Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

GIAN NAN ĐƯỜNG ĐẾN CÁI CHỮ

(Tiếp theo)
Ghi chép của  HỒNG CHIẾN
III/ ĐÔI ĐIỀU TRĂN TRỞ: 
Tận mắt nhìn thấy cảnh các em ngồi học trong những chiếc lều đơn sơ, gió lùa như vào nhà trống, trên đình màn đôi chỗ các em căng thêm tấm ni lông chống dột, lòng cảm thương vô cùng. Qua trao đổi với một số em đang theo học nội trú dân nuôi ở đây, các em đều có một ao ước chung là học cho biết chữ để sau này có việc làm, khỏi khổ như bố mẹ. Có lẽ gia đình các em, những hộ nông dân nghèo thuộc các dân tộc ít người phía Bắc di cư tự do vào đây tìm kế sinh nhai, gia đình nào cũng đông con cái, nhiều em là con thứ bảy, thứ tám trong những gia đình chín, mười người con. Tuy con cái đông là vậy các ông bố bà mẹ ít học ấy vẫn mong muốn con cái mình dù cực nhọc đến mấy cũng phải học đến nơi đến chốn và hy vọng ngày mai con cái sẽ thoát nghèo. Chính vì hy vọng vào một tương lai tốt đẹp như thế nên họ chắt chiu từng đồng, từng hạt gạo, củ khoai để hàng tuần, hàng tháng băng rừng lội suối vượt cả mấy chục km cõng gạo ra trường cho con ăn học. Người dân đã biết quý cái chữ, kính trọng thầy cô giáo đó là dấu hiệu của một xã hội văn minh và đó cũng là truyền thống hiếu học từ xa xưa của người dân nước Việt, không phân biệt đó là dân tộc nào. Trong điều kiện trăm bề thiếu thốn  như thế, các em học sinh dù lớn hay bé vẫn miệt mài học tập, thấy  đáng quý biết chừng nào.
Chia tay với các thầy cô giáo và học sinh trường THCS Phan Bội Châu, lòng tôi trĩu nặng những băn khoăn trăn trở, xen lẫn lo âu. Nếu khu nội trú của trường không được khắc phục, bệnh tật sẽ hoành hành như cận thị, vẹo cột sống, sốt rét… đẩy một lớp người mới của chúng ta vì ham mê học sẽ ra sao? Làm cách gì để khuyến khích không những các em mà cả gia đình những người nông dân nghèo thuộc đồng bào dân tộc ít người, trình độ dân trí thấp phải từ biệt quê hương bản quán, nơi chôn rau, cắt rốn đi tìm miếng cơm manh áo nơi “đất khách quê người” mà vẫn còng lưng chịu khổ, chịu cực cho con em mình theo học cái chữ của Đảng, của Bác với mong muốn đổi đời. Điều đó chứng tỏ người dân đâu chỉ vì cơm áo gạo tiền của cuộc sống đời thường, mà cái cao hơn, cái cần thiết hơn đối với những hộ nông dân này là tri thức cho thế hệ con cháu mai sau. Để các em học sinh phải ăn ở trong điều kiện như hiện nay ở trường THCS Phan Bội Châu theo mô hình trường nội trú dân nuôi là lỗi của chúng ta - những được Đảng và nhân dân tin tưởng giao cho trọng trách quản lý. Đây mới chỉ là một trường được quan tâm đầu tư của ngành, chính quyền các cấp mà còn như vậy, không biết các trường khác, với mô hình này trong huyện cũng như nơi khác sẽ như thế nào? Mong sao qua trang viết nhỏ này giúp các cấp, các ngành có liên quan thấy được thực tế đang tồn tại ở trường nội trú dân nuôi mà tìm biện pháp khắc phục ngay, không để tình trạng này kéo dài.
(Hết)

1 nhận xét:

  1. Nỗi trăn trở ko phải của một người, một cấp, một ngành mà là của toàn XH. Nên cần có những tấm lòng vàng.

    Trả lờiXóa