Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

SỐ: 245&246 - "NGƯỜI CHỈ HUY THAO LƯỢC” TRÊN THƯƠNG TRƯỜNG



                                                                Đặng Bá Tiến

       Đó là cách gọi thể hiện sự kính trọng, cảm phục của giới kinh doanh cà phê Tây Nguyên dành cho ông Lê Đức Thống - Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Cty 2-9). Bởi 18 năm (từ 1994 đến nay) ông làm thủ lĩnh của Cty 2-9, là 18 năm doanh nghiệp (DN) này liên tục phát triển; mặc dù thương trường cà phê những năm qua thực sự là một chiến trường khốc liệt, sự khốc liệt đó đã khiến không ít DN cà phê “sập tiệm”, không ít thủ lĩnh DN cà phê phải “ngã ngựa”…

Đã làm báo ở Đắk Lắk 25 năm nên tôi hiểu khá rõ về ông. Còn nhớ cách đây 18 năm (1994), ông nhậm chức giám đốc Cty 2-9. Bấy giờ, vốn liếng của DN, ông nhận được từ người tiền nhiệm tất tần tật chỉ có 542 triệu đồng, trong đó vốn cố định 349 triệu đồng, vốn lưu động 193 triệu đồng. Đấy cũng chỉ là con số trên sổ sách, còn giá trị thực không đến vậy; bởi cái xưởng làm bia hơi và cái xưởng chế biến gỗ sắp hết thời, doanh thu mỗi ngày chẳng được bao nhiêu, còn vốn lưu động thực chất chỉ có 150 triệu đồng. Thời ấy, nhậm chức xong, tôi biết ông đã phải trằn trọc nhiều đêm không ngủ được. Không ngủ được vì băn khoăn, lo lắng: Vốn liếng ít ỏi, xoay xở cách nào đây? Sản xuất, kinh doanh cái gì? Chiến lược kinh doanh ngắn hạn, dài hạn như thế nào? Việc gì phải làm trước? Việc gì giải quyết sau? Làm sao để nuôi đủ 31 CBNV, để DN phát triển và đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà?... Biết bao câu hỏi được đặt ra trong đầu, buộc ông phải tự trả lời, khiến ông phải mất ngủ hàng tháng trời, mất ngủ đến rộc cả người. Chính từ những đêm mất ngủ đó đã lóe sáng, khai mở dần trong đầu ông một hướng đi cho DN, để Cty 2-9 phát triển cho đến ngày nay, trở thành một trong 500 DN lớn nhất nước ta, một trong 1000 DN đóng thuế lớn nhất nước ta, một trong 9 DN được Tổng cục Hải quan xếp hạng ưu tiên (không phải kiểm tra trước lúc thông quan), được nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; và bản thân ông được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hai lần được phong tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc, danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu và nhiều danh hiệu cao quý khác.
                                 
                                                         +
Nhìn vào những con số của Cty 2-9 hiện nay, đủ cho ta thấy sự phát triển mạnh mẽ và tầm vóc, vị thế của đơn vị trong đội ngũ các DN kinh doanh, xuất khẩu cà phê ở nước ta: Hiện công ty có 405 CBNV; kinh doanh 28 ngành nghề, nhưng ngành nghề chủ yếu là mua bán, chế biến, xuất khẩu cà phê, nông sản. Năm 2012 doanh thu khoảng 6.500 tỷ đồng; xuất khẩu gần 130.000 tấn cà phê nhân, 5.000 tấn hồ tiêu, đạt kim ngạch khoảng 300 triệu USD. Nếu nhìn tổng thể cả 18 năm, kể từ khi ông Lê Đức Thống làm thủ lĩnh Cty 2-9 đến nay thì: Tổng doanh thu đã đạt trên 31.350 tỷ đồng, bình quân đạt 1650 tỷ đồng/năm; so với năm 1994, doanh thu năm 2012 gấp 31 lần. Chỉ riêng cà phê DN đã xuất khẩu trên 1,3 triệu tấn, bình quân mỗi năm 70.000 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu gần 1,8 tỷ USD, bình quân mỗi năm gần 100 triệu USD; so với năm 1994, kim ngạch xuất khẩu hiện nay đã tăng gần 15 lần. 18 năm qua Cty đã nộp ngân sách trên 310 tỷ đồng, bình quân đạt trên 16 tỷ đồng/năm, bình quân mỗi CBNV nộp ngân sách 80 triệu đồng/năm. Tổng lợi nhuận trên 240 tỷ đồng, bình quân đạt 63 triệu đồng/người/năm. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, chỉ tính từ năm 2007 đến nay, Cty đã tham gia các chương trình xã hội, từ thiện với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Riêng đầu năm 2012 đến nay Cty đã làm công tác xã hội, từ thiện trên 500 triệu đồng…
                                          
                                                      +
Biết ông Lê Đức Thống là một nhà kinh doanh cà phê giỏi, từ lâu tôi đã muốn viết về ông, nhưng ông đều từ chối. Ông là người khiêm tốn, ít nói và đặc biệt rất ít nói về bản thân, về DN của mình. Dù Cty 2-9 là một DN xuất khẩu cà phê hàng đầu của nước ta, nhưng trong nhiều hội nghị của ngành cà phê, tôi thấy ông thỉnh thoảng mới phát biểu, mà cũng chỉ phát biểu đề đạt nguyện vọng của DN, những khó khăn của DN cần được các cơ quan chức năng hỗ trợ tháo gỡ để DN hoạt động tốt hơn, chẳng bao giờ ông nói về thành tích của DN mình như giám đốc một số DN khác. Bởi vậy, lần này đến gặp ông tại văn phòng Cty, không với tư cách nhà báo mà là tư cách bạn bè, đồng niên, tôi nửa đùa nửa thật, rằng:
     - Anh sắp hưu rồi. Anh không cho tôi biết về những bí quyết làm ăn của anh… định mang những bí quyết ấy về thế giới bên kia hay sao?      
Ông cười, cầm tay tôi kéo ngồi xuống ghế, rót nước mời tôi, rồi chậm rãi:
- Nào tôi có bí quyết gì đâu. Tôi cũng học tập theo lời dạy của Bác Hồ thôi. Bác dạy “Đoàn kết đại đoàn kết – Thành công đại thành công”. Bác cũng dạy: “Hòn đá to/ Hòn đá nặng/ Một người nhắc/ Nhắc không đặng/ Hòn đá nặng/ Hòn đá bền/ Một người nhắc/ Nhắc không lên/Hòn đá to/ Hòn đá nặng/ Nhiều người nhắc/ Nhắc lên đặng/ Biết đồng sức/ Biết đồng lòng/ Việc gì khó/ Làm cũng xong! Đoàn kết tốt trong lãnh đạo Cty, trong toàn thể CBNV, cùng thống nhất ý chí hành động. Đấy là nền tảng, là gốc rễ để thành công.
- Nhưng làm cách nào để đoàn kết được anh em? Tôi hỏi.
Ông ngồi ngả người vào ghế, trả lời không hề phải suy nghĩ:
- Bản thân người lãnh đạo phải vô tư, trong sáng, phải thấm nhuần thật sâu sắc lời Bác dạy “Liêm – Chính - Chí công - Vô tư”. Lãnh đạo mà chỉ lo tư túi, cục bộ địa phương thì chẳng thể nào đoàn kết được anh em, anh em sẽ không tâm phục khẩu phục và rồi họ cũng sẽ học theo cái xấu của anh mà tư túi, tiêu cực. Từ đó DN sẽ rối tung lên vì kiện cáo, vì dính đến pháp luật, còn đâu thời gian, tâm sức mà lo cho sự nghiệp chung... Đấy, nếu có thể nói là “bí quyết”, thì bí quyết thứ nhất của tôi là vậy. Thứ hai, trong làm ăn anh phải thực hiện đúng phương châm “Uy tín – chất lượng – hiệu quả”. Với đối tác  anh phải luôn luôn giữ chữ “Tín”, mất chữ “Tín” là mất hết. Vay vốn làm ăn phải trả đúng hạn. Giao hàng cho khách phải đúng phẩm cấp, đúng thời gian. Làm ăn mà không thực hiện đúng cam kết thì anh sẽ mất hết khách hàng, mất hết bạn bè, mất hết chỗ dựa và tất yếu sẽ… suy sụp. 18 năm tôi làm giám đốc Cty 2-9 đã xuất khẩu trên 1,3 triệu tấn cà phê, nhưng chưa bao giờ khách hàng phải than phiền về chất lượng, thời gian giao hàng, chưa bao giờ Cty 2-9 trả nợ ngân hàng chậm một ngày. Ngân hàng luôn luôn xếp chúng tôi là “Bạn hàng loại A”. Cũng bởi thế Tổng cục Hải quan mới công nhận chúng tôi là một trong 9 doanh nghiệp ưu tiên, không cần kiểm tra trước khi thông quan. Đấy là những “bí quyết” chung nhất để DN trụ vững trong cơ chế hiện nay.
- Nhưng tôi biết anh còn có “bí quyết” riêng nữa để bán cà phê trực tiếp cho các nhà rang xay, với giá cao hơn thiên hạ tới nửa triệu đồng/tấn, trong khi các DN khác phải bán qua trung gian…
Anh cười và nói vui:
- Các ông làm báo cũng biết nhiều chuyện của ngành cà phê nhỉ… Nói thật nhé: Đấy là biện pháp quan trọng để chúng tôi nâng cao hiệu quả kinh doanh. Để làm được việc này, đòi hỏi người lãnh đạo phải tinh, nhạy trong tìm kiếm và tiếp cận thị trường. Không như nhiều DN khác cử cán bộ đi nước ngoài là… gần như đi chơi. Chúng tôi cử cán bộ đi nước ngoài là để tìm hiểu cách làm ăn của họ, để học cái hay của họ, để biết các nhà rang xay - người tiêu thụ sản phẩm cuối cùng của mình - họ mua cà phê của Việt Nam từ DN trung gian thì giá cả như thế nào? Chất lượng ra sao? Các thủ tục mua bán trực tiếp gồm những gì?... Từ đó, chúng tôi “bắt tay thẳng” với họ, khỏi qua trung gian. Cách làm này chúng tôi mới tiến hành được 3 năm nay, nhưng đã có trên 50% sản phẩm được bán trực tiếp cho các nhà rang xay nổi tiếng thế giới như Nestlé, Lavazza, Ahold… với giá bán cao hơn so với bán qua DN trung gian mỗi tấn tới vài ba chục đô (USD)… Tất nhiên để làm được điều này cũng không phải dễ, anh phải có uy tín, có thực lực, đào tạo được đội quân nhanh nhẹn, thiện chiến trong nghề kinh doanh. Ngoài ra, để kinh doanh có hiệu quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, ví như lúc nào thì phát lệnh mua, lúc nào thì phát lệnh dừng, lúc nào thì bán, lúc nào thì thôi… Anh không có kinh nghiệm, không nhạy với “thời tiết” thị trường thế giới thì khó mà “phát lệnh” chính xác được. Thủ lĩnh mà không tinh, nhạy, “phát lệnh” sai, DN sập tiệm như chơi…
                                                          +   
Ngồi với ông Lê Đức Thống chỉ mấy chục phút thôi, nhưng tôi đã có dịp hiểu sâu sắc thêm cách gọi “Người chỉ huy thao lược” mà các nhà kinh doanh cà phê Tây Nguyên dành cho ông. Quả thật, có ở trong lĩnh vực kinh doanh cà phê, biết được những khó khăn của nghề này, khi giá cả “nhảy múa” hàng ngày; khi những biến động về thời tiết của đất trời tận châu Phi, châu Mỹ, những biến động về thời tiết chính trị ở Đức, ở Anh… thậm chí là “thời tiết” bóng đá cũng ảnh hưởng tới giá cả cà phê, thì mới hiểu hết cái tài “điều binh, khiển tướng” của ông  trên “chiến trường” này. Và vì vậy, ông thực sự xứng đáng với tín danh “Người chỉ huy thao lược” trên thương trường cà phê, xứng đáng với tấm Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều danh hiệu cao quý khác mà Nhà nước, các bộ, ngành đã tặng cho ông.
                                                                      
                                                                             BMT 10.12.2012

2 nhận xét:

  1. MN cũng nghe nói về doanh nhân Lê Đức Thống này rất nhiều . Vô cùng mến phục và ngưỡng mộ ông.
    MN chúc bạn Tây Nguyên ngày mới nhiều niềm vui và hạnh phúc nhé. Thân mến.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn M.N đã đến thăm nhà và có lời động viên VĂN NGHỆ ĐĂK LĂK. Chúc bạn ngày mới mọi chuyện như ý nhé!

      Xóa