Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

GIAN NAN ĐƯỜNG ĐẾN CÁI CHỮ




Ghi chép của HỒNG CHIẾN

Đã lâu không có dịp về thăm huyện M’Đrak, phần vì bận công việc, phần vì đường sá xa xôi nên nhiều lúc cũng ngại. Quay đi quay lại đã đến ngày kỷ niệm ba mươi năm đặt chân vào Dak Lak của đoàn giáo sinh tỉnh Thanh Hoá (11 tháng 10 năm 1977 - 11 tháng 10 năm 2007); tôi quyết định “hành hương” về lại miền đất mà lần đầu tiên tôi đến nhận công tác trên quê hương thứ hai - Tây Nguyên. Rời thành phố Buôn Ma Thuột, trời lất phất mưa. Mùa mưa Tây Nguyên là vậy, phải chấp nhận thôi. Sau quãng đường tròn 90 km xuôi theo quốc lộ 26A, hướng về thành phố Nha Trang, tôi đến trung tâm huyện M’Đrak. Phòng Giáo dục huyện toạ lạc trong ngôi nhà hai tầng khá bề thế, có khuôn viên rộng rãi thoáng mát. Đón tôi tại phòng làm việc lại là người đồng nghiệp cũ cùng vào đợt 1977, thầy giáo Lê Cảnh Truật, Phó trưởng Phòng Giáo dục kiêm Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục huyện. Những kỷ niệm ba mươi năm trước ùa về...

I/ M’ĐRAK MỘT THỜI NHƯ THẾ:
… Ngày ấy đoàn giáo sinh Thanh Hoá được phân công về huyện M’Drak gồm mười chín người, trong đó riêng huyện Nông Cống đã có tới mười người, tám nam, hai nữ; huyện Hoằng Hoá quê hương của ngài trạng Quỳnh có ba người; huyện  Nga Sơn bốn người, huyện Quảng Xương hai người. Đến đón chúng tôi tại trường Trung học sư phạm (hồi đó còn ở cạnh sân bay Hoà Bình), ông Lê Văn Phú, Trưởng ban Giáo dục huyện bắt tay từng người đưa lên chiếc xe khách thuê của Hợp tác xã vận tải M’Đrak lên đón. Cả đoàn giáo sinh được đưa về trường cấp I-II Krông Zin ở tạm. Đây nguyên là trường Tiểu học thời Nguỵ nên cơ sở vật chất còn tàm tạm; Ban Giáo dục huyện cũng lấy hai phòng làm nơi ăn ở và làm việc. Những ngày đầu đến nhận công tác tất cả anh em giáo viên đều ở chung, cùng ăn với cán bộ Ban Giáo dục. Ngày ngày các thầy cô giáo lếch thếch cuốc bộ đến các buôn dân tộc người Êđê vận động con em đến tuổi ra lớp học đặt ngay tại buôn. Nhiều buôn cách xa nơi ở sáu, bảy km nhưng ai cũng vui vì cuộc sống tập thể và vì con nhà nông lần đầu tiên được làm Thầy, làm Cô… Thời ấy chưa ai có xe đạp, nhưng hàng tháng, hàng quý vẫn được phân phối phụ tùng xe đạp (tiêu chuẩn mà!). Cánh thanh niên không màng tới vì không biết lấy cái xăm, cái lốp hay cái xích, cái đèn xe đạp để làm gì. Qua năm 1978, tình hình căng hơn do bọn Fulrô hoạt động mạnh, các trường được thành lập thêm nên các thầy cô Giáo cũng phải chia tay nhau xuống các buôn lập lớp dạy học. Tôi vẫn ở lại trường cũ giảng dạy, mặc dù phải đi bộ đến lớp cách xa nơi ở gần 5 km.
Cuộc sống cứ bình lặng trôi đi, cái đói lúc đó là căn bệnh thường niên nhưng từ nhỏ cho đến khi làm thầy giáo, bọn chúng tôi hầu như chưa bao giờ được bữa no thì đói có là gì. Chỉ tội nghiệp hai cô bạn đồng hương cùng huyện ngày ngày theo chúng tôi đi dạy đến trưa về măït cứ tái mét vì đói; các cô không dám ăn vặt những thứ mà người dân trong buôn mang cho như cánh đàn ông. Khó khăn gian khổ là vậy nhưng chúng tôi vẫn rất vui vẻ bên nhau và đặc biệt cán bộ huyện, Ban giáo dục và Nhà trường sống với nhau như trong một gia đình, ấm cúng, vui vẻ.
Cuộc sống bỗng nhiên bị xáo trộn một cách đầy bất ngờ. Vào một đêm cuối tháng ba, khoảng hơn 21 giờ, chúng tôi đang quây quần soạn bài, bỗng giật mình bởi tiếng nổ chát chúa của đạn M72, rồi sau đó là tiếng M79, AR16 nổ như ngô rang, buôn Dak cách trung tâm thị trấn M’Đrak khoảng 3km bốc cháy sáng cả góc trời. Tiếng đạn cối của Công an, Huyện đội nã dồn dập nổ như pháo tết về phía sân bay chặn đường rút của bọn Fulrô. Chúng tôi chạy ra  hè nhà đứng nhìn về phía lửa cháy mà lòng đau xót, lo lắng vô cùng; vì nơi đó  chính là Trường nội trú huyện mới được thành lập, học sinh còn gửi ở tạm nhà dân, các thầy cô có hai căn nhà gianh vách che bằng những tấm ghi lát sân bay, vừa làm nơi ăn chốn ở, vừa là nhà ăn cho các em học sinh. Khoảng gần một tiếng sau, tiếng đạn nổ chỉ còn cầm chừng, chúng tôi chợt thấy ba bóng người lảo đảo chạy vào sân trường. Cả bọn ùa ra hét ầm lên khi nhận ra hai thầy và một cô giáo, không guốc dép, bàn chân tóe máu, quần áo bị rách lỗ chỗ, vừa chạy thoát từ  Trường nội trú về. Cả Ban Giáo dục và cánh giáo viên ở tập thể ôm chầm lấy các thầy cô, mắt ai cũng rưng rưng. Trong cái rủi có cái may, toàn bộ buôn Dak bị thiêu ruiï, 21 em học sinh bị thương, nhà Hiệu trưởng, Hiệu phó đều trúng đạn bốc cháy, tài sản mất sạch; nhưng không ai chết cả. Đau xót nhất khi chứng kiến cảnh một anh Công an huyện và một Trung uý quân đội bị bọn Fulrô bắn nát người một cách dã man ngay trước cổng trường; nếu không có hai người ấy thì tính mạng của hơn hai trăm thầy và trò sẽ ra sao!
Sau trận đó, học sinh nhiều em bỏ chạy về buôn, không dám đến học nữa. Các thầy cô, các ban ngành trong huyện lại phải đến từng nhà vận động các em đi học, tìm mọi cách có thể để đưa các em về trường. Thời ấy có một vị lãnh đạo Ty Giáo dục Dak Lak từng nhấn mạnh: lấy số lượng làm chất lượng. Chúng ta đưa được các em về trường là thắng lợi. Ngày ấy người dân còn cực khổ lắm, bữa đói bữa no; nhiều gia đình còn phải ăn khoai mài đào trong rừng thay cơm. Các em đến trường học được cấp quần áo, chăn màn, giày dép, sách vở và ngày ba bữa ăn dù cơm còn phải độn thêm bắp, khoai nhưng không bao giờ bị đói; vậy mà vận động các em đến trường cũng vô cùng cực nhọc.
Đầu tháng 7 năm 1979 UBND huyện M’Đrak có chủ trương thành lập Trường nội trú tại các xã, vì thế tôi được cử về xã Ea Trang, xã cuối cùng của huyện, giáp với tỉnh Phú Khánh, để chỉ đạo xây dựng trường kịp khai giảng năm học mới. Cả xã Ea Trang lúc bấy giờ chỉ có một hộ gia đình người Kinh làm nghề thầy cúng với bốn khẩu, còn lại là người dân tộc Êđê. Đi suốt chiều dài của xã theo quốc lộ 21 (sau này  đổi tên quốc lộ 26A) hơn 30 km không tìm đâu được đám đất bằng khoảng một hecta để dựng trường; cuối cùng phải chọn đỉnh một ngọn đồi ngay tại thôn Hai, đối diện với Trạm Kiểm soát Phượng Hoàng của Công an huyện, bên cạnh quốc lộ 21 để dựng trường. Tôi cùng với anh Chế Đình Đống - Trung úy quân đội người Nghệ Tĩnh tăng cường về làm Bí thư xã - vận động nhân dân đốn cột, cắt gianh, dựng được 8 phòng học, nhà kho, nhà ăn, nhà ở cho học sinh. Tuy nhà gianh vách nứa nhưng cao ráo, thoáng mát không thua kém bất kỳ ngôi nhà nào ở quê nghèo xứ Thanh tôi. Ngày khai trường, Ông Y Din - Chủ tịch huyện và ông Trưởng Ban Giáo dục Lê Văn Phú, cứ tấm tắc khen mãi. Có lẽ tôi “mát tay” làm phong trào nên bàn giao công trình xong, các ông lại điều tôi về Trường nội trú xã Krông Zin, một trường còn xây dựng dang dở mà vẫn phải khai giảng…
Có lẽ tại cái số xây dựng xong cơ sở vật chất, tôi được ở lại trường phụ trách lao động. Thời ấy tiêu chuẩn học sinh nội trú tương đối cao, mỗi em hàng tháng được cấp 15 kg lương thực, quần áo, chăn màn và tiền tiêu vặt, nhưng nhiều em vẫn bỏ học không chịu đến trường. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, lương thực rất khan hiếm, nhiều nơi phải cấp lương thực bằng đậu xanh, hạt mạch thay thế. Vì vậy huyện tổ chức khai hoang trồng khoai mỳ, học sinh nội trú cũng được điều động đi khai hoang. Trường nội trú Krông Zin được phân công cuốc đất trên một quả đồi phía sau trạm kiểm soát Khánh Dương. Buổi sáng hôm ấy, tôi cùng các em học sinh mải mê cuốc đất đến gần trưa, em Y Đoan lại bên tôi nói: Thầy nghỉ lại uống nước, để em làm cho! Tôi đưa cuốc cho Y Đoan và đi lại bên đường quốc lộ 21 để uống nước. Đi chưa được năm chục mét, bỗng tôi nghe một tiếng nổ lớn, giật mình quay lại; ngay chỗ tôi đứng cuốc lúc nãy, một cột khói đen bốc lên, bảy em học sinh đang quằn quại trên mặt đất. Tôi lao lại chỗ Y Đoan, em nằm bất tỉnh; mặt xạm đen vì khói thuốc; bụng, tay máu phun ra thành dòng. Cô Nguyễn Thị Hồng chạy lại cởi khăn đưa cho tôi buộc lại vết thương cho Y Đoan. Các thầy cô và nhân viên y tế của trường xúm lại băng bó cho các em bị thương. Có em hoảng quá vừa chạy vừa khóc, máu chảy thành dòng trên mặt đất. Các  thầy phải chạy theo giữ lại để băng bó. Khi xe đưa các em lên viện cấp cứu rồi, tôi lại chỗ Y Đoan nằm thấy lưỡi cuốc con gà Trung Quốc bị xé nát, mặt đất bị khoét một lỗ lớn như chíêc mẹt. Vô tình tôi đã để Y Đoan gánh thay trọn vẹn một quả mìn. Cũng may, nhờ cấp cứu kịp thời tất cả các em chỉ bị thương, không ai chết cả. Riêng Y Đoan nhờ lưỡi cuốc chắn mãnh đạn nên chỉ bị thương nặng. Vậy là để những người học trò bé nhỏ ở huyện M’Đrak đến được với cái chữ, không những thầy cô giáo mà cả học sinh đã phải đánh đổi bằng chính xương máu của mình.
Vì công việc của tổ chức giao, tháng 8 năm 1983, tôi đi học rồi chuyển công tác, chuyển ngành về trên thành phố Buôn Ma Thuột, không còn làm nghề dạy học  nữa, nhưng những kỷ niệm đẹp về mảnh đất này còn in đậm trong tôi.
Sau ba mươi năm trở lại, 19 giáo sinh đoàn Thanh Hoá vào huyện M’đrăk năm ấy giờ đây còn lại không nhiều. Người về cõi vĩnh hằng khi tuổi xuân chưa tròn 30 như Đỗ Văn Loan nguyên Phó hiệu trưởng trường PTTH Việt Xô. Người bị vật chất cám dỗ, rơi vào vòng lao tù. Người vì yêu cầu của tổ chức phải chuyển công tác về các địa phương khác. Giờ đây số còn lại chỉ có 6 người. Trong sáu người ấy, người đã và đang là Phó chủ tịch Huyện như Vũ Hữu Nhân và Lê Đình Điền; người làm Hiệu trưởng các trường trọng điểm của Huyện như Lê Ngọc Khu, Nguyễn Văn Tuấn; người tiếp tục giữ các trọng khác của ngành giáo dục như Lê Cảnh Truật, Nguyễn Văn Tường…. Dù trên cương vị công tác nào những người giáo sinh năm ấy vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, xứng danh người con xứ Thanh.
Lần này về huyện bên cạnh việc thăm lại vùng đất khi xưa từng công tác, giúp tôi trưởng thành, tôi còn có nhiệm vụ Tổng biên tập giao cho là tìm hiểu và viết về mô hình Trường Nội trú dân nuôi mà huyện M’Đrak hiện nay đang thực hiện. Khi biết ý định của tôi, thầy Lê Cảnh Truật vui vẻ nói: Vì điều kiện thực tế, hai năm học vừa qua ngành Giáo dục huyện đang thực hiện mô hình Trường nội trú dân nuôi. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Dak Lak, mỗi huyện có một trường nội trú dành riêng cho con em các dân tộc ít người theo học. Tuy nhiên do biên chế, trường chỉ tiếp nhận một lượng học sinh nhất định, vì thế còn một số học sinh đang học tại trường THCS nhà ở xa trường, không thể hàng ngày đi học và về nhà nên huyện cũng như ngành đồng ý với chủ trương xây dựng mô hình Trường nội trú dân nuôi. Hiểu một cách nôm na là học sinh đến ăn ở tại trường, cuối tuần hay cuối tháng các em mới tranh thủ về nhà lấy lương thực, hôm sau lại lên học. Việc ăn ở của các em do gia đình lo liệu hoàn toàn. Hiện nay huyện M’Đrak đang có ba trường thực hiện mô hình này.
- Nếu người dân chấp nhận như vậy thì quý hoá quá còn gì. Ngày trước ta đi nói rát  cổ bỏng họng, vận động cha mẹ các em cho con đi học, được ăn ở đàng hoàng mà ta lên cầu thang trước các em trốn xuống cầu thang sau, bắt học trò đi học như  Nguỵ bắt quân dịch.
- Nhưng thực hiện mô hình này cũng đang là vấn đề gian nan lắm! Thầy Lê Cảnh Truật nói thêm.
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét