Nhà văn NGUYỄN THỊ BÍCH THIÊM |
CHÁU ĐÍCH TÔN
Truyện ngắn
- Thằng Cán về đấy!
- Thật không?
Có ai về cùng không?
Chú ấy về thật
không? Còn người kia… có về không?
Những tiếng
lao xao của dân trong ngõ Yên Định cứ râm ran theo sau bước chân người đàn ông
khắc khổ, da nâu sậm, tay kéo theo chiếc va li có bánh xe để dễ di chuyển. Sở dĩ
mọi người chú ý như vậy vì đây là cuộc trở về thăm quê của một người thuộc họ
Trần, một dòng họ lớn của cái phố huyện nhỏ này. Nhất là khi người ấy lại có thêm
một nhân vật nữa đi cùng: một thằng bé mũm mĩm, cỡ tám chín tuổi, da trắng bóc,
mũi cao, mắt hơi nâu và hàng mi cong vút. Đó chính là Cán cùng thằng con trai của
mình. Một lớn, da nâu sậm, một nhỏ da trắng bóc, lũn cũn đi bên cạnh… Họ trở thành
tâm điểm cho mọi người vì vậy.
Cán vốn là con
trưởng của họ Trần. Nhà có sáu người con thì chỉ nhõn mình Cán là con trai.
Nghe nói khi xưa mẹ cậu phải đi mãi tận Hương Tích xin mới được. Có lẽ vì thế nên
cả nhà chiều cậu như ông vua con vậy. Dù nhà chả dư dật gì, nhưng hễ cậu thích ăn
gì có ngay, thích đồ chơi gì, có ngay. Người cậu chắc lẳn, da nâu như đồng hun.
Chỉ tội cái học dở, hai năm một lớp… Gần cuối lớp 7, cậu bỏ học. Thầy chủ nhiệm
cho các bạn đến động viên, Cán nói:
- Học mệt bỏ mẹ!
Tớ đếch thích!
Câu nói lọt đến
tai bố. Ông gọi Cán vào, ngọt nhạt dỗ dành, rồi hứa hẹn sẽ thưởng nếu đi học đều
đặn… Và ông làm thật. Tiền, xe máy, điện thoại… đã được trao, nhưng tình hình học
tập của cậu ấm thì đâu vẫn đóng đấy. Cuối năm Cán bị đúp. Bố mẹ thì buồn, còn cậu
thì nhơn nhơn: “Cần quái gì học nhiều? Anh thằng Tí đó, học xong rồi cóc xin được
việc lại về bám đít trâu đấy thôi?”. Thấy bố Cán đau khổ vì thằng “đít nhôm” ngỗ
nghịch, chán học, có ông chú trong họ làm giáo viên đã giúp ông “phù phép” cho
hợp lệ quyển học bạ và xin chuyển cho Cán vào học tiếp ở trường mình dạy. Cứ sắp
đến hết học kì, hết năm học ông chú lại phải đến nhà thầy cô “Xin được đồng
nghiệp giúp đỡ”. Ngày cháu thi tốt nghiệp lớp 9, ông chú (đã xin nghỉ coi thi)
bà thím chạy vòng vòng ở ngoài cổng, nhờ người ném bài cho cháu. Bà chì chiết:
“Trông nó mặt mũi cũng sáng láng mà sao ngu quá vậy? Suốt ngày đi xin điểm cho
cháu, ông không thấy nhục à?”. Ông cố nén, nhưng sức chịu đựng có hạn, cuối
năm đó Cán tốt nghiệp lớp 9, ông nói với anh trai:
- Em đã cố hết
sức rồi. Anh nên xin cho cháu đi học việc đi.
Ông Cán nghĩ mà
đau. Chả gì ông cũng là trưởng họ, lại có mỗi một mụn con trai mà cái sự học lại
chẳng bằng ai… Mấy bà bạn của bà thì nói tại vì năm Cán 12 tuổi, bà không đi
chuộc lại nên cậu bị “trên hành” như vậy. Sau rồi, bố mẹ cậu cũng đành nghe lời
chú và cho Cán nghỉ học, chờ xin việc. Khi cả thị trấn xôn xao việc tuyển người
đi lao động xuất khẩu nước ngoài, Cán nằng nặc đòi bố mẹ chạy tiền cho cậu đi.
Bố thì đồng ý, riêng mẹ thì sợ “thằng Cu” sang đó phải vất vả nên tru tréo không
cho đi. Nhưng vốn được chiều từ nhỏ nên Cán doạ: “Hễ không cho, thì con đi bụi
ngay!”. Thế là bà đành đồng ý. Tiếng là khá giả, nhưng với số tiền hơn hai trăm
triệu làm lộ phí, hồ sơ, thủ tục thì không đơn giản. Cuối cùng, sau bao nhiêu
chạy vạy, vay mượn khắp họ hàng, món tiền đã nộp xong. Và Cán chỉ còn chờ ngày
lên đường thôi. Ai dè, cái tay Dũng là cò chuyên lừa đảo lấy tiền mà chả làm gì
hết. Chuyện vỡ lở, hắn trốn đi biệt tích, để lại bao người méo mặt vì món nợ chạy
cho con đi Tây. Nhà Cán cũng vậy. Khi mẹ cậu đổ bệnh vì tiếc món tiền, còn bố ôm
ngực ho sù sụ, thì Cán tuyên bố: “Không đi Tây Âu, thì ta đi Tây…Nguyên!” Ở đó
có cậu ruột đang làm chủ một trang trại cà phê lớn. Năm 1994, giá cà phê đội lên
gần năm ngàn đồng một kí tươi, nên nhà cậu kinh tế lên vùn vụt nhờ cà phê. Mỗi
lần về, cậu thường giúp đỡ mọi người trong họ. Vì thế, ai cũng nghĩ cuộc sống
trong đó dễ chịu và sung túc. Qua câu chuyện của cậu về những món lợi nhuận từ
cà phê, rồi hương vị rượu cần, gà nướng, heo Đê, những voi Buôn Đôn, thác Đray
Sáp, thác Trinh Nữ… đã khơi gợi óc phiêu lưu của gã trai vốn quen thích gì được
nấy. Cán coi nơi đó như miền đất hứa.Và thế là với cái ba lô trên vai, sau hai
ngày ngồi xe ca, vào một ngày cuối năm, Cán quyết định làm một chuyến Tây… Nguyên
tiến.
Thất vọng! Đó
là cảm giác đầu tiên khi Cán nhảy từ trên xe xuống lúc nghỉ dọc đường. Cỏ ngập đến
ngang thắt lưng. Một thứ cỏ xanh tốt và quấn chặt lấy chân cậu khi bước đi. Những
rẫy cà phê bạt ngàn, những rừng cao su trồng thẳng hàng, đều tăm tắp… Cảnh
hoang sơ, dân cư thưa thớt khiến Cán thoáng nghĩ: “Bỏ mẹ! Mình có nhầm không?”.
Cũng may cảm giác đó chỉ thoảng qua khi đến thị trấn chỗ cậu ở: những dãy nhà xây
lô nhô, đường trải nhựa bàn cờ, dân cư đông đúc hơn đã giúp Cán vui dần lại.
Sau vài ngày
nghỉ ngơi, Cán được cậu giao cho việc trông coi và canh rẫy của nhà cùng với bác
Ba – một ông già quê Hà Nam. Từ cậu, mợ đến hai đứa con và những người làm công
đều có nước da nâu khoẻ mạnh và rất hay nói chuyện. Những bữa cơm dọn ra trên tấm
bạt ở góc rẫy khi họ hái cà phê, cắt cành, đào bồn; rồi những câu chuyện, những
lời bông đùa, trêu chọc… Cán đều thấy một sự chan hoà, thân thiện của những người
chân chất, mộc mạc. Trong số những người làm công đó có Vi, một cô gái mà
Cán bị hút hồn ngay từ khi mới gặp. Vi mới mười tám tuổi và là cháu họ bác Ba.
Mới học hết lớp chín, do gia đình đông con nên Vi phải nghỉ học để phụ làm rẫy
cùng cha mẹ. Cả nhóm làm công toàn người lớn. Vậy nên khi Cán xuất hiện,
cả hai đã nhanh chóng quen thân ngay. Cán thấy Vi dáng thanh mảnh, da trắng, tóc
dài, nói năng lại dịu dàng nên mê tít. Còn Vi, thấy Cán ăn nói dễ nghe, ăn mặc
hợp thời trang lại hay giúp cô những việc lặt vặt nên cũng say chẳng kém. Đôi
trẻ yêu nhau lúc nào chẳng biết. Mê mẩn trong tình yêu, Cán chẳng nghĩ đến về
quê nữa. Lúc nào, làm gì cậu cũng lâng lâng cái cảm giác như bồng bềnh say
trong ánh mắt ngọt ngào hay cái chạm tay khi vô tình gặp nhau của Vi. Rồi một lần,
hai đứa đã “vượt rào”. Trong lúc nhấm nháp dư âm ngọt ngào của tình yêu, Cán cầm
tay Vi và nói: “Anh sẽ về nói bố mẹ để cưới em!”. Vi chìm trong niềm hạnh phúc
và men tình nồng nàn nên càng dâng hiến cho người tình những con sóng yêu đương
cháy bỏng của tuổi xuân thì. Thấy Cán suốt ngày luẩn quẩn bên Vi, ông cậu nhắc
cháu:
- Anh yêu thì
yêu, chứ lấy thì không được!
- ?
- Mới tí tuổi đầu,
nuôi thân chưa nổi mà vợ con gì?
- Ơ hay! Cháu
hai mươi rồi đấy, cậu ạ.
- Tôi không biết.
Tôi chỉ biết anh chưa tự kiếm sống được mà vướng vợ con vào rồi khổ thân anh đã
đành, mà vợ con anh, rồi bố mẹ anh cũng khổ. Hai bác có mà chửi tôi ủng mả! Cán
ấm ức trong bụng, nhưng vì ngại cậu và cũng nghĩ: “Yêu cho vui vậy ai đã lấy đâu
mà rối cả lên!” nên cũng cho qua mọi chuyện.
Năm ấy cà phê
bị rớt giá thảm hại. Dân trồng cà phê điêu đứng vì thu nhập không đủ bù cho chi
phí phân bón, tưới tắm, nhân công… Người dân bắt đầu giảm bớt các chi phí đầu tư
cho cây cà, và lác đác có người nhổ cà phê trồng các loại cây như hồ tiêu, điều,
ca cao… Nhà cậu Cán cũng giảm bớt số người làm rồi rủ mấy nhà hàng xóm đổi công
cho tiết kiệm. Thu hoạch xong vụ cà phê đầu tiên vào đất Tây Nguyên, Cán xin cậu
cho về quê. Ông cậu ngạc nhiên: “Anh vào mới có ngần ấy thời gian, về làm gì vội?
Sắp tới còn tưới tắm, bón phân với làm cành rồi”. Ông không biết là Cán đang bắt
đầu thấy tù cẳng và đang muốn bay tiếp. Cán nghĩ ra chiêu gọi điện về nói với mẹ
gọi Cán về có việc. Thế là ông cậu cũng phải cho Cán về sau khi bắt hứa là sẽ
quay vào ngay.
Cán về đúng dịp
có mấy người đi Malaixia đợt đầu tiên về phép. Nghe họ kể, Cán lại bùng lên khát
vọng đi Tây. Bố mẹ cậu lại chiều theo ý của “đích tôn”. May là lần này con rể của
ông chú giáo viên kia là công an của tỉnh, nhờ tài quen biết của em họ nên Cán đi
trót lọt.
Sau ba tháng học
tiếng tại Hà Nội, đoàn của Cán gồm 45 người được đưa sang làm công nhân xây dựng
tại một công trình ở miền trung Malaixia. Kể ra thì cũng chả đến nỗi nào vì chỗ
ăn chỗ ở cũng tạm được, và quân nhà ta tự chia nhóm và phân công nhau nấu
nướng lấy. Tuy nhiên, thời tiết ở đây nóng kinh khủng, có ngày lên đến 41, 420
C, Cán vốn không quen lao động nặng, lại kém chịu nóng nên càng thấy mệt
mỏi. Những ngày ở Tây Nguyên, mang tiếng “rừng thiêng nước độc”, nhưng khí hậu
khá ôn hoà, lại chỉ trông coi, làm phụ với những người làm đổi công nên dẫu sao
cũng thấy dễ thở hơn ở đây. Mỗi tháng được nhận 1200 ringgit. Lần đầu tiên nhận
lương, nhẩm tính ra chỉ khoảng gần sáu triệu tiền Việt, tự nhiên Cán thấy xót
xa. Và nhớ lại những lần đi sinh nhật bạn bè toàn xin tiền mẹ để đốt vào rượu,
bia và những trò vô bổ khác. Một cái gì gần như là ân hận dâng lên trong lòng.
Cán gọi về cho mẹ. Chưa kịp nghe hết câu chào đầu tiên, bà đã hối hả nói ngay:
- Cán đấy à? Mẹ
đây. Con có khoẻ không? Công việc có vất vả
không? Con có bị ốm đau gì không? Con ăn uống thế nào? Gọi điện thế này
tốn tiền chết!
Cán phì cười:
- Mẹ ơi! Con vẫn
khoẻ. Con mới lĩnh lương đây này…Nhưng ít lắm, có hơn sáu triệu thôi. Bố mẹ vẫn
khoẻ chứ? Nhà ta có gì mới không ạ?
- Cha bố anh.
Lấy lương mà cũng khoe mẹ, như trẻ con vậy. Bà nói nhỏ, giọng méo đi: Sáu triệu
thì sáu triệu… Cứ chịu khó đi. Rồi dần dần sẽ cao hơn con à. À mà hôm trước cậu
Quân mới gọi điện về đấy.
- Vậy à, cậu nói
chuyện gì vậy mẹ?
- Thì cậu hỏi
con sang đó thế nào. Mà có chuyện này, mẹ hỏi thật con (bà hạ giọng): Hình như
con có “đi lại” với con bé nào ở chỗ cậu phải không?
- Sao mẹ hỏi vậy?
Đâu có gì đâu!
- Cậu Quân nói
hết với mẹ rồi. Con bé Vi ấy có con rồi đấy. Mà là con của ai, con biết không?
- Làm sao con
biết được. Con ai hả mẹ?
- Ai biết là
con ai…
- Không đâu mẹ
ơi! Vi yêu con thật đấy.
- Con ngây thơ
quá. Chả gì con cũng là con trai duy nhất của nhà ta, chả giầu bằng ai, nhưng cũng
không phải là nghèo, rồi cậu con kinh tế khá giả… Bây giờ con lại đi Tây…
- Ôi, mẹ… Cán
bật cười khẽ: Con đi làm thuê mà mẹ.
- Mẹ không biết.
Thôi, việc đó kệ đó đã. Con cứ yên tâm mà làm ăn, về rồi tính. Có gì bố mẹ sẽ tìm
hiểu thêm rồi bàn với cậu.
Tắt máy rồi, Cán
vẫn chộn rộn bao cảm xúc. Mình có con ư? Vi bây giờ ra sao? Mình phải làm gì bây
giờ? Lấy Vi ư? Mình vừa mới sang, làm chưa được một mảy nhỏ trong món nợ vay để
làm thủ tục sang đây để đạt ý nguyện làm giàu, giờ mà về lấy vợ thì bỏ hết ư? Tự
nhiên Cán thấy lạ khi mình đang tính toán rất tỉnh táo và những ý nghĩ về Vi, tình
cảm ngày trước hình như bay đâu tất cả.
… Hai bố con Cán
đã về đến ngõ. Bà Cán chạy từ trong sân chạy ra:
- Ông ơi! Cháu
về rồi ông ơi! Bố con thằng Cu về thật ông ơi! Bà chạy ào lại ôm lấy thằng bé.
Nó giật lùi lại một bước, nép sau bố. Cán đẩy con lên:
- Con chào bà
nội đi!
Thằng bé vẫn mở
to mắt, nhìn bà Cán bằng cái nhìn lạ lẫm. Bà hơi chững lại một chút, rồi lấy
tay khẽ vuốt vai nó:
- Cha bố anh!
Bà nội mà anh cũng không chào hử? Bà quay sang mọi người, cười, nói, mà mắt
rân rấn lệ: Con với chả cháu. Thật là…
- Thôi, bà ơi!
Cháu nó còn lạ mà. Ông Cán vừa ra nói đỡ vừa giơ tay cho thằng bé: Đâu, cháu của
ông đâu? Vào nhà cùng ông nào...
Đêm hôm đó,
khi mọi người đến chơi đã về hết, bà Cán bế thằng bé vào trong buồng ru ngủ (nó
đã hết lạ và đã chịu theo bà), trong nhà chỉ còn hai cha con. Ông Cán ngồi trầm
ngâm mãi sau ông mới chậm rãi:
- Thế mẹ thằng
bé vẫn không chịu à?
- Dạ! Vẫn vậy.
Trước đây, người ta nói cô ấy sang bên Thái Lan đẻ thuê. Còn thực hư thế
nào, chả ai biết. Năm 2009, cô ấy về, mở một cửa hàng bán mỹ phẩm, làm đẹp và
cho thuê đồ cô dâu. Khấm khá lắm. Nhưng con nói thế nào cũng không chịu chấp nhận.
Nó cứ khăng khăng: “Tôi không còn tình yêu với anh nữa! Tình yêu ấy đã chết từ
khi đứa con tôi và tôi bị anh chối bỏ. Tôi không thể làm vợ một người lúc nào cũng
vâng lời người mẹ chỉ quen nhìn người khác qua cái ví tiền, hoặc vì giấc mộng làm
giàu mà gạt đi sinh mạng những người thân của mình. Tôi đã và sẽ sống tốt
để anh thấy rằng: không có anh, mẹ con tôi
cũng không chết. Anh đi Tây về, anh cứ ôm cái đống của ấy mà sống, tôi không
quan tâm”. Khiếp, sao bây giờ nó đanh đá thế không biết? Hôm
nọ, con phải nhờ ông bà ngoại nói mãi, nó mới đồng ý cho con dắt thằng bé ra đây
đấy.
- Ừ, chắc nó giận lắm mới nói thế.
Kể cũng tội. Ngày đó, giá như cha mẹ
tin nó ngay, vào cưới hỏi rồi đón nó về thì đâu có chuyện này. Mà nó cũng cứng đầu
và hay tự ái quá. Mẹ mày mới nói vài câu hôm cùng cậu đến nhà nó, mà nó nhất định
trả lại tiền, rồi sinh thằng bé mà không cần nhờ vả gì… Cũng may là ông bà ngoại
thằng bé cưu mang cho. Ấy vậy mà lúc nó phẫn chí, bỏ đi thì ông bà ấy cũng không
ngăn được…
- Dạ! Lỗi cũng
tại con. Lẽ ra, khi về quê con bớt chơi cùng nhóm bạn đua đòi, suốt ngày nuôi mộng
làm giàu bằng việc đi Tây, để liên lạc với Vi, rồi khi sang đây nghe mẹ nói
chuyện Vi có thai, con phải nói cho bố mẹ tin và động viên cô ấy, thì con lại sợ
bị lỡ dở chuyện làm ăn. Thành ra bây giờ…
- Mà con bé ấy cũng giỏi đấy chứ?
Dẫu lỗi lầm thế nào, nhưng biết vươn lên sống đàng hoàng là không phải dễ đâu.
Nó giận nhà mình cũng đúng, con ạ. Thôi, con cứ cố gắng thuyết phục nó dần dần.
Biết đâu một lúc nào đó, nó nghĩ lại về để sum họp gia đình. Khi đó có vợ
có chồng, thằng bé có bố, có mẹ… Bần cùng thì mới phải lìa nhau mà làm lại, chứ
hay gì cái cảnh: "Con đen đầu thì bỏ, con đỏ đầu thì nuôi". Chúng mày
có hạnh phúc thì bố mẹ mới hết ân hận và yên lòng được.
- Dạ! Con tính
chuyến này con sẽ hợp tác với cậu để mở thêm một đại lí có bán các máy móc dụng
cụ có liên quan đến cà phê như máy lọc quả, máy sấy, máy đánh cỏ, máy xay, máy
bơm... Hàng năm, vừa tiện mở rộng làm ăn vừa ở gần chỗ mẹ con nó để thăm
nom thằng bé và… chờ mẹ nó thay đổi.
- Thế nếu chị ấy
vẫn không chấp thuận anh thì sao? Bà Cán từ trong buồng nói vọng ra.
- Thì… Con đành
chịu chứ sao? Sau này thế nào không biết, chứ hiện tại con cũng ngại chuyện vợ
con lắm. Cơ bản nhất là con phải tạo dựng cơ sở làm ăn đã, rồi nuôi con. Con
tin cô ấy sẽ nghĩ lại…
Cán ra đóng cánh
cổng lại. Mảnh trăng non đầu tháng như cặp mắt khép hờ, nghiêng nghiêng trên bầu
trời mịn màng, lấm tấm những vì sao xa xăm. Tự nhiên Cán thấy nhớ ánh mắt đắm đuối
của Vi nhìn anh hôm nào.
“Vi ơi! Anh sẽ
chờ em nghĩ lại. Về với anh và con, em nhé!”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét