Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

SỐ: 245&246 - tác giả NGUYỄN LIÊN



Anh hùng LLVT Lê Hữu Kiểm




TRÊN LƯNG NGỰA CƯ YANG SIN



Trong chiến tranh ông là Trưởng ban Quân sự B5, sau là Chỉ huy trưởng Quân sự tỉnh Đắk Lắk, về hưu ông trở thành nhân tố điển hình phát triển đàn ong mật ở Đắk Lắk, ở tuổi tám mươi ông vẫn tiên phong xây dựng Câu lạc bộ Cựu chiến binh giúp nhau xoá đói giám nghèo; mặc dù ông là thương binh nặng mất đi tới bảy mươi hai phần trăm sức khoẻ. Theo ông điều hạnh phúc nhất là suốt đời được làm theo lời Bác Hồ dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế!”. Giờ thì ông đã trở thành người thiên cổ, nhưng bản chất người lính cụ Hồ trong tư tưởng, việc làm của ông như vẫn hiển hiện trong trang truyền thống của lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk. Ông là anh hùng lực lượng vũ trang Lê Hữu Kiển.
Cách đây chừng 10 năm tôi thường tới thăm ông, mỗi lần có người tâm giao ông lại kể về đồng bào, về vùng đất Tây Nguyên mà ông nguyện gắn bó. Từng sống và chia sẻ với đồng bào từ những ngày vùng đất Tây Nguyên còn hoang sơ, đói khổ, ông học tiếng nói của đồng bào, và đội tuyên truyền vũ trang do ông phụ trách được đồng bào tin yêu, bảo vệ ông cũng như những người lính Cụ Hồ trước hiểm nguy. Ấy là lần ông đến buôn Sai gặp mí Tấc, một cơ sở cách mạng, đúng lúc giặc càn vào làng mí đã lấy nhọ nồi bôi lên mặt cán bộ Kiển rồi ấn xuống giường đắp chăn làm người ốm để che mắt giặc. Lần khác đến buôn Hơn, ông bị địch phục kích bắn bị thương, đồng bào bí mật chuyển ông vào hang chăm sóc, già làng A Tia vào rừng hái lá thuốc trị vết thương và nghiền từng hạt bắp non nấu cháo cho cán bộ Kiển ăn mấy tháng ròng. Trung đội vũ trang tuyên truyền do Lê Hữu Kiển phụ trách đã cùng đồng bào đấu tranh biến cả vùng rừng núi M’drăk kéo dài tới Krông Pa giáp Khu Năm thành vùng căn cứ cách mạng.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Tiểu đoàn 2 Êđê của ông cùng Trung đoàn 120 tập kết ra Bắc học tập, trang bị kiến thức chính trị và quân sự. Được tin, đồng bào từ khắp các buôn làng kéo đến đơn vị đòi giữ ông lại: “Nó là người của buôn làng ta rồi, không cho đi nữa đâu!”. Ông liền giải thích: “Đơn vị ra Bắc học tập rồi trở lại với đồng bào, không đi lâu đâu”.
Lời hứa đó đã kéo dài suốt năm năm. Trung đoàn 120 học tập rèn luyện tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; sau chuyển ra huyện Gia Lâm, Hà Nội trang bị kiến thức chính trị. Trong thời gian đó, Lê Hữu Kiển đã tranh thủ về quê cưới vợ, sinh con. Chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ, các đơn vị tập kết nhận lệnh trở lại quê hương chiến đấu. Cán bộ chiến sĩ người Êđê, Re, Xê-Đăng… được trở về vùng đất Tây Nguyên sum họp cùng gia đình người thân, còn Lê Hữu Kiển thì xa người vợ hiền cùng hai đứa con nhỏ tại đất biển Quảng Ngọc, Quảng Xương, Thanh Hoá lên đường làm nhiệm vụ của người lính giải phóng, trở lại núi rừng Tây Nguyên. Nơi đó có những gương mặt ân tình của đồng bào Êđê, M’nông đang ngong ngóng trông đợi.
Trở lại Tây Nguyên lần này, Lê Hữu Kiển với cương vị người chỉ huy, trực tiếp phụ trách đội tuyên truyền xây dựng cơ sở. Hàng tháng trời bí mật luồn rừng tiếp cận với từng gia đình đồng bào Êđê, M’nông quanh chân núi Cư Yang Sin tuyên truyền để đồng bào hiểu rõ về cách mạng mà cùng chung tay chống kẻ thù. Những lúc tưởng không vượt qua được trận sốt rét rừng, đói cơm, lạt muối, ông lại nhớ tới lần được gặp Bác Hồ trước lúc lên đường, lời Bác căn dặn như còn vang vọng trong tâm trí: “…Làm cách mạng phải biết tập hợp sức mạnh đoàn kết mới sớm hoàn thành!”. Vậy là những người lính Cụ Hồ do ông phụ trách, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào, chẳng bao lâu đã biến buôn Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao dưới chân dãy Cư Yang Sin thành vùng căn cứ cách mạng, nhiều trai tráng trở thành bộ đội, du kích. Có người khí tiết kiên trung cho đến lúc hy sinh như Y Ơn (sau này được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang).
Lúc bấy giờ tỉnh Đắk Lắk chia làm hai vùng, lấy quốc lộ 26 làm ranh giới. Phía Bắc giáp Gia Lai gọi mật danh Bê Ba (B3), phía Nam kéo dài giáp Quảng Đức gọi Bê Năm (B5). Lê Hữu Kiển giữ cương vị Trưởng ban Quân sự Bê Năm. Một người từng nếm trải đủ gian khổ, ác liệt, khó khăn thiếu thốn thì có gì lay chuyển được lòng tin của ông, kể cả khi đối mặt với lực lượng Fulrô. Đó là thời kỳ Ngô Đình Diệm mở chiến dịch khủng bố Fulrô, ông liền móc nối với Ama Năm, quận phó quận Lạc Thiện (huyện Lăk ngày nay), là chỉ huy bộ máy ngụy quyền cấp quận, đồng thời là thủ lĩnh Fulrô để cùng cách mạng chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Trong cương vị chỉ huy, Lê Hữu Kiển hẹn Ama Năm ra rừng gặp. Tên quận phó Ama Năm nói tiếng Pháp, ông Lê Hữu Kiển lại nói bằng tiếng Êđê, buộc Ama Năm quay lại nói bằng tiếng mẹ đẻ của mình: “Chúng tôi cùng nhất trí đánh Mỹ - Diệm, khi thắng lợi có cho chúng tôi thành lập nhà nước riêng không? Có cho theo đạo Tin lành không? Con em chúng tôi có được nuôi ăn học không? Có cho đổi bạc đông dương không? (khi ấy Diệm chỉ tổ chức đổi bạc trong một ngày), có cho chúng tôi dùng súng không?”. Trưởng ban quân sự Lê Hữu Kiển liền giải thích: “Đất nước ta là một, đồng bào Kinh, Êđê là anh em, làm sao lại phải có nhà nước riêng. Bác Hồ và Đảng luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng, đi theo đạo không cấm. Các anh quyết tâm đánh Mỹ thì cần bao nhiêu súng sẽ được cấp. Các cháu nhỏ học lớp thấp gia đình nuôi, học lên cao tập trung thì nhà nước nuôi. Việc đổi bạc khi đánh Mỹ xong ta bàn”. “Vậy các ông giao cho chúng tôi việc gì?”. Ma Năm hỏi, Lê Hữu Kiển nói: “Trước mắt làm cho hai việc, thứ nhất kê khai danh sách hộ dân đói thật nhiều để Diệm viện trợ rồi chuyển lên rừng cho bộ đội. Thứ hai báo cho đại diện chánh tổng thấy bộ đội ở đâu không được báo cho quận tỉnh”. Từ đó bộ đội ta làm chủ hoàn toàn chiến trường. Từng chỉ huy nhiều trận đánh thắng lợi, nhưng trận đánh quận Lạc Thiện ngày 15 tháng 2 năm 1961 đã để lại dấu ấn đối với người Trưởng ban quân sự thì không bao giờ quên, đó là dùng ngay lực lượng Fulrô ở trong làm nội công. Kể cả mục sư Ama Rinh cũng cầm súng giết tên quận trưởng Cao Hữu Nhuận. Quận Lạc Thiện (huyện Lăk) giải phóng, Mặt trận dân tộc giải phóng Bê Năm ra đời, nhiều người trong lực lượng Fulrô ngày ấy trở thành Huyện uỷ viên, trong đó có Ama Minh được bầu làm Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng huyện…
*
Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài-Gòn, với quyết tâm bằng mọi giá phải làm chủ được vùng đất Cao nguyên trung phần. Bởi làm chủ được vùng đất chiến lược này, là kiểm soát được miền Nam Việt Nam và Đông Dương. Do vậy một con người gây cho Mỹ Nguỵ mối đe doạ tiềm ẩn như Chỉ huy trưởng quân sự Bê Năm Lê Hữu Kiển thì tên ông phải ghi đầu tiên trong danh sách phải loại trừ. Một lần Lê Hữu Kiển cùng người công vụ luồn rừng từ Đắk Lắk về Quân khu 6 họp (Quân khu 6 gồm các tỉnh nam Trung bộ và Tây Nguyên, Quân khu đóng ở Bình Thuận). Trở về hai thầy trò mỗi người cõng trên lưng một bao cá khô, người chỉ huy dặn người công vụ: “Cậu đem một bao cá vào biếu đồng bào, còn một bao nhập cho hậu cần làm thực phẩm cho đơn vị”. Từng sống với thủ trưởng nên cậu công vụ hiểu rõ tính cần mẫn, thương dân, thương lính của ông nên răm rắp thực hiện mà không thắc mắc. Về tới đơn vị ông thấy tan hoang vì bom đạn địch oanh tạc, người liên lạc hy sinh. Anh em cho biết trước khi những tràng đạn M60 trên trực thăng lia xuống căn cứ, chúng phát loa kêu gọi ông Hữu Vinh, Chỉ huy trưởng Bê Năm đầu hàng (Hữu Vinh tên thường gọi của Lê Hữu Kiển). Không thấy động tĩnh, khi đó chúng phát hiện một người đi giày đen đang lò dò bên bờ suối, một tràng đạn M60 liền cắm xuống cái bóng đó, người liên lạc trúng đạn hy sinh. Trên máy bay chúng tiếp tục mở loa kêu gọi rằng: “Chỉ huy Hữu Vinh đã bị chết, cán bộ, chiến binh cộng sản hãy bỏ súng trở về với chính phủ quốc gia…”. Sau đó mới biết cậu liên lạc đi giặt đồ, giày ướt anh ta mượn đôi giày của thủ trưởng đi tạm, ai dè đôi giày đen đã biến người chiến sĩ thành “Chỉ huy trưởng Hữu Vinh”.
Cứ để địch hí hửng với sự lầm tưởng của chúng rằng “trưởng ban quân sự Bê Năm đã chết”, ông thay bằng một cái tên khác cho mình: Lê Hữu Bảo. Cái tên Bảo trở thành tên gọi chính của ông cho đến sau này thể hiện trên cả tấm bằng khen. Tuy nhiên đối với đồng bào Tây Nguyên thì ông vẫn có cái tên thân thuộc là Ama Vinh. Còn với ông thì cái tên Hữu Vinh nó mang một ý nghĩa hết sức trọng đại, tên do đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt cho trước khi ông nhận nhiệm vụ trở lại Đắk Lắk cùng đồng bào Tây Nguyên chiến đấu. Họ Nguyễn là họ của Bác Hồ, Hữu Vinh là sẽ có ngày vinh quang, ông luôn tâm niệm như vậy và nhớ tới nhiệm vụ lớn lao mà trực tiếp Tổng tư lệnh giao cho. Đại tướng ví dải đất Đắk Lắk như chiếc đòn gánh nối hai đầu Khu Năm với Nam Bộ. Ta phải xây dựng cho được tuyến hành lang tại khúc cao nguyên này, nó là khúc ruột của đất nước Việt Nam (cơ sở của đường 559 sau này). Nhiệm vụ quan trọng nữa là phải chiếm được Cư Yang Sin, làm chủ được cao điểm trọng yếu này coi như ta cưỡi được trên lưng ngựa, chỉ có tiến lên.
Vậy là với cái tên mới Hữu Bảo, tiếp tục với vai trò Trưởng ban Quân sự B5, sau này là Tỉnh đội trưởng Đắk Lắk, ông chỉ huy lực lượng vũ trang chiến đấu thực hiện trọn nhiệm vụ của đại tướng giao cho, cả một dải Krông Bông, Lăk rộng lớn quanh chân cao điểm Cư Yang Sin trở thành vùng căn cứ cách mạng, giải phóng sớm nhất Tây Nguyên vào năm 1963.
Đầu năm 1970, Mỹ tổ chức đảo chính Hoàng thân Si-ha-núc, đưa Lon-no Xi-rích Ma-tắc lên cầm quyền ở Căm-pu-chia. Ngay lập tức Mỹ và ngụy Sài Gòn đã ồ ạt đưa 65 ngàn quân vượt biên giới Việt-Miên với hy vọng hòng cứu vãn tình thế bế tắc và hoàn thành kế hoạch “Chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh” của chúng bằng các cuộc hành quân đánh phá kho tàng của ta dọc tuyến biên giới và ngăn chặn đường tiếp tế chiến lược Trường Sơn của miền Bắc với miền Nam. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Tây Nguyên vào thời điểm gian khổ, ác liệt nhất thì trưởng ban quân sự Bê Năm Lê Hữu Kiển lại một lần nữa bị thương nặng phải chuyển ra Hà Nội cứu chữa. Do nhiều lần bị thương, thân thể gầy yếu, Bộ Quốc phòng có ý định đưa ông về làm Tỉnh đội trưởng Thanh Hóa để có điều kiện ở quê hương gần vợ con, dưỡng sức. Nhưng ông đã từ chối. Bởi chiến trường Tây Nguyên, nơi gạo muối thì thiếu, mà nắng lửa mưa rừng, gió ngàn thì thừa. Ai từng có mặt ở Tây Nguyên trong những ngày đánh Mỹ mới thấu hiểu hết cái tâm cái tình con người dành cho nhau, đúng như câu thơ của người lính nào đó đã viết:
“…Đã là lính nơi nào không gian khó
 Nhưng Tây Nguyên một lần ai đến đó
 Sẽ suốt đời mắc nợ - nhớ thương nhau”.
Vậy là ông xin trở lại Tây Nguyên chiến đấu cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
Đất Tây Nguyên gắn bó với ông đến nỗi, khi đã về hưu những người dân từ các buôn làng vẫn kéo lên Buôn Ma Thuột thăm gia đình ông, bởi trong gian khổ chiến tranh ông đã cùng họ đánh giặc, thời bình rồi ông vẫn coi vùng đất Đắk Lắk là quê hương. Ông đã về xứ Thanh chuyển cả vợ con vào Tây Nguyên sinh sống. Mỗi lần gặp lại đồng bào ông lại trao đổi bằng tiếng dân tộc, người già lại vui miệng kể cho con cháu nghe về ông, một người từng thương yêu buôn làng Tây Nguyên như chính quê mình, thương người Êđê, M’nông như anh em ruột thịt. Và một điều luôn tự nhủ đời này sang đời khác không bao giờ được quên đó là tình đoàn kết Kinh-Thượng đã tạo dựng trên nền tảng gian khổ, hy sinh mới có.
Bây giờ ngồi viết những dòng này như lời tri ân dành cho ông, tôi lại thấy ông như vẫn mang dáng dấp một con người mảnh khảnh nhanh nhẹn, chân bước hơi tập tễnh vì thương tật chiến tranh, ông đạp xe đến từng nhà đồng đội thăm cách nuôi ong. Có  lúc ông đi về các buôn làng thăm đồng bào, vui mừng trước cuộc sống mới ngày một khởi sắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét