Nhà thơ VĂN THẢNH |
NGƯỜI KÉO VÓ ĐÊM
Truyện ngắn
Chưa được gọi là già nhưng cũng không còn là trung niên, ông
Ruộng từ Tân thế giới đùng đùng đăng kí với chính quyền sở tại cho vợ chồng ông
được hồi hương. Xa quê đã 37 năm trời mà ông vẫn nhớ như in từng bờ tre, ruộng
lúa và con đường làng dẫn qua cổng chợ mỗi sáng. Ông tin chắc rằng hiện tại thì
quê nhà đã có sự thay đổi rất lớn, nhưng dù có thay đổi gì đi nữa thì những người
bằng tuổi ông trở lên ở quê vẫn còn sống đấy chứ?! Ông Ruộng nghĩ thế nên dứt
khoát đánh điện cho chị gái và anh rể là ông bà Ất chuẩn bị đón tiếp.
Về cùng ông Ruộng là vợ ông tên là bà
Liên. Gọi là bà cho phải phép chứ thật ra, bà Liên còn kém thằng cu Ờ nhà bà Ật
hai tuổi rưỡi cơ. Bà Liên là con gái duy nhất của ông Long – bạn cùng sang Tân
thế giới một lượt với ông Ruộng. Chuyện đó mãi về sau gia đình mới biết. Nghe ông
Ruộng kể rằng: Ở bên Tân thế giới ngày ấy hiếm đàn bà lắm. Nhà nào cũng có xe ô
tô nên cứ ra khỏi nhà là ai nấy đều phải đưa vợ con và con gái lên cabin không
thì mất ngay. Người ta cướp vợ, cướp con gái về làm vợ ngay giữa ban ngày ban mặt.
Dạo ấy mới mười sáu mười bảy tuổi đầu,
ông Long bàn với ông Ruộng là bạn đồng hương: “Đi vác đá thuê cho Pháp ở mỏ đá
Tràng Kênh này cực khổ lắm. Lương lậu không đủ nuôi mình, lấy đâu ra tiền đem về
nhà? Đằng nào cũng là đi, ta thử đi xa một chuyến xem sao!” Thế là nhân chuyến đi
vừa áp tải vừa bốc vác thuyền đá dăm lên cảng Tân thế giới, ông Long và ông Ruộng
ở lại đấy luôn. Thế nhưng sống ở xứ lạ đâu có dễ, các cụ ở nhà vẫn bảo: “Xảy nhà
ra thất nghiệp” ấy mà. Phần thì lo trốn chạy cảnh sát, phần lạ nước lạ cái, phần
thì cuộc sống phải nhờ vào số lương cũ lận lưng từ ở nhà và may mắn ở trọ một
gia đình người Algieri nói tiếng Pháp đã từng ở Hải Phòng, hai ông phải chật vật
lắm mới sống được.
Một buổi sáng ở gác trọ, ông Ruộng vì
mệt mỏi nên ngủ dậy muộn hơn mọi ngày. Ông Long đã ra cảng từ sáng sớm. Ông Ruộng
cũng định bụng xuống tàu khách vừa cập bến xem có ai thuê mang vác gì không. Bỗng
ông thấy từ đằng xa có một đám người toàn là dân Á đông vùng nóng đang chen lấn
nhau ồn ào vì một chuyện gì đấy giữa đường bê tông trước bãi biển. Lại gần thì
hóa ra là một người đàn bà còn trẻ đã ngất lịm, có một người con gái tầm một tuổi
không hay biết gì đang bò lê bên cạnh. Mọi người không cùng một thứ tiếng đang
hô hoán ầm ĩ xung quanh. Có một người đàn ông xồng xộc lao đến xốc thiếu phụ dậy.
Vừa lau trán, vuốt ngực người đàn bà, vừa giơ một tay lên trời: “Các ông, các
ngài ơi! Hực, hực... Đây là vợ tôi, đây là con tôi. Hãy cứu vợ con tôi với!”.
Thê thảm thế đấy!
Thì ra người đàn ông ấy là ông Long
và người đàn bà xấu số có đứa con gái bò lê bên cạnh là vợ con ông Long. Bà
Long từ quê địu con ra Hải Phòng tìm chồng. Người ta dẫn xuống tàu và chở tuốt
sang đây. Lên đến bờ xi măng thành phố cảng thì bà Long hồn xiêu phách lạc, chỉ
ôm đứa con gái mà thều thào độc một câu: “Đây là con anh Long” rồi không biết gì
nữa.
Bà Long được một suất tử tuất sở tại.
Ông Long đem con gái về nhà trọ đặt tên đứa bé là Liên. Khoảng hơn năm sau, ông
Long mua xe ô tô bán tải, cho con bé Liên lên cabin rồi đánh xe đi các vùng nông
thôn mua rau xanh về bán cả sỉ và lẻ trong thành phố và các bếp tàu. Gác trọ có
thêm bé Liên nữa là ba người. Tuy vậy nhưng ngày ngày cả ba đều phải ra khỏi nhà
từ sớm, tối mịt mới về mà về chỉ là để ngủ. Một buổi khuya, ông Long không sao
mà ngủ được. Nhìn sang phía vách tường thấy ông Ruộng đang trở mình, ông Long bèn
hỏi: “Ruộng cũng không ngủ được hả?” “Ừ!” “Sao vậy?”
“Ờ thì chỉ thấy khó ngủ.” “Này, tớ
bàn với cậu, mua lấy chiếc ô tô bán tải, chạy như tớ đây này. Tớ chạy phía Bắc,
cậu chạy phía Nam thành phố, thế là được chứ gì?”.
Nửa tháng sau, ông Ruộng mua được
xe, không phải bán tải mà là xe du lịch Pơgiô màu cà phê sữa có bốn chỗ ngồi đoàng
hoàng. Người ta bán thế thì mình mua thế, đâu phải ý mình muốn là được?! Ông Ruộng
không đi cất rau xanh ở nông thôn về thành phố bán như ông Long mà cất sữa bột
từ thành phố đem để lại cho các đại lý ngoại ô. Công việc cứ thế trôi đi một cách
thuận lợi. Con bé Liên ngày càng lớn lên trông thấy, càng lớn càng xinh, mỗi tội
suốt ngày chẳng nói lấy một câu. Trong khi đó vốn liếng tiếng Pháp của cả ông
Ruộng và ông Long lại tăng lên rất nhanh. Sáng ra khỏi nhà, chuẩn bị mỗi người đi
một ngả, ông Long vỗ vai ông Ruộng một cách hết sức thân mật: “Này cậu, bây giờ
có xe, có nghề rồi, cố gắng mà làm ăn khi còn sức khỏe, mai kia còn phải có tiền
mà cưới vợ, mà hồi hương nữa chứ?!” “Thế
anh có về quê không?” – Ông Ruộng hỏi. “Sao không, tớ sẽ còn về quê lấy vợ bé nữa
chưa biết chừng!” Nói vậy rồi đôi bên lên
xe, “bim ... bim” chào nhau.
Năm tháng qua đi rất nhanh. Vào một
buổi sáng sớm, ông Ruộng định xuống gara nhận xe đi bán sữa thì ngoảnh trông không
thấy cha con ông Long sốt sắng dậy như mọi khi bèn hỏi bâng quơ: “Hôm nay bố
con anh Long không đi làm à?”. Không thấy tiếng trả lời nghèn nghẹt mũi quen
thuộc, ông Ruộng sinh nghi bèn lật đật chạy lên gác xép kéo tấm chăn mỏng đang
phủ trên đầu ông Long. Con bé Liên vẫn ngủ say sưa trong lòng bố. Ông Ruộng cúi
xuống hỏi nhỏ: “Anh Long, anh làm sao thế? Nay anh không đi làm à?”. Ông Long
khẽ hé mắt, miệng phì phò khô khan: “À, Ruộng đấy à? Ngồi xuống đi – ông Long
khò khè nói đứt hơi – Cậu ở lại nhá, tớ về với ông bà đây. Cái Liên năm nay mười
tuổi rồi. Tớ gửi cậu chăm sóc nó. Sau này, tớ mong cậu lấy ... Nhớ ... đấy!”.
Hóa ra ông Long bị bệnh phổi rất nặng.
Ông đã vĩnh viễn ra đi ngay trong đêm ấy mà không kịp thực hiện mơ ước ngày mai
đưa con về quê. Bao nhiêu dự định của nửa đời còn lại, ông giao gửi hết cho ông
Ruộng mà chỉ xin một suất đất nghĩa trang bên cạnh vợ thôi.
Sau đám tang ông Long, ông Ruộng đưa
bé Liên lên xe mình rồi rồ ga chạy, lúc thì rủ rỉ thẫn thờ, lúc thì hung hăng điên
loạn khắp từ thành phố cho đến thôn quê. Kể ra cứ đưa một hộp sữa bột 500mg về đại
lý ở vùng giáp ranh trừ chi phí xăng xe, ông Ruộng cũng có hơn đồng frăng, làm ăn
không đến nỗi nào.
Từ khi ông Long mất, vẫn trên căn gác
xép ấy, bé Liên sang ngủ trong lòng ông Ruộng, ngồi cabin xe ông Ruộng và ăn cơm
quán cùng ông Ruộng. Đôi lúc vẻ mặt bé Liên thẫn thờ, ông Ruộng hỏi: “Buồn không?” Bé Liên gật đầu. “Nhớ bố Long hả?” Bé Liên gật
đầu. “Từ giờ đi với chú Ruộng nhá!” Bé
Liên gật đầu. Chẳng hiểu sao, đối với ông Ruộng, không thấy bao giờ và khi nào
bé Liên lắc đầu. Ông Ruộng buồn bã, phần vì bạn mất, phần vì những chuyện khác
mà rất khó nói thành lời. Ví như chuyện chỉ có vài người đang ở nơi đất khách
quê người này, một người thì đã đi chầu ông bà ông vải, còn mình ông Ruộng và bé
Liên thì thật là không biết tính sao. Ở lại làm ăn, lấy vợ, sinh con hay tính về
quê, về là khi nào về và về quê thì làm gì nên ăn? Vậy chẳng lẽ lại ở đây đến
già? Rồi chết ở đây thì có người nào đến viếng không? Thật là khó cho ông Ruộng
quá. Bao nhiêu là chuyện mà tính mãi không ra.
Bé Liên bấy giờ đã lớn lắm rồi, ngồi
ghế bên tay phụ nữ mà xệ hẳn mui xe xuống. Xe vào thành phố, bé Liên biết tìm
toilet, xuống nông thôn biết tới quán ăn... mọi thứ không cần ông Ruộng chỉ bảo
nữa. Tối khuya hôm ấy trên đường về thành phố, đến giữa đoạn đường vắng vẻ, hai
bên đều đồng không mông quạnh, ông Ruộng cho xe rê vào lề đường rồi dừng hẳn. Lốp
xe lạo xạo đá và cỏ. Ông Ruộng quài tay ra sau gáy bé Liên kéo về bên tay lái.
Mặc kệ! Ông Ruộng nắn nắn bóp bóp hai bờ vai Liên. Mặc kệ! Ông Ruộng kéo Liên vào
lòng rồi cúi đầu xuống hôn lên đôi môi Liên. Đến lúc ấy không hiểu là do cái gì
xui khiến, bé Liên không thể mặc kệ được nữa. Cô mấp máy mà chẳng ứ, chẳng ừ, há
miệng ra hớp lấy hớp để đôi môi tím tái như hai miếng tiết trâu của ông Ruộng. Đêm
ấy trên căn gác xép cũ kĩ, ông Ruộng đã thật sự có vợ, bé Liên đã có chồng, cuộc
tình chỉ có sự rên rỉ của ông Ruộng, còn bé Liên không hề nói một tiếng nào, cũng
chẳng ừ hữ một tiếng nào. Ông Ruộng buồn thật buồn, đâu phải có vợ là hết buồn.
Vợ không phải là chỗ để ông tâm tình, thiên hạ khắp cái thành phố cảng xa xôi này
cũng chẳng có ai là bạn để ông giãi bày hoặc xin lời khuyên giải, góp ý. Bây giờ
chuyện gì đến, sắp đến cũng tự ông suy nghĩ và tự mình quyết định lấy mà thôi. Đành
nhẽ “được thì ăn cả, ngã chịu về không” vậy.
Hôm sau, đi ăn sáng xong, ông Ruộng
không đánh xe đến lò sữa bột như mọi ngày mà ông chở vợ vào thẳng Tòa Thị chính.
Ở đấy, ông xin giấy phép hồi hương cho hai vợ chồng ông. Người nhận giấy tờ xem
xong gật gù nói bằng tiếng Pháp: “Được đấy nhưng lâu đấy!”. Ông Ruộng đứng dậy
vò tóc khẩn khoản: “Toa xin Moa đấy – rồi xòe hai bàn tay ra – Toa còn phải làm!” “Ừ, được, biết rồi, Moa cứ về đi!” Ông Ruộng
chở vợ về đến nhà trọ mới ớ người ra, miệng lẩm bẩm: “Thôi chết,quên không hỏi
kĩ cái thằng cha ấy, cần phải lót tay những cửa nào, cửa nào bao nhiêu, cho nó
mau mắn. Cứ bảo “biết rồi” thì có mà đến mục thớt thật. Nửa tháng sau, khi có
giấy báo lên nhận giấy tờ để về quê, ông Ruộng vẫn không tin mà cho rằng sao
nhanh thế.
Xe về đến đầu làng thì đã xế chiều. Đám
con cháu bà lão Ật phải huy động hết mai, cuốc, thuổng xén gọt các bờ tường, gờ
đất để xe chở ông bà Ruộng vào đến sân nhà. Buổi tối, ông bà Ật làm lưng cơm thết
đãi “vợ chồng cậu Ruộng” với các món thịt gà luộc chấm muối ớt, cá diếc to rán
giòn và canh tôm rau ngót. Họ hàng và lân bang hàng xóm cũng đến chơi khá đông.
Bà lão Ật và ông Ruộng vừa mời mọi người xơi chén rượu nếp chúc mừng vừa ôn lại
chuyện cũ. Bà lão vừa kể lể vừa kéo váy chấm nước mắt. Chỉ có mỗi bà Liên là không
biết cầm đũa gắp cá và dường như cũng chẳng quan tâm đến câu chuyện trong mâm rượu.
Phải đến gần tuần sau, ông Ruộng mới
được xã cấp cho miếng đất đủ dựng nhà và trồng vạt rau cải bên cạnh nhà ông bà Ật.
Bà trẻ Liên vốn chẳng biết gì công việc của chồng, giờ cũng phải tập làm từ cách
xắn tay áo khi ra vườn, xuống chợ. Phần ông Ruộng, sau khi bán chiếc xe ô tô
con màu cà phê sữa cho một cơ quan trên tỉnh, ông về chợ mua một cây sào tre, một
bộ gọng vó và chiếc vó gai sải vực (chiếc vó khi còn khô dài gần gấp đôi một sải
tay người lớn). Tối hôm ấy, ông chế đầy một bình rượu (nửa lít) gọi thêm ba, bốn
ông hưu trí đem vó ra cạnh cống Hộ cất cá tôm. Kiểu này thì thể nào năm bà cũng
có một bà một sảo cá bán dưới chợ sớm cho mà xem. Mấy ông hưu trí (chỉ riêng ông
Ruộng là không) chia nhau sang hai bên bờ đá cánh gà cống Hộ để thả vỏ lúc chập
tối. “Tôm tóe ráng, cá rạng đông” mà, đấy là giờ lũ cá tôm hay đi ăn nhất. Ba lần
kéo vó, rờ tay xuống giềng vó, ông Ruộng chẳng thấy gì hết, bèn thả vó xuống. Đến
lần thứ tư, khỏa tay xuống diềng vó, miệng ông lẩm bẩm: “L. năng mó, vó năng kéo
– này! Ối chà, cái gì thế này?” Một miếng
thịt nạc, không biết thịt lợn hay thịt trâu tươi đây?” Ông Ruộng cầm “miếng thịt” còn hơi âm ấm đưa
lên gần sát mặt, còn tay kia tiếp tục thả vó. “Ối thịt thà gì đâu. Ới các ông ơi,
có món nhắm rồi. Con cua lột, lại đây, sang đây nhắm rượu với tôi nào!”. Các ông
hưu trí bỏ vó đấy, chạy sang vây quanh ông Ruộng: “Cái gì? Cua lột à? Thế thì
nhắm thôi!” Thường thì đối với dân đi cất
vó đêm, nếu quờ tay xuống diềng vó mà thấy tôm tươi, cá trắng quẫy tanh tách thì
cứ thế mà đưa vào giỏ đeo bên hông. Còn khi đã gặp cua lột, tôm lột thì dứt khoát
phải gọi bạn kéo vó đến cùng nhâm nhi với rượu trắng cũng đeo theo bên hông. Tôm
cua lột xác chỉ còn lại là một miếng thịt mềm nhũn. Những người kéo vó xúm lại,
mỗi người chiêu một hớp rượu, xé một rẽ cua phòi đầy những thịt và trứng đưa vào miệng nhai, đầu thì gật gù: “Tuyệt,
tuyệt cú mèo!”. Tuyệt đâu chả thấy, chỉ biết sớm mai có ông kéo vó đêm say bét
nhè nằm ngáy pho pho trên bờ đá cống Hộ, bên đường mọi người xuống chợ sớm. Có ông
về được đến nhà nhưng cá tôm trong giỏ thì đã theo nhau rải khắp dọc đường làng.
Có bà chia đủ cá trắng, cá đen, tôm, cua ra sao, ra mẹt để sáng mai xuống chợ sớm.
Ông Ruộng không say. Dạo ở bên tây đi lái xe, có đêm mình ông uống cả lít ấy chứ.
Có đêm về khuya, ghé môi quờ tìm lưỡi bà Liên liền bị bà đẩy cho một cái ngã bổ
chửng ra sàn gỗ. Đêm nay, đem cả vó và cá về đến nhà, ông biết mình còn lâu mới
nhờ vả được vợ, bèn lục cục thắp đèn chia cá tôm ra mẹt ngay trong đêm. Sáng
mai, ông thúc bà dậy sớm, bày cho bà biết cách cắp mẹt tôm vào nách, mẹt cá trắng
đội đầu, theo ông xuống chợ. Ròng ra mấy ngày liền cùng ông đi bán cá, bà Liên
sáng ý rất nhanh. Một tuần sau đó, bà đã có thể tự mình đi bán cá được. Những
người xuống chợ sớm, nếu biết bà Liên thì nể vì, còn với những người lạ hoắc thì
bà Liên vừa ngào ngào trong miệng vừa xòe ngón tay bán rất đúng giá. Bà ngày càng
quen việc chia cá ra mẹt, bán cá cho khách, còn ông Ruộng chỉ có việc đêm đi kéo
vó, còn ngày thì ngủ rốn.
Bà Liên có nghén. Đêm đêm đi kéo vó
về, ông Ruộng nằm ghé tai vào bụng vợ thì thào: “Ra đi con! Mày ra nhanh nhanh để
còn nói chuyện với bố, chứ cái con mẹ mày thì suốt ngày chẳng mở mồm lấy một câu.
Chán hoét!” Nói đoạn rồi ông Ruộng bỏ ra
phản ngoài ngồi bó gối, vừa uống rượu suông vừa ngẫm nghĩ. Không biết nó là con
giai hay con gái ấy nhỉ? Ờ nếu mà nó được sinh ra ở bên Tân đảo thì chưa biết
chừng vợ chồng ông lại khó được về quê ấy chứ?! Mai này khôn lớn thì nó sẽ đi làm
ruộng, đi bán cá sáng hay đi lái ô tô hoặc đi bán sữa hộp hay chọn nghề kéo vó
như bố nó đây? Ôi giời ơi, nghề với nghiệp.
Ông Ruộng nghĩ nát óc cả rồi, nghề gì cũng phải có học, có vốn, chẳng có nghề gì
mà lại đi ăn cơm không của thiên hạ cả. Này á, làm ruộng thì ít nhất cũng phải
có vài bốn sào, rồi phải học cách vỗ đít trâu. Này á, làm cái nghề bán cá sáng
thì phải có người lo kéo vó đêm. Này á, muốn đi lái ô tô cho thiên hạ thì phải
học. Học lái xe ở đâu cũng cần có bằng lái đàng hoàng, bên tây cũng thế, mà bên
ta cũng thế chứ đâu có phải thích thì ngồi lên cabin ôm lấy vô lăng mà bẻ loạn
lên được? Vả lại, bên tây người ta nhiều xe, to có, bé có, chứ bên ta chỉ có nhà
nước với số ít người ở thành thị giàu nứt đố đổ vách ra mới có chứ bàn dân thiên
hạ thì chưa, lấy đâu ra người thuê lái? Ông
nghĩ rồi, chẳng có cái nghề nào vừa ít vốn vừa thầy cũng mình, tớ cũng mình như
nghề đi kéo vó cá tôm. Không ngồi kéo vó ban đêm ở bên cống Hộ thì ban ngày vác
vó đi dọc các con sông lớn chảy qua các cánh đồng mà thả. Ông đã từng mơ mình là
một gã kéo vó đêm từ ngày còn trẻ, chẳng phải vật vã nước ngoài nước trong đua
chen làm gì thêm mệt ra.
Còn bây giờ thì ông Ruộng vẫn đi kéo
vó đêm, bên cánh gà cống Hộ cùng với ba ông cán bộ hưu trí (một ông đã mất). Và
bây giờ, tuy bụng mang dạ chửa, bà Liên vẫn lặc lè vừa đội đầu vừa cắp nách các
mẹt tôm cá xuống chợ sáng. Cuộc sống mà. “Đói bụng thì đầu gối phải bò” thôi. Có
điều, chuyện ấy bà tự biết chứ ông phải bảo bao giờ đâu.
CÂU ĐỐI
Con Rồng Tre, nét bút in sâu lòng ái quốc
Đường Kách Mệnh, tâm hồn trĩu nặng thương
dân.
HỒ
THỊ THU HẰNG
Câu chuyện rất hay và cảm động, Cháu xin chia sẻ bài của chú với bạn bè cháu qua FB chú nhé!
Trả lờiXóaChúc chú cuối tuần vui vẻ!
Cảm ơn bạn đã chia sẻ, Tòa soạn sẽ chuển thư bạn đến tác giả.
XóaChúc bạn buổi tối như ý!
Chúc văn nghệ CHUYANGSIN tien vững trên con đưởng phục vụ nghệ thuật các tac giả sáng tác nhiều và hay
Trả lờiXóaCảm ơn bạn đã có lời động viên!
XóaNinh'blog sang thăm và làm quen. Mến chúc anh tối chủ nhật thư giản vui, ngủ ngon giấc nhé!
Trả lờiXóaCảm ơn bác đã ghé thăm. Chúc buổi tối như ý!
Trả lờiXóa