Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

SỐ 261 - tác giả LINH NGA NIÊ KDĂM


 Nhà văn - Nhạc sĩ LINH NGA NIÊ KDĂM


LỄ CÚNG BẾN NƯỚC ÊĐÊ


Lâu lắm rồi, không biết là đã qua bao nhiêu mùa nắng vàng, mùa gió lộng chao chác về trên cao nguyên đất đỏ, người buôn K. không làm lễ cúng bến nước. Người già trong buôn thi thoảng ngồi bên nhau rít tẩu thuốc, khói che mờ cả khuôn mặt, là lúc nhớ về những ngày xa xưa ấy, khi mà cần làm việc gì cũng phải báo tin, phải cầu xin các yang thuận cho mới được. Làm xong, việc được tốt, phải có lễ tạ ơn, vi phạm điều gì với thần linh hay buôn sang đều phải làm lễ tạ tội…
Hồi đó, người Êđê có nhiều lắm những lễ phải cúng trong một vòng đời người, hay theo mùa rẫy của một năm. Bên cạnh những lễ cúng  từng gia đình, thì lễ cúng bến nước là một trong những lễ nghi lớn nhất, vui nhất của cả cộng đồng, thường tổ chức vào dịp tiễn năm cũ đi hoặc đón năm mới sang.
Vì sao mà lâu nay không cúng bến nước ư?. Nhiều nguyên do lắm! Nào là bây giờ đất đai trồng cà phê hết, lúa rẫy không còn, cả buôn chỉ loe hoe vài sào lúa nước chẳng đủ ăn. Làm sao có hột cơm thơm, sạch như lúa rẫy mình ngày xưa mà mời các yang? (lúa đó phải do bà chủ nhà tự tay gieo hạt, suốt về, giã thành hột gạo trắng, nấu ra chén cơm, mới được dâng cúng). Nào là nước máy của thành phố Buôn Ma Thuột về tận trung tâm xã, nhà nào cũng có giếng, đâu cần mang trái bầu ra bến gùi nước nữa. Con suối hồi nào đầy nước ngày đêm róc rách kể chuyện xưa chuyện nay, bị dân buôn ngó lơ, đâm buồn, mạch trốn đâu trong tít sâu, cạn khô dần, biến thành một con lạch nhỏ xíu. Chỉ mùa mưa mới có nước cho bà con đi rẫy về tạm gột rửa chân tay sạch đất rừng hay bùn ruộng lúa nước. Phải kể thêm cả chuyện người trong buôn đa phần đã chuyển sang tín ngưỡng khác, đâu còn tin các Yang nữa mà cúng.
Sao năm nay lại cúng ư? Phường muốn nhắc nhở bà con mình gìn giữ truyền thống ông bà ta xưa, nên giúp buôn sang sửa lại bến nước cũ. Người ta cho thợ tới xây bờ tường, tráng xi măng nơi đứng tắm giặt. May mà nơi bến nước vẫn còn vài cây cổ thụ già lụ khụ đứng cạnh đó nên mạch nguồn ẩn nấp tít đâu trong lòng đất vẫn chưa cạn, gắn sâu bốn chiếc ống nhựa vô là dòng nước trong veo lại rong róc chảy. Mấy người già, được sự ủng hộ của cán bộ trong buôn nữa, đề nghị cúng bến nước mới sửa, cho tiếng ching bay vang trong gió, làm ấm cái nắng vàng và thêm vui  bà con trong buôn làng. Lâu rồi, buôn K. mình cũng không tông ching.
Từ sáng sớm, mấy đứa con gái lớn nhỏ được phân công theo già làng rước lễ ra bến nước đã ríu rít rủ nhau mặc m’iêng, áo thổ cẩm ra nhà cộng đồng chờ sẵn (ờ mà tụi nhỏ lớn tận mười mấy mùa cà phê cũng đã bao giờ được biết một lễ cúng truyền thống nào đâu, sao chúng nó không náo nức cơ chứ). Mấy người đàn ông được các già làng gọi tới chia việc từ vài ba ngày trước, cũng đã lo chu tất củi lửa và việc thịt con heo làm lễ vật cúng rồi. Vài chị em lơn lớn tuổi, rảo chân qua vườn các nhà tìm cho ra những trái cà đắng cuối mùa, mót mét trong đám tre khắp quanh buôn ít mụt măng còn sót lại để làm mấy món truyền thống của người Êđê mình thuở nào, đãi đằng khách xa khách gần. Lâu lâu mới lại có dịp được khoe tài làm những món ăn ngày lễ như vách, cà đắng nấu măng, thịt heo bằm bóp huyết um lá chuối… chị nào cũng thích, chân vấp chân, tay níu tay, miệng cười tới mang tai. Chứ sao, bây giờ cà đắng, ớt hiểm lẫn rau rừng của mình người ta kêu bằng “đặc sản”, lên bàn các đại gia sành điệu tại mọi quán nhậu khắp thành phố rồi còn gì.
Việc chuẩn bị đã xong. Thày cúng chậm rãi khoác lên mình chiếc áo hoa đỏ, chít lên đầu chiếc khăn đồng màu và cũng chậm rãi đặt từng bước chân trần lên con đường trải dầu bắt đầu nóng lên vì cái nắng, đi ra nhà cộng đồng (Pô riêu Yang Aê Lim, theo cách tính của người buôn cũ, thì năm nay đã xấp xỉ 90 mùa rẫy. Ông vẫn còn minh mẫn, nhớ hết tên các vị thần linh, những bài cúng phải đọc lên để cầu xin. Giọng ông khàn đi vì tuổi tác mà vẫn giữ được độ vang sang sảng như tiếng chiếc ching khơk. Nhưng cũng là người cuối cùng rồi, nếu một mai ông đi theo về bến nước ông bà, thì mấy buôn quanh đây sẽ chẳng còn ai để kêu cầu, thông tin tới các vị yang linh thiêng nữa đâu).
Tại nhà cộng đồng, hai chàng trai phụ lễ (các già làng lựa chọn trong số thanh niên được coi là ngoan ngoãn, không có tham gia chuyện hư hỏng gì như bọn trai mới lớn học đòi bây giờ) áo hoa tím, khăn vấn đầu cũng vải hoa tím (khác màu với áo thầy cúng) mỗi người một chiếc bầu nước với thanh kiếm dắt bên hông, cùng đám con gái đã háo hức chờ sẵn. Bài ching Ngăn dồn dập vang lên. Chao ôi, lâu lắm rồi buôn sang mới lại có tiếng ching sầm sập, sầm sập ấy cất lên. Này gió, bay đi nhé, mang tiếng ching này tới chín tầng cao tít mây xanh, xuống thăm thẳm sâu bảy tầng đất mời các yang atâo mau về uống rượu; nhanh nhanh tới gọi người buôn Đung, buôn Bông rảo bước chân… rằng buôn K. đang có lễ cúng bến nước đấy.
Mở đầu  bao giờ cũng là lễ cúng phat atâo, thông báo và mời các linh hồn tổ tiên, những người cao vọng trong buôn đã khuất về chứng kiến lòng thành kính của cộng đồng hôm nay.
Mâm cúng được mang tới, con gà, dĩa trầu cau, bầu đựng rượu, chén huyết, chén rượu và một chiếc tẩu thuốc. Khấn mời cho đủ hết các yang atâo để báo tin và xin phép xong, thày cúng đổ rượu lên dĩa trầu cau cho chảy xuống vách gỗ. Ching knă  đổi nhịp, mời già làng, con cái chủ buôn cũ, cả lãnh đạo chính quyền địa phương nữa, lần lượt cầm cần ở ché rượu đầu tiên. Thày cúng uống xong, ra hiệu cho hai chàng phụ lễ cùng xuống cầu thang. Họ đi đầu, đoàn con gái và các bà mẹ mang gùi cùng ra bến nước. Những chiếc bầu nước đen bóng gõ vào nhau kêu lóc cóc, lóc cóc theo từng bước chân líu ríu trong tấm váy thổ cẩm. Em sơn nữ hôm nay đẹp hẳn lên với nụ cười hơi ngượng ngùng một chút, hãnh diện một chút trước ánh mắt đám trai làng.
Ai đó nhanh chóng đặt trước ống nước ở chính giữa một bầu rượu đã hòa huyết heo, chiếc đĩa đựng đầy đủ mỗi thứ một ít thịt, nội tạng trên mình heo và chén mtil. Thày cúng rót rượu ra chén đồng, khấn tạ ơn các thần linh năm qua đã phù trợ, xin cho năm mới bến lại đầy nước, buôn sang an bình không phải chịu bão lũ, ốm đau, dịch bệnh, mưa thuận gió hòa, cho cà phê trĩu cành, hạt lúa nặng bông, hoa cỏ trong buôn đều tươi tốt. Rằng Hỡi các thần linh ở bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, thần đất, thần nước. Hôm nay chúng tôi cúng bến nước, xin các Yang bảo vệ sức khoẻ cho buôn sang, xin cho nước luôn luôn chảy trong, chảy suốt, chảy sạch. Xin tổ tiên, các vị thần  phù hộ buôn làng đoàn kết, con cháu thảo hiền… buôn sang  xin hứa sẽ giữ gìn bến nước sạch sẽ, bảo vệ  nguồn nước” (ông cũng không quên lời cảm ơn chính quyền đã sửa sang bến nước cho buôn). Đổ chén rượu huyết xuống các vòi nước. Xong, ông mời hai chàng phụ lễ lấy nước vô bầu mang về cúng tại nhà. Đến lượt đám đàn bà con gái chia nhau hai người một ống nước, rửa sạch bầu rồi cũng lấy đầy nước. Thày cúng và hai phụ lễ đi trước, đoàn người rước nước về buôn vừa thành kính, vừa hân hoan. Xưa, những người rước nước sẽ tỏa ra khắp buôn, tưới từng giọt nước trong bầu lên cầu thang của mọi gia đình. Còn nơi đầu thang nhà dài cộng đồng, người đại diện cho chủ bến nước xưa cùng buôn trưởng đã đứng đón thày cúng và mời cả đoàn lên nhà. Nam ngồi ngoài, phụ nữ và con nít ngồi phía trong. Những chiếc bầu nước lấy từ bến nước về, sẽ dùng cho ché rượu thứ hai.
Ching knă dồn dập nổi lên báo cho mọi người gần xa biết lễ cúng bến nước chính thức bắt đầu. Mâm lễ vật hiến sinh được mang tới, gồm chiếc đầu, một nửa con heo, một tô thịt chín không thiếu bất cứ thứ gì trên mình con vật, chiếc bầu và chén đồng đựng rượu. Thịt  đã được thui chín, thơm lừng cả gian nhà dài đông nghẹt người. Trong tiếng ching Knă chấp chới bay bay, thày cúng ngân nga khấn gọi mời các vị Yang ea, Yang sang, Yang êlăn, Yang cây gạo cổ thụ đầu buôn… về chứng giám cho lòng thành của buôn làng tạ ơn năm cũ đã phù hộ và cầu một năm mới làm ăn phát đạt, yên ổn. “Lời ta cầu xin được các yang nhận, điều ta mong xin được các Yang ưng”… Lẽ ra lúc này còn phải có mấy em gái uốn những cánh tay tròn trịa dịu mềm múa điệu Grứ phiơrPah kngan rông Yang nữa (có lẽ mấy phụ nữ lớn tuổi trong buôn lâu quá không cúng bến nước, đã quên vũ điệu này rồi chăng?) rồi thày cúng mới mời 3 người chủ chốt của buôn là già làng, đại diện dòng họ chủ bến nước khi xưa và khoa buôn, theo thứ tự già trẻ cầm cần rượu trước, sau đó mọi người lần lượt m’năm mring.
Đấy, hai lá trầu một sấp một ngửa cho biết các vị Yang linh thiêng đã nhận lời khẩn cầu của thày cúng rồi.
Tiếng ching knă rộn ràng chuyển nhịp, níu chân mời khách gần khách xa và người đại diện các dòng họ trong buôn cùng về nhà họ hàng Aê Răk ăn bữa cơm cộng cảm. Chiếc đầu heo sẽ là phần trả công cho thày cúng. Còn việc chia sẻ mỗi gia đình một rẻo thịt đã được các yang ban phúc, cũng sẽ có người chăm lo để không ai bị thiếu, theo đúng tục lệ của mình.
Nắng đã cao quá ngọn đa cổ thụ nơi bến nước. Mùa mới bắt đầu bằng sự chúc phúc và ưng thuận của các vị thần linh, mang niềm tin về một năm bình an và tốt đẹp cho mọi gia đình trong buôn sang. Tín ngưỡng nào thì cũng vậy thôi, miễn trong tâm trí mình có sự tin tưởng, là chắc chắn sẽ đạt những điều ước muốn. Người miền xuôi chẳng có câu thành ngữ “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” đó sao? Cho dù là khó lắm giữa tập tục ông bà mình ngày xa xưa, với cuộc sống hiện đại hôm nay, thì hãy cố chắt lọc lấy những gì thuộc về văn hóa của riêng tộc người mình mà gìn giữ.
Tắt, tắt, tắt… tiếng ching đổ hồi kết thúc. Cứ như là âm thanh vang động và nhịp điệu náo nức của ching Knă chưa bao giờ rời xa buôn sang mình vậy.

Ơ Yang! Mong là như thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét