Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

SỐ: 245&246 - tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN




Nhà văn NGUYỄN VĂN THIỆN


NGHỆ SĨ XĂM MÌNH

         Truyện ngắn


            Mình kể với ta rằng mình là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng ở thành phố X. Ngày xưa, mình chụp hình đám cưới, chụp hình dạo công viên, khi đất nước mở mang, nhiều hội hè, mình chụp hình nghệ thuật. Cuối cùng, mình được kết nạp vào Hội nhiếp ảnh quốc gia, được phong nhiều tước hiệu khác nhau của các tổ chức nhiếp ảnh quốc tế. Ảnh của mình được lên trang bìa nhiều lần ở các tạp chí từ trong Nam ra ngoài Bắc ở đủ các lĩnh vực khác nhau. Tiền nhuận ảnh cộng với các sô chụp đám cưới đám ma cho thu nhập thường xuyên, mình sống khỏe. So với anh em ở các chuyên ngành nghệ thuật khác, đời sống coi như khá giả. Mình nghĩ, cứ đà ấy, mình còn có thể cống hiến nhiều cho nghệ thuật.
            Mình lặn lội vào các làng bản xa xôi để tìm người tìm cảnh. Để có được những tác phẩm nghệ thuật xứng tầm tên tuổi, mình sẵn sàng bỏ tiền ra thuê những cụ ông cụ bà người thiểu số mặc trang phục thổ cẩm, diễn cảnh còng lưng lội suối hoặc ngồi tư lự bên bếp lửa nhà sàn, hoặc tẩu thuốc trên môi bốc khói trong một buổi chiều muộn… Bạn bè nói, mình bị nhập đồng, còn mình cười, nói tui bị người ta bỏ bùa.
            Mình không có vợ con, dĩ nhiên, khi còn chụp hình dạo ngoài đường, không ai để ý, khi trở thành nghệ sĩ tên tuổi thì lại già mất rồi, nhìn trước nhìn sau, không còn hợp với ai, đành ở vậy. Với cái nhu cầu bản năng chết tiệt ấy, mình giải quyết bằng cách tìm đến các cô ở nhà hàng, khách sạn. Xã hội văn minh, các cô gái điếm cũng ngày càng văn minh lịch sự, phục vụ khách còn hơn chồng con trong nhà, vì thế, mình cảm thấy việc không có vợ cũng là chuyện bình thường.
            Trong số các cô gái phục vụ, mình kết một cô tên Y, dân miền Z, trẻ, đẹp, hiền dịu. Nhiều lúc, sau khi thỏa mãn xác thịt, trí não còn phiêu bồng, mình vẫn nung nấu ý định sẽ có lúc lấy nàng về làm vợ. Ối chao, trinh tiết là cái thá gì, nàng Kiều đó, có trinh tiết mấy đâu mà sống muôn đời! Thế nhưng, ý nghĩ ấy chưa kịp thành hiện thực thì mình nghe tin Y chết. Một buổi chiều, mình đến chỗ quen tìm nàng thì được cô bạn cùng phòng thông báo:
- Y chết rồi!
- Chết khi nào? Vì sao?
- Chết hôm qua, nghi bệnh ết, lở loét mấy tuần nay rồi!
Mình cảm thấy một cú chấn động mạnh như thể ai đó vừa đấm móc vào mỏ ác. Ết à, sida à! Mình nổi da gà. Về phòng, mình nằm bẹp một ngày, tiếc cho X thì ít mà lo cho mình thì nhiều. Mình thất thểu đi xét nghiệm. Phòng xét nghiệm thành phố vắng hoe. Cô bác sĩ lâu lâu mới vớ được khách tư vấn cho mình nhiệt tình như với em út:
- Đã vào đây xét nghiệm, tức là anh phải chuẩn bị cho mình tinh thần vững vàng, anh nhé, ở vào cả trường hợp xấu nhất, anh nhé, không được bi quan, anh nhé!
Mình không nghe rõ gì, chỉ nghe anh nhé anh nhé, nhưng vẫn gật đầu lia lịa. Khi kết quả ra, cô bác sĩ vẫn cười:
- Em đã nói rồi, dương tính anh ạ, nhưng kết quả này chưa phải cuối cùng, sẽ phải làm thêm các xét nghiệm nữa, nhưng như vậy là khả năng phơi nhiễm của anh rất cao…
Cô ta còn nói một thôi một hồi nữa nhưng mình không nghe gì cả. Trong đầu mình có sấm sét, có lửa cháy loạn xạ. Mình ôm đầu chạy ra khỏi trung tâm xét nghiệm mặc cho cô bác sĩ chạy theo giữ lại. Mình nhịn ăn suốt ngày hôm sau, ngủ thêm một ngày nữa, mới rũ rượi ngồi dậy. Mình nghĩ, đời thế là hỏng, hỏng toàn tập.
Không hiểu sao mà thông tin về mình lại được chuyển về nơi cư trú nhanh đến vậy. Sau ba ngày, cán bộ y tế phường đã có mặt trước cổng nhà mình. Nhìn qua, mình đã biết mọi việc. Bà y tá vào nhà, vẫn là những lời nói động viên anh nhé anh nhé y chang như bác sĩ bên trung tâm xét nghiệm. Mình cảm thấy bủn rủn, chán ngắt, buồn nôn. Những bức ảnh nghệ thuật phóng to treo trên tường nhà cũng ảm đạm, ngơ ngác. Những cụ bà ngậm tẩu thuốc, cụ ông cầm nỏ buồn rười rượi. Bà y tế phường vẫn nói như cái loa công cộng, nhiệt tình, rôm rả:
- Rất nhiều người coi việc nhiễm vi rút HIV là cầm chắc cái chết, thực ra, nếu chúng ta có liệu pháp tâm lí, có biện pháp điều trị khoa học, thì vẫn có thể sống mười mấy năm nữa. Anh nghĩ xem, mười mấy năm, người ta làm được bao nhiêu là việc… Ở thành phố A, thị xã B, còn có chị C, anh D sau khi biết mình nhiễm H vẫn sống đàng hoàng, trở thành ngọn cờ đầu trong phong trào…
- Thôi…- Mình ôm đầu, hét lên – Để tôi yên…
Mình lao vào nhà vệ sinh dội nước. Bà loa phường chờ mãi không được bèn ra về. Trước khi ra khỏi cửa còn nói vọng vào:
- Hãy thành người có ích anh nhé…
Không thể trốn trong nhà mãi được, nhất là những buổi sáng đẹp trời, nắng rải vàng ươm trên con phố trước nhà. Mình đến quán cà phê quen thuộc, nơi hàng ngày anh em bạn bè văn nghệ vẫn thường ngồi đàn đúm với nhau. Những bạn bè của mình vẫn hồ hởi chuyện trò, huyên thuyên về những ý tưởng sắp thực hiện, về những bức ảnh sắp giật giải quốc tế đến nơi. Những vầng trán vẫn căng phồng ý tưởng dưới những mớ tóc lù xù, những bàn tay với móng tay dài đấy ghét vẫn vung lên chém gió ào ào. Mình thấy, ô hay, đời vẫn thế, không có gì khác cả! Chỉ có mình là khác, nhưng mà, mình nghĩ, ngoài mấy bà y tế, có ai biết mình có H đâu! Mình ghé đít ngồi vào ghế, bần thần. Nghệ sĩ E thấy thế dừng tay múa, mở to mắt ngạc nhiên:
- Ối, ông anh, mấy ngày trốn đâu mất, hay là đánh quả lẻ?
Mình cười ngượng nghịu. Nghệ sĩ E nói tiếp:
- Nghệ sĩ lớn như ông anh mà chơi bẩn thế là không nên!
Giá như cách đây một tuần, mình sẽ nhảy xổ vào cãi vã cho bằng được, nhưng hôm nay, mình ngồi im với nụ cười héo úa trên môi.

***
           
Mình nói với ta, ngồi chờ cái chết đến lâu thiệt là lâu, buồn thiệt là buồn. Mình nghĩ, có khi mấy bà y tá nói đúng, uống thuốc vào, sống lạc quan lên, biết đâu còn được hơn chục năm. Thế là mình gắng gượng. Mình lại phăm phăm đi tìm người tìm cảnh. Những ngọn núi xa xôi đang đợi, mình thầm nhủ thế và lên đường. Mình nhớ bà cụ già sống bên Hồ Xanh trên núi. Bà sống một mình với chiếc thuyền độc mộc. Mỗi buổi sáng, bà bơi thuyền giữa hồ gỡ lưới. Quanh bà, những con thiên nga trắng muốt đang bơi. Mặt trời xé tán cây, chiếu những vạt sáng lung linh sau chiếc thuyền như dát bạc. Mình nghĩ, phải phục bằng được cảnh ấy, vào đúng lúc mặt trời xé qua vòm lá, thì mới thành công được. Nhưng, hình như trời cố ý chơi khăm. Bao nhiêu chuyến đi rồi mà những tấm hình của mình vẫn không thành cơm cháo. Cảnh đẹp nhưng trơ lì, thiếu sinh khí. Mình buồn lắm! Mình ra đầu ngõ hớt lại mái tóc nửa năm chưa động đến. Thằng bé hớt tóc vừa đưa kéo xoen xoét vừa la làng trời ơi đất hỡi, tóc thế này mà gọi là tóc, ổ quạ còn phải gọi bằng cụ, nó nói. Mình ngồi nghe nó ca cẩm mà thấy vui vui. Nó nói, dạo này đang có mốt xăm hình nghệ thuật, xăm hình có tiền hơn hớt tóc. Mình tò mò hỏi xăm hình nghệ thuật là thế nào. Nó trả lời chú có muốn xăm không, nghệ sĩ như chú xăm hình vào trông oách lắm! Mình bảo, tùy mày. Thế là sau khi giải quyết xong cái đầu nó bảo mình cởi áo ra. Mình nằm ngửa trên ghế, nó tí mẩn xăm lên ngực mình bằng mũi dùi nhọn hoắt. Nó hỏi, chú có thấy đau? Mình bảo, cũng đau. Mình thấy toàn thân tê dại. Nó bảo, nghệ sĩ phải chịu đau, chịu buốt nhức mới là nghệ sĩ. Mình cười méo mó, nghệ sĩ cái con khỉ. Nó bảo, xong rồi, một con đại bàng hoành tráng. Mình ngồi dậy nhìn xuống ngực, thấy một con đại bàng phủ hết vùng ngực trái đang cắp một trái tim. Mình nghĩ, cũng hay hay.
            Mình vẫn thường nhớ Y, người con gái miệt vườn chân lấm tay bùn mà đẹp. Không hiểu đám tang của Y diễn ra ở đâu, như thế nào, có được chôn ở quê nhà hay không. Đã hơn một lần Y nài nỉ mình cưới Y hoặc không cưới nhưng sống như vợ chồng để Y được sung sướng làm vợ nghệ sĩ. Mình hay đùa, nghệ sĩ phải cô đơn mới sáng tạo được. Y dỗi, hay là em chết đi để anh cô đơn. Không ngờ, nói chết rồi chết luôn…
            Sau những buổi săn ảnh thất bại trở về, mình lại ghé quán thằng bé hớt tóc để xăm mình. Mình nghĩ, thân thể này, nhiều lắm là bảy tám năm nữa thôi sẽ mục ruỗng, xăm gì chả được, vẽ gì lên đấy mà chả được. Những hình xăm kì dị sẽ che đậy những mục nát từ bên trong, thế cũng hay. Mình nằm úp trên ghế cho thằng bé trổ tài. Thằng bé khoe, cháu học xong trường cao đẳng nghệ thuật, chả cơ quan nào nhận, cháu là nghệ sĩ đường phố, có điều, cháu không chịu đau được nên không phải nghệ sĩ lớn. Mình nghĩ đến mình, có học hành quái đâu mà nghệ với sĩ, chỉ là thằng chụp ảnh dạo ngoài đường, so với thằng bé tốt nghiệp cao đẳng này, mình còn thua xa. Nó bảo, ngực chú xăm hết rồi, giờ đến xăm lưng, chú thích xăm cái gì. Mình nghĩ đến gương mặt nhăn nheo của cụ già người thiểu số trong núi. Mình bảo nó, xăm một cái đầu lâu tóc bạc. Nó cười, đã đầu lâu lại còn tóc bạc, hâm thế! Thế mà cũng gọi là nghệ sĩ. Mình nghĩ, thế nào cũng phải trở vào núi gặp bà cụ có gương mặt nhăn nheo tai dài đến vai chèo thuyền gỡ lưới trên Hồ Xanh ấy. Không chụp được một bức cho ra hồn thì quả là uổng. Những cuộc điện thoại từ các toà soạn tạp chí đặt ảnh, giục nộp ảnh, mình ờ à khất lần cho qua chuyện. Nghệ sĩ mà không có tác phẩm thì sống làm gì, mình nghĩ.
            Thời gian vẫn đằng đẵng. Những thuốc thang, tư vấn từ các cơ quan y tế vẫn đều đặn, cuộc sống của mình vẫn đều đặn. Da dẻ mình vẫn bình thường, chưa có dấu hiệu phát bệnh. Nhưng, cơ thể mình giờ đây đầy những hình xăm kì dị với đủ các mẫu mã, hình thù. Mỗi lần vào nhà tắm mình đứng trước gương rất lâu. Mình tự ngắm mình. Hai ngực hai con đại bàng, cái đầu mãng xà to tổ bố giữa bụng, đuôi nó quấn xuống hai đùi, quấn tận bàn chân, sau lưng là hai cái đầu lâu có tóc bờm xờm. Mình cười ha hả, chó chết, đời chó chết, mình nghĩ, chết đến nơi rồi còn đại bàng với mãng xà! Mình thấy như vừa bước hụt chân trên con đường ngang qua vực sâu. Hình như cái chết không đến từ da thịt như mình vẫn tưởng về những người bị H. Có một cái chết đến từ bên trong. Thằng bé hớt tóc cũng nói, nghệ sĩ thường chết từ bên trong, như cái cây rỗng ruột, bên trong mục hết mà cành là vẫn xanh, thế mới lạ. Mình rủ các đồng nghiệp vào núi gặp bà cụ già có đôi tai phật bơi thuyền gỡ lưới trên hồ mỗi buổi sớm mai. Ai cũng lắc đầu. Mọi người đều đang bận theo đuổi đề tài của họ, hay là họ ngại không muốn đi cùng mình, mình không biết.
            Cuối cùng, một mình mình đi vào Hồ Xanh. Không ai tưởng tượng được những người bản địa lại chọn nơi ở xa đến thế. Nửa ngày đường mà vẫn chưa đến. Con đường đất đỏ bám vào vách núi chênh vênh. Hay là mình lạc đường? Không phải, con đường vẫn rất quen. Có khi con đường rất quen ấy lại dẫn mình đến nơi khác, mình không rõ. Cơn mưa rừng kéo tới trên đầu, đe dọa. Mình mặc cho mưa trút, vẫn đi. Mình mặc cho gai cào rách áo, vẫn đi. Đến khi mưa tạnh thì bóng núi đã đổ dài. Mình hốt hoảng, sao mà xa thế? Mình nhìn xuống người, quần áo mình đã tả tơi từ lúc nào. Mình cởi luôn cho tiện. Cuối cùng, chỉ còn một chiếc quần đùi và túi đựng máy ảnh quàng cổ, mình lầm lũi bước đi.
Dòng suối chắn ngang đường mình đi. Mình ngồi trên thân cây vắt ngang suối nghỉ ngơi. Hình như cuối dòng suối này là Hồ Xanh, nơi có bà cụ già bơi thuyền gỡ lưới bên những chú thiên nga trắng muốt. Dưới suối là một người mà mình không hề quen biết. Dường như chỉ còn đôi mắt là hơi quen, còn nữa là xa lạ. Con đại bàng vẫy cánh, con mãng xà cựa quậy. Mình hoảng, hay là mình biến thành thú, thành quỷ dữ? Không ai trả lời mình cả. Mình lại nghĩ, mình phải tìm đến nơi trước khi trời tối. Mình lại dò dẫm bước đi. Nhưng bóng tối ở rừng dày đặc, mình không còn nhận ra đường để bước. Mình chọn một gốc cây to, cởi máy ảnh đặt bên cạnh, mình nằm xuống đấy. Mình thấy mệt vô cùng. Trên da thịt mình, con đại bàng lại đang vỗ cánh định bay, con mãng xà lại cựa quậy định bò, mảng da sau lưng cũng đang động đậy, hình như hai cái đầu lâu có tóc đang nói chuyện với nhau. Đâu đó xung quanh mình, cuộc sống vẫn chuyển động, chỉ có mình là hoang mang vô cùng và đau khổ vô biên. Mình nhắm mắt lại, trong phút chốc, hình ảnh bà cụ già có đôi tai phật với gương mặt hàng vạn nếp nhăn nheo chợt hiện ra trước mắt, ánh mắt bà lóe lên một nụ cười tinh quái. Trong khi, tay bà vẫn thoăn thoắt bơi chèo gỡ lưới. Bầy thiên nga thấy động vỗ cánh vụt bay lên trong ánh nắng sớm mai vừa xuyên qua tán lá rừng rọi xuống mặt hồ lóng lánh như rải vàng rải bạc. Mình vùng dậy chộp lấy máy để bấm. Mình bấm liên hồi cho đến khi tay chân mềm nhũn trong cơn mệt mỏi rã rời.
            Những người đi tìm sau nhiều ngày lặn lội mới dò đến gốc cây cổ thụ bên suối nơi mình đã nằm xuống. Người ta bới trong đống đất đỏ hoe hình người mà mối vừa đùn lên, nhưng không còn dấu vết gì của mình nữa. Không có thịt xương, chỉ có những con mối béo nẫn, trắng tinh đang hăm hở miệt mài làm việc. Chỉ có chiếc máy ảnh hiệu canon là vẫn mới nguyên, không hề bị mối gặm. Nhờ có chiếc máy ảnh ấy mà người ta chắc chắn đống đất mối đùn ấy chính là mình. Đồng nghiệp coi chiếc máy ảnh là di vật cuối cùng mà mình để lại, đem về chép vào máy những bức ảnh cuối cùng để lưu giữ.
            Những ngày sau đó, ở quán cà phê quen thuộc, những người bạn của mình vẫn còn cãi nhau về những bức ảnh cuối cùng ấy. Đó là những tấm ảnh rất lạ, không thấy rõ đường nét, chỉ toàn một màu đỏ nhức mắt. Những cặp mắt tinh tường của dân trong nghề cũng không tài nào phân biệt được đó là màu đỏ của lá thu hay màu đỏ của máu hay của lửa hay của đất. Nhìn kỹ nữa thì thấy những đường gân nhỏ li ti như mạch máu chằng chịt dọc ngang.         
Người cả quyết rằng đó là kiệt tác, người nói rằng, không có hình thù gì cả, không có tư tưởng gì hết. Người hoài nghi rằng, tác giả đã dí ống kính vào nội tạng của một người đang sống để bấm máy, mà điều đó thì không thể. Cuối cùng họ thống nhất với nhau đem hết những tấm hình đó gửi vào nhà bảo tàng của tỉnh để lưu giữ. Nhân viên bảo tàng cũng nhiệt tình đón nhận nhưng không biết nên trưng bày nó vào góc nào nên vẫn để nguyên trong bọc nhét vào gầm tủ. Và chúng nằm im trong đó mãi mãi. Đó là những gì của mình còn sót lại trên thế gian này.

CÂU ĐỐI

Cỏ dại nhổ đi vui ý Đảng để vườn Xuân ngào ngạt hương Xuân
Hoa thơm chăm bón đẹp lòng Dân cho cảnh Tết lung linh sắc Tết.
                                                        HOÀNG HIẾU NGHĨA


4 nhận xét:

  1. Câu truyện rất hay Bạn ạ.Tối ấm áp bên gia đình Bạn nhé !

    Trả lờiXóa

  2. Mạn phép cũng nhại rằng:


    CỎ DẠI NHỔ ĐI (vui ý đảng)ĐỂ VƯỜN xuân NẢY THÊM NHIỀU CỎ DẠI

    HOA TRỒNG THÊM NỮA(mếch lòng ai)CHO BÃI TẾT THUI CHỘT LẮM HOA KHÔN

    Trả lờiXóa