao xao của dân trong ngõ Yên Định cứ râm ran theo sau bước chân người đàn ông khắc khổ, da nâu sậm, tay kéo theo chiếc va li có bánh xe để dễ di chuyển. Sở dĩ mọi người chú ý như vậy vì đây là cuộc trở về thăm quê của một người thuộc họ Trần, một dòng họ lớn của cái phố huyện nhỏ này. Nhất là khi người ấy lại có thêm một nhân vật nữa đi cùng: một thằng bé mũm mĩm, cỡ tám chín tuổi, da trắng bóc, mũi cao, mắt hơi nâu và hàng mi cong vút. Đó chính là Cán cùng thằng con trai của mình. Một lớn, da nâu sậm, một nhỏ da trắng bóc, lũn cũn đi bên cạnh… Họ trở thành tâm điểm cho mọi người vì vậy.
Cán vốn là con trưởng của họ Trần. Nhà có sáu người con thì chỉ nhõn mình Cán là con trai. Nghe nói khi xưa mẹ cậu phải đi mãi tận Hương Tích xin mới được. Có lẽ vì thế nên cả nhà chiều cậu như ông vua con vậy. Dù nhà chả dư dật gì, nhưng hễ cậu thích ăn gì có ngay, thích đồ chơi gì, có ngay. Người cậu chắc lẳn, da nâu như đồng hun. Chỉ tội cái học dở, hai năm một lớp… Gần cuối lớp 7, cậu bỏ học. Thầy chủ nhiệm cho các bạn đến động viên, Cán nói:
- Học mệt bỏ mẹ! Tớ đếch thích!
Câu nói lọt đến tai bố. Ông gọi Cán vào, ngọt nhạt dỗ dành, rồi hứa hẹn sẽ thưởng nếu đi học đều đặn… Và ông làm thật. Tiền, xe máy, điện thoại… đã được trao, nhưng tình hình học tập của cậu ấm thì đâu vẫn đóng đấy. Cuối năm Cán bị đúp. Bố mẹ thì buồn, còn cậu thì nhơn nhơn: “Cần quái gì học nhiều? Anh thằng Tí đó, học xong rồi cóc xin được việc lại về bám đít trâu đấy thôi?”. Thấy bố Cán đau khổ vì thằng “đít nhôm” ngỗ nghịch, chán học, có ông chú trong họ làm giáo viên đã giúp ông “phù phép” cho hợp lệ quyển học bạ và xin chuyển cho Cán vào học tiếp ở trường mình dạy. Cứ sắp đến hết học kì, hết năm học ông chú lại phải đến nhà thầy cô “Xin được đồng nghiệp giúp đỡ”. Ngày cháu thi tốt nghiệp lớp 9, ông chú (đã xin nghỉ coi thi) bà thím chạy vòng vòng ở ngoài cổng, nhờ người ném bài cho cháu. Bà chì chiết: “Trông nó mặt mũi cũng sáng láng mà sao ngu quá vậy? Suốt ngày đi xin điểm cho cháu, ông không thấy nhục à?”. Ông cố nén, nhưng  sức chịu đựng có hạn, cuối năm đó Cán tốt nghiệp lớp 9, ông  nói với anh trai:
- Em đã cố hết sức rồi. Anh nên xin cho cháu đi học việc đi.
Ông Cán nghĩ mà đau. Chả gì ông cũng là trưởng họ, lại có mỗi một mụn con trai mà cái sự học lại chẳng bằng ai… Mấy bà bạn của bà thì nói tại vì năm Cán 12 tuổi, bà không đi chuộc lại nên cậu bị “trên hành” như vậy. Sau rồi, bố mẹ cậu cũng đành nghe lời chú và cho Cán nghỉ học, chờ xin việc. Khi cả thị trấn xôn xao việc tuyển người đi lao động xuất khẩu nước ngoài, Cán nằng nặc đòi bố mẹ chạy tiền cho cậu đi. Bố thì đồng ý, riêng mẹ thì sợ “thằng Cu” sang đó phải vất vả nên tru tréo không cho đi. Nhưng vốn được chiều từ nhỏ nên Cán doạ: “Hễ không cho, thì con đi bụi ngay!”. Thế là bà đành đồng ý. Tiếng là khá giả, nhưng với số tiền hơn hai trăm triệu làm lộ phí, hồ sơ, thủ tục thì không đơn giản. Cuối cùng, sau bao nhiêu chạy vạy, vay mượn khắp họ hàng, món tiền đã nộp xong. Và Cán chỉ còn chờ ngày lên đường thôi. Ai dè, cái tay Dũng là cò chuyên lừa đảo lấy tiền mà chả làm gì hết. Chuyện vỡ lở, hắn trốn đi biệt tích, để lại bao người méo mặt vì món nợ chạy cho con đi Tây. Nhà Cán cũng vậy. Khi mẹ cậu đổ bệnh vì tiếc món tiền, còn bố ôm ngực ho sù sụ, thì Cán tuyên bố: “Không đi Tây Âu, thì ta đi Tây…Nguyên!” Ở đó có cậu ruột đang làm chủ một trang trại cà phê lớn. Năm 1994, giá cà phê đội lên gần năm ngàn đồng một kí tươi, nên nhà cậu kinh tế lên vùn vụt nhờ cà phê. Mỗi lần về, cậu thường giúp đỡ mọi người trong họ. Vì thế, ai cũng nghĩ cuộc sống trong đó dễ chịu và sung túc. Qua câu chuyện của cậu về những món lợi nhuận từ cà phê, rồi hương vị rượu cần, gà nướng, heo Đê, những voi Buôn Đôn, thác Đray Sáp, thác Trinh Nữ… đã khơi gợi óc phiêu lưu của gã trai vốn quen thích gì được nấy. Cán coi nơi đó như miền đất hứa.Và thế là với cái ba lô trên vai, sau hai ngày ngồi xe ca, vào một ngày cuối năm, Cán quyết định làm một chuyến Tây… Nguyên tiến.
Thất vọng! Đó là cảm giác đầu tiên khi Cán nhảy từ trên xe xuống lúc nghỉ dọc đường. Cỏ ngập đến ngang thắt lưng. Một thứ cỏ xanh tốt và quấn chặt lấy chân cậu khi bước đi. Những rẫy cà phê bạt ngàn, những rừng cao su trồng thẳng hàng, đều tăm tắp… Cảnh hoang sơ, dân cư thưa thớt khiến Cán thoáng nghĩ: “Bỏ mẹ! Mình có nhầm không?”. Cũng may cảm giác đó chỉ thoảng qua khi đến thị trấn chỗ cậu ở: những dãy nhà xây lô nhô, đường trải nhựa bàn cờ, dân cư đông đúc hơn đã giúp Cán vui dần lại.
Sau vài ngày nghỉ ngơi, Cán được cậu giao cho việc trông coi và canh rẫy của nhà cùng với bác Ba – một ông già quê Hà Nam. Từ cậu, mợ đến hai đứa con và những người làm công đều có nước da nâu khoẻ mạnh và rất hay nói chuyện. Những bữa cơm dọn ra trên tấm bạt ở góc rẫy khi họ hái cà phê, cắt cành, đào bồn; rồi những câu chuyện, những lời bông đùa, trêu chọc… Cán đều thấy một sự chan hoà, thân thiện của những người chân chất, mộc mạc. Trong số những người  làm công đó có Vi, một cô gái mà Cán bị hút hồn ngay từ khi mới gặp. Vi mới mười tám tuổi và là cháu họ bác Ba. Mới học hết lớp chín, do gia đình đông con nên Vi phải nghỉ học để phụ làm rẫy cùng cha mẹ. Cả nhóm làm công toàn  người lớn. Vậy nên khi Cán xuất hiện, cả hai đã nhanh chóng quen thân ngay. Cán thấy Vi dáng thanh mảnh, da trắng, tóc dài, nói năng lại dịu dàng nên mê tít. Còn Vi, thấy Cán ăn nói dễ nghe, ăn mặc hợp thời trang lại hay giúp cô những việc lặt vặt nên cũng say chẳng kém. Đôi trẻ yêu nhau lúc nào chẳng biết. Mê mẩn trong tình yêu, Cán chẳng nghĩ đến về quê nữa. Lúc nào, làm gì cậu cũng lâng lâng cái cảm giác như bồng bềnh say trong ánh mắt ngọt ngào hay cái chạm tay khi vô tình gặp nhau của Vi. Rồi một lần, hai đứa đã “vượt rào”. Trong lúc nhấm nháp dư âm ngọt ngào của tình yêu, Cán cầm tay Vi và nói: “Anh sẽ về nói bố mẹ để cưới em!”. Vi chìm trong niềm hạnh phúc và men tình nồng nàn nên càng dâng hiến cho người tình những con sóng yêu đương cháy bỏng của tuổi xuân thì. Thấy Cán suốt ngày luẩn quẩn bên Vi, ông cậu nhắc cháu:
- Anh yêu thì yêu, chứ lấy thì không được!
- ?
- Mới tí tuổi đầu, nuôi thân chưa nổi mà vợ con gì?
- Ơ hay! Cháu hai mươi rồi đấy, cậu ạ.
- Tôi không biết. Tôi chỉ biết anh chưa tự kiếm sống được mà vướng vợ con vào rồi khổ thân anh đã đành, mà vợ con anh, rồi bố mẹ anh cũng khổ. Hai bác có mà chửi tôi ủng mả! Cán ấm ức trong bụng, nhưng vì ngại cậu và cũng nghĩ: “Yêu cho vui vậy ai đã lấy đâu mà rối cả lên!” nên cũng cho qua mọi chuyện.
Năm ấy cà phê bị rớt giá thảm hại. Dân trồng cà phê điêu đứng vì thu nhập không đủ bù cho chi phí phân bón, tưới tắm, nhân công… Người dân bắt đầu giảm bớt các chi phí đầu tư cho cây cà, và lác đác có người nhổ cà phê trồng các loại cây như hồ tiêu, điều, ca cao… Nhà cậu Cán cũng giảm bớt số người làm rồi rủ mấy nhà hàng xóm đổi công cho tiết kiệm. Thu hoạch xong vụ cà phê đầu tiên vào đất Tây Nguyên, Cán xin cậu cho về quê. Ông cậu ngạc nhiên: “Anh vào mới có ngần ấy thời gian, về làm gì vội? Sắp tới còn tưới tắm, bón phân với làm cành rồi”. Ông không biết là Cán đang bắt đầu thấy tù cẳng và đang muốn bay tiếp. Cán nghĩ ra chiêu gọi điện về nói với mẹ gọi Cán về có việc. Thế là ông cậu cũng phải cho Cán về sau khi bắt hứa là sẽ quay vào ngay.
Cán về đúng dịp có mấy người đi Malaixia đợt đầu tiên về phép. Nghe họ kể, Cán lại bùng lên khát vọng đi Tây. Bố mẹ cậu lại chiều theo ý của “đích tôn”. May là lần này con rể của ông chú giáo viên kia là công an của tỉnh, nhờ tài quen biết của em họ nên Cán đi trót lọt.
Sau ba tháng học tiếng tại Hà Nội, đoàn của Cán gồm 45 người được đưa sang làm công nhân xây dựng tại một công trình ở miền trung Malaixia. Kể ra thì cũng chả đến nỗi nào vì chỗ ăn chỗ ở cũng tạm được, và quân nhà ta tự chia nhóm và phân công nhau nấu nướng lấy. Tuy nhiên, thời tiết ở đây nóng kinh khủng, có ngày lên đến 41, 420 C, Cán vốn không quen lao động nặng, lại kém chịu nóng nên càng thấy mệt mỏi. Những ngày ở Tây Nguyên, mang tiếng “rừng thiêng nước độc”, nhưng khí hậu khá ôn hoà, lại chỉ trông coi, làm phụ với những người làm đổi công nên dẫu sao cũng thấy dễ thở hơn ở đây. Mỗi tháng được nhận 1200 ringgit. Lần đầu tiên nhận lương, nhẩm tính ra chỉ khoảng gần sáu triệu tiền Việt, tự nhiên Cán thấy xót xa. Và nhớ lại những lần đi sinh nhật bạn bè toàn xin tiền mẹ để đốt vào rượu, bia và những trò vô bổ khác. Một cái gì gần như là ân hận dâng lên trong lòng. Cán gọi về cho mẹ. Chưa kịp nghe hết câu chào đầu tiên, bà đã hối hả nói ngay:
- Cán đấy à? Mẹ đây. Con có khoẻ không? Công việc có vất vả   không? Con có bị ốm đau gì không? Con ăn uống thế nào? Gọi điện thế này tốn tiền chết!
Cán phì cười:
- Mẹ ơi! Con vẫn khoẻ. Con mới lĩnh lương đây này…Nhưng ít lắm, có hơn sáu triệu thôi. Bố mẹ vẫn khoẻ chứ? Nhà ta có gì mới không ạ?
- Cha bố anh. Lấy lương mà cũng khoe mẹ, như trẻ con vậy. Bà nói nhỏ, giọng méo đi: Sáu triệu thì sáu triệu… Cứ chịu khó đi. Rồi dần dần sẽ cao hơn con à. À mà hôm trước cậu Quân mới gọi điện về đấy.
- Vậy à, cậu nói chuyện gì vậy mẹ?
- Thì cậu hỏi con sang đó thế nào. Mà có chuyện này, mẹ hỏi thật con (bà hạ giọng): Hình như con có “đi lại” với con bé nào ở chỗ cậu phải không?
- Sao mẹ hỏi vậy? Đâu có gì đâu!
- Cậu Quân nói hết với mẹ rồi. Con bé Vi ấy có con rồi đấy. Mà là con của ai, con biết không?
- Làm sao con biết  được. Con ai hả mẹ?
- Ai biết là con ai…
- Không đâu mẹ ơi! Vi yêu con thật đấy.
- Con ngây thơ quá. Chả gì con cũng là con trai duy nhất của nhà ta, chả giầu bằng ai, nhưng cũng không phải là nghèo, rồi cậu con kinh tế khá giả… Bây giờ con lại đi Tây…
- Ôi, mẹ… Cán bật cười khẽ: Con đi làm thuê mà mẹ.
- Mẹ không biết. Thôi, việc đó kệ đó đã. Con cứ yên tâm mà làm ăn, về rồi tính. Có gì bố mẹ sẽ tìm hiểu thêm rồi bàn với cậu.
Tắt máy rồi, Cán vẫn chộn rộn bao cảm xúc. Mình có con ư? Vi bây giờ ra sao? Mình phải làm gì bây giờ? Lấy Vi ư? Mình vừa mới sang, làm chưa được một mảy nhỏ trong món nợ vay để làm thủ tục sang đây để đạt ý nguyện làm giàu, giờ mà về lấy vợ thì bỏ hết ư? Tự nhiên Cán thấy lạ khi mình đang tính toán rất tỉnh táo và những ý nghĩ về Vi, tình cảm ngày trước hình như bay đâu tất cả.
… Hai bố con Cán đã về đến ngõ. Bà Cán chạy từ trong sân chạy ra:
- Ông ơi! Cháu về rồi ông ơi! Bố con thằng Cu về thật ông ơi! Bà chạy ào lại ôm lấy thằng bé. Nó giật lùi lại một bước, nép sau bố. Cán đẩy con lên:
- Con chào bà nội đi!
Thằng bé vẫn mở to mắt, nhìn bà Cán bằng cái nhìn lạ lẫm. Bà hơi chững lại một chút, rồi lấy tay khẽ vuốt vai nó:
- Cha bố anh! Bà nội mà anh cũng không chào hử? Bà quay sang mọi người, cười, nói,  mà mắt rân rấn lệ: Con với chả cháu. Thật là…
- Thôi, bà ơi! Cháu nó còn lạ mà. Ông Cán vừa ra nói đỡ vừa giơ tay cho thằng bé: Đâu, cháu của ông đâu? Vào nhà cùng ông nào...
Đêm hôm đó, khi mọi người đến chơi đã về hết, bà Cán bế thằng bé vào trong buồng ru ngủ (nó đã hết lạ và đã chịu theo bà), trong nhà chỉ còn hai cha con. Ông Cán ngồi trầm ngâm mãi sau ông mới chậm rãi:
- Thế mẹ thằng bé vẫn không chịu à?
- Dạ! Vẫn vậy. Trước đây, người ta  nói cô ấy sang bên Thái Lan đẻ thuê. Còn thực hư thế nào, chả ai biết. Năm 2009, cô ấy về, mở một cửa hàng bán mỹ phẩm, làm đẹp và cho thuê đồ cô dâu. Khấm khá lắm. Nhưng con nói thế nào cũng không chịu chấp nhận. Nó cứ khăng khăng: “Tôi không còn tình yêu với anh nữa! Tình yêu ấy đã chết từ khi đứa con tôi và tôi bị anh chối bỏ. Tôi không thể làm vợ một người lúc nào cũng vâng lời người mẹ chỉ quen nhìn người khác qua cái ví tiền, hoặc vì giấc mộng làm giàu mà gạt đi sinh mạng những người thân của mình. Tôi  đã và sẽ sống tốt để anh thấy rằng:  không có anh, mẹ con tôi cũng không chết. Anh đi Tây về, anh cứ ôm cái đống của ấy mà sống, tôi không quan tâm”. Khiếp, sao bây giờ nó đanh đá thế không biết? Hôm nọ, con phải nhờ ông bà ngoại nói mãi, nó mới đồng ý cho con dắt thằng bé ra đây đấy.
- Ừ, chắc nó giận lắm mới nói thế. Kể cũng tội. Ngày đó, giá như cha   mẹ tin nó ngay, vào cưới hỏi rồi đón nó về thì đâu có chuyện này. Mà nó cũng cứng đầu và hay tự ái quá. Mẹ mày mới nói vài câu hôm cùng cậu đến nhà nó, mà nó nhất định trả lại tiền, rồi sinh thằng bé mà không cần nhờ vả gì… Cũng may là ông bà ngoại thằng bé cưu mang cho. Ấy vậy mà lúc nó phẫn chí, bỏ đi thì ông bà ấy cũng không ngăn được…
- Dạ! Lỗi cũng tại con. Lẽ ra, khi về quê con bớt chơi cùng nhóm bạn đua đòi, suốt ngày nuôi mộng làm giàu bằng việc đi Tây, để  liên lạc với Vi, rồi khi sang đây nghe mẹ nói chuyện Vi có thai, con phải nói cho bố mẹ tin và động viên cô ấy, thì con lại sợ bị lỡ dở chuyện làm ăn. Thành ra bây giờ…
- Mà con bé ấy cũng giỏi đấy chứ? Dẫu lỗi lầm thế nào, nhưng biết vươn lên sống đàng hoàng là không phải dễ đâu. Nó giận nhà mình cũng đúng, con ạ. Thôi, con cứ cố gắng thuyết phục nó dần dần. Biết đâu một lúc nào đó,  nó nghĩ lại về để sum họp gia đình. Khi đó có vợ có chồng, thằng bé có bố, có mẹ… Bần cùng thì mới phải lìa nhau mà làm lại, chứ hay gì cái cảnh: "Con đen đầu thì bỏ, con đỏ đầu thì nuôi". Chúng mày có hạnh phúc thì bố mẹ mới hết ân hận và yên lòng được.
- Dạ! Con tính chuyến này con sẽ hợp tác với cậu để mở thêm một đại lí có bán các máy móc dụng cụ có liên quan đến cà phê như máy lọc quả, máy sấy, máy đánh cỏ, máy xay, máy bơm... Hàng năm, vừa tiện mở rộng làm ăn vừa ở gần chỗ  mẹ con nó để thăm nom thằng bé và… chờ mẹ nó thay đổi.
- Thế nếu chị ấy vẫn không chấp thuận anh thì sao? Bà Cán từ trong buồng nói vọng ra.
- Thì… Con đành chịu chứ sao? Sau này thế nào không biết, chứ hiện tại con cũng ngại chuyện vợ con lắm. Cơ bản nhất là con phải tạo dựng cơ sở làm ăn đã, rồi nuôi con. Con tin cô ấy sẽ nghĩ lại…
Cán ra đóng cánh cổng lại. Mảnh trăng non đầu tháng như cặp mắt khép hờ, nghiêng nghiêng trên bầu trời mịn màng, lấm tấm những vì sao xa xăm. Tự nhiên Cán thấy nhớ ánh mắt đắm đuối của Vi nhìn anh hôm nào.
“Vi ơi! Anh sẽ chờ em nghĩ lại. Về với anh và con, em nhé!”.

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

SỐ: 245&246 - tác giả NGUYÊN HƯƠNG







ĐÊM THÁNH NHIỆM MẦU


Truyện ngắn



Chiều nào cũng vậy, khi Lâm dắt xe ra khỏi cổng trường thì đập ngay vào mắt là hình ảnh những nhóm sinh viên chạy về hướng bến xe buýt.
Chạy, đúng nghĩa đen của từ này, đáng gọi ma-ra-tông nữa là khác. Chạy, không phân biệt giày bệt hay giày cao gót, không phân biệt tóc ngắn hay tóc ngang vai. Chạy, nhóm sau cố vượt lên đầu. Dễ hiểu là không ai muốn mình rơi vào nhóm bị lỡ chuyến này để rồi phải mất thêm ba mươi phút chờ chuyến sau giữa cơn đói bụng và khói bụi mịt mù của dòng xe cộ giờ cao điểm. Cốt tử hơn nữa là không ai muốn mình bị đứng suốt chuyến đường dài. Cái ghế lúc này không chỉ để ngồi, cái ghế lúc này đáng được so sánh với cái giường, bởi vì chặng đường đủ cho một giấc ngủ dù lắc lư cũng đáng được gọi là. Giấc ngủ ngắn đó rất cần để tái tạo năng lượng cho những cua học buổi tối đang chờ đợi ở các trung tâm ngoại ngữ và tin học.
Vậy nên chiều nào khi Lâm dắt xe ra tới cổng trường là đụng ngay cái cảnh thiên hạ đang cắm đầu chạy. Đã từng trải qua cảnh ngộ này suốt ba năm rồi mới được ba má mua cho cái xe máy cho nên Lâm thấu hiểu. Nhiều khi Lâm muốn rồ ga vọt tới sẵn sàng cho ai đó quá giang, nhưng ý định nhiệt tình này chưa bao giờ  thực hiện được bởi vì cái xe của Lâm quá nhỏ bé trước rất đông người. Cái xe chỉ đủ chỗ cho một người. Không thể lao xe vào đám đông mà la to “Có ai muốn quá giang không? Chỉ một người thôi!”.
Chiều nay thì khác. 
Lâm dắt xe ra cổng muộn hơn thường ngày vì cái chìa khóa xe bị lạc đâu mất, tìm hoài rồi mới thấy nó đang cắm sẵn trong ổ khóa. Nhiều khi là ngớ ngẩn vậy.
Ra tới cổng, đường chỉ còn lác đác người. Một cô gái đang đi cà nhắc, dáng vẻ xuôi xị của người đành chấp nhận chuyến sau chót.
Lâm nhìn xuống chân cô gái – một chân thấp một chân cao. Không cần hỏi cũng biết ngay là trong cuộc ma-ra-tông, cái gót giày sinh ra để đi từng bước yểu điệu đã không chịu nổi những bước chạy như tra tấn cho nên nó đã văng đâu mất rồi.
Không kịp nghĩ ngợi, hoặc là cái ý nghĩ nhiệt tình này đã ngấm sâu trong Lâm rồi và chỉ chờ có cơ hội. Lâm vặn tay ga, vọt tới:
-  Quá giang không bạn?
Cô gái ngay lập tức nhoẻn cười.

                                      * * *
Mấy thằng bạn nói cơ hội tuyệt vời vậy mà Lâm thật thà quá đã để vuột mất. Lẽ ra là không nên phóng xe như gió mà chỉ là chạy tà tà thôi, sao cho bị trễ chuyến xe buýt để mà có cớ mời nàng quá giang cho tới tận nhà, một lời mời mà dù khó tính tới mấy cũng không thể bắt bẻ là khiếm nhã được bởi lẽ chẳng phải khi xe buýt về tới bến cuối rồi thì nàng vẫn đang mang đôi giày gót thấp gót cao hay sao? Giữa phải đi cà nhắc về tới nhà và có xe tình nguyện đưa tới tận cổng, bên nào lịch sự hơn?
Nhưng sự đã rồi. Lâm đã tận lực chở nàng bắt kịp chuyến xe. Và hết. Thật là ngốc. Hèn chi mà trong khi tất cả những thằng bạn đều đã có đôi có cặp, Lâm vẫn một mình đi một mình về.
Một mình đi một mình về từ trước tới giờ không sao, thậm chí Lâm còn thấy nhàn nhã nữa. Nhưng từ chiều hôm đó, cái cảnh một mình đi một mình về... sao mà lẻ loi.

                             ***
Vẫn từng nhóm nối nhau chạy ma-ra-tông ngang qua cổng trường Lâm nhưng cô gái đã biến mất dù chiều nào Lâm cũng căng mắt tìm kiếm. Lớp cô tan học sớm? Cô đã chuyển về học tại chi nhánh khác? Hay vì chỉ thoáng nhìn thấy cô duy nhất một lần trong bước đi cà nhắc rất tội nghiệp cho nên bây giờ trong dáng vẻ kiêu kỳ rất giống nhau của tất cả các nàng cho nên Lâm chẳng thể nhận ra một người giữa đông người? Ồ... có lẽ nào là vậy. Lâm bất giác đưa tay sờ lên vai, vẫn còn đây cảm giác nong nóng của những ngón tay vịn chặt vai Lâm trong cú phóng xe xé gió chiều hôm đó.
Cảm giác nong nóng vương vấn đó khiến những cơn gió mùa Noel chừng như lạnh hơn những năm xưa. Bạn bè Lâm xôn xao đi shop, kỳ công chọn lựa cho xứng với ý nghĩa của mùa... Những món quà lóng la lóng lánh đến chói mắt.
Đã kỳ công chọn lựa thì chớ, lại còn phải khác thường trong việc trao tặng nữa. Thằng bạn rủ Lâm tới Dịch Vụ Ông Già Noel, gởi gói quà cho bà chủ dịch vụ và nộp mức phí cao nhất để gói quà được trao tận tạy người yêu đúng giờ Chúa ra đời.
-  Hai cậu mà chỉ gởi một hộp quà à hả?
Câu hỏi vô tư của bà chủ dịch vụ khiến Lâm nhói lòng. Thằng bạn cười khì vỗ vai Lâm:
-  Thằng này có trái tim bằng sắt nên không tốn tiền quà cho ai hết.
Bà chủ nhìn Lâm, chừng như đo lường trái tim sắt của Lâm chịu được sự lạnh lẽo ra sao, rồi bà độp một câu bất ngờ:
-  Vậy là Noel cậu rảnh hả?
Thằng bạn lại cười khì khiến Lâm đỏ bừng mặt mũi. Không có ai để đưa đón để dự tiệc nửa đêm, đúng là quá rảnh.
-  Ngày đó cậu tới đây làm việc cho tôi đi.
Lâm chưa nói năng gì, bà tiếp luôn:
-  Làm Ông Già Noel đi tặng niềm vui cho mọi người rồi thì cậu sẽ thấy điều kỳ diệu. Thật mà, đêm Thánh nhiệm mầu.                                 
* * *
Đường phố đông nghẹt.
Những Ông Già Noel rất vất vả mới có thể trao quà đúng giờ khách hàng yêu cầu. Nhưng cái việc vác bao quà chạy xuyên qua dòng người chen đặc trên đường chỉ là chuyện nhỏ so với việc trao quà mà người nhận là cô gái quá xinh đến nỗi không phải Ông Già Noel nào cũng nhớ ra mình đang là ... Ông Già Noel. Vậy cho nên xảy ra chuyện là khi đứng trước người nhận quà, thay vì cao giọng ồm ồm quyền uy như kịch bản quy định “Ta tặng cho con món quà này vì con rất ngoan” thì có Ông Già Noel lại buột miệng câu lịch sự kinh điển “Chào bạn” khiến người nhận bật cười khúc khích.
Lâm thì không bật thốt cái câu kinh điển “chào bạn” mà là chết sững mất mấy giây bởi vì người nhận quà sao mà giống cô gái chiều hôm nào. Nhìn thấy Ông Già Noel vác bao quà căng phồng đứng ngoài cổng, cô gái reo lên, từ thềm nhà chạy băng qua sân, đôi dép xỏ vội vàng khiến cô vừa chạy vừa sửa lại chiếc dép dưới chân, dáng chạy sao mà giống quá cô gái chiều hôm nào.
Phải cô không? Lâm nín thở. May mà cặp kính to tướng và bộ râu che khuất khuôn mặt Lâm tái nhợt đột ngột. Vậy là đã có người tặng quà cho cô rồi. Và cô rất hạnh phúc được nhận món quà này. Đêm Thánh... bà chủ dịch vụ đã nói gì nhỉ? “... rồi thì cậu sẽ thấy điều kỳ diệu...”                  Chẳng có điều kỳ diệu nào hết. Chỉ là hão huyền thôi. Bao quà trên vai Lâm chợt nặng trĩu như đeo đá.

* * *
Xong món quà cuối cùng, Lâm trở về văn phòng dịch vụ. Tất bật công viêc ngay từ đầu ngày nên cho tới lúc này các Ông Già Noel mới tụ tập đông đủ.
Trời lạnh mà hai thái dương Lâm đẫm mồ hôi vì bộ râu um tùm mà nếu kéo từng sợi của nó nối lại chắc cũng đủ đan một cái khăn quàng cổ mà thời trang mới nhất là sau một vòng quấn cổ thì hai mép khăn còn thòng tới tận đầu gối.
Vậy nên việc đầu tiên của các Ông Già Noel là gỡ ngay bộ râu ra khỏi mặt.
Và...
Lâm choáng váng khi nhìn thấy ngay trước mặt mình, sau khi gỡ bộ râu, là khuôn mặt con gái...
Cô gái hôm nào giày gót thấp gót cao.
Lâm đứng đờ người. Không dám tin.
Cô nhìn Lâm, vẻ ngạc nhiên như cũng không ngờ gặp lại Lâm tại nơi này, trong bộ áo quần xứ tuyết rộng thùng thình không thể phân biệt nam nữ.
Rồi cô nhoẻn cười. Nụ cười giống hệt như khi Lâm hỏi “Quá giang không bạn?”. Lần này thì đúng là cô rồi. Đêm Thánh nhiệm mầu.
Lâm ấp úng một câu thật ngốc:
-  Xin chào Bà Già Noel.
Cô gái tinh nghịch đeo lại bộ râu che khuất khuôn mặt, và cất giọng ồm ồm quyền uy:
-  Bởi vì con rất tốt bụng sẵn lòng giúp người khác nên ta sẽ tặng con một món quà.

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

SỐ: 245&246 - tác giả VŨ DY





NHỮNG BUỔI CHIỀU Ở CUNG TRẦM PHỐ
                                                                         
 Truyện ngắn


Khi Du biết Cung Trầm Phố thì quán cà phê ấy đã là cõi riêng của Lê và nhóm bạn cô. Du gọi là cõi riêng bởi lúc nào anh xuất hiện thì họ cũng đã có mặt trước anh, thản nhiên tán gẫu, chí ít chỉ vài giây, bọn họ dừng lại, rồi cuộc thi giọng lại tiếp tục, như không hề có anh, phong độ, sừng sững vừa bước vào. Anh bực. Nỗi bực vô cớ. Vì rất hiếm mỗi khi anh đi qua mà không ai nhìn, dù một thoáng, nhất là các cô gái. Anh quen như vậy rồi, từ thời còn sinh viên. Cứ như là sự ngưỡng mộ trên đời này chỉ dành riêng cho anh vậy. Nhưng anh quên ngày ấy đã gần hai mươi năm rồi. Anh gọi họ là “những con khướu”, những con khướu sặc sỡ, dĩ nhiên là gọi thầm, và cũng dĩ nhiên, không thèm để mắt tới. Nhưng anh cứ phải nghe hót, tranh nhau hót thì đúng hơn, đủ chất giọng, thanh điệu và đủ thứ chuyện trên đời. Trong cái mớ âm thanh nhiều cung bậc ấy Du không nghe thấy một cung trầm dù tên quán là Cung Trầm Phố, buồn cười thật. Đôi khi anh nghĩ không có phụ nữ cuộc sống sẽ buồn đi biết bao nhiêu. Nghĩ và cười một mình. Họ ăn mặc model, điệu đàng và hồn nhiên. Cafe và nước ngọt, những cái miệng chúm chím, đỏ hường, cánh sen hay tím trầm, liến thoắng, cũng muốn nhìn. Hình như là một nhóm học tại chức nào đó ở cái thành phố này và các tỉnh xa về, gặp nhau, rồi chọn Cung Trầm Phố làm đại bản doanh cho trước và sau những buổi học mà thực chất là chơi nhiều hơn, và thời gian cho những buổi trốn ra tán gẫu, “buôn dưa lê bê dưa hấu”, loáng thoáng đề tài về những chuyến đi chơi, về cuộc tình chớp nhoáng giữa một chàng và một nàng nào trong lớp, về quần áo, về một ông (thầy) chịu chơi, bà (cô) hắc ám. Họ đang nói về những thầy cô giáo ở xa về dạy hợp đồng theo một liên kết nào đó, trong dịp hè, mỗi năm vài tuần, dạy xong rồi về, không bận tâm  lắm đến lớp nhiều hay ít, trò học được hay không, hứng thì dạy, không thì tự nghiên cứu, cơm áo mà, thầy thì dễ dãi, trò thì chu đáo, miễn là cuối khoá hầu hết ai cũng tốt nghiệp, cũng nhận bằng. Cái sự học thời buổi này dễ lắm. Ai cũng có thể đi học, và ai cũng tưởng mình đang đi học. Anh cười buồn. Liếc nhìn sang bàn bên kia, năm nàng với năm vẻ khác nhau, không lẫn. Trong bọn, một người dáng nhỏ nhắn nhưng có vẻ chị lắm, nói không ít hơn và giọng cũng đáng để ý, mắt nâu một chút ngơ ngác, ánh nhìn thăm thẳm. Lạ thật, mắt ấy sao mồm miệng thế không biết. Hình như Du nghe bọn họ gọi đôi mắt buồn ấy là Lê. Và sau này khi đã thân thiết anh mới nói cho Lê rằng anh vốn thích những đôi mắt như vậy. Lê bảo anh khéo nịnh. Anh cười, nói nịnh mà được Lê thì cũng nên lắm, Lê đã một thoáng nhìn anh mà không nói gì.
Thỉnh thoảng, Du mở laptop và lang thang vào một website văn chương nào đó hay lướt qua những tin thể thao mới nhất, cố tập trung nhưng vẫn bị nhiễu. Nhiễu vì những con khướu vẫn vô tư khoe giọng. Vì khoảng cách đôi bên không quá xa nhau. Lâu thành quen, những buổi chiều không nghe nhóm khướu ấy, cứ thấy trống trải, tiếc một chút trẻ trung sôi động vừa đi qua tuổi mình. Đôi lần Du định chọn một quán khác nhưng đã thành thói quen. Với anh, cafe còn là một hoài niệm, một chỗ ngồi, một chỗ trú thân và thả lỏng mình sau những giờ làm việc mệt mỏi ở cơ quan. Sau gần hai mươi năm làm việc anh đã bắt đầu mệt mỏi. Cafe quán, một thói quen từ thời còn sinh viên anh vẫn giữ cũng như vẫn còn muốn nghe những khúc Trịnh trong vô vàn những bản nhạc mì ăn liền nhan nhản bây giờ. Nghe và để mình phiêu du đâu đó, để đôi khi quên đi cuộc sống thực dụng gấp gáp chung quanh. Rồi anh dần thấy hay hay bởi cái vẻ hoạt náo của họ. Nhưng cái chính là anh muốn nhìn vào đôi mắt sâu vợi ấy, bởi đôi lần anh bắt gặp, đôi mắt ấy cũng kín đáo hướng ánh nhìn về phía anh. Và giữa hai như  một thoả thuận không lời. Khoảng cách giữa anh và những con khướu ấy không xa cũng không gần thêm. Và cũng chỉ có thế. Và chính anh cũng nghĩ thế. Cho đến một ngày…

Trời lại mưa, anh chạy qua lối đi lát bằng đá chẻ thô nhám hai bên trồng toàn cỏ tóc tiên tím, chiếc dù che không kín hết, cơn gió hắt mưa làm ướt hết một phía vai. Lạnh. Những sợi mưa quất vào mặt rát buốt như ngọn roi, nước mưa chảy qua môi anh ngòn ngọt. Du bước vội vào tiền sảnh nhà văn hoá thành phố. Vừa kịp khai mạc buổi hội diễn văn nghệ chào mừng một dịp lễ mà anh được mời làm thành viên ban giám khảo. Anh đeo vội chiếc thẻ ghi danh vào ngực và lách vào ngồi xuống thì tiếng nhạc dạo đã vang lên, anh không để ý chiếc thẻ đã quay mặt trái ra ngoài. Ban nhạc chuyển sang chơi một bản nước ngoài. Love is blue, nhạc phẩm mà anh rất thích từ thời còn trung học. Lúc này anh mới biết cơn mưa cũng đã kịp làm ướt  đôi tất dưới chân bắt đầu gây cảm giác khó chịu. Anh đã làm công việc cầm cân nẩy mực nhiều cuộc thi, anh cũng không biết vì sao người ta lại mời anh làm công việc vô vị này. Anh là một công dân mẫu mực chăng? Anh đam mê âm nhạc chăng? Hay anh thích hội hoạ và dù những hoạ phẩm của anh chỉ để treo chơi và tặng bạn bè? Hay cái mác nhà thơ và là cộng tác viên của một vài tờ báo và tạp chí, cái mác mà chính anh thường tự giễu mình? Anh cười cho cái háo danh của người đời. Mặc kệ. Anh thấy mình cuốn theo những giọng hát và điệu múa. Những tràng vỗ tay. Anh thấy mệt. Giọng người dẫn chương trình lại vang lên “Lớp văn B26 ĐH…, bài múa…”, anh lơ đãng nhìn lên sân khấu. Trời ạ! không thể tin được, trước mắt anh là nhóm khướu với tám nàng xinh đẹp. Tám chứ không phải năm như thường lệ. Những bờ vai trắng ngần và những cặp mắt biết nói như trôi qua trước mắt anh. Anh chăm chú nhìn. Hình thể có tiếng nói riêng của nó và anh không thể cưỡng lại. Và Lê hát, giọng ngọt ngào và hơi buồn, bài hát về một loài chim trắng nào đó. Ba tiếng đồng hồ rồi cũng trôi qua. Du ra  đứng một mình ngoài hành lang, dưới chân cơn mưa còn đọng vũng, anh nới lỏng cà vạt, nhìn bầu trời u ám và tự hỏi tối nay làm gì cho hết đêm trong cái thành phố thêng thang này khi ngoài kia mưa gió?  Anh đã từ chối sẽ không đi ăn nhà hàng với ban tổ chức, dù họ đã đặt chỗ. Anh không thích thú gì những câu chuyện đưa đẩy và chúc tụng nhau, những lời chúc thường không thật. Anh rất ngại những cuộc tiệc như vậy. Du nhớ lại lúc nãy khi nhóm khướu cúi chào, thoáng một giây anh bắt gặp ánh mắt Lê. Anh mỉm cười một mình. Hình như lúc đó anh đã vỗ tay rất nhiệt tình. Cơn mưa chiều giờ chỉ còn bay hiu hắt dưới ánh đèn cao áp tím, rắc mơ hồ trên những chùm hoa bọ cạp vàng trên cao. Mới tháng bảy mà Cao Nguyên đã bắt đầu lạnh. Anh thấy ngạc nhiên khi dạo này anh thường nhớ đến đôi mắt của Lê, đôi mắt đôi khi như có lửa, điều chưa từng xảy ra với anh từ khi cuộc hôn nhân của mình tan vỡ, đã mười năm nay, cũng vừa năm năm anh xin chuyển từ đồng bằng lên công tác tại thành phố Cao Nguyên này. Một cơ quan văn hoá. Ở trọ và ăn cơm tháng. Công việc thì giờ giấc còn sinh hoạt thì tuỳ thích. Thỉnh thoảng được mời dạy hợp đồng một lớp mỹ thuật, làm vài ba cái ma-kết. Đi và về. Và cũng không còn gì để ràng buộc. Anh bây giờ là người tự do. Tự do đến cô độc. Điện thoại trong túi quần rung lên. Một tin nhắn rủ đi nhậu. Anh tắt máy không nhắn lại. Du định tí nữa anh sẽ ra vỉa hè uống một ly cho ấm rồi tìm một quán cà phê nào đó ngồi chờ khuya, anh sợ phải về nơi trọ khi còn quá sớm dù anh còn phải xem lại mấy cái kịch bản cho công việc tuần tới. Mấy quyển của Remarque và Sanint Exupéry anh đã đọc đi đọc lại, cả “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng, vất bừa bãi ở đầu giường, chưa ra thư viện đổi.
Du không vội. Anh lại đưa mắt tìm những chùm hoa bọ cạp vàng lúc này đang đu đưa trong gió. Anh vốn yêu hoa vàng mà. Du chợt cảm giác có người nhìn anh từ phía sau. Anh nheo mắt và quay lại. Và lần thứ hai trong ngày, anh thật ngạc nhiên, Lê đứng sau lưng anh tự bao giờ. Quần Jeen áo vàng, rạng rỡ dưới ánh đèn, bé nhỏ và mong manh như một đoá tường vi. Trong một bất chợt, anh muốn choàng tay ôm Lê vào lòng thật chặt, mặc mọi người chung quanh và mọi thứ trên đời. “Có việc gì không cô bé?” anh cất tiếng hỏi, nghe giọng mình không được tự tin lắm. “Thưa thầy!...Thầy chưa về sao?”, chỉ hỏi vây thôi sao, anh hơi ngạc nhiên, thầy ư? Sao biết anh là thầy? Hoá ra từ lâu anh đã coi thường đối phương rồi, những con khướu đâu chỉ có biết hót, chúng còn biết múa ca và tìm hiểu và biết làm người khác kinh ngạc vào những lúc bất ngờ. Anh hơi mỉm cười.” Còn sớm mà, tôi thích đứng đây nhìn mọi người, tôi cũng không vội lắm”, anh nói thật điều mình nghĩ, và chờ đợi, tự nhiên thấy lúng túng. Anh nhìn Lê và nghĩ thầm, mọi hôm liến thoắng sao bây giờ nhu mì vậy? “Nhóm của em đâu rồi, ca sĩ?”, ngần ngừ một giây, anh tiếp. Và anh nghe tiếng Lê cười khúc khích nói tụi bạn về trước rồi và hỏi lại em là ca sĩ từ bao giờ vậy. Họ trao đổi thêm vài câu vu vơ gì đó. Du không nhớ mình đã nói như thế nào mà Lê đồng ý để anh đưa về nhưng anh thấy không thể không khen mình lần ấy.
Họ đi bộ trên con đường nhiều cây, phố đêm vắng xe, cơn mưa đã tạnh nhưng hơi nước vẫn còn bốc lên mờ mờ, lành lạnh, bóng cây đổ xuống Lê, màu áo vàng thẫm lại, vạt tóc bay bay trong tối. Bao nhiêu năm sau một hôn nhân buồn, Du gần như quên cái cảm giác đi dạo với một người con gái trong đêm, anh nghe thật lạ, ở thành phố này, bao nhiêu cô gái vây quanh anh nhưng anh bây giờ như con chim sợ cành cây cong, dửng dưng tất cả, nói đúng hơn là e ngại. Anh vốn ngạo mạn, một chút lạnh lùng, bây giờ càng trở nên khó gần. Đôi khi anh tự hỏi bao nhiêu trong những vệ tinh ấy là một tình yêu thật sự, một tình yêu không vụ lợi? Du cười buồn với mình, anh không còn trẻ cho một cuộc hẹn hò. Khi ngang qua Cung Trầm Phố cả hai cùng nhìn vào, sau mưa, dưới ánh đèn màu trông nó như một nơi chốn nào không thật, cám dỗ lạ lùng. Anh định mời Lê vào cùng ngồi với nhau một lúc nhưng sợ cô từ chối, hơn nữa đã quá lâu rồi anh chưa cùng một cô gái nào vào quán cafe, nên thôi, dù nghe một chút tiếc nuối. Anh hỏi điều thắc mắc vừa rồi “Sao Lê biết tôi là … thầy?” Lê cười nhỏ “Ở cái thành phố này ai chẳng biết thầy!”. Du phát hiện ra Lê còn có tiếng cười cũng thật trong trẻo như giọng hát. Du nghĩ thầm anh không phải là thầy Lê vì chưa dạy cô buổi nào nhưng làm anh thì Du sẽ là anh mấy lần của Lê, anh mỉm cười, cảm thấy vui vui. Rồi cuộc nói chuyện của họ cũng dần thoải mái hơn. Bây giờ anh biết Lê đi dạy và cô kể cho anh nghe về những học trò ở một vùng quê rất xa xôi, những đứa học trò quê thật thà tội nghiệp, chuyện cô dạy bổ túc vào ban đêm, những lần cô giảng bài say sưa mà học trò thì ngu ngơ không hiểu làm cô muốn khóc. Rồi chuyện cô đến nhà dỗ dành những em bỏ học. Những chuyện vui và buồn. Giọng Lê ngậm ngùi, xa xôi, Lê bây giờ khác hẳn Lê ở Cung Trầm Phố. Du đi bên cô, im lặng, dù muốn nói một lời sẻ chia. Con đường rồi cũng dẫn đến trước ngõ nhà Lê ở. Một mở đầu bất ngờ và một kết thúc ngắn ngủi, anh nghĩ thầm. “Ngủ ngoan và mai nhớ… đừng bỏ học nhé!”, anh nói nhỏ,  chờ Lê vẫy tay tạm biệt và khép cửa mới quay trở lại trên con đường mưa tạnh rực rỡ ánh đèn. Anh định nói mai gặp lại nhưng thấy hơi kỳ cục vì đây mới là lần đầu cùng đi một đoạn đường với Lê, anh không có thói quen vội hẹn với một người còn quá mới mẻ, vả lại anh biết chắc mai thế nào họ cũng gặp nhau ở Cung Trầm Phố, nhưng Du không biết mai đã là một đợt nghỉ dài Lê sẽ về nhà và anh sẽ uống cafe mà không còn nghe những nàng khướu rộn ràng.

Phía bên kia đồi ánh trăng màu cam của một ngày tháng sáu hắt chút ánh sáng mờ mờ lên con đường nhựa đen vẫn còn hầm hập hơi nóng ban ngày, những bụi cây hai bên đường vùn vụt lùi lại phía sau. Du thường chạy xe ra ngoại ô vào những đêm anh không biết làm gì. Khoá máy. Không liên lạc. Không nhậu. Không bạn bè. Anh muốn mình biến mất. Chạy và không cần biết đi đâu. Anh tăng ga, chiếc xe máy cà tàng vọt về trước, Du lật kính mũ bảo hiểm đón gió. Anh thích những cơn gió phóng túng của đêm tràn qua mặt, nó làm bay đi những mệt mỏi của một ngày. Cảm giác như bàn tay phụ nữ. Anh chạy vào một lối đường đất cách con lộ một quãng và dừng xe dưới chân một vạt đồi thấp. Anh ngồi vắt chân trên yên xe. Phía trước mặt những bông lau thẫm đen in trên nền trời đứng gió. Du đợi trăng. Và anh nghĩ đến Lê. Từ hồi gặp cô ở nhà văn hoá thành phố rồi đưa nhau về đến bây giờ đã hơn nửa năm. Trừ những lần thấy nhau ở Cung Trầm Phố ngoài những cái gật đầu chào nhau kín đáo, thì chỉ một lần họ đi chơi cùng nhau, và trước nhóm bạn vô tư của cô, hai người vẫn chưa từng quen biết. Nhưng đôi khi anh nghi ngờ điều đó. Những con khướu không bao giờ biết để bí mật trong lòng. Du vẫn không thể quên cảm giác ấm áp từ người cô truyền sang khi ngồi phía sau xe anh. Và lần ấy Lê đã hát cho anh nghe, vẫn giọng hát buồn ấy. Trăng bây giờ đã lên cao hơn, rắc xuống ánh vàng hư ảo, cỏ cây cũng mơ hồ như không thật, phía trước anh là khoảng không gian tím biếc, anh nghĩ đến màu áo tím Lê thường hay mặc, hình như màu tím luôn thấp thoáng đâu đó trên người cô mỗi lần anh gặp. Anh chợt nhớ lời bài hát “Ngàn thu áo tím” của Hoàng Trọng: Ngày xưa xa xôi em rất yêu màu tím, ngày xưa vô tư em sống trong trìu mến, chiều xuống áo tím thường thướt tha, bước trên đường gấm hoa, ngắm mây chiều lướt xa… Anh tự hỏi không biết bây giờ Lê đang làm gì? Đã ngủ, hay còn đang lông bông nô đùa đâu đó cùng nhóm bạn, cái nhóm bạn tưởng như không bao giờ biết buồn ấy. Anh tưởng tượng ra có bao giờ cô nghĩ đến anh, dù một chút không? Rồi anh cười giễu mình. Mày mơ mộng quá rồi Du ạ! Một cánh chim bay qua bất ngờ thả xuống một trành tiếng kêu líu lo nhưng buồn, âm thanh tan chìm trong đêm núi. Du thấy hơi lạnh bắt đầu dâng lên. Thời tiết Cao Nguyên như cô gái đỏng đảnh, có mùa ban ngày nắng như lửa đốt, ban đêm lạnh thấu da. Anh sờ tay, chiếc yên xe sương ướt lạnh. Du châm thuốc và nhả khói, tiếng bầy muỗi bay lên vo ve xung quanh. Đợi điếu thuốc cháy hết, anh nổ máy quay xe trở lại.

Du đọc lại bản thảo và bắt đầu sửa lỗi, anh nhấn phím delete xoá những từ, cả những đoạn không vừa ý, rồi đọc lại nhiều lần. Nhiều chi tiết quá thật làm anh không thích và lại xoá và gõ. Anh viết khoảng nửa trang và thấy không thể tiếp tục, Du ước gì có một phím delete để xoá trắng không để lại vết tích những năm tháng cũ. Những năm tháng đầy ước mơ mộng mị rồi đổ vỡ mà anh không thể nào quên. Một ngày, ngoài những giờ ở cơ quan, anh thường dành thời gian nhất định ngồi trước máy tính, anh lang thang vào những thế giới xa lạ và quên hết. Đôi khi một miền ảo nào đó cũng làm người ta quên được bao nhiêu hệ luỵ của thực tại. Khi nào hứng anh ngồi hàng giờ trước bàn phím, nhiều lúc nhậu về say, anh mở máy, những giao diện luôn vỗ về và xoa dịu, anh thích viết khi đừng quá tỉnh táo, tỉnh quá những điều viết ra thường vô hồn, chỉ là những xác chữ nhạt nhẽo, cứng đờ, chúng chết khi vừa ra đời, nhiều khi cả tháng anh không viết được dòng nào. Du tìm bài thơ viết tuần trước, cắt bớt mấy từ thừa, xem lại lần cuối rồi mail cho một web quen thuộc. Anh nhấp chuột, chỉ mấy giây sau anh nhận được lời cảm ơn đã nhận được bài. Du thở dài, căng mắt nhìn sâu vào đêm tối ngoài cửa sổ phòng trọ, nơi ấy là mưa, là nắng, là cây đầy rêu, là lá già khô mục, là đất đùn lên, là giun dế, là ẩm ướt, là nơi chứng kiến những đêm anh về tơi tả, cô độc, tất cả đã ngủ vùi như một thế giới đang âm thầm chết. Anh biết bây giờ Lê đã ngủ. Du với chiếc áo khoác, tắt đèn và khép cửa. Anh đứng nơi bậc thềm hứng bóng tối một lúc cho quen mắt rồi bước ra ngoài đêm lạnh buốt. 

Mưa tạt ướt chỗ ngồi, Lê ngồi xích về phía trong, co ro trong ghế, áo khoác trùm kín chỉ còn khuôn mặt. Khi nãy mưa vừa bắt đầu Lê đã lạy trời mưa to, Lê nói mưa to sẽ không ai vào quán và cô và anh sẽ còn có được một không gian nhỏ nhoi để ngồi với nhau trong buổi chiều hiếm hoi mà thời gian chỉ tính được bằng giây. Du cười hát khẽ “Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa, lạy trời mưa phong kín đường về”* Du muốn mưa lũ trên núi về cuốn trôi mọi con đường và Lê sẽ ở lại, đêm nay, ngày mai và mãi mãi. Trời thì mưa, khoảng cách thì xa, nhìn bốn phía chỉ thấy toàn núi với rừng, sẽ diệu vợi lắm, khoảng cách ấy thường làm anh sợ, một nỗi sợ mơ hồ, giống như Lê bây giờ nhỏ bé, mong manh. Khoá học rồi sẽ hết và em sẽ về lại nơi em đến, một tỉnh xa xôi nào đó, không bao giờ quay lại Cao Nguyên này. Cung Trầm Phố không còn em sẽ buồn biết mấy và Du biết mình sẽ cằn khô dần như giò phong lan trong góc quán nơi anh thường ngồi vì thiếu nắng và gió. Anh biết mình không thể giữ Lê ở lại, giữa hai người từ đầu đã là một khoảng cách và anh không có quyền làm cho Lê hy vọng. Du nhớ lại tin nhắn đầu tiên sau nhiều ngày, Lê bấm vào máy anh “Thầy ơi! Em chào thầy em về, không được gặp lại thầy…” sau một lần vô tình họ gặp. Và anh đã lưu tin nhắn ấy lại đến tận bây giờ. Như một niềm riêng. Anh nhớ đó là tháng mười hai. Tháng mười hai, anh nhớ mãi.

Cảm giác chờ đợi thật lạ lùng. Lê nói là cô sẽ trở lại, anh tin và anh chờ đợi. Một ngày sắp hết, chuyến xe cuối cùng cập bến đã hơn nửa tiếng, anh biết Lê đã không trở lại, anh định mở điện thoại lần nữa, hy vọng nhận được tin nhắn “Sao chưa ra đón em?” Nhưng, anh sợ màn hình trắng xoá.
                                                                                                              6/2010

     
·          Lời trong bài Tháng sáu trời mưa của Ngô Thuỵ Miên