Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

SỐ: 245&246 - tác giả LÊ HUY THÀNH


Tác giả LÊ HUY THÀNH




LỜI HỨA ĐỂ LẠI

Truyện ngắn
                                                                                       

Trời tảng sáng, màn sương mờ ảo trùm lên những lùm cây, những nóc nhà dài của buôn Chư Yang tựa một bức tranh thủy mạc. Tâm bước xuống khỏi cầu thang, lững thững hướng ra trục đường lớn phía đầu buôn, thỉnh thoảng gặp những tốp người đều hướng về một phía. Hỏi mấy người đi lấy nước từ dưới suối lên thì mới biết, đó là người đi chợ. Gọi là chợ nhưng hàng hoá ở đây còn nghèo lắm. Đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa, kinh tế chậm phát triển thì lấy đâu ra lắm kẻ bán người mua. Trong lúc đang nghĩ ngợi thì bất chợt có tiềng người từ phía trước mặt, nói như thốt lên.
- Ô...! Chú Tâm!
- Ai đó nhỉ?
- Cháu là H’Jin đây, con của Amí Tuyên hồi trước cùng ở trên căn cứ với chú đó!
- Con… Con của Mí Tuyên! Thế bây giờ cháu làm gì, nhà ở đâu?
- Cháu đang dạy học. Nhà cháu ở gần đây, mời chú đến thăm cho biết.
- Thôi được. Cháu vào chợ đi, chú đợi, quay ra chú cháu ta cùng về.
Vào nhà, H’Jin cởi chiếc khăn len trên đầu xõa mái tóc dài tự nhiên. Trời ơi! Giống Mí Tuyên như đúc! Làn da trắng trẻo, đôi mắt to tròn, cả cái lúm đồng tiền bên má trái nữa. Càng nhìn H’Jin xinh đẹp bao nhiêu Tâm lại càng nhớ tới Mí Tuyên bấy nhiêu. Rồi bao nhiêu kỷ niệm của những ngày chiến tranh đầy gian khổ đó lại đẩu đâu hiện về.
 
* * *
Hôm đó, vào một ngày hè của năm 1965, Mí Tuyên lội tắt theo con đường rừng vắng vẻ trở về nhà. Bất ngờ, Tâm từ trong một bụi cây rậm rạp lao ra chặn lối khiến Mí Tuyên giật bắn cả người. Khúc cây khô mang theo để trấn an tinh thần suýt văng ra khỏi tay. Chị định chạy, tức thì Tâm ngáng lại.
-  Cô đâu về, có giấy tờ gì không?
-  Khô… không… Tôi… Tôi là người ở trong buôn mà!
- Ở trong buôn, sao người ta lại không biết? Không có giấy tờ gì thì đi theo tôi.
Hỏi hỏi thế thôi chứ về lai lịch của chị, Tâm đã nắm kỹ cả rồi. Hồi kháng chiến chống Pháp, ama, amí của chị bị máy bay giặc dội bom giết hại. Sau cái chết thương tâm của amí, ama, chị được amí Ben đem về làm con nuôi. Ở với amí được hơn một năm thì người ta đưa chị đến trường Pap colits*. Mục đích đào tạo của chúng là để sử dụng chị sau này vừa dạy học, vừa nắm tình hình của Việt cộng phục vụ cho âm mưu xâm lược.
Tâm dừng lại trước một con suối cạn chắn ngang trước mặt, dò xét rồi giục chị đi gấp. Chị vén gấu m’iêng lội ngang dòng nước suối trong vắt. Tâm liếc mắt nhìn cặp giò thon tròn và trắng trẻo của chị, khiến trái tim bất chợt rung động. Đang trong lúc suy nghĩ lung tung thì bất ngờ có một con gì đó, lông đen xì như than cây cà chít cháy lao ngang trước mặt, Tâm giật mình chững lại. Mí Tuyên thì hoảng hốt ôm chầm lấy Tâm. Tổ cha cái con heo độc, làm tao hết cả hồn! Tâm vừa nói vừa dẫn chị lội hết quãng rừng rậm rạp và gai góc. Đến trước mấy nóc nhà thưng tre, mái lợp cỏ tranh ẩn mình dưới tán rừng xanh thẳm thì dừng lại. Mí Tuyên thấy một người phụ nữ, có vành môi hơi dày, từ trong căn nhà bước ra. Tâm giới thiệu. Đó là chị H’Mai. H’Mai dẫn chị sang một gian nhà bên cạnh nghỉ ngơi ở đó. Sau bữa cơm đạm bạc, hai người trò chuyện trò với nhau rất lâu. Biết H’Mai là người ở gần buôn với mình, nên Mí Tuyên chẳng hề giấu diếm. Chị kể cho H’Mai nghe về chuyện bọn giặc vô cớ đổ quân về buôn bắt cả người chồng mới cưới của mình đi lính. Thương chồng, bao đêm không ngủ được, nước mắt chị cứ trào ra đau xót.
- Thôi! Chuyện đã rồi. Cách mạng giờ đang rất cần đến những người như em! Em lên đây công tác với chị được không?
- Em có biết làm gì đâu mà lên đây hả chị?
- Em yên tâm đi! Để buôn làng mình, đất nước mình sớm được giải phóng, chị muốn em tham gia làm công tác tuyên tuyền, vận động bà con trong buôn làng mình đoàn kết lại, không sợ giặc, chống giặc dồn dân vào ấp chiến lược… Chị thấy khả năng em sẽ làm tốt được việc đó.
- Nhưng mà em còn phải dạy học mà! Yàng ơi! Nếu mình mà bỏ cái nghề nhà giáo đi thì tiếc lắm. Các em học sinh ở trường không thấy mình trở lại nó sẽ nhớ và nhắc tới mình nhiều lắm! Nhưng biết làm sao được? Cách mạng đang cần mình mà!

* * *
Thời gian lặng lẽ trôi đi, Mí Tuyên chẳng khác gì con ong cần mẫn đi lấy mật. Suốt ngày cùng amí nuôi bám nương, bám rẫy, gần gũi bà con trong buôn, vận động bà con tích cực ủng hộ cách mạng, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Công việc cứ chen ngang chen dọc là những khó khăn thử thách, kể cả chiến công đầu của chị vừa lập được mà chị đâu biết. Nếu lần đó không xuống thăm nhà người bà con ở cuối buôn thì đâu gặp được người đàn ông có mái tóc xoăn, đôi mắt to, cặp lông mày đen rậm kia. Người đàn ông đó không là ai khác, chính là Y Ka Lăng. Cái thằng khốn kiếp! Hôm đó mình đi lên nương lên rẫy chứ đi đâu mà hắn ngang nhiên cho lính ngăn đường, chặn lối bắt mình bỏ gùi xuống đất mà khám xét, tra khảo. Hắn hết hoạnh họe về chuyện mang cơm cho Việt cộng rồi lại hạch đến chuyện bỏ dạy học nữa chứ..? Thái độ ngang ngược của hắn đã khiến chị nóng mặt.
- Dạy học hay không là việc của tôi. Các ông hỏi gì mà vô duyên thế?
- A..! Con này láo quá..! Hắn vừa nói, vừa đổ ập nồi cơm còn nóng hổi xuống đất- Tao nói cho mày biết. Vì mày là cô giáo nên tao nể, lần sau, mày mà còn mang cơm thế nữa, tao sẽ bắt tống cổ lên bốt. Lúc đó đừng trách!
Hành động lúc đó của nó là thế, bây giờ thì lại tỏ ra lịch sự, xin lỗi chị chứ. Hắn bảo chị thông cảm cho, vì hôm đó tụi nó ở đó đông. Nếu không làm thế thì không được… Nghe hắn giãi bày thế, khiến chị nguôi cơn tức giận.
Giờ thì hắn muốn quên đi những chuyện cũ, mà chủ tâm đến chuyện tình cảm với chị. Hắn biết rõ về người chồng cũ của chị là Y Điêng rồi. Chỉ vì Y Điêng hám danh, tham vọng được làm quan nên hắn đã chia tay với chị. Hắn vừa để ý tới sắc đẹp của chị và trách thầm: Cái thằng đó sao nó lại ngu dốt đến thế chứ, vợ đẹp như tiên ấy mà lại bỏ nhau. Mí Tuyên đẹp quá! Mía mềm ngọt lắm. Ngọt thì phải ăn chớ! Sao mà bỏ được?
Giờ thì Mí Tuyên mới để ý tới hắn. Hắn thật sự để ý tới chị như một con chim KaCuô trống đắm đuối con chim mái. Bỗng bất ngờ, hắn nhận được lời chị mời lên nhà chơi, hắn không thể tin vào tai mình nữa. Hắn hết nâng ly nước lên rồi lại đặt xuống sạp nhà. Miệng ấp úng:
- Y… Ka Lăng muốn... muốn về được ở cùng… được không?
Mí Tuyên ngượng ngùng đỏ mặt. Hai má của chị hồng lên đẹp đến lạ lùng. Chị nhìn Y Ka Lăng, bụng băn khoăn...
- Sao Y Ka Lăng lại nói thế. Mình đã có chồng rồi mà!
- Nhưng… hai người đã bỏ nhau rồi mà.
Nếu Y Ka Lăng thương yêu mình thật s thì sao? Nếu thế sao không kéo Y Ka Lăng trở về phía cách mạng chứ? Phải kéo hắn… phải nhờ hắn nắm các tin tức về ý đồ chống cộng của chúng mới được?
- Sao em không  trả lời?
- Mình… mình chưa hiểu nhiều về nhau, mới gặp nhau được một tí mà. Mí Tuyên sợ… sợ…!
- Sợ gì hả em? Anh yêu em thật mà! Y Ka Lăng không dối như Y Điêng đâu!
Nghe hắn nói thế, tự dưng chị cảm thấy lòng mình rạo rực hẳn lên, chị không thể kiềm chế được niềm vui đó. Chị đã bộc lộ hết tất cả ý định đó với hắn. Hắn nghe chị nói mà giật bắn cả người, khiến những giọt mồ hôi đột ngột tứa ra lăn xuống gáy ớn lạnh.
- Yàng ơi! Có phải là vì yêu nhau thì phải làm chuyện đó ư? Sao em lại liều lĩnh xúi anh làm chuyện đó chứ? Làm việc đó nguy hiểm lắm. Nếu chúng mà biết được thì anh chỉ có mà đi nhà đày Côn Đảo đến mục xương mất!
- Em biết mà! Mới nói thế mà đã sợ. Y Ka Lăng không yêu em thật lòng rồi!
- Yàng ơi! Sao em lại nói thế? Anh thương yêu em thật mà! Làm chuyện đó khó lắm!
- Muốn để cho dân mình, buôn làng mình mau được tự do, đất nước mau được giải phóng thì phải làm chuyện đó chứ!
Y Ka Lăng  suy nghĩ một lúc rồi nhận lời:
- Thôi! Được rồi! Anh sẽ cố gắng. Hẹn gặp em mỗi khi ngang qua rẫy. Giờ có việc quan trọng, anh phải về gấp để chuẩn bị cho đợt đi càn sắp tới đây.
- Đi càn? Nghĩa là sao Y Ka Lăng?
- Đi càn, nghĩa là mình đem quân đi lùng sục, tìm đánh vào nơi quân Việt cộng đang ẩn náu ở đâu đó. Y Ka Lăng giải thích.
- Vừa rồi, nghe đâu quân Mỹ, ngụy đã đánh cho quân Việt cộng trên căn cứ tan tác cả rồi, còn đâu nữa mà càn với quét?
- Nếu đã được thì anh đâu phải vội trở về trại sớm thế này.
Biết được tin đó, cả đêm chị không ngủ được, chỉ mong sao cho trời mau sáng để lên điểm hẹn gặp Tâm.
Rồi sau đó vài hôm. Chị nhận được tin về trận càn của địch đánh vào vùng ven khu căn cứ. Hơn một đại đội địch bị quân Việt cộng phục kích, bất ngờ đánh úp tiêu diệt nhiều sinh lực và bắn cháy hai chiếc xe GMC. Lần đó, YKa Lăng bị thương tí chết. Còn Tâm bị mảnh đạn pháo của địch phạt bay chiếc mũ cối, đứt mất một bên tai. Riêng chị H’Mai bị trúng đạn pháo của địch đã anh dũng hy sinh trong lúc đang băng bó cho thương binh. Sắp đến ngày tổ chức cưới chồng rồi mà chị lại vội vã bỏ đi xa. Mí Tuyên buồn và thương chị đến nẫu ruột. Nghĩ đến đây, chị lại nhớ về thằng chồng cũ của mình. Càng nghĩ về nó bao nhiêu, chị lại càng thương con bé H’Jin bấy nhiêu.
                            
* * *
Cuộc chiến chống Cộng diễn ra ngày một ác liệt. Bọn mật thám ngày đêm rình mò, theo dõi, bắt bớ cán bộ và cơ sở của ta, tra tấn dã man hòng dập tắt phong trào cách mạng. Chị đâu ngờ thằng chồng cũ của mình nó lại dã man và tàn ác và mất hết cả tính người như thế. Hắn ngang nhiên giương súng bắn chết người cán bộ đang trong lúc bị thương nặng, bị kẹt lại trong ấp chiến lược, rồi rút phắt con dao găm đeo bên sườn chặt đứt cái đầu, sai lính lấy sợi dây thép xâu lại, xách lủng lẳng rêu rao khắp ấp để đe dọa. Nếu ai mà còn như thế thì hắn sẽ không tha. Mỗi khi nghĩ lại chuyện đó, Mí Tuyên rùng rợn hết cả người.
Đã mấy lần, Y Điêng bị an ninh của ta mật phục bắn chết hụt, nên hắn rất cảnh giác. Mỗi khi đi đâu hắn phải thăm dò kỹ lưỡng rồi mới đi chứ không liều lĩnh như trước nữa. Phải khử trừ tên ác ôn đó càng sớm càng tốt. Tổ chức giao nhiệm vụ cho chị theo dõi, nắm qui luật đi lại của hắn. Tự dưng chị chợt cảm chẳng an tâm chút nào. Lẽ nào mình lại giết Y Điêng? Yàng ơi! Dẫu sao trước đó nó cũng đã là chồng của mình mà! Hay mình lơ đi chuyện đó. Hãy để nó sống chứ? Nhưng nếu nó sống thì sẽ còn gây không biết bao tội ác cho buôn làng mình nữa? Trong lúc đầu óc đang rối cả lên thì có một toán lính đi tuần xuất hiện. Vừa trông thấy Y Ka Lăng đi trong đám lính, chị đã mừng quýnh cả lên. Y Ka Lăng thấy chị thì niềm vui bồng lên cũng chẳng kém. Để đánh lạc sự nghi nghờ của đồng bọn, Y Ka Lăng vờ vĩnh, hỗn hào tiến đến chỗ chị đang dọn cỏ rẫy mà quát tháo.
- Cô kia. Làm gì ở đây? Nãy giờ có thấy ai ra khỏi khu vực này không?
- Các ông hỏi gì mà lạ thế. Người ta đi làm nương làm rẫy thì chỉ biết làm nương làm rẫy chứ ai để ý tới chuyện đó làm gì chứ.
- Á! Cô này đáo để quá! Tao nói cho mày biết. Nếu thấy ai ra khỏi khu vực cấm này mà không khai báo. Láo! chỉ có mà bắn bỏ. Không tha…Y Ka Lăng vừa vờ dọa dẫm vừa trao nhanh cho chị một mảnh giấy nhỏ vo tròn như trái trầm ruột rồi bỏ đi về phía toán lính.
Ước gì có được đôi cánh chị sẽ bay ngay lên miền căn cứ báo cho Tâm biết về cái tin quan trọng này. Nhưng ước là ước thế thôi chứ làm sao mà có được. Dạo này quân địch tăng cường tuần tra, kiểm soát gắt lắm. Chúng không hề cho bất cứ ai ra khỏi khu vực nương rẫy mà chúng quản lý. Trời đã ngả sang chiều mà toán lính đi tuần kia vẫn chưa lui. Chờ đợi…Chờ đợi…sốt cả ruột. Rồ#i cơ hội cũng đã đến với chị. Khi toán lính vừa quay trở lại, chớp thời cơ, chị lao nhanh sang phía bên kia con đường mòn rồi dừng lại bên mép rừng một lúc. Nghe ngóng một lúc không thấy động tĩnh gì, chị lội ngược dòng suối trong xanh và mát lạnh. Vô tình chân dẫm phải một hòn đá rêu trơn, trượt tí cắm đầu xuống suối. Tấm abăn bị ướt rượt, con H’Jin khóc thét lên, chị vội bịt miệng con bé. Con bé lại nấc lên, miệng ho khụ khụ. Sợ con bé ngạt thở, chị vội thả bàn tay ra, nó lại thét lên vì sặc. Toán lính đi lùng sục gần đó, nghe có tiếng trẻ con khóc liền ập tới. Mắt đứa nào đứa nấy căng ra nhìn xỉa về hướng chị. Bỗng một thằng trong toán lớn tiếng:
- Cô kia! Đứng lại!
Mí Tuyên giật bắn người. Chị nhảy phắt lên bờ suối, tuông rừng mà chạy. Trời tối hẳn, chị cảm thấy bụng đói cồn cào, bởi cả ngày đó chưa có lấy miếng gì cho vào bụng. Con bé H’Jin cũng đói, nó vừa khóc vừa rúc cái đầu vào bộ ngực amí đòi bú. Do cuộc sống kham khổ nên bầu vú của chị cứ xẹp dần xuống. Dừng lại bên một gốc cây to, chị ngước mắt nhìn vành trăng vàng méo mó rồi bóc một cây chuối non lấy nõn cho con bé ngậm. Vì nhiệm vụ khẩn cấp, không thể trì hoãn chị tiếp tục đi trong đêm…

 * * *
Đứng trên một mỏm đá cao. Tâm ngắm cánh rừng đại ngàn bao quanh ôm lấy dãy núi Chư Y’ang đang chờ đón một mừa mưa mới. Con đường ra khu nhà mồ chỉ non một cây số. Phía trước khu nhà mồ là một bãi trống rộng lớn, người ta đã phát quang để chuẩn bị trồng tỉa. Để tập kết ra vị trí mật phục giữa ban ngày ban mặt quả là khó khăn. Chỉ vì tránh đám lính đi tuần kia mà kế hoạch đã bị chậm trễ. Mọi người đi làm nương làm rẫy bắt đầu trở về mỗi lúc một đông. Tâm nóng ruột. Lẽ nào kế hoạch lại bị thất bại? Phải làm sao bây giờ? Đầu óc Tâm cứ căng ra vì nghĩ kế triển khai ra vị trí sao cho được trọn vẹn. Xui rồi… hỏng việc rồi…Đang trong lúc bồn chồn trào dâng khôn tả thì bất chợt trời đổ mưa. Trời đổ mưa…Có phải mưa không nhỉ? Mưa…Mưa thật rồi. Tâm reo lên trong lòng. Trời đã ủng hộ ta rồi!
Một cơn mưa rào bất chợt ập xuống phủ kín cả trời. Mọi người đi rẫy trở về chạy vội tìm nơi tránh mưa. Nhờ có trận mưa rào đó mà Tâm đã tập kết ra vị trí an toàn. Ngồi trong một bụi cây rậm rạp, tắm những hạt nước mưa mát lạnh, Tâm phe phẩy bàn tay xua đi những con muỗi đói to như con ruồi bay vo vo trước mặt, bụng khấp khởi mừng thầm.
 Cũng thời điểm đó, Y Điêng đang lo lắng. Hắn mong sao cho cơn mưa tạnh sớm để còn làm thủ tục bỏ mả. Hắn vừa đốt hết điếu thuốc lá trên tay thì mưa cũng bắt đầu tạnh. Y Điêng lặng lẽ vác khẩu cacbin khệnh khạng theo con đường mòn hướng ra khu nhà mồ. Vừa đi hắn vừa nhủ thầm: Nếu bỏ mả cho ama càng lớn thì sẽ được ama phù hộ cho mau lên lương, lên chức. Ý nghĩ đó của hắn chưa được trọn vẹn thì bất ngờ từ trong một bụi cây rậm rạp bên đường xối tới tua một loạt tiểu liên. Y Điêng bị viên đạn găm trúng ngực đổ vật xuống đường. Miệng không kịp kêu lên một tiếng. Người đàn bà đi phía sau, thấy hắn bị ngã gục, bà ta vội kêu toáng lên:
- V…iệt…Việt cộng!  Bắn chết thằng Y Điêng rồi!
            Tâm vội vọt ra khỏi bụi rậm mà phóng như bay, anh lao về hướng đông sườn đồi thì phát hiện thấy toán lính tuần phòng đang nhốn nháo phía trước mặt. Tình thế nguy hiểm. Tâm ngoắt trở lại, một mạch thẳng vào buôn Chư. Bọn địch nhốn nháo đuổi theo.
            - Nhanh... nhanh lên. Bắt lấy nó!
Vừa thấy Tâm chạy tới, Mí Tuyên đã biết tình thế nguy hiểm. Bọn địch… Bọn địch… Một tình huống không được dự kiến trước. Chị sợ quá, miệng rú lên ớ…ớ, chân tay thì cuống cả lên. Không còn cách nào khác. Chị vội đẩy Tâm tuột xuống căn hầm dưới ngôi nhà sàn. Sẵn có đống củi chất cạnh cột nhà, chị dùng chân hết sức đạp mạnh, đống củi đổ tung tóe đè chận lên bịt kín cả nắp hầm. Chị vừa leo lên hết bậc cầu thang áp chót thì bọn địch ập đến. Ba bốn thằng mặt hầm hầm, hực hực đua nhau lùng sục khắp các bụi cây rậm rạp quanh nhà. Còn hai thằng khác thì nhảy tót lên sàn sục sạo hết các xó xỉnh mà vẫn không phát hiện thấy gì. Thằng lính có nước da đen xạm, mắt lấc láo, đi đi lại lại quanh đống củi, lớn giọng chửi tụi lính:
- Chúng bay là một lũ ăn hại. Cả mười mấy con mắt mà để cho thằng Việt cộng khốn kiếp đó chạy thoát. Phát hiện thấy bắn bỏ ngay…
Hắn vừa ngắt lời thì một thằng lính khác trên sàn nhà đẩy chị xuống đất. Thằng lính có nước da đen xạm đó, hắn tiến tới hất hàm chị:
- Mày có thấy thằng Việt cộng vừa chạy qua đây không?
- Việt cộng nào! Tôi không biết!
- Mày giấu nó ở đâu? Khai báo ngay không tao bắn chết.
- Tôi không biết! Các ông có mắt. Các ông lục soát hết cả rồi còn hỏi.
Đôi mắt hắn đỏ ngầu…
- Á! con này láo!
Hắn vừa nói vừa chĩa súng vào người chị. Một tiếng nổ đoàng...Viên đạn cacbin độc địa xuyên vào ngực chị. Chị ngã gục xuống bên mép cầu thang mà chỉ kịp kêu lên mấy tiếng:
- A…mí…amí… H’Jin… ơi!
Ngồi dưới căn hầm, Tâm nghe rõ mồn một tiếng chị gọi mà con tim đau thắt... Tự dưng nước mắt Tâm chảy ra giàn giụa lăn xuống miệng đắng ngắt.                                 

* *  *                         
Từ lúc ở nhà H’Jin trở về, Tâm lấy giấy bút ra định viết gì đó, nhưng không hiểu sao lại dừng lại, Tâm bước xuống cầu thang, hướng ra bến nước. Mắt nhìn xuống dòng suối đầu nguồn trong veo và mát lạnh. Bỗng nhớ về  những ngày của một thời gian khổ đã qua. Trong lúc đang kham khổ, thiếu thốn vô cùng, những rẫy khoai, rẫy mì đang vào thì xuống củ, những rẫy lúa, rẫy ngô đang vào kỳ ngậm hạt, thì giặc Mĩ lại cuồng điên cho máy bay ùa về đánh phá, rải chất độc hóa học triệt phá mùa màng bằng hết. Khiến nỗi chị phải đào bới tìm kiếm miếng củ mì, trái bắp chét cho con bé ăn cầm hơi mà cũng không có. Càng nghĩ tới những ngày gian khổ đó bao nhiêu thì Tâm lại càng ngậm ngùi và thương cảm về đời tư của Mí Tuyên bấy nhiêu. Quả là lận đận. Mới lập gia đình chưa được bao lâu thì hạnh phúc bị tan vỡ. Chị đặt niềm hy vọng vào một người đàn ông khác, người đó đã cung cấp tin tức cho chị ngày đó.
Mí Tuyên ơi! Chị có biết? Sau khi nước nhà thống nhất, Tâm đã ở lại đây để xây dựng gia đình và sinh sống. Còn Y Ka Lăng, người mà chị thương yêu ngày ấy, nghe đâu bị thương, giập nát một chân trong trận mở màn của quân giải phóng, đánh vào Buôn Ma Thuột, đầu xuân năm 1975. Y Ka Lăng đã được quân giải phóng băng bó, điều trị, khi chân cẳng lành lặn thì cách mạng đưa ông đi cải tạo. Mãn hạn, Y Ka Lăng không trở về quê mà tìm đến nhà một người dì ruột ở Kon Tum. Không biết bây giờ ông còn sống hay đã chết? Chiến tranh đã kết thúc rồi. Tưởng đâu ông và chị sẽ trở về đoàn tụ với nhau. Nào ngờ, sau lời hứa đó chị đã mang theo tất cả bao kỷ niệm của đời mình đi rất xa…rất xa…mà không để lại gì cả. Chị chỉ để lại trên đời này một niềm vui. Đó là con bé H’Jin, đứa con gái yêu quí nhất của đời chị. Ngày chị đi xa, đơn vị Tâm đã đưa H’Jin lên căn cứ, bé H’Jin được nuôi nấng chu đáo cho đến sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Giờ thì H’Jin đã lớn khôn và đã trưởng thành. Bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ của chị, Tâm đã kể hết cho nó nghe cả rồi. Hôm đó, nó còn đưa Tâm đến khu nhà mồ thăm viếng chị. Tâm đặt bó hoa lay ơn lên phần mộ chị mà người cứ lặng đi. Bé H’Jin thì cúi mặt nhìn xuống phần mộ chị mà khóc nấc lên.
- Amí ơi! Amí cứ ngủ ngon đi. Amí đừng buồn nữa! Con của amí giờ đã là một cô giáo hiền của buôn làng Chư Y’ang rồi. Con của amí đã mang cái chữ cho các em học sinh của buôn mình rồi.                   

* *  *
Đêm Chư Y’ang đã vào khuya. Con chim KaCuô ở phía đầu hồi vẫn còn say sưa hát. Nó hát mỗi lúc một say hơn. Cứ mỗi khi nó hát như thế là Tâm biết ngay, con chim trống và con chim mái lại sắp sửa gặp nhau. Những hồi ức của thời quá khứ đã giục Tâm bật dậy, đỏ đèn và ngồi viết thâu đêm, thấu sáng.
                                   
                  Buôn Ma Thuột  20 - 5- 2012








1. (Papcolits) là tên một trường học dành cho con mồ côi, do thực dân Pháp lập từ trước.
2. Abăn:ngôn ngữ của người Ê Đê, là tấm thổ cẩm dệt bằng vải, thường dùng để treo con nhỏ ở trước ngực hoặc sau lưng người mẹ.
3. M’iêng là chiếc váy của phụ nữ Ê Đê.
4. Ama là cha, amí là mẹ.
5. Yàng nghĩa là trời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét