Ký của HỒNG CHIẾN
Hơn hai chục năm đã trôi qua, nay tôi mới có dịp quay lại làm việc
với Xí nghiệp liên hợp 333. Thời gian trôi nhanh thật, tháng 7 năm 1985, tôi
được mời về làm tập sách chuẩn bị kỷ niệm 10 năm ngày thành lập sư đoàn 333.
Khi ấy Sư đoàn bộ đóng tại buôn Ea Knôp, huyện Ea Kar, tỉnh Dak Lak, cách thị
xã Buôn Ma Thuột 64 km về phía đông; quân của đơn vị đóng trên địa bàn hai tỉnh
Dak Lak và Phú Khánh; nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị lúc bấy giờ vừa làm kinh tế,
vừa truy quét Purol, đảm bảo an ninh cho
khu vực. Cuối năm 1985, tình hình an ninh ổn định, Sư đoàn được chuyển giao cho
Bộ Nông Nghiệp làm kinh tế và đổi tên thành Xí
nghiệp Liên hợp 333. Sau này, do
nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, một bộ phận được tách ra thành lập Tổng công ty mía đường 333 sử dụng một
phần cơ sở vật chất của Xí nghiệp Liên hợp 333 bàn giao lại.
Từ quốc lộ 26A rẻ vào Công ty, đường đã được rải nhựa; hai bên
đường cây bóng mát sum sê xanh tốt. Đứng ngoài cổng nhìn vào, hai dãy
nhà hai tầng được làm từ thời mới thành lập Sư đoàn 333 vẫn còn nguyên đây.
Ngôi nhà xây, nước sơn còn mới, chắc vừa được sửa chửa lại. Căn nhà hai tầng ở
phía đông cổng làm bằng gỗ, năm tháng trôi qua chỉ làm mặt gỗ bóng lên,
trông rất đẹp. Đối diện với nhà làm việc của Tổng công ty là khu nhà máy đường
đồ sộ cao ngang tòa nhà năm tầng, ống khói chọc trời xanh, tọa lạc trên nền của
xí nghiệp cơ khí cũ. Quang cảnh khác xưa nhiều quá, con người cũng vậy, công
nhân phần lớn còn rất trẻ đang hối hả làm việc.
Theo ông Phan Xuân Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám
đốc công ty cho biết: công suất nhà máy đường 333 là 800 tấn, diện tích đất
chuyên canh theo quy hoạch 27.000 ha. Dự tính vụ sản xuất sắp tới sẽ cải tạo
nâng cấp công suất nhà máy lên 1000 tấn. Qua trao đổi, tôi được biết thêm: trước
đây nhà máy mía đường 333 cũng như nhiều nhà máy mía đường trong cả nước làm ăn
đều không có lãi, một phần do tập quán canh tác còn lạc hậu, nhiều nông dân
trồng mía nguyên liệu không đúng theo yêu cầu nhà máy đặt ra; một phần do chính sách nhà nước ban hành chưa phù
hợp với sự phát triển của các nhà máy lúc bấy giờ. Trong những năm gần đây,
Đảng và nhà nước ta đã có những chính sách ưu tiên phát triển các nhà máy mía
đường; những nhà máy hoạt động kém hiệu quả đã phải ngừng hoạt động, những nhà
máy hoạt động có hiệu quả tiếp tục được khuyến khích đầu tư mở rông. Trong xu
thế đó Nhà máy mía đường 333 được cấp trên phê duyệt cho mở rộng, nâng công
suất và tăng diện tích vùng nguyên liệu. Nhà máy liên kết không những với các
xã, các hộ gia đình mà còn kí kết với một số Trại cải tạo, Trại phục hồi nhân
phẩm của cơ quan bạn để trồng mía nguyên liệu. Đây cũng là cách để giúp những
con người lầm lỗi có điều kiện cải tạo, sớm trở về với cộng đồng. Riêng vùng
quy hoạch trồng mía nguyên liệu, phần lớn đất đai ở huyện M’đrăk cũng như các
xã Ea Tyh, Ea Păn, Cư Yang, Cư Pông… thuộc huyện Ea Kar toàn đất pha cát chỉ có
cỏ gianh mọc; Trước đây, khi mùa mưa tới, một màu xanh trải dài đến hút tầm
mắt; mùa khô về, tất cả chuyển dần sang màu vàng úa và chỉ vô tình một tàn lửa
nhỏ rơi xuống, cơn hoả hoạn sẽ bao trùm tất cả. Trên vùng đất ấy, con người chỉ
làm rẫy vào mùa mưa và tổ chức chăn nuôi. Nguyên Sư đoàn 333 trước đây cũng có
xí nghiệp D22 chuyên chăn nuôi bò cung cấp thực phẩm cho toàn đơn vị. Vùng đất
khô cằn này chỉ thực sự thức dậy khi có Nhà máy đường 333 đi vào hoạt động.
Không ngờ đất cát pha lại hợp với cây mía đến thế. Nhà máy trực tiếp xuống các
xã, vận động nhân dân trồng mía và kí kết đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Vụ đầu còn
ít người làm, vụ sau thấy trồng mía lời hơn bất kì loại cây trồng nào nên các
hộ đua nhau trồng; trồng theo quy hoạch, trồng theo kí kết liên doanh đã đầu tư
và trồng tự phát. Cái cổ hủ của người nông dân là chạy theo phong trào nên hệ
quả tất yếu là nguyên liệu thừa, vì công suất nhà máy có hạn. Trước tình cảnh
ấy nhà máy đường 333 phải chạy vượt cả công suất thiết kế để có thể khắc phục
phần nào tình hình thừa nguyên liệu. Đúng ra những hộ trồng mía không kí kết
với nhà máy thì nhà máy không có trách nhiệm bao tiêu sản phẩm cho họ. Nói là
nói vậy nhưng những người công nhân từng khoác áo lính, sẵn sàng hy sinh cả
tính mạng của mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mong mang lại bình
yên, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; giờ đây không thể vì nguyên tắc giấy tờ, mà
để nhân dân phải thiệt thòi. Thế là nhà máy phải gồng mình lên để “gánh”.
Rời Tổng công ty, tôi đi thăm vùng mía nguyên liệu thuộc xã Ea Pil,
huyện M’Đrăk; ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng giám đốc công ty đi cùng cho chúng
tôi biết thêm: Ngày nay đa số các hộ kí kết hợp đồng với nhà máy, nhận đầu tư
trồng mía đều có thu nhập ổn định. Các hộ nghèo so với trong vùng còn rất ít, đa
phần đủ ăn và vươn lên làm giàu. Cuộc sống mới của những con người trên vùng
đất phía đông tỉnh Dak Lak mà trước đây là những người lính Sư đoàn 333 và hôm
nay có thêm con cháu họ, đã đủ ăn, đủ mặc, xây được nhà kiên cố với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, con cái được
học hành đến nơi đến chốn, nhiều người tốt nghệp đại học ở các trường danh
tiếng lại trở về đây góp sức xây dựng quê hương. Theo quốc lộ 26A đến xã Ea Pil, hai bên đường xen kẽ những mảng xanh của mía là những ngôi nhà kiểu Thái… Tôi đề nghị dừng xe vào thăm một ngôi nhà hai tầng thiết kế khá đẹp
mắt đang thi công ngay sát chân đèo 519. Nhắc đến đèo 519 trên quốc lộ 26A,
chắc nhiều người còn nhớ đến trận đánh chiến lược mùa xuân 1975, ta tiêu diệt
một tiểu đoàn lính ngụy chốt tại đây, cắt đứt đường tiếp tế từ phía đông cho
Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên, góp phần quan trọng vào chiến thắng giải phóng
Buôn Ma Thuột. Khu vực này khi D22 thuộc
Sư đoàn 333 về đóng quân, đêm đêm bộ đội vẫn thức để đốt lửa đuổi hổ về rình
bắt bò và voi rừng về quậy phá; còn hôm nay, người dân vùng đất khô cằn này làm
gì để có thể tồn tại ở đây chứ nói gì đến làm giàu!? Tôi vào sân, thật bất ngờ
khi gặp ông chủ nhà lại là người quen cũ, anh Nguyễn Văn Hướng - người lính D22
năm xưa; nay tóc bạc, người mập ra, nhưng giọng Thanh Hóa không thể lẫn vào đâu
được. Lâu ngày gặp lại, Anh hồ hởi cho biết: xây nhà, mua được ô tô đi chở hàng,
các cháu đều lớn và đã xây dựng gia đình, làm ăn khá; tất cả đều bắt nguồn từ
cây mía và nhờ cây mía mà lên cả đấy. Tôi hỏi thêm về các hộ gia đình còn khó
khăn ở đây; anh cho biết: ở đâu mà chẳng có người còn nghèo, nhưng không còn ai
đói nữa đâu. Để giúp cho những đối tượng thoát nghèo cần phải chung tay của cả
xã hội chứ không thể trông chờ vào một mình chính quyền. Những hộ nghèo do
thiếu đất canh tác hoặc không có vốn đầu tư. Ở vùng đất khô cằn như thế này nay
đất đã trở nên chật chội; người ta đã làm nhà lên tận gần đỉnh đèo, có nhà còn
đào cả đât gần chân nhà dựng bia tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh trong trận
đánh giải phóng đèo tháng 3 năm 1975 để xây nhà để ở. Ở như thế này, ngay
chuyện nước để sinh hoạt đã khó khăn nói gì đến phát triển kinh tế. Nếu cứ phát
triển dân số như thế này không biết đến khi nào mới có thể giàu lên được! Chia
tay anh Hướng, tôi tiếp tục đi. Đứng trên đỉnh đèo 519 nhìn xuống, xa xa phía
tây đèo một ngôi trường cao tầng thuộc xã Ea Pin nước sơn còn mới, sừng sững mọc lên giữa màu
xanh bạt ngàn của mía. Trên các triền đồi cỏ gianh khi xưa, nay được chia thành
từng ô dài có đường lớn và cột điện cao thế đưa điện tới từng hộ gia đình. Những người
dân hôm nay, trước kia là người lính sư đoàn 333 thuộc vùng đất D22 trước kia không
ai còn ở nhà tranh vách đất nữa, cuộc sống của mọi người đã đổi thay.
Sáng hôm sau tôi đến thôn Hạ Long thuộc xã
Chư Pông, huyện Ea Kar. Tôi chọn thôn Hạ Long vì đây là thôn người Tày đầu tiên
từ tỉnh Cao Bằng vào định cư từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi ấy vùng đất
này còn hoang vu lắm, hai mươi hộ làm nhà lọt thỏm giữa mênh mông rừng gianh.
Trong một lần đi công tác qua đây, tôi đã thấy tất cả các ngôi nhà đều lợp
gianh, trát đất; cuộc sống bữa đói bữa no. Còn hôm nay, gần một nửa thôn đã có
nhà xây, số còn lại đều thưng ván lợp ngói hoặc tôn. Con đường rộng 6m mới được
ủi in đầy vết xe máy. Trong căn nhà xây hai gian bốn phòng theo kiểu hình hộp,
phòng khách có bộ xa lông đóng bằng gỗ hương, ông Hoàng Văn Dáy – Phó chủ tịch
Hội cựu chiến binh xã Cư Prông cho tôi biết: Thôn mình nay đã có hơn 40 hộ rồi,
cuộc sống thay đổi nhiều lắm, nhiều người đã khá giả vì người dân cần cù lao
động và tiết kiệm nên không ai còn đói cả. Gần một phần ba số hộ có xe máy, nhà
của đàng hoàng. Nhiều hộ gia đinh đã mua được ti vi, nhưng đến nay toàn thôn
vẫn chưa có điện lưới quốc gia nên buồn lắm. Người dân chưa có nhiều hộ giàu
được vì đất xấu, không biết canh tác cây gì cho phù hợp. Khi mới vào bắt chước
người ta trồng cà phê, được mấy năm năng suất thấp quá, phá đi trồng điều, hơn
chục năm sau, điều cho ít quả lại phải
phá đi để trồng mía, mía rớt giá lại phá trồng… cà phê. Vòng luẩn quẩn này
không biết khi nào mới thoát. Thế cây mía hôm nay thì sao? Tôi hỏi thêm, ông cho
biết: trước đây cây mía là cứu cánh của người dân, người ta đua nhau trồng mía
và thoát nghèo. Nhưng vài vụ gần đây do mấy người đứng ra môi giới mua mía giúp
nhà máy nên lợi nhuận trồng mía không được là bao. Giá như được nhà máy trực
tiếp ký kết hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm như trước thì dân còn được lời
tý chút, đàng này… Hiện nay các hộ trong thôn cũng vẫn đang trồng mía, nhà ít
thì một vài ha, nhà nhiều ba bốn ha; người ta trồng vì không biết phải trồng
cây gì ngoài cây mía; nếu tìm được cây thay thế, chắc cũng phải đổi thôi. Thôn
Hạ Long (người dân Hạng Long tỉnh Cao Bằng di cư vào đặt tên quê mới chệch đi
một tý cho có ý nghĩa: đất Rồng hạ - Rồng dừng), với mong nuốn trên vùng que
mới sẽ phát triển trù phú, làm đẹp cho quê hương, đất nước và quả thật hôm nay
đã rất đẹp; bao quanh thôn bạt ngàn màu xanh của mía, những cánh rừng mía xanh
non mơn mởn vươn xa tít tắp, thỉnh thoảng xen trong rừng mía ấy là những khu
đất nhỏ trồng cây cà phê, làm cho bức tranh quê thêm phần sinh dộng. Rời Hạ
Long tôi vẫn băn khoăn không biết các anh ở Tổng công ty mía đường 333 có biết
nguyện vọng của người dân ở đây không và người dân thôn Hạ Long đến bao giờ mới
có điện lưới quốc gia để dùng!
Quay về xã Ea Týh, tôi mang những điều mắt thấy tai nghe ở thôn Hạ
Long phản ánh xung quanh cây mía, trao đổi với ông Trần Duy Khắc - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã;
ông cho biết: Tình trạng chung như thế cả, ngay gia đình tôi vụ này cũng trồng
2 ha mía liên kết với Tổng công ty mía đường 333. Năm vừa qua vì đường nước ta
bị đường nhập lậu ngoại ép giá nên cũng phải thông cảm với nhà máy về giá cả
mua mía nguyên liệu. Tuy Lợi nhuận người trồng mía không cao nhưng đất ở đây
biết trồng cây gì nữa đâu, đành “năng
nhặt chặt bị - góp gió thành bảo” vậy thôi. Hiện nay xã Ea Tyh là vùng mía
nguyên liệu chính của nhà máy, người dân trồng mía tất cả chưa thể ai cũng
thành giàu nhưng chắc chắn sẽ không nghèo. Trong các cuộc họp chúng tôi cũng đã
có kiến nghị với Tổng công ty, nhưng từ thực tế kinh tế thị trường như hiện nay
ta đành phải chấp nhận! Đúng vậy, cây mía hiện nay trên vùng đất này là cây
trồng chính, chưa có cây khác thay thế. Có đất trồng mía người dân sống được
nhưng chưa thể làm giàu; trong tương lai nếu Tổng công ty không cải tạo giống mía
và cách thức đầu tư cũng như thu mua nguyên liệu, chắc chắn người dân nơi đây
khó chấp nhận tiếp tục trồng mía. Riêng xã Ea Tyh được xem như một vùng quê mới
có bước phát triển toàn diện, công cuộc xã hội hóa Giáo dục nói riêng và “điện
- đường – trường – trạm” nói chung đã đạt chuẩn (xã có tới ba trường phổ thông “Đạt
chuẩn Quốc gia” giai đoạn một). Mức sống của người dân được nâng cao theo từng
năm, kết quả đó phần lớn do cây mía mang lại. Để có bước phát triển lâu dài,
chắc chắn Tổng công ty cần phải tìm cách khắc phục những tồn tại nêu trên để
cùng phát triển.
Theo quy luật, công nghiệp phát triển sẽ kéo theo cuộc sống người
dân trong vùng được nâng lên; quy luật là
thế, nhưng nếu ta không tổ chức tốt sẽ chỉ có một bộ phận giàu lên, còn không
ít người lao động chân chính chỉ ở mức thoát nghèo. Những anh bộ đội Sư đoàn 333
năm xưa, nay là công nhân hay nông dân trên vùng quê mới, không những đánh giặc
giỏi mà còn biết làm kinh tế giỏi. Có lẽ đó là bản chất của anh bộ đội Cụ Hồ
mang trong mình truyền thống cha ông đi mở nước và dựng nước nay đang cùng con cháu xây dựng quê hương thứ
hai ngày một giàu đẹp; dẫu rằng vẫn còn nhiều khó khăn trước trước mắt. Nhưng
chúng ta tin và hy vọng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và chính quyền địa
phương, khó khăn nào rồi cũng sẽ vượt qua, để mang lại cuộc sống ấm no, hạnh
phúc cho tất cả mọi người nói chung và khu công nghiệp mía đường 333 nói riêng,
sẽ có bước phát triển vượt bậc trong ngày mai, góp phần làm giàu cho một vùng
quê nghèo.
!!!!!!
Trả lờiXóa, Mức sống của người dân được nâng cao theo từng năm,
***
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!
Nếu được vậy thì tốt quá rồi!
Cảm ơn bạn đã ghé thăm!
XóaChào đồng hương Ban mê, rất vui lại gặp anh ở nhà mới, Anh tân gia nhà mới chưa nè? Những truyện ngắn anh viết đã hay, giờ lại có thêm những bài kí, những bài phóng sự...rất tuyệt về ĐL.... Thay mặt bà con Buồn muôn thuở cám ơn anh, coteenchungs ta cần phải thay đổi cái tên gì cho vui vui 1 chút anh nhỉ?
Trả lờiXóa