Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy |
QUÁN VĂN, THUYỀN CŨ
VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN BẠN BÈ…
Tản văn
Mỗi lần lên Buôn Ma Thuột tôi lại đến
quán Văn. Quán cà phê của chị L, anh Đ nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng. Từ ngả sáu
thành phố chạy về trường Đại học T. Đoạn ngang qua cầu Chui, rẽ trái, đổ xuống
một con dốc ngắn, gấp gãy và sâu hút. Con dốc này luôn là một thách thức cho
HTN. N không làm sao dám chạy xe xuống dốc. N nói: Cứ tưởng tượng không dưng xe
mất thắng. Và nói thêm sau một chút im lặng rất điệu: Thôi, không dám nghĩ tiếp
nữa.
Tên quán đơn giản là quán Văn. Có lẽ
do anh Đ có kỷ niệm và muốn nhắc nhớ quán Văn trong sân trường Đại học Văn Khoa
- Sài Gòn nơi Trịnh Công Sơn và Khánh Ly hát ngày xưa.
Quán Văn ở Buôn Ma Thuột rất xinh và
nhạc rất hay. Không chỉ thế, anh Đ luôn làm quán thay đổi. Mỗi lần đến quán, khách
uống cà phê lại thấy có vài thay đổi thú vị. Y như thể anh Đ sinh ra là để làm
cho mọi người ngạc nhiên về những ý tưởng không hề trùng lắp của anh trong nghệ
thuật trồng cây, sắp đặt và vẽ tranh. Có lần chị L kể anh Đ đã bỏ ra rất nhiều
tiền (qua cách chị L trầm trồ tiếc nuối thì mọi người hiểu đó phải là một số tiền
rất lớn) để mua một con thuyền độc mộc cũ nát và mấy chục tảng đá to sụ ở một
con sông nào đó. Anh dọn một khoảng vườn đặt những tảng đá xuống nền cỏ và xếp
con thuyền nằm trên. Không dưng khu vườn bỗng dẫn đưa con người về một nơi nào,
thật xa xôi, hoang sơ, lạ lẫm.
Trên con thuyền gỗ cũ kỹ sứt sẹo đó,
anh Đ đã trồng, ban đầu là một thuyền hoa súng tím thật đẹp giữa những tảng đá
mịn. Khi mùa xuân đến, con thuyền chuyển chỗ đậu, và nở ra một thuyền hoa móng
nước rộn ràng màu sắc. Nhiều nhất là màu hồng, hồng nhạt, hồng đậm, hồng cam, hồng
đỏ. Chị TNNH đã ngồi vào một bên mé thuyền để tạo dáng. Ảnh chụp đẹp như thể
truyện cổ tích. Con thuyền hoa trên những tảng đá xám giữa đám cỏ xanh non. Và
một nàng áo tím duyên dáng ngồi mé một bên thuyền.
Lần sau nữa đến quán với N.TM, tôi
thấy con thuyền đã lại chứa đầy nước và đang chở đầy một thuyền cây cù nèo. Chị
L nói đó là một loại cây đặc biệt anh Đ mang về từ miền sông Hậu của thành phố
Cần Thơ. Thân của nó có thể dùng như một loại rau ăn lẫu, và hoa của nó có màu
vàng rất dễ thương. Lúc này hoa chưa nở, tôi chưa thể hình dung vẻ đẹp của hoa
cù nèo. Nhưng chỉ nhìn dáng vẻ của cây và nghe nó đến từ một miền sông nước thì
đã thấy mênh mông bềnh bồng. Và không dưng, thoảng đâu đó, tôi nghe giọng hát
ngọt lịm buồn rời rã: từ là từ phu tướng bảo kiếm sắc phong lên đàng..
Nghe dâng lên tự lòng một nỗi cảm hoài xuyến xao không tả nổi.
Quán Văn có treo rất nhiều tranh của
anh Đ. (Mà không chỉ quán Văn, vào các quán ở thành phố Buôn Ma Thuột rất dễ dàng
nhìn thấy tranh của anh. Anh bán hay tặng? Một lần vào quán Black White trên đường
Nguyễn Công Trứ tôi đã thú vị thấy tranh của anh phủ đầy các bức vách của quán).
VD thường trầm ngâm trước một bức
tranh vẽ biển. Mà cũng không hẳn là vẽ biển. Vì trong bức tranh không có biển
nhưng tất cả đều gợi nên biển. Đường nét và màu sắc chằng chịt đan cài. Những mắt
lưới cũng là những thân cá. Những con mắt cá. Những cọng rong. Những ngôi sao
như đêm mùa hạ. Vừa giăng mắc vừa buông thả. Vừa tù túng vừa thoáng đạt. Cá cũng
là lưới mà lưới cũng là cá. VD hỏi tôi: Tên của bức tranh này là gì? Tôi nói: Làm
sao mà biết, để hỏi anh Đ. D ngăn lại: Đừng hỏi, để D đặt tên. Tên gì? Lưới. Lưới
tình. Lưới tình à? Trời ơi, D ơi, sến ơi là sến!
Cả bọn thường ngồi bên bức tranh này
để chuyện trò. Chị L thi thoảng đến góp chuyện. Có đêm anh Đ mang đàn guitar ra
hát. Vui nhất là những lần có bạn bè từ S lên. Khuya. Chị L tắt bớt đèn, tắt nhạc.
Những câu hát vang lên, hân hoan đầy ắp, rồi đầy ắp níu kéo và biệt ly.
Anh Đ cũng là người thích đặt tên
cho cây cỏ. Một lần tôi nói: Em thích vẻ đẹp và buồn của hoa bạch phiến. Anh nói:
Gọi đó là cây Khánh Ly. Tôi ngạc nhiên: Sao lại là Khánh Ly? Anh cười, nheo mắt
hài hước: À, vì Khánh Ly đẹp và buồn mà. Lần khác. Tôi mang về từ quán Văn một đám
cây thằn lằn. Trồng và chăm chút nó rất chu đáo. Tôi kể cho đứa con trai nhỏ của
tôi nghe là: Bác Đ nói đây không phải là cây thằn lằn thường. Đây là loại thằn
lằn phun lửa. Khi nó nở hoa, hoa của nó sẽ phun ra những đám bụi phấn, từng đợt,
từng đợt như thể núi lửa phun trào nham thạch. Một ngày con trai tôi nói: Mẹ ơi,
cây thằn lằn này. Nó không phun lửa đâu. Đúng là cây thằn lằn đó. Con đã nhìn
thấy nó nở hoa rồi. Nó chỉ nở hoa thôi. Tôi đã nhớ lời anh Đ nói và cười ngất.
Anh Đ thật khéo tưởng tượng. Nhưng những tưởng tượng đó thật đẹp. Có gì như sự
nhắc nhở mỗi con người cần để tâm đến tất cả từ bông hoa, cọng cỏ, bụi đất cho đến
bạn bè, người thân. Nếu quên đi, nếu không nhìn ngắm, không chia sẻ, không ý thức
đến tất cả những tồn tại đó, thì quả là một thiệt thòi khó bù đắp.
Cũng thật lạ. Buôn Ma Thuột có bao
nhiêu quán cà phê? Bạn bè ở đây cũng đã ngồi với nhau ở bao nhiêu quán. Nhưng
những tranh luận văn chương và cả những tranh cãi bạn bè gần như lại chỉ diễn
ra ở quán Văn. VD, LVT và tôi thường ngồi với nhau nhiều ngày ở đó. Có khi có
thêm bạn bè, có khi chỉ hai, ba đứa. Những thông tin về cuộc sống bộn bề, nhiều
góc cạnh luôn được T nói với mọi người bằng giọng nói sôi nổi nồng nhiệt và nhiều
phẫn uất. Cứ y như chưa nói hết trong thơ những bộn bề phẫn nộ của mình nên T
phải nói với bạn bè và mong bạn bè có những thực tế hơn trong thơ của mỗi người.
Chúng tôi tranh cãi, đòi hỏi, mong mỏi ở nhau những thay đổi, những tiến bộ
trong sáng tạo của mỗi người.
T thường gay gắt nhận xét thơ VD là
thơ tháp ngà. Còn thơ tôi thì cứ miên man dài dòng. T nói: Muốn nói gì thì cứ nói
thẳng ra. Cứ ẩn dụ, né tránh. Đọc khó chịu lắm. T trách tôi sao chỉ muốn nhìn
thấy nước phun tràn như mưa từ giàn tưới. Và những hạt nước lóng lánh. Và hơi mát
dịu dàng. Sao không chịu nhìn thấy những con người lầm lụi kéo ống khắp nơi vì
không tìm ra nước trong cái nắng khắc nghiệt của mùa khô. Sao không thấy nỗi lo
toan của những người nông dân khi họ không có đủ tiền để mua dầu chạy máy tưới.
Sao không nhìn thấy sự vui mừng hồn nhiên của họ khi một cơn mưa rơi đúng lúc,
là trời đã giúp họ bớt đi một số tiền trong muôn vạn số tiền đầu tư vào rẫy ruộng.
Vì còn bao nhiêu bất trắc nữa cho vụ mùa của họ. Còn chưa tính đến những bức xúc
của họ, khi những đồng tiền kiếm được bằng xương thịt, bằng mồ hôi, bằng máu, bằng
sinh lực từ thời niên thiếu đến lúc già lão của họ, khi đóng thuế cho nhà nước
thì trở thành nguồn lợi để nuôi mập những sâu mọt tham nhũng vô liêm sỉ nhan nhãn
hiện thời..
Hôm rồi có dịp đến lại quán Văn tôi đã
ngạc nhiên vì không nhìn thấy con thuyền cũ của anh Đ ở đâu. Hỏi chị L, tôi biết
nó đã thực sự mục ruỗng và đã rời rã tan nát thành từng mảnh vụn rồi. Không dưng
tôi thấy da diết buồn. Tôi nhớ thương con thuyền và những ngày đông đủ bạn bè.
Lâu quá chúng tôi không có dịp ngồi bên nhau. Cuộc sống đã cuốn mỗi đứa theo một
lo toan riêng. Tất cả như theo con sông chảy trôi xa mãi. Và những ngày bạn bè
như những mảnh ván thuyền mủn nát giờ ở lại chìm đâu đó trong hoa cỏ và bụi đất
quán Văn.
Chị L nói anh Đ cũng thương cho những
tảng đá bơ vơ và đang nhớ nhung khôn nguôi con thuyền cũ. Anh đang dò hỏi để tìm
mua một con thuyền khác. Không chừng giờ này năm sau đến quán Văn, tôi lại có
thể nhìn thấy con thuyền độc mộc xưa. Con thuyền cũ nát, sứt sẹo, chở đầy hoa súng
tím ngát, trôi bình yên trên những đá tảng xám buồn. Hình ảnh tưởng tượng đó bỗng
dưng nhen nhóm trong tôi một niềm vui. Tôi nghĩ biết đâu khi con thuyền trở lại
thì những ngày hân hoan trong trẻo bạn bè thuở xưa cũng sẽ theo về.
Nhưng niềm vui đó như vệt sao băng
chỉ sáng lên trong thoáng chốc, tôi biết chúng tôi đã qua cái tuổi dễ tin vào mộng
mơ và những ngày tươi sáng. Dẫu vậy. Tôi nghĩ. Cứ tin đi. Cứ tin. Dù chỉ để nhẹ
lòng trong thoáng chốc cũng đành.
Sang đọc được nhiều bài viết, tùy bút rất hay, cảm ơn nhiều
Trả lờiXóaCảm ơn bạn đã ghé thăm và có lời động viên!
XóaTản văn hay quá, thích nhất đoạn tả con thuyền hoa súng tím ! Quán Văn thật là tuyệt ! :)
Trả lờiXóaCảm ơn bạn Sc nau đã động viên nhé!
XóaCảm ơn bạn mới nhiều nhé ! Bài mới mình có rồi, bạn bấm vào trang chủ sẽ ra, ko hiểu sao lại ko hiện ra nhỉ ? Chúc bạn tuần mới an lành nhé !
Trả lờiXóaQua nhà bạn sao khó đọc bài của bạn thế?
XóaChào bạn!cám ơn bạn đã ghé thăm và chia sẻ rất vui được làm quen và hy vọng một ngày nào đó được cùng bạn nhâm nhi cafe Ban Mê..chúc bạn tuần mới tràn đầy niềm vui!
Trả lờiXóaCảm ơn bạn đã có lời chúc tốt đẹp cho chủ nhà!
Xóa