NHỮNG BUỔI CHIỀU Ở CUNG TRẦM PHỐ
Truyện ngắn
Khi Du biết Cung Trầm Phố thì quán cà
phê ấy đã là cõi riêng của Lê và nhóm bạn cô. Du gọi là cõi riêng bởi lúc nào
anh xuất hiện thì họ cũng đã có mặt trước anh, thản nhiên tán gẫu, chí ít chỉ vài
giây, bọn họ dừng lại, rồi cuộc thi giọng lại tiếp tục, như không hề có anh,
phong độ, sừng sững vừa bước vào. Anh bực. Nỗi bực vô cớ. Vì rất hiếm mỗi khi
anh đi qua mà không ai nhìn, dù một thoáng, nhất là các cô gái. Anh quen như vậy
rồi, từ thời còn sinh viên. Cứ như là sự ngưỡng mộ trên đời này chỉ dành riêng
cho anh vậy. Nhưng anh quên ngày ấy đã gần hai mươi năm rồi. Anh gọi họ là “những
con khướu”, những con khướu sặc sỡ, dĩ nhiên là gọi thầm, và cũng dĩ nhiên, không
thèm để mắt tới. Nhưng anh cứ phải nghe hót, tranh nhau hót thì đúng hơn, đủ chất
giọng, thanh điệu và đủ thứ chuyện trên đời. Trong cái mớ âm thanh nhiều cung bậc
ấy Du không nghe thấy một cung trầm dù tên quán là Cung Trầm Phố, buồn cười thật.
Đôi khi anh nghĩ không có phụ nữ cuộc sống sẽ buồn đi biết bao nhiêu. Nghĩ và cười
một mình. Họ ăn mặc model, điệu đàng và hồn nhiên. Cafe và nước ngọt, những cái
miệng chúm chím, đỏ hường, cánh sen hay tím trầm, liến thoắng, cũng muốn nhìn.
Hình như là một nhóm học tại chức nào đó ở cái thành phố này và các tỉnh xa về,
gặp nhau, rồi chọn Cung Trầm Phố làm đại bản doanh cho trước và sau những buổi
học mà thực chất là chơi nhiều hơn, và thời gian cho những buổi trốn ra tán gẫu,
“buôn dưa lê bê dưa hấu”, loáng thoáng đề tài về những chuyến đi chơi, về cuộc
tình chớp nhoáng giữa một chàng và một nàng nào trong lớp, về quần áo, về một ông
(thầy) chịu chơi, bà (cô) hắc ám. Họ đang nói về những thầy cô giáo ở xa về dạy
hợp đồng theo một liên kết nào đó, trong dịp hè, mỗi năm vài tuần, dạy xong rồi
về, không bận tâm lắm đến lớp nhiều hay ít,
trò học được hay không, hứng thì dạy, không thì tự nghiên cứu, cơm áo mà, thầy
thì dễ dãi, trò thì chu đáo, miễn là cuối khoá hầu hết ai cũng tốt nghiệp, cũng
nhận bằng. Cái sự học thời buổi này dễ lắm. Ai cũng có thể đi học, và ai cũng tưởng
mình đang đi học. Anh cười buồn. Liếc nhìn sang bàn bên kia, năm nàng với năm vẻ
khác nhau, không lẫn. Trong bọn, một người dáng nhỏ nhắn nhưng có vẻ chị lắm, nói
không ít hơn và giọng cũng đáng để ý, mắt nâu một chút ngơ ngác, ánh nhìn thăm
thẳm. Lạ thật, mắt ấy sao mồm miệng thế không biết. Hình như Du nghe bọn họ gọi
đôi mắt buồn ấy là Lê. Và sau này khi đã thân thiết anh mới nói cho Lê rằng anh
vốn thích những đôi mắt như vậy. Lê bảo anh khéo nịnh. Anh cười, nói nịnh mà được
Lê thì cũng nên lắm, Lê đã một thoáng nhìn anh mà không nói gì.
Thỉnh thoảng, Du mở laptop và lang thang vào một website
văn chương nào đó hay lướt qua những tin thể thao mới nhất, cố tập trung nhưng
vẫn bị nhiễu. Nhiễu vì những con khướu vẫn vô tư khoe giọng. Vì khoảng cách đôi
bên không quá xa nhau. Lâu thành quen, những buổi chiều không nghe nhóm khướu ấy,
cứ thấy trống trải, tiếc một chút trẻ trung sôi động vừa đi qua tuổi mình. Đôi
lần Du định chọn một quán khác nhưng đã thành thói quen. Với anh, cafe còn là một
hoài niệm, một chỗ ngồi, một chỗ trú thân và thả lỏng mình sau những giờ làm việc
mệt mỏi ở cơ quan. Sau gần hai mươi năm làm việc anh đã bắt đầu mệt mỏi. Cafe
quán, một thói quen từ thời còn sinh viên anh vẫn giữ cũng như vẫn còn muốn
nghe những khúc Trịnh trong vô vàn những bản nhạc mì ăn liền nhan nhản bây giờ.
Nghe và để mình phiêu du đâu đó, để đôi khi quên đi cuộc sống thực dụng gấp gáp
chung quanh. Rồi anh dần thấy hay hay bởi cái vẻ hoạt náo của họ. Nhưng cái chính
là anh muốn nhìn vào đôi mắt sâu vợi ấy, bởi đôi lần anh bắt gặp, đôi mắt ấy cũng
kín đáo hướng ánh nhìn về phía anh. Và giữa hai như một thoả thuận không lời. Khoảng cách giữa
anh và những con khướu ấy không xa cũng không gần thêm. Và cũng chỉ có thế. Và
chính anh cũng nghĩ thế. Cho đến một ngày…
Trời lại mưa, anh chạy qua lối đi lát bằng đá chẻ thô nhám
hai bên trồng toàn cỏ tóc tiên tím, chiếc dù che không kín hết, cơn gió hắt mưa
làm ướt hết một phía vai. Lạnh. Những sợi mưa quất vào mặt rát buốt như ngọn
roi, nước mưa chảy qua môi anh ngòn ngọt. Du bước vội vào tiền sảnh nhà văn hoá
thành phố. Vừa kịp khai mạc buổi hội diễn văn nghệ chào mừng một dịp lễ mà anh được
mời làm thành viên ban giám khảo. Anh đeo vội chiếc thẻ ghi danh vào ngực và lách
vào ngồi xuống thì tiếng nhạc dạo đã vang lên, anh không để ý chiếc thẻ đã quay
mặt trái ra ngoài. Ban nhạc chuyển sang chơi một bản nước ngoài. Love is
blue, nhạc phẩm mà anh rất thích từ thời còn trung học. Lúc này anh mới biết
cơn mưa cũng đã kịp làm ướt đôi tất dưới
chân bắt đầu gây cảm giác khó chịu. Anh đã làm công việc cầm cân nẩy mực nhiều
cuộc thi, anh cũng không biết vì sao người ta lại mời anh làm công việc vô vị này.
Anh là một công dân mẫu mực chăng? Anh đam mê âm nhạc chăng? Hay anh thích hội
hoạ và dù những hoạ phẩm của anh chỉ để treo chơi và tặng bạn bè? Hay cái mác
nhà thơ và là cộng tác viên của một vài tờ báo và tạp chí, cái mác mà chính anh
thường tự giễu mình? Anh cười cho cái háo danh của người đời. Mặc kệ. Anh thấy
mình cuốn theo những giọng hát và điệu múa. Những tràng vỗ tay. Anh thấy mệt.
Giọng người dẫn chương trình lại vang lên “Lớp văn B26 ĐH…, bài múa…”, anh lơ đãng
nhìn lên sân khấu. Trời ạ! không thể tin được, trước mắt anh là nhóm khướu với
tám nàng xinh đẹp. Tám chứ không phải năm như thường lệ. Những bờ vai trắng ngần
và những cặp mắt biết nói như trôi qua trước mắt anh. Anh chăm chú nhìn. Hình
thể có tiếng nói riêng của nó và anh không thể cưỡng lại. Và Lê hát, giọng ngọt
ngào và hơi buồn, bài hát về một loài chim trắng nào đó. Ba tiếng đồng hồ rồi cũng
trôi qua. Du ra đứng một mình ngoài hành
lang, dưới chân cơn mưa còn đọng vũng, anh nới lỏng cà vạt, nhìn bầu trời u ám
và tự hỏi tối nay làm gì cho hết đêm trong cái thành phố thêng thang này khi
ngoài kia mưa gió? Anh đã từ chối sẽ không
đi ăn nhà hàng với ban tổ chức, dù họ đã đặt chỗ. Anh không thích thú gì những
câu chuyện đưa đẩy và chúc tụng nhau, những lời chúc thường không thật. Anh rất
ngại những cuộc tiệc như vậy. Du nhớ lại lúc nãy khi nhóm khướu cúi chào, thoáng
một giây anh bắt gặp ánh mắt Lê. Anh mỉm cười một mình. Hình như lúc đó anh đã
vỗ tay rất nhiệt tình. Cơn mưa chiều giờ chỉ còn bay hiu hắt dưới ánh đèn cao áp
tím, rắc mơ hồ trên những chùm hoa bọ cạp vàng trên cao. Mới tháng bảy mà Cao
Nguyên đã bắt đầu lạnh. Anh thấy ngạc nhiên khi dạo này anh thường nhớ đến đôi
mắt của Lê, đôi mắt đôi khi như có lửa, điều chưa từng xảy ra với anh từ khi cuộc
hôn nhân của mình tan vỡ, đã mười năm nay, cũng vừa năm năm anh xin chuyển từ đồng
bằng lên công tác tại thành phố Cao Nguyên này. Một cơ quan văn hoá. Ở trọ và ăn
cơm tháng. Công việc thì giờ giấc còn sinh hoạt thì tuỳ thích. Thỉnh thoảng được
mời dạy hợp đồng một lớp mỹ thuật, làm vài ba cái ma-kết. Đi và về. Và cũng không
còn gì để ràng buộc. Anh bây giờ là người tự do. Tự do đến cô độc. Điện thoại
trong túi quần rung lên. Một tin nhắn rủ đi nhậu. Anh tắt máy không nhắn lại.
Du định tí nữa anh sẽ ra vỉa hè uống một ly cho ấm rồi tìm một quán cà phê nào đó
ngồi chờ khuya, anh sợ phải về nơi trọ khi còn quá sớm dù anh còn phải xem lại
mấy cái kịch bản cho công việc tuần tới. Mấy quyển của Remarque và Sanint Exupéry
anh đã đọc đi đọc lại, cả “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng, vất bừa bãi ở đầu
giường, chưa ra thư viện đổi.
Du không vội. Anh lại đưa mắt tìm những chùm hoa bọ cạp vàng
lúc này đang đu đưa trong gió. Anh vốn yêu hoa vàng mà. Du chợt cảm giác có người
nhìn anh từ phía sau. Anh nheo mắt và quay lại. Và lần thứ hai trong ngày, anh
thật ngạc nhiên, Lê đứng sau lưng anh tự bao giờ. Quần Jeen áo vàng, rạng rỡ dưới
ánh đèn, bé nhỏ và mong manh như một đoá tường vi. Trong một bất chợt, anh muốn
choàng tay ôm Lê vào lòng thật chặt, mặc mọi người chung quanh và mọi thứ trên đời.
“Có việc gì không cô bé?” anh cất tiếng hỏi, nghe giọng mình không được tự tin
lắm. “Thưa thầy!...Thầy chưa về sao?”, chỉ hỏi vây thôi sao, anh hơi ngạc nhiên,
thầy ư? Sao biết anh là thầy? Hoá ra từ lâu anh đã coi thường đối phương rồi,
những con khướu đâu chỉ có biết hót, chúng còn biết múa ca và tìm hiểu và biết
làm người khác kinh ngạc vào những lúc bất ngờ. Anh hơi mỉm cười.” Còn sớm mà,
tôi thích đứng đây nhìn mọi người, tôi cũng không vội lắm”, anh nói thật điều mình
nghĩ, và chờ đợi, tự nhiên thấy lúng túng. Anh nhìn Lê và nghĩ thầm, mọi hôm liến
thoắng sao bây giờ nhu mì vậy? “Nhóm của em đâu rồi, ca sĩ?”, ngần ngừ một giây,
anh tiếp. Và anh nghe tiếng Lê cười khúc khích nói tụi bạn về trước rồi và hỏi
lại em là ca sĩ từ bao giờ vậy. Họ trao đổi thêm vài câu vu vơ gì đó. Du không
nhớ mình đã nói như thế nào mà Lê đồng ý để anh đưa về nhưng anh thấy không thể
không khen mình lần ấy.
Họ đi bộ trên con đường nhiều cây, phố đêm vắng xe, cơn mưa
đã tạnh nhưng hơi nước vẫn còn bốc lên mờ mờ, lành lạnh, bóng cây đổ xuống Lê,
màu áo vàng thẫm lại, vạt tóc bay bay trong tối. Bao nhiêu năm sau một hôn nhân
buồn, Du gần như quên cái cảm giác đi dạo với một người con gái trong đêm, anh
nghe thật lạ, ở thành phố này, bao nhiêu cô gái vây quanh anh nhưng anh bây giờ
như con chim sợ cành cây cong, dửng dưng tất cả, nói đúng hơn là e ngại. Anh vốn
ngạo mạn, một chút lạnh lùng, bây giờ càng trở nên khó gần. Đôi khi anh tự hỏi
bao nhiêu trong những vệ tinh ấy là một tình yêu thật sự, một tình yêu không vụ
lợi? Du cười buồn với mình, anh không còn trẻ cho một cuộc hẹn hò. Khi ngang
qua Cung Trầm Phố cả hai cùng nhìn vào, sau mưa, dưới ánh đèn màu trông nó như
một nơi chốn nào không thật, cám dỗ lạ lùng. Anh định mời Lê vào cùng ngồi với
nhau một lúc nhưng sợ cô từ chối, hơn nữa đã quá lâu rồi anh chưa cùng một cô gái
nào vào quán cafe, nên thôi, dù nghe một chút tiếc nuối. Anh hỏi điều thắc mắc
vừa rồi “Sao Lê biết tôi là … thầy?” Lê cười nhỏ “Ở cái thành phố này ai chẳng
biết thầy!”. Du phát hiện ra Lê còn có tiếng cười cũng thật trong trẻo như giọng
hát. Du nghĩ thầm anh không phải là thầy Lê vì chưa dạy cô buổi nào nhưng làm
anh thì Du sẽ là anh mấy lần của Lê, anh mỉm cười, cảm thấy vui vui. Rồi cuộc nói
chuyện của họ cũng dần thoải mái hơn. Bây giờ anh biết Lê đi dạy và cô kể cho anh
nghe về những học trò ở một vùng quê rất xa xôi, những đứa học trò quê thật thà
tội nghiệp, chuyện cô dạy bổ túc vào ban đêm, những lần cô giảng bài say sưa mà
học trò thì ngu ngơ không hiểu làm cô muốn khóc. Rồi chuyện cô đến nhà dỗ dành
những em bỏ học. Những chuyện vui và buồn. Giọng Lê ngậm ngùi, xa xôi, Lê bây
giờ khác hẳn Lê ở Cung Trầm Phố. Du đi bên cô, im lặng, dù muốn nói một lời sẻ
chia. Con đường rồi cũng dẫn đến trước ngõ nhà Lê ở. Một mở đầu bất ngờ và một
kết thúc ngắn ngủi, anh nghĩ thầm. “Ngủ ngoan và mai nhớ… đừng bỏ học nhé!”,
anh nói nhỏ, chờ Lê vẫy tay tạm biệt và
khép cửa mới quay trở lại trên con đường mưa tạnh rực rỡ ánh đèn. Anh định nói
mai gặp lại nhưng thấy hơi kỳ cục vì đây mới là lần đầu cùng đi một đoạn đường
với Lê, anh không có thói quen vội hẹn với một người còn quá mới mẻ, vả lại anh
biết chắc mai thế nào họ cũng gặp nhau ở Cung Trầm Phố, nhưng Du không biết mai
đã là một đợt nghỉ dài Lê sẽ về nhà và anh sẽ uống cafe mà không còn nghe những
nàng khướu rộn ràng.
Phía bên kia đồi ánh trăng màu cam của một ngày tháng sáu
hắt chút ánh sáng mờ mờ lên con đường nhựa đen vẫn còn hầm hập hơi nóng ban ngày,
những bụi cây hai bên đường vùn vụt lùi lại phía sau. Du thường chạy xe ra ngoại
ô vào những đêm anh không biết làm gì. Khoá máy. Không liên lạc. Không nhậu. Không
bạn bè. Anh muốn mình biến mất. Chạy và không cần biết đi đâu. Anh tăng ga, chiếc
xe máy cà tàng vọt về trước, Du lật kính mũ bảo hiểm đón gió. Anh thích những cơn
gió phóng túng của đêm tràn qua mặt, nó làm bay đi những mệt mỏi của một ngày.
Cảm giác như bàn tay phụ nữ. Anh chạy vào một lối đường đất cách con lộ một quãng
và dừng xe dưới chân một vạt đồi thấp. Anh ngồi vắt chân trên yên xe. Phía trước
mặt những bông lau thẫm đen in trên nền trời đứng gió. Du đợi trăng. Và anh nghĩ
đến Lê. Từ hồi gặp cô ở nhà văn hoá thành phố rồi đưa nhau về đến bây giờ đã hơn
nửa năm. Trừ những lần thấy nhau ở Cung Trầm Phố ngoài những cái gật đầu chào
nhau kín đáo, thì chỉ một lần họ đi chơi cùng nhau, và trước nhóm bạn vô tư của
cô, hai người vẫn chưa từng quen biết. Nhưng đôi khi anh nghi ngờ điều đó. Những
con khướu không bao giờ biết để bí mật trong lòng. Du vẫn không thể quên cảm giác
ấm áp từ người cô truyền sang khi ngồi phía sau xe anh. Và lần ấy Lê đã hát cho
anh nghe, vẫn giọng hát buồn ấy. Trăng bây giờ đã lên cao hơn, rắc xuống ánh vàng
hư ảo, cỏ cây cũng mơ hồ như không thật, phía trước anh là khoảng không gian tím
biếc, anh nghĩ đến màu áo tím Lê thường hay mặc, hình như màu tím luôn thấp thoáng
đâu đó trên người cô mỗi lần anh gặp. Anh chợt nhớ lời bài hát “Ngàn thu áo tím”
của Hoàng Trọng: Ngày xưa xa xôi em rất yêu màu tím, ngày xưa vô tư em sống
trong trìu mến, chiều xuống áo tím thường thướt tha, bước trên đường gấm hoa,
ngắm mây chiều lướt xa… Anh tự hỏi không biết bây giờ Lê đang làm gì? Đã ngủ,
hay còn đang lông bông nô đùa đâu đó cùng nhóm bạn, cái nhóm bạn tưởng như không
bao giờ biết buồn ấy. Anh tưởng tượng ra có bao giờ cô nghĩ đến anh, dù một chút
không? Rồi anh cười giễu mình. Mày mơ mộng quá rồi Du ạ! Một cánh chim bay qua
bất ngờ thả xuống một trành tiếng kêu líu lo nhưng buồn, âm thanh tan chìm
trong đêm núi. Du thấy hơi lạnh bắt đầu dâng lên. Thời tiết Cao Nguyên như cô gái
đỏng đảnh, có mùa ban ngày nắng như lửa đốt, ban đêm lạnh thấu da. Anh sờ tay,
chiếc yên xe sương ướt lạnh. Du châm thuốc và nhả khói, tiếng bầy muỗi bay lên
vo ve xung quanh. Đợi điếu thuốc cháy hết, anh nổ máy quay xe trở lại.
Du đọc lại bản thảo và bắt đầu sửa lỗi, anh nhấn phím
delete xoá những từ, cả những đoạn không vừa ý, rồi đọc lại nhiều lần. Nhiều
chi tiết quá thật làm anh không thích và lại xoá và gõ. Anh viết khoảng nửa
trang và thấy không thể tiếp tục, Du ước gì có một phím delete để xoá trắng không
để lại vết tích những năm tháng cũ. Những năm tháng đầy ước mơ mộng mị rồi đổ vỡ
mà anh không thể nào quên. Một ngày, ngoài những giờ ở cơ quan, anh thường dành
thời gian nhất định ngồi trước máy tính, anh lang thang vào những thế giới xa lạ
và quên hết. Đôi khi một miền ảo nào đó cũng làm người ta quên được bao nhiêu hệ
luỵ của thực tại. Khi nào hứng anh ngồi hàng giờ trước bàn phím, nhiều lúc nhậu
về say, anh mở máy, những giao diện luôn vỗ về và xoa dịu, anh thích viết khi đừng
quá tỉnh táo, tỉnh quá những điều viết ra thường vô hồn, chỉ là những xác chữ
nhạt nhẽo, cứng đờ, chúng chết khi vừa ra đời, nhiều khi cả tháng anh không viết
được dòng nào. Du tìm bài thơ viết tuần trước, cắt bớt mấy từ thừa, xem lại lần
cuối rồi mail cho một web quen thuộc. Anh nhấp chuột, chỉ mấy giây sau anh nhận
được lời cảm ơn đã nhận được bài. Du thở dài, căng mắt nhìn sâu vào đêm tối ngoài
cửa sổ phòng trọ, nơi ấy là mưa, là nắng, là cây đầy rêu, là lá già khô mục, là
đất đùn lên, là giun dế, là ẩm ướt, là nơi chứng kiến những đêm anh về tơi tả,
cô độc, tất cả đã ngủ vùi như một thế giới đang âm thầm chết. Anh biết bây giờ
Lê đã ngủ. Du với chiếc áo khoác, tắt đèn và khép cửa. Anh đứng nơi bậc thềm hứng
bóng tối một lúc cho quen mắt rồi bước ra ngoài đêm lạnh buốt.
Mưa tạt ướt chỗ ngồi, Lê ngồi xích về phía trong, co ro
trong ghế, áo khoác trùm kín chỉ còn khuôn mặt. Khi nãy mưa vừa bắt đầu Lê đã lạy
trời mưa to, Lê nói mưa to sẽ không ai vào quán và cô và anh sẽ còn có được một
không gian nhỏ nhoi để ngồi với nhau trong buổi chiều hiếm hoi mà thời gian chỉ
tính được bằng giây. Du cười hát khẽ “Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa,
lạy trời mưa phong kín đường về”* Du muốn mưa lũ trên núi về cuốn trôi mọi
con đường và Lê sẽ ở lại, đêm nay, ngày mai và mãi mãi. Trời thì mưa, khoảng cách
thì xa, nhìn bốn phía chỉ thấy toàn núi với rừng, sẽ diệu vợi lắm, khoảng cách ấy
thường làm anh sợ, một nỗi sợ mơ hồ, giống như Lê bây giờ nhỏ bé, mong manh.
Khoá học rồi sẽ hết và em sẽ về lại nơi em đến, một tỉnh xa xôi nào đó, không
bao giờ quay lại Cao Nguyên này. Cung Trầm Phố không còn em sẽ buồn biết mấy và
Du biết mình sẽ cằn khô dần như giò phong lan trong góc quán nơi anh thường ngồi
vì thiếu nắng và gió. Anh biết mình không thể giữ Lê ở lại, giữa hai người từ đầu
đã là một khoảng cách và anh không có quyền làm cho Lê hy vọng. Du nhớ lại tin
nhắn đầu tiên sau nhiều ngày, Lê bấm vào máy anh “Thầy ơi! Em chào thầy em về,
không được gặp lại thầy…” sau một lần vô tình họ gặp. Và anh đã lưu tin nhắn ấy
lại đến tận bây giờ. Như một niềm riêng. Anh nhớ đó là tháng mười hai. Tháng mười
hai, anh nhớ mãi.
Cảm giác chờ đợi thật lạ lùng. Lê nói là cô sẽ trở lại,
anh tin và anh chờ đợi. Một ngày sắp hết, chuyến xe cuối cùng cập bến đã hơn nửa
tiếng, anh biết Lê đã không trở lại, anh định mở điện thoại lần nữa, hy vọng nhận
được tin nhắn “Sao chưa ra đón em?” Nhưng, anh sợ màn hình trắng xoá.
6/2010
·
Lời trong
bài Tháng sáu trời mưa của Ngô Thuỵ Miên
mộc ghé thăm, kính chúc anh vui nha!
Trả lờiXóaCảm ơn bác đã ghé thăm. Chúc ngày mới như ý!
XóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa"Trong một bất chợt, anh muốn choàng tay ôm Lê vào lòng thật chặt, mặc mọi người chung quanh và mọi thứ trên đời. .."
Trả lờiXóaTé ra cũng có người...như vậy nhỉ?
Truyện thực hợn cả hiện thực ngòai đời phải vậy không ạ!
Xóa