Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

SỐ: 245&246 - truyện ngắn nước ngoài


JAYEETAHHOSH (Ấn Độ)

Jayeeta Ghosh là giám đốc điều hành một công ty tư nhân ở Kolkata. Những tác phẩm bằng tiếng Anh đã được xuất bản như: “Dạo chơi trong từ ngữ: Một át – lát văn học”, “Từ ngữ trong gió đổi chiều”... Đã từng giành được giải cao trong cuộc thi “Trái tim nói về văn thơ” ở Kolkata, được đưa vào kho sách Oxford.


NGƯỜI QUEN XA LẠ


Hơn tám tháng trước, Aditi ly dị với Sekhar và ở với Rohan, cậu con trai ba tuổi của họ. Aditi đã phải mạnh mẽ lắm mới đưa ra quyết định chắc chắn đến vậy, khi mà không gì có thể níu kéo họ được nữa. Cô đã cố gắng cả thập kỷ chỉ để thiết lập một con rô-bốt, nhưng vô dụng. Đó cũng chính là một trong những quyết định sai lầm của cô, cô không thể chung sống dưới một mái nhà với một người người chồng không khác gì cái máy của mình. Thậm chí cô đã nghĩ tới kiểu thử nghiệm mới, đó là việc có con sẽ tạo nên một chất keo - dán các cặp đôi lại với nhau như thuở ban đầu, nhưng rồi cũng thất bại. “Thay vì để cho đứa trẻ vô tội này càng ngày càng khổ sở hơn vì phải sống trong cảnh cha mẹ đánh đập, chửi rủa lẫn nhau suốt ngày thì việc tốt hơn hết là nên tách ra ở riêng”, trái tim Aditi đã mách bảo điều đó. Ngay sau lần choảng nhau cuối cùng của cô với người đàn ông tàn nhẫn ấy, cô quyết định rời khỏi nhà cùng đứa con trai bé nhỏ tới ở nhà cha mẹ đẻ vào một buổi sáng sớm.
Cha mẹ cô đã nổi một trận lôi đình, những quan niệm truyền thống của người già không thể dễ dàng chấp nhận được chuyện họ có một cô con gái - người phụ nữ có gia đình – lại bỏ chồng về nhà mẹ đẻ để sống như vậy. Họ có quá nhiều lo ngại cho những lời đàm tiếu của hàng xóm láng giềng, rồi họ hàng sẽ nói ra nói vào, và cả việc sẽ phải diễn kịch như thế nào khi mà mọi người đều đã rõ tất cả cùng làm họ không thôi đau đầu nhức óc. Còn Aditi thì bất lực vì họ không chịu hiểu cho cô, họ không chịu hiểu rằng độc thân cũng có thể mang lại thành công hơn là cứ phải giả vờ sống có đôi có cặp mà lại chẳng có tý tình cảm và mối quan hệ nào cả. Hơn thế nữa, bọn họ sợ cô con gái và mọi người đổ lỗi cho mình vì đã sắp xếp một cuộc hôn nhân không mấy tốt đẹp. Có con gái trong nhà như thế thì luôn phải chịu nhiều tai tiếng ngay cả khi mọi chuyện được coi như lắng xuống. Aditi biết điều đó nhưng cô đủ trưởng thành để hiểu ra sự thật là không phải do quyết định của họ mà là do bản chất của Sekhar khiến cô không còn cách nào để chịu nổi nữa, đành phải đi đến việc kết thúc mọi thứ. Cô luôn tin vào số phận và tôn thờ những ngôi sao may mắn. “Cô mà cưới Purab thì biết đâu chuyện đổ vỡ này cũng sẽ xảy ra thì sao? ” Cô và Purab tưởng chừng như sẽ keo sơn gắn bó với nhau đến trọn đời nhưng chẳng ai ngờ trước được chuyện gì cả, chỉ đành tự an ủi chính mình như vậy thôi. Bỗng tầm nhìn của cô trở nên mờ ảo hơn vì nước mắt chảy ra lúc nào không hề hay biết.
Cuối tuần là ngày duy nhất trong tuần, Aditi được phép làm bất cứ điều gì mà cô ấy muốn. Những ngày còn lại thì phải dành cho công việc của mình. Đúng vậy, cuối tuần luôn là khoản thời gian thoải mái nhất, tha hồ đi mua sắm trong các trung tâm, vui đùa thỏa thích với cái cầu thang cuốn hay tràn ngập tiếng cười trong thang máy với bạn bè… Thậm chí hẹn hò đầy bất ngờ với những nhà hàng gần đó, nướng mình trong vị sữa lắc béo ngậy hay những cây kem đặc biệt có một không hai. Đôi khi chỉ là đi dạo vòng quanh công viên hay đi coi phim cũng là những kế hoạch hoàn hảo. Tuần này, Aditi sẽ cùng Rohan đi thăm sở thú. Vì đây là lần đầu tiên được đi sở thú với mẹ nên cậu chàng rất vui mừng, đối với thằng nhóc thì đi chơi với mẹ là không gì có thể hơn được nữa.
Aditi đã rất thành công trong việc tẩy đi hết quá khứ với Sekhar trong tâm trí của Rohan và dẫm trên những gánh nặng của bà mẹ đơn thân để vươn lên. Vì thế việc vừa làm một người mẹ, vừa làm một người cha cũng không hề gây khó khăn cho cô. Cô mong một ngày nào đó con trai mình sẽ dễ dàng bước tới tương lai. Aditi tin rằng Rohan là niềm an ủi lớn lao nhất của cuộc đời mình, cậu bé là một phần trong chuyến hành trình rẽ ngang cuộc đời này. Cô biết Rohan sẽ là người đồng hành trung thành, sẽ cùng cô vượt qua các thử thách để tiến xa hơn nữa. Chỉ sự ngây thơ trong sáng của cậu bé mới làm cô vui vẻ và giúp cô không ngừng hi vọng về một thế giới đầy mơ ước sẽ sớm trở nên có thực. Rohan chính là một món quà – là một lý do để cô sống nốt quãng đời còn lại.
Kỳ nghỉ đông của Rohan đã bắt đầu từ một ngày trước, sau hôm đó là buổi sáng thứ bảy để lười biếng ủ trong chăn ấm. Những tia nắng mỏng tang khẽ lướt nhẹ qua ban công nhà kế bên rồi từ từ tắm cho căn phòng ngủ đẫm ấm áp. Một trong số chúng nồng nhiệt hôn lên đôi mắt đang còn nhắm của Aditi. Cô cau mày quay về phía bàn, mắt nhắm mắt mở liếc coi giờ đồng hồ. Đã chín giờ rồi! Rohan vẫn đang còn say ngủ trên cánh tay cô. Cô khẽ rút tay ra, và vuốt ve mái tóc thằng bé rồi như thường ngày cô lại khẽ đặt một nụ hôn nhẹ lên trán cậu trước khi rời khỏi giường. Aditi xuống bếp chuẩn bị bữa sáng, tờ báo hẵn còn treo bên ngoài cánh cửa. Hai tay hai bên, cô cầm một tách cà phê nóng và một cốc sữa bước vào phòng ngủ và cố gắng dỗ dành Rohan dậy. Chắc chắn nếu nói về chuyến đi chơi sẽ khiến thằng bé dễ dàng chịu chui ra khỏi giường hơn.
Rohan tỏ ra thích thú khi thấy đám đông những người đang đứng ngoài sở thú. Nó trông như một hội chợ đầy màu sắc, nào là những hàng bán bóng bay, nào là những chiếc xe kem rộn ràng… Mọi người thì đang xếp hàng đợi đến lượt để mua vé vào bên trong. Cũng phải hai mươi năm rồi, cô mới trở lại nơi này. Cô vẫn còn rõ cảm giác vui vẻ như thế nào mỗi khi được đi tới nơi này hàng năm lúc còn là đứa trẻ. Để nhớ lại những ngày ấy, Aditi dắt Rohan đến cái chuồng khỉ phía bên trái gần đó, nơi mà lúc nhỏ cô thích nhất. Mỗi khi biết được thêm một con vật nào đó thì ánh mắt và khuôn mặt thằng nhóc lại trở nên long lanh, bừng sáng hơn. Nụ cười trên môi nó khiến Aditi cảm thấy thoải mái vô cùng, bất chợt – như một món quà tặng mẹ - Rohan ôm chầm lấy cô.      
Hai mẹ con cũng khá mệt sau khi phải đi bộ khám phá từ chuồng thú này đến chuồng thú kia, họ quyết định thưởng cho mình những cây kem ốc quế mát lành, lững thững vừa đi vừa ăn cho đến gần chuồng chim. Lúc đó, vừa hay con công xanh đang trình diễn điệu múa xòe đuôi tuyệt đẹp của mình để quyến rũ khách tham quan. Đám đông lộn xộn thì nhìn chăm chú vào nó và không ngớt buông những lời tán dương. Aditi đã không kịp cho Rohan bé nhỏ của mình xem điệu múa ấy. Hai người bọn họ bị đám đông che khuất nên không thể thấy gì. Mọi người dường như bận rộn hơn để chen lấn, cố gắng mở rộng tầm nhìn của mình. Còn Aditi thì cố gắng gõ nhẹ hai đến ba lần vào lưng một người đàn ông cao to trên đầu đội một cái mũ, trông anh ta có vẻ như là một nhiếp ảnh gia, nhờ anh ta di chuyển qua một bên để cho con trai mình có cơ hội được trải nghiệm điệu múa đẹp mắt của con công. Nhưng sức của cô không thể chiến thắng nổi đám đông om sòm ấy, Rohan liền nhìn mẹ tỏ vẻ hờn dỗi. Ngay lập tức, cô dỗ dành thằng bé, cố gắng xoa dịu nỗi buồn của nó:
- Tới chỗ khác thôi con, lát nữa hai mẹ con mình quay lại đây coi cũng được mà, Rohan nhỉ?
- Nhưng con công sẽ đi ngủ mất. Nó sẽ bị mệt và sẽ không múa nữa đâu!
Cậu chàng không thỏa mãn với những gì mà mẹ hứa, liền cãi lại. Aditi mỉm cười, dịu dàng hôn lên cái mũi bướng bỉnh của thằng bé và nói:
- Đừng lo con yêu, mẹ sẽ bắt nó phải múa cho con xem. Chúng ta sẽ cho nó ăn kem, và nó sẽ xòe đuôi rồi múa. Rất hấp dẫn đúng không nào Rohan yêu quí của mẹ?
Bỗng đâu đó có một giọng nói rất quen thuộc từ một người đàn ông, phá vỡ cuộc trò chuyện của hai mẹ con cô.
- Này, Aditi phải không?
Cô mở tròn mắt, cau mày và nhìn chằm chằm vào người đàn ông, và không thể tin nổi…
- Pur –a – a- a-b?
Trái tim cô đập rộn ràng khi nhắc đến cái tên ấy. Vẫn là đôi mắt lấp lánh ấy, vẫn là mái tóc xoăn ấy, vẫn là nụ cười như mùa thu tỏa nắng ấy và vẫn còn đây giọng nói quyến rũ lòng người của anh – Purab của cô sau cả chục năm xa cách. Điều duy nhất thay đổi ở anh chính là bộ râu không được cắt tỉa gọn gàng, hình như nó che giấu một cuộc sống và tình yêu không mấy vẹn toàn.
“Cái hộp buôn chuyện” đó là cách Aditi đã giới thiệu về mình cho Purab. Thế giới ảo và mạng xã hội đã mang trái tim của hai con người trẻ tuổi đến với nhau ở thế giới thực trong những năm đại học. Sau một khoảng thời gian chát chít kéo dài, khi cả hai cảm thấy không thể sống thiếu nhau – giống như bị nghiện – và không thể để mình rơi vào mối quan hệ mập mờ về định nghĩa như thế này được nữa, họ quyết định gặp gỡ nhau. Chàng trai mảnh khảnh, cao khều Purab chỉ có thể cuốn hút Aditi bằng cách thỏ thẻ về những câu chuyện vô lý và trò đùa ngốc nghếch. Ngoài việc chụp hình bằng cái máy ảnh rẻ tiền của mình ra, anh ta chẳng còn một mục đích nào để sống. Anh luôn muốn chụp ở khắp mọi nơi, mọi khoảnh khắc của cuộc đời và ghi lại những điều thú vị bằng chính máy của mình. Thỉnh thoảng đôi mắt đen láy của Aditi cũng bị anh ghi lại bất chợt. Lần đầu tiên hút thuốc lá, uống bia hay là cúp học ra nhà hát đen tối nhất của thành phố đều là do Purab bày cho cô. Nụ hôn đầu tiên hay lần đầu đụng chạm đầy đam mê và khờ dại của bọn họ diễn ra trong cơn mưa đầu mùa sau một buổi chiều hè nóng oi ả. “Purab” mặc dù sẽ chẳng bao giờ xứng với cái tên đầy ý nghĩa ấy, nhưng con người anh giống như là ánh sáng đối với Aditi. Đó là cái tên đầu tiên đã in sâu vào trong tâm trí của cô, có những nỗi muộn phiền cô không nói ra nhưng anh vẫn dễ dàng hiểu được. Một niềm khao khát không gọi thành tên đã buộc chặt hai tâm hồn lại với nhau. Thậm chí Purab – người đã nửa đêm dưới cơn mưa nặng hạt – không quản mọi khó khăn lặn lội tới bệnh viện để chăm sóc cho cha của Aditi khi nghe tin ông bị tai biến mạch máu não. Và cũng chính anh đã chẳng màng tới sức khỏe suy nhược của mình mà truyền máu cho ông. Cha cô đã được cứu. Nhưng lại ép Aditi lấy Sekhar. Ngay cả thủ tục mà ông tình nguyện cam kết cho cô cưới gã điển trai giàu có Sekhar cũng không được báo trước với cô. Còn Purab – chàng trai nghèo thất nghiệp không một xu dính túi làm sao có thể xoay sở kịp để khiến cha cô thay đổi ý định gả cưới cô. Sekhar đưa cô vợ mới cưới của mình đến Chandigarh, một thành phố xa hoa đắt đỏ nhất nước để ổn định cuộc sống vợ chồng.
Khoảng thời gian dài mười năm dường như không bao giờ quá nhiều để cô bị thu hút với cuộc sống hôn nhân mới. Nhưng hình ảnh Purab thì cũng dần phai mờ đi, giống như ánh mặt trời lúc tàn và trong suy nghĩ của cô anh chỉ còn là một phần nào đó. Lý trí đã không cho phép cô nghĩ đến anh, vì sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ của cô với Sekhar. Nhưng đâu đó, trong trái tim cô vẫn thực sự mong muốn Rohan bé nhỏ của mình trở nên thoải mái, tự do, hoang dại như Purab… Nhưng chợt cô giật mình nhận ra: “Purab thật là yên bình. Purab sôi nổi trước kia đâu rồi? Em nhớ anh, Purab”, đôi mắt cô im lặng cố gắng đấu tranh để nói to hơn và để tiếng nói ấy tiến gần tới tai của anh hơn, “Em nhớ anh nhiều! Tại sao anh không đến và mang em đi cùng anh mãi mãi?”
- Đây là người đàn ông bé nhỏ của em à?
Purab phá vỡ trí tưởng tượng của cô. Rohan thì tỏ ra khó chịu vì thấy người lạ trêu chọc mẹ. Cô mỉm cười nhẹ nhàng:
- À, nó là Rohan, vệ sỹ của em đấy.
Sau khi nghe mẹ nói như thế, Rohan liền cảm thấy hãnh diện và lườm nguýt Purab.
- Này nhóc… à phải là ngài Rohan chứ nhỉ… thưa ngài, ngài có muốn thử cái này không, hay lắm đấy?
Anh cố gắng làm thân với cậu nhỏ bằng cách đưa cái máy ảnh vẫn đang còn treo trên cổ ra. Mặt của thằng bé bừng sáng lên, nó chạy nhanh tới anh là tò mò hỏi:
- Cái này là cái gì thế chú?
Aditi cảm thấy thoải hơn, cô dõi mắt nhìn theo hai người, một bên là người tình cũ một bên là đứa trẻ - cầu nối của mối quan hệ bị ép buộc, họ đang chơi đùa với nhau thật ấm áp và đầy thân mật. Cô lại chìm trong biển ký ức, cô nhớ tới những trò trêu đùa nghịch ngợm ngớ ngẩn của họ vào buổi chiều ở nhà Purab lúc cha mẹ anh ta đi nghỉ cuối tuần. Cô vẫn còn nhớ ánh mắt gần gũi và những nụ hôn nồng ấm, mềm mại lướt trên làn môi mượt mà của cô. Chợt thôi hồi tưởng, cô nhớ ra rằng từ lâu mình đã có kế hoạch cho Rohan trở thành một nhiếp ảnh gia.
- Chắc là giờ anh đã nổi tiếng rồi phải không?
Cô cất tiếng trêu đùa anh khi họ bắt đầu cất nhanh bước tới tiệm cà phê của sở thú.
- Nghe hay đấy! Nhưng chẳng có gì giống như thế cả. Anh chỉ được thuê bởi một công ty khá là lớn… ừ thì nó lớn nhưng không có nghĩa anh được làm lớn.
Anh nháy mắt nhìn cô. Cô hạ giọng hỏi tiếp:
- Vậy chứ còn… ưmmm… ý em là còn gia đình anh thì sao?
Thực sự thì cô muốn thốt lên từ “vợ” nhưng đã mau lẹ thay thế nó bằng từ “gia đình”. Purab thở dài:
- Cha mẹ anh gặp một tai nạn cách đây ba năm. Cha đã tử vong ngay tại đó. Mẹ cũng không qua khỏi cơn nguy kịch, bà ra đi sau đó hai ngày. Còn Prabhu thì giờ đang định cư bên Mỹ. Năm ngoái, nó cưới một cô gái người Mỹ. Còn anh à? Anh vẫn như thế, nghèo nàn và rất khó khăn để kiếm nổi một mẩu bơ và bánh mì…
Cô chăm chú lắng nghe anh nói… 
- Và… cuộc đời như thế!
Anh kết thúc câu chuyện của mình bằng một tràng cười to. Một cái gì đó thuộc về Purab đã biến mất. Anh vẫn cười như xưa, nhưng lại vô hồn; khuôn mặt anh vẫn rạng rỡ nhưng đầy vẻ thiếu niềm tin, anh vẫn nói nhưng tất cả cũng chỉ còn là sáo rỗng. Con người anh trống rỗng. Có vài lần Aditi đã thử nói với anh, người đang dồn hết tâm trí mình vào cậu nhóc Rohan, bằng ánh mắt như xưa; cô khao khát được trả lời những câu hỏi từ rất lâu rồi vẫn chưa có hồi đáp; nhưng anh vẫn cứ lặng im như thế. Aditi muốn anh ôm cô trong vòng tay như trước kia, như cái lúc cô đã từng yếu mềm, nhưng anh hoàn toàn dửng dưng. Aditi cúi gằm đầu xuống tập trung bước đi trên vỉa hè, nước mắt khẽ len lén chảy ra làm cay mắt cô. Tiếng nức nở câm nín vỡ òa tràn ngược vào trong tim cô, đau nhói. Lòng nặng trĩu. Cô đã để mất Purab. Cô đã để anh lạc lối. Và thậm chí cô đã không biết tại sao hôm nay mình lại khóc. Chính cô đã không đấu tranh chống lại sự sắp đặt của cha, để giành lấy cuộc hôn nhân của riêng mình. Cô mất anh mãi mãi. Purab đã thay đổi để giống tất cả mọi người trong cuộc đời cô, hay nói cách khác giờ đây anh cũng chỉ giống như một người đã đi ngang qua cuộc đời cô như bao người khác. “Một người quen nhưng hoàn toàn xa lạ”. Aditi cố gắng giấu những giọt nước mắt rớt trên gò má, cô nhắm mắt hít một hơi thở sâu. Cô nhìn về phía trước – phía có mối quan hệ mới, tràn đầy tình yêu thương của Rohan và Purab, bọn họ đang vừa đi vừa khám phá cái máy ảnh. Cô ngừng khóc, vội vã theo họ bước tới tiệm cà phê như bình thường.
                                                                           MAI ANH dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét