Anton Pavlovich Chekhov là nhà văn Nga nổi tiếng có ảnh hưởng lớn
trên thế giới với thể loại truyện ngắn.
Chekhov sinh ngày 29 tháng 1 năm 1860 ở thị trấn Taganrog miền Nam nước Nga, nơi
cha ông làm chủ một cửa hiệu tạp hóa nhỏ. Năm 1879, ông theo học ngành y tại Đại
học Quốc gia Moskva. Ở đây, ông bắt đầu vẽ biếm họa cho một số tạp chí hài để hỗ
trợ gia đình. Sau khi tốt nghiệp năm 1884, Chekhov hành nghề y nhưng vẫn tiếp tục
sáng tác. Đến năm 1887, văn tài của ông đã được chấp nhận rộng rãi và việc sáng
tác không cho phép ông dành nhiều thì giờ cho y khoa.
Thời kỳ từ 1886 đến 1888 là giai đoạn Chekhov chuyển tiếp từ thể loại
truyện ngắn khôi hài dưới 1.000 chữ qua những truyện ngắn dài hơn, có chủ đề nghiêm
túc hơn và văn phong chững chạc hơn. Những truyện ngắn trong thập niên 1890 đem
lại một cái nhìn rộng lớn về xã hội nước Nga cuối thế kỷ 19, miêu tả cuộc đời những
nông dân, trí thức, tư thương, giáo sĩ, phụ nữ và trẻ em trong những bối cảnh
xã hội có tính phổ cập và bất biến với thời gian.
Chekhov bị bệnh lao, và năm 1897 phải dời đến cư ngụ ở vùng ấm áp Yalta, nằm kề Biển Đen. Năm 1901, ông kết hôn với nữ diễn viên
Olga Leonardovna Knipper. Trong thời gian này, sức khỏe của ông xuống dần. Ông
qua đời năm 1904 ở khu nghỉ mát Badenweiler tại Đức trong khi đang tìm cách chữa
bệnh.
Tác phẩm chính của ông: Vườn Anh đào, Ba chị em, Cậu Vania, Hải âu.
Ở HIỆU CẮT TÓC
Buổi sáng. Chưa đến bảy giờ nhưng cửa hiệu của Makar Kuzmitch
Blyostken đã mở rồi. Anh là một người hai mươi ba tuổi thuộc tầng lớp bình dân,
tính thích xun xoe chưng diện đang bận lau dọn cửa hiệu; thực sự chẳng có gì để
dọn, nhưng anh đổ mồ hôi với công việc. Chỗ này anh lau chùi cho bóng bằng một cái
giẻ, chỗ kia anh cạo bằng ngón tay hay bắt một con rệp và phủi cho nó rơi khỏi vách
tường.
Cửa hiệu cắt tóc thì nhỏ, hẹp và bẩn. Những bức tường bằng gỗ được làm
đẹp bằng giấy dán tường gợi nhớ đến tấm áo bạc màu của người đánh xe ngựa. Ở giữa
hai khung cửa sổ bẩn rịn mồ hôi là một khung cửa mỏng ọp ẹp, kêu kin kít, bên
trên nó, là một cái chuông có màu xanh lục tự lúc lắc và phát ra tiếng yếu ớt.
Nhìn vào tấm gương treo trên một bức tường, nó phản ánh méo mó vẻ mặt của người
ta trong mọi hướng theo một cách tàn nhẫn nhất! Việc cạo mặt cắt tóc được thực
hiện trước tấm gương này. Trên cái bàn nhỏ, cũng nhờn và bình dân như chính
Makar Kuzmitch là tất cả mọi thứ: những cái lược, kéo, dao cạo, một chút sáp để
chăm sóc bộ ria, một chút phấn, một chút nước thơm eau de Cologne pha nhiều nước,
và thực sự toàn bộ cửa hiệu không đáng giá hơn mười lăm cô pếch.
Có tiếng vang lên của cái chuông rè và một người lớn tuổi mặc áo da
cừu màu đồng thiếc, đi giày dạ cao bước vào cửa hiệu. Đầu và cổ ông ta quấn một
cái khăn quàng của phụ nữ.
Đây là Erast Ivanitch Yagodov, cha đỡ đầu của Makar Kuzmitch. Có lần
ông từng làm bảo vệ trong Hội nghị Hồng y, hiện nay ông sống gần Red Pond và làm
nghề thợ khóa.
“Chào con, Makarushka, chúc một ngày tốt đẹp!”, ông nói với Makar Kuzmitch
đang mải mê sắp xếp gọn gàng các thứ.
Họ hôn nhau. Yagodov gỡ khăn ra khỏi đầu, làm dấu thánh và ngồi xuống.
“Đúng là một chặng đường dài”, ông nói, thở dài và đằng hắng.
“Không đùa đâu! Từ Red Pond đến cổng Kaluga ”.
“Bố khỏe không?”
“Kém, con ạ. Bố bị một trận sốt”.
“Vậy sao? Sốt à!”.
“Phải, bố bệnh cả tháng, tưởng sẽ chết. Bố đã được làm phép xức dầu
nghiêm chỉnh. Giờ thì tóc bố đang ra. Bác sĩ nói bố phải cạo đi. Ông ta nói rồi
tóc sẽ mọc mạnh. Vậy là bố nghĩ phải tới chỗ Makar. Đến người quen hơn là đến nơi
khác. Sẽ được cắt tốt hơn và không mất gì. Khá xa, đúng vậy, nhưng thì sao nào?
Chỉ là một cuốc đi bộ”.
“Con sung sướng cắt tóc cho bố. Mời bố ngồi”.
Makar Kuzmitch hất bàn chân chỉ một cái ghế. Yagodov ngồi xuống
nhìn mình trong gương và rõ ràng là hài lòng với hình ảnh của mình phản chiếu:
tấm gương cho thấy một khuôn mặt méo, với đôi môi Kalmuck của người miền Tây Nam , cái mũi bè
bè và đôi mắt trên trán. Makar Kuzmitch quàng quanh vai người khách của anh một
tấm vải trắng có những đốm vàng trên đó, và bắt đầu cắt bằng kéo.
“Con sẽ cắt sạch cho bố tới sát da”, anh nói.
“Đúng vậy. Để bố có thể giống như một người Tác ta, như một quả
bom. Tóc sẽ mọc dày hơn”.
“Còn dì thì sao?”
“Khá khỏe. Hôm nọ bà ấy đi làm bà đỡ cho vợ ông thị trưởng. Họ trả
bà một rúp”.
“Ô vậy sao, một rúp. Giữ lấy tai bố”.
“Bố đang giữ nó… Chú ý đừng cắt phạm nhé. Ối, đau! Con đang kéo tóc
của bố”.
“Chẳng sao đâu ạ. Chẳng thể tránh được khi hớt đâu. Còn Anna
Erastovna thì sao?”
“Con gái bố ấy à? Nó ổn thôi. Thứ tư tuần trước
nhà ta đã tổ chức đính hôn cho nó với Sheikin. Sao con không đến?”
Kéo dừng cắt. Makar Kuzmitch thõng tay hoảng hốt
hỏi:
“Ai đính hôn?”
“Anna”
“Thế à? Với ai?”
“Với Sheikin. Prokofy Petrovitch. Cô của nó là
một quản gia ở Zlatoustensky Lane. Bà ấy là một phụ nữ hay lắm. Tất nhiên là tất
cả chúng ta vui, tạ ơn Chúa. Đám cưới sẽ tổ chức trong một tuần nữa. Nhớ đến
nhé. Chúng ta sẽ vui lắm đấy”.
“Nhưng sao lại thế, Erast Ivanitch?”, Makar
Kuzmitch nói mà mặt tái mét, ngạc nhiên, rồi nhún vai. “Thật là… không tưởng tượng
nổi. Sao Anna Erastovna… sao con… những tình cảm yêu mến của con dành cho cô ấy,
con có những ý định. Sao chuyện đó lại xảy ra được?”
“Có gì đâu, chúng ta chỉ đính hôn cho nó. Thằng
đó là một thằng tốt”.
Mồ hôi lạnh toát ra trên trán của Makar
Kuzmitch. Anh đặt kéo xuống bàn và bắt đầu cọ mũi của mình bằng nắm tay.
“Con đã có những ý định”, anh nói. “Chuyện này
không thể được, Erast Ivanitch. Con… con yêu cô ấy và đã dâng cho cô ấy trái
tim con… Và bà mẹ đã hứa. Con luôn luôn kính trọng bố như là bố của con… Con
luôn luôn cắt tóc cho bố miễn phí… Con luôn luôn biết ơn bố, và khi bố con mất
bố đã lấy cái ghế xô pha và mười rúp tiền mặt mà chưa hề trả lại. Bố có nhớ
không?”
“Nhớ! Dĩ nhiên là nhớ. Chỉ có điều, con làm
sao phù hợp được hả Makar? Con không sao phù hợp được. Con không có tiền, không
có danh phận, con làm một công việc tầm thường”.
“Vậy thì Sheikin giàu chăng?”
“Sheikin là thành viên của một hiệp hội. Anh
ta có một ngàn rưỡi tiền thế chấp. Thế thì con ạ… Chẳng nên nói về chuyện đó nữa,
công việc đã xong rồi. Không thay đổi nữa, Makarushka. Con phải tìm một cô
khác… Thế giới không quá nhỏ. Thôi cắt đi. Sao ngừng cắt vậy?”
Makar Kuzmitch vẫn im lặng và bất động, rồi
anh lấy một cái khăn tay ra khỏi túi và bắt đầu khóc.
“Thế là thế nào?”, Erast Ivanitch dỗ anh ta.
“Cho qua đi. Thật là xấu hổ, khóc như một mụ đàn bà! Con hớt cho xong cái đầu của
ta rồi hẵng khóc. Cầm kéo lên đi”.
Makar Kuzmitch cầm kéo lên, nhìn vô hồn vào
cây kéo khoảng một phút, rồi lại thả kéo xuống bàn. Hai tay anh đang run run.
“Con không thể”, anh nói. “Ngay bây giờ con không thể cắt được. Con
không đủ sức. Con là một người bất hạnh. Và cô ấy bất hạnh! Chúng con yêu nhau,
chúng con đã hứa hẹn với nhau và chúng con đã bị chia rẽ bởi những người không
tử tế không chút xót thương. Đi đi, ông Erast Ivanitch! Tôi không thể nào chịu
đựng nổi khi nhìn thấy ông”.
“Vậy thì ngày mai bố sẽ đến nhé, Makarushka. Con sẽ hớt xong cho bố
ngày mai nhé”.
“Được”.
“Con bình tĩnh lại và bố sẽ đến con sáng sớm mai”.
Erast Ivanitch đã được hớt nửa cái đầu đến sát da và trông như một
người tù. Thật là rầy rà khi bị để cái đầu như thế, nhưng chẳng làm sao được.
Ông ta bèn quấn đầu bằng cái khăn quàng và ra khỏi tiệm hớt tóc. Còn lại một
mình, Makar Kuzmitch ngồi xuống tiếp tục khóc thầm.
Sáng sớm hôm sau Erast Ivanitch trở lại.
“Ông muốn gì?” Makar Kuzmitch lạnh lùng hỏi.
“Hớt cho xong đầu của bố, Makarushka. Còn nửa đầu nửa phải hớt mà”.
“Xin trả tiền trước cho tôi. Tôi không cắt tóc miễn phí”.
Không nói một lời Erast Ivanitch đi ra, và đến hôm nay tóc ông ta vẫn
dài một bên và ngắn một bên. Ông cho là phung phí khi phải trả tiền hớt tóc và
đợi cho tóc tự nó mọc ra bên đã được cắt.
Ông ta nhảy ở tiệc cưới trong tình trạng đó.
VÕ
HOÀNG MINH dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét