Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

SỐ: 345&246 - tác giả LÊ THỊ MINH NGHIỆM

Trên Hồ Lăk tác giả DUY THƯƠNG


DU XUÂN ĐẮK LẮK

Tùy bút LÊ THỊ MINH NGHIỆM

“Đây bất khuất Tây Nguyên cao cao, núi mây điệp trùng gió ào ào…”. Lần theo câu hát, mời bạn hãy đến Đắk Lắk - quê hương của trường ca Đam San, Xing Nhã, Đăm Di… nổi tiếng; đến với những cánh rừng cà phê, cao su bạt ngàn; đến với quê hương của những chú voi rừng và “vua” săn voi nổi tiếng khắp núi rừng Tây Nguyên Khun Ju Nốp. Đặc biệt, nơi đây đã mang một dấu ấn lịch sử bằng chiến thắng 10 - 3 - 1975 lừng lẫy, trận đánh mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Là mái nhà của khu vực Nam Trường Sơn, Tây Nguyên, được thiên nhiên ưu đãi, Đắk Lắk hội tụ đủ các điều kiện tự nhiên lý tưởng để phát triển kinh tế, xã hội và đặc biệt là du lịch. Không có những vùng núi non hiểm trở như các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng Đắk Lắk lại có nhiều sông, suối tạo nên nhiều thác nước hùng vĩ, nên thơ.
Cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 40 km, là khu du lịch thác Krông Kma, thuộc huyện Krông Bông. Đây là một trong những khu du lịch đẹp của Đắk Lắk, hàng năm thu hút hàng vạn lượt du khách. Cách TP. Buôn Ma Thuột 6-7 km theo hướng Đông Nam, là khu du lịch sinh thái hồ Ea Kao. Một hồ nước rộng mênh mông, gần đó là lâm viên cảnh, với nhiều loại động vật rừng quí hiếm, giúp du khách hiểu thêm về sự phong phú, đa dạng của “kho báu”  đại ngàn Đắk Lắk.
Ngay từ sau ngày giải phóng, hồ Lăk thuộc huyện Lăk, cách TP. Buôn Ma Thuột chừng hơn 40 km, đã là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Đắk Lắk. Giữa một vùng rừng núi hoang vu xuất hiện một hồ nước rộng mênh mông quả là một sự kỳ thú. Nhìn từ trên cao xuống, hồ Lăk như một chiếc gương lớn giữa một vùng rừng núi hùng vĩ, bao la. Trên đỉnh đồi, biệt điện Bảo Đại soi bóng xuống mặt hồ long lanh ánh nước. Đứng trên biệt điện, phóng tầm mắt nhìn bao quát mới thấy hết vẻ đẹp của một vùng sơn thuỷ hữu tình. Bảo Đại - ông vua cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam, mỗi lần về công cán tại Đắk Lắk, đều đến nghỉ tại biệt điện bên hồ Lăk. Một lần, theo chân một số cán bộ Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian đi điền dã để nghiên cứu và sưu tầm sử thi, tôi đã được nghe già làng buôn Je Juk, xã Đăk Phơi, kể: Mỗi lần đi săn, Bảo Đại cưỡi con voi trắng (cổ voi đeo chiếc khánh bằng vàng nặng 3kg?) với một đàn voi dũng mãnh gần 20 con và một đội quản tượng đông đảo, thạo nghề. Trong dân gian, còn lưu giữ truyền thuyết về hồ Lăk. Truyền thuyết kể rằng: Năm ấy trời làm hạn lớn. Thiếu nước, đất nứt nẻ, ao hồ, sông suối đều khô cạn, cây cối chết hết. Không còn nước uống, người M’nông phải rủ nhau vào rừng tìm nước. Theo đoàn người tìm nước, hai anh em Y Lăk, Y Liêng là hai chàng trai cần cù, tốt bụng, đi mãi cho đến lúc mệt quá, họ ngồi bên gốc cây ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Trong giấc ngủ, hai anh em đều mơ thấy một cụ già râu tóc bạc trắng, đến bên nói: “Các con cứ bước cách chỗ ngồi bảy bước, sau đó chặt một cây tre, từ trong ruột tre sẽ có nước uống”. Tỉnh dậy, hai anh em chặt tre, trong ống tre có nước và có một con lươn. Hai anh em mang lươn về nuôi trong nồi đất. Chỉ sau một ngày, lươn đã lớn chật nồi đất. Hai anh em lại bỏ lươn vào nồi đồng. Cũng chỉ trong một ngày, lươn đã lớn chật nồi đồng. Họ lại bỏ lươn vào ché. Một ngày sau lươn lớn quẫy vỡ cả ché. Họ phải đào một cái hố nuôi lươn trong đó. Lạ thay, chỗ nào có lươn sống, chỗ đó có nước. Một ngày sau, lươn lại lớn chật cái hố. Hai anh em phải nhờ dân làng đào một cái ao để thả lươn. Thương dân làng, hai anh em gọi bà con đến lấy nước về dùng. Khi lươn lớn chật ao, lươn nói với Y Liêng, Y Lak rèn cho mình một cái mũ có mũi nhọn bằng sắt, rồi chụp lên đầu cho lươn, để lươn dùng mũi sắt đào ao rộng làm chỗ ở. Từ đó cái ao ngày càng rộng ra thành hồ nước. Một hôm, có một con rồng bay qua, thấy có hồ rộng, nước trong vắt, bèn sà xuống tắm và định biến nơi này thành lãnh địa của mình. Lươn không chịu, vậy là hai bên đánh nhau mấy ngày nhưng không phân thắng bại. Rồng bỏ đi, hẹn ba ngày sau trở lại. Lươn bàn với anh em Y Liêng, Y Lak mời dân làng đến giúp sức. Lươn nói: “Khi đánh nhau, tôi luôn ở chỗ nước trong, còn rồng ở chỗ nước đục. Nếu thấy chỗ nào nước đục là dân làng ném đất đá và phóng lao xuống, chắc chắn rồng sẽ chết”. Hai bên đánh nhau bảy ngày bảy đêm làm cho nước trong hồ đục ngầu và mặt hồ ngày càng rộng ra. Vì nước đục không nhìn thấy lươn nên dân làng cứ đứng trên bờ để chờ. Bỗng nhiên có một lúc con rồng ngoi lên mặt nước. Dân làng chờ sẵn trên bờ tay cầm đất, đá, lao ném và phóng thẳng lao vào mình rồng. Đau quá, rồng bay vọt lên trời chạy mất. Suốt mấy ngày sau vẫn không thấy lươn ngoi lên khỏi mặt nước. Hai anh em đi quanh hồ ra sức gọi vẫn không thấy lươn đâu. Vì quá thương lươn, họ cứ đứng như thế từ ngày này qua ngày khác chờ lươn, rồi tự nhiên biến thành hai quả đồi. Bà con trong vùng rất thương hai anh em nên đã đặt tên là đồi Y Liêng, đồi Y Lak, còn hồ được gọi là hồ Lăk. Hơn hai chục năm qua, Sở Thương mại - Du lịch Đăk Lăk đã xây dựng ở đây một khu du lịch sinh thái - văn hoá để phục vụ du khách, và hồ Lăk đã trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Đắk Lắk.
Khu du lịch Buôn Đôn, cái tên đã trở nên quen thuộc với khá nhiều du khách trong cả nước và một số du khách nước ngoài, bởi ở đây qui tụ cả một loạt các điểm du lịch: Rừng quốc gia Yok Đôn, thác bảy nhánh, khu du lịch cầu treo Ban Mê Cô, khu du lịch sinh thái Cư Mil (Spa Buôn Đôn)… với sự kết hợp hài hoà của du lịch sinh thái, du lịch văn hoá. Tuy nhiên, sức hút của khu du lịch này là du lịch voi với đàn voi nhà được huấn luyện khá chu đáo và những huyền thoại về “ông vua” săn bắt voi rừng Khun Ju Nốp. Mộ vua săn voi và những huyền thoại về vùng đất này và về ông vẫn sống mãi với thời gian.
Để lại đằng sau phố xá ồn ào với những lo toan thường nhật, bạn hãy đến với Đắk Lắk để cùng cưỡi voi lững thững đi trong những cánh rừng đại ngàn nghe gió hát; ngồi trên những tấm ván đóng cao chót vót trên ngọn cây của thác bảy nhánh, soi mình xuống dòng sông Srêpôk hùng vĩ, nghe tiếng nước chảy rì rầm suốt ngày đêm; quây quần bên đống lửa bên bờ sông Srêpôk để say trong điệu xoang nhịp nhàng và hương rượu cần thơm ngát níu giữ bước chân; nghe và đánh những bài chiêng âm hưởng là tiếng hát của đại ngàn; nghe già làng kể khan hay hát kể ót nrông (sử thi Êđê, M’nông) thâu đêm suốt sáng; đối thoại với dân bản địa - những người làm nên và góp phần lưu giữ, bảo tồn kho tàng văn hoá dân gian đồ sộ, phong phú… để cảm nhận hương vị mùa xuân đang đến trên cao nguyên đất đỏ ba jan bạt ngàn nắng gió này.
Trong gió xuân, đại ngàn Đắk Lắk đang hát. Tiếng hát đón chào du khách bốn phương.

4 nhận xét:

  1. Đọc bài này MN lại muốn một lần đến daclak thơ mộng ...
    Chúc bạn đêm an lành nhé. Thân mến.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã ghé thăm nhà, nếu có dịp lên Đăk Lăk, Ban biên tập Tạp chí Văn Nghệ Chư Yang Sin rất vui nếu được đón bạn đến thăm (địa chỉ: 172 đường Điện Biên Phủ, thành phố Buôn Ma Thuột).

      Xóa
  2. Em ghé thăm chị...cảnh hồ Đăk Lăk thật đẹp chị nhỉ......ước j` dc một lần tới nơi đó thì thật tuyệt...ngày mới luôn thật vui chị nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đắk Lắk còn nhiều nơi đẹp lắm, mời bạn ghé thăm nhé!

      Xóa