Nhà văn Khôi Nguyên |
CÁI RĂNG SÂU
Truyện ngắn của Khôi
Nguyên
Thứ nhất đau
mắt, thứ nhì nhức răng. Tôi bị cái thứ nhì hành hạ.
Khỏi phải nói
đến nỗi khốn khổ của người bị đau răng. Nó nhức nhối, tê buốt. Đau thật mà
người ngoài cứ tưởng như giả vờ. Thậm chí có người không biết bệnh tình, nhìn
mặt một hồi rồi thật lòng khen một câu: “Dạo này mập mạp ra, chắc có phát tướng
phát tài gì đây…” Người được khen phải méo miệng mà cười, vừa cười vừa chảy
nước mắt, vừa ôm má mà giải thích rằng do đau răng nên cái mặt nó sưng lên chứ
phát phét quái gì.
Mà cái bệnh nhức
răng nó chẳng như một vài căn bệnh khác ở chỗ đến hẹn lại lên. Chẳng hạn như
bệnh khớp hay bệnh hen suyễn thì mỗi khi thay đổi thời tiết vào độ giao mùa là
thế nào cũng lên cơn; hoặc bệnh gút, bệnh tiểu đường chỉ cần vài bữa thả phanh,
không kiêng khem gì là sẽ có chuyện… Biết thế nên dễ đề phòng. Riêng bệnh đau
răng thì chẳng biết đâu mà lần. Nhai thịt gà bữa này qua bữa khác liền tù tì mà
chẳng sao. Gặm móng gò, nghiến thịt bò mỏi cả hàm mà vẫn không hề hấn gì… Hình
như nó như một con yêu quái, lúc nào rửng mỡ lên là nổi hứng hành hạ. Nó đã
hành hạ thì như một kẻ động cỡn, khó kiềm chế.
Lần đau đầu
tiên, có người bày: “Lấy lá lược vàng nhai, ngậm nước là hết”. Lại có người
bày: “Ngậm rượu là khỏi”. Rồi: “Nhét muối hạt vào cái răng sâu”… Đúng là có
bệnh thì vái tứ phương, nhưng gặp thầy mà không gặp thuốc thì cũng chẳng ăn
thua. Ra hiệu thuốc đầu phố, nói triệu chứng, chủ hiệu thuốc cắt cho một toa 3
loại thuốc khác nhau và dặn: “Uống sáng và tối. Loại này và loại này thì mỗi
lần uống một viên, còn loại này thì uống hai viên.” Thuốc viết toàn bằng chữ
Tây, cái đơn thuốc cũng loằng ngoằng chẳng biết là chữ Tây hay chữ Ả Rập, tôi
mù tịt, nhưng vẫn ra vẻ hiểu biết, cố gỡ gạc: “Uống sau bữa ăn phải không ạ?”
“Ừ, nhưng nhớ là loại nào thì uống hai viên, loại nào thì uống một viên.” “Thì
vẫn, thứ nào nhiều thì uống hai, còn thứ nào ít thì uống một.” Cả chủ lẫn khách
cười sảng khoái bởi tâm đầu ý hợp. Uống hết nửa cơ số thuốc theo đơn thì anh
bạn bác sĩ đến chơi. Tôi khoe sự công hiệu, anh cầm cái đơn thuốc và túi thuốc
của tôi săm soi một hồi rồi nói: “Toàn là loại thuốc giảm đau và thuốc kháng
sinh. Chỉ tạm thời thôi. Lần sau phải uống liều cao hơn đấy. Tốt nhất, ông đến
chỗ bác sĩ nha khoa mà khám.”
Tôi ậm ừ vì nể
bạn. Ai chả biết là lắm thầy rầy ma! Nghe thầy thuốc phán, mỗi thầy một phách,
bố ai theo được!
Bẵng được nửa
năm. Đau lần hai, tôi cầm đơn thuốc ra hiệu trước đây. Ông chủ hiệu ngó đơn
thuốc cũ rồi mở hộc tủ, cắt bốn loại thuốc khác nhau, cũng dặn uống ngày hai
lần, cũng loại uống một viên, loại uống hai viên.
Sau hai tháng.
Đau lần ba. Lại toa thuốc khác với liều lượng cao hơn.
Đau lần bốn, lần
năm, lần sáu… tần suất ngày một ngắn hơn.
Đến bây giờ thì
cái răng sâu đau bất cứ lúc nào. Chỉ cần không dùng tăm xỉa kỹ sau bữa ăn là
đau; nhai vướng phải cái gì cưng cứng, là đau; không vì lý do gì, cũng đau.
Chợt nhớ lời anh
bạn bác sĩ. Nhưng tôi cực kỳ ngại. Cứ tưởng tượng ra cái lúc bác sĩ nha khoa
bảo: “Há miệng!” thế là phải ngoác cái mồm chẳng lấy làm đẹp đẽ thơm tho ra cho
ông (hoặc bà) ấy thò thanh gỗ vào đằn cái lưỡi đầy rêu nhớp nháp vì hút thuốc
và uống rượu, rồi thọc cái cây I-nốc vào soi mói, gõ gõ lên những chiếc răng
cải mả đã bị lớp cao răng vôi hoá (biết đâu còn dính bựa cơm, thậm chí là cả
một xớ thịt hay búi xơ rau già của bữa ăn vừa qua còn dắt lại)… Nghĩ vậy mà
rùng mình. Tốt đẹp cũng là cái mồm, mà xấu xa cũng là ở cái mồm. Ấy là chưa kể
đến việc “cái răng cái tóc là góc con người”. Tự dưng lại đem cái “góc” chẳng
lấy gì làm hay ho, tốt đẹp của mình cho người khác thấy rõ.
Nhưng lâu lâu,
cái răng sâu lại rửng mỡ làm loạn. Ăn không được, ngủ không được. Mỗi lúc nó
lên cơn là muốn đập đầu vào đá cho hết đau. Bài học vệ sinh “Không cho tay vào
miệng” được học từ thuở còn nằm trong nôi nhưng tới cái tuổi nửa xế cuộc đời
vẫn bị tôi giả vờ quên trong lúc nhớ đến nó nhất. Mỗi lần đau quá, tôi thọc cả
bàn tay vào, dùng ngón cái và ngón trỏ, ra sức ấn, lay cho nó tê đi, nhưng cũng
chỉ được một vài phút rồi đâu lại vào đấy. Vẫn cứ đau là đau.
Vợ con tôi mỗi
lần thấy cái mặt của tôi bất bình thường là biết ngay: “Cái răng sâu lại hành
hạ rồi phải không? Nhổ quách đi cho rồi! Mỗi lần đau là khổ vợ khổ con, cả nhà
cùng nhau húp cháo!” Tôi cũng thương vợ con lắm chứ. Họ thông cảm với nỗi đau
của tôi, họ sẵn lòng đồng cam cộng khổ với tôi, họ chấp nhận hy sinh nhu cầu
cuộc sống thường nhật vì tôi. Nhưng họ thừa biết tôi có cái quyền làm cha, làm
trụ cột của gia đình, họ chỉ biết góp ý, góp ý và đóng góp ý kiến... góp ý chưa
được thì tiếp tục góp ý nữa. Tôi chỉ đáp lại bằng câu: “Yên trí đi, đau sẽ có
thuốc chữa!” (Nhưng giả sử vợ con tôi mà chỉ có một người kêu đau bụng xem, tôi
sẽ bắt cả nhà phải uống thuốc xổ giun; hoặc nấu nồi canh mà phát hiện ra có con
sâu, tôi sẽ hắt cả mâm cơm đi chứ chẳng chơi).
Chợt một ngày kia,
tôi nhận thấy rằng vợ con góp ý hoài rồi cũng nản. Họ cứ lẳng lặng nấu cơm, kho
thịt, ninh xương… làm những món mà người đau răng không thể nhai (nhưng vẫn có
thêm một nồi cháo nho nhỏ); dần dần việc đau răng của tôi xảy ra thường xuyên,
họ mặc kệ, tôi ăn được gì thì tự lo mà ăn, đau lúc nào thì tự tìm thuốc mà
uống. Họ đã bàng quan không tin vào việc chữa trị cái răng sâu của tôi!
Có lần tôi nghe
lỏm được mấy đứa nhỏ nhà tôi thì thầm với nhau: “Mỗi lần cái răng sâu của cha
tái phát, người ngoài lại bảo là do cha ăn ở bẩn, em xấu hổ ghê gớm, muốn làm
con nhà người khác cho rồi!” Tôi rụng rời chân tay. Cũng may là ở cái tuổi đầy
kinh nghiệm và nhiều lý luận nên tôi phải im lặng mà suy nghĩ với cái lý của
đám con yêu quý. Ừ, nó góp ý mà mình không nghe, sai đấy mà mình không sửa thì
nó nản, nó chẳng thèm tôn trọng mình, nó còn chẳng muốn chấp nhận mình là cha
của nó nữa… Thế thì lỗi từ đâu? Chắc chắn là từ cái răng sâu!...
Tôi ưỡn ngực
bước vào phòng khám nha khoa với tâm thế sẵn sàng: “Miệng lưỡi tôi đây, cứ việc
săm soi. Nhưng chỉ khám răng thôi nhé! Có cái răng sâu nào thì nhổ hết đi!...”
Quả thực, sau
liều thuốc tê, tôi chỉ thấy đôi môi mình không làm chủ được chừng mươi phút,
cái lưỡi mình không làm chủ được mỗi khi phát âm, cái miệng mình ngọng nghịu
khi muốn nói… Nhưng rồi đã nhổ được cái răng sâu mà nó vẫn gây đau nhức. Cũng
còn một số cái răng khác đang có triệu chứng sâu nhưng chưa đến nỗi gây đau.
Thôi thì thà
khuyết một cái răng trong hàm còn hơn để lại mà nó gây đau cho cả một cơ thể;
thậm chí là nó làm nản lòng ngay cả những người thân yêu.
Vâng đúng thế! Cả bột bầy răng của anh được ăn đẫy,nhưng có cái khỏe hơn nên nghiền tợn hơn,thành ra lâm bệnh,thôi,cố chữa không được thì nhổ phéng đi,nó lan ra cả hàm thì toi mạng.
Trả lờiXóaQUYẾT ĐỊNH CỦA ANH LÀ SÁNG SUỐT.
-----------------------------------
Không để khuyết,thiên hạ thiếu gì răng thay:răng thật là răng của người đã chết (còn dùng được),răng giả làm bằng đất nung,bằng nhựa...
__________
Để chữa hàm răng thật của anh cho vững lại,anh dùng nước chè đặc pha phèn chua,đánh răng thường xuyên-thật tuyệt!(Dùng chè đặc đơn giản,sắc nước lá bàng mất thời gian).
Cảm ơn bạn đã đông viên Tạp chí!
XóaChuyện từ một chiếc răng sâu nhưng mang triết lý sống lắm. HB rất thích... Nếu "đã bị sâu" "HỎNG" thì "NHỔ" không tiếc nữa mặc dù rất đau. HB chúc BVN DakLak ngày một phát triển và thành công hơn nữa.
Trả lờiXóaCảm ơn bạn Hồng Bạch nhé!
XóaƠ, thế té ra không phải Quan Văn mập ra mà là vì răng sâu à? Chết thật, vậy mà mình lại khen vậy mới chết chứ. Hihi. Chúc TÔI nhanh khỏi cái Thứ Nhì đó đi nha.
Trả lờiXóaCảm ơn bạn N.L nhé!
Trả lờiXóa