NƠI CÓ GIÓ MÁT GIỮA TRƯA PHAN THIẾT
Ghi chép
Trong chuyến đi thực tế tại Bình Thuận vào trung tuần tháng tư 2014 được tận mắt ngắm
những bức tranh cát đủ kiểu đủ hình và được sỡ hữu một bức tranh cát nho nhỏ khắc
họa phong cảnh Phan Thiết hồn hậu ở một quầy bán hàng lưu niệm tại Mũi Né với
tiết lộ của cô bé bán hàng: “Do người khuyết tật Phan Thiết làm đó cô” tôi thấy
niềm vui dâng ngập. Niềm vui càng nhân lên khi ngay sau đó với sự hướng dẫn của
cô Chánh văn phòng Hội VHNT Bình Thuận, đoàn chúng tôi được ghé thăm cơ sở
tranh cát Phi Long tại hẻm 444 Thủ Khoa Huân, Phan Thiết.
Gây ấn tượng đầu tiên là những chén cát đủ màu sắc bày trên
bàn với các vật dùng để “vẽ” tranh (vẽ tranh cát là dùng cái thìa nhỏ xíu đổ cát
vào một vật dụng định hình bằng thủy tinh, bút vẽ là que tre hay gỗ vót nhọn để
chuyển dịch cát đến chi tiết cần theo mẫu vẽ bằng mực trên thành thủy tinh). Có
tiếng trầm trồ: “Cát đấy ư? Nhiều màu vậy sao?”. Ngạc nhiên cũng phải thôi bởi
mấy ai nhìn lâu vào cát để thấy sắc màu khác ngoài hai màu vàng trắng thông thường
đâu. Chỉ người có trái tim nghệ sĩ của chị Trần Thị Hoàng Lan mới khiến chị có
“mắt thần” khám phá để rồi say mê tạo hình với những hạt li ti đó và truyền nghề
cũng như niềm say mê cho bao người. Choáng ngợp hơn là những chân dung người nổi
tiếng những tác phẩm nghệ thuật Âu, Á được thể hiện bằng cát trưng bày bên cạnh.
“Quá tuyệt! Quá tài” là những từ được thốt lên bằng sự chân thành của cả đoàn.
Nhưng để lại dấu ấn sâu sắc nhất là hình ảnh các em khuyết tật đang cắm cúi bên
những chai lọ, bình thủy tinh và những chén cát nhỏ đủ màu chăm chút cho tác phẩm
của mình ở gian lớn nhất của ngôi nhà. Tất cả máy ảnh tích cực hoạt động. Ai cũng
muốn ghi lại những hình ảnh đầy xúc động đang hiển hiện trước mắt. Đây là nhóm
các em khuyết tật vận động - có em vẫn ngồi trên xe lăn. Kia là nhóm các em khiếm
thính - lặng lẽ đến nao lòng. Tất cả đang tập trung cao độ vào công việc. Tiếng
cười nói ồn ào vốn thường trực trong đoàn vắng bặt nhường chỗ cho thủ thỉ thầm
thì. Sự chăm chú của gần hai mươi em đã thành hiệu lệnh không qui ước nhắc chúng
tôi giảm “volume”. Sự giao cảm thể hiện qua ánh mắt và nụ cười. Ánh mắt chúng tôi
sáng lên niềm thán phục, ánh mắt các em tỏa ánh tự hào. Không tự hào sao được
khi chính các em góp phần đưa tranh cát đi khắp nơi cả trong và ngoài nước. Chính
các em mới đây là nỗi lo của gia đình và nỗi canh cánh của người có trách nhiệm
trong xã hội. Giờ đây các em thấy mình có ích khi hàng tháng nhận về đồng tiền
công sức dù nhỏ nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống, có em còn giúp được gia đình.
Niềm vui nào hơn thế nữa. Một điều vui nữa nhưng các em không hề biết là các em đã góp phần “cải tạo” rất nhiều người
lành lặn từ chính cuộc sống của mình.
Tranh thủ lúc một em trai ngồi xe lăn đang vươn tay vươn
vai có lẽ để thu nạp lại năng lượng, tôi tranh thủ hỏi chuyện thì biết em ở tỉnh
ngoài đến đây nhờ xem TV giới thiệu và mất
chừng 30 ngày để học nghề. Bây giờ em đã
có thu nhập khoảng 3.000.000đ/ tháng với năng suất một tranh nhỏ/ buổi (tranh
nhỏ đó tôi mua với giá 85.000 đồng tại hàng lưu niệm). Cũng qua em, tôi được biết
việc dạy nghề rất linh hoạt, không đợi đông mới mở lớp và theo nguyên tắc người
biết trước dạy người đến sau. Thấy chúng tôi trò chuyện, một em gái đối diện đang
lúng túng với bút với cát cũng góp ánh mắt sẻ chia và nụ cười bẽn lẽn. Thì ra
em ấy mới vào và đang được chính chàng trai tôi đang nói chuyện kèm cặp. Tôi
nghĩ biết đâu họ sẽ là một đôi sau này và thầm chúc điều đó thành hiện thực. Tiến
về phía một chàng trai khác đang “vẽ” chân dung chúa Giê Su tôi lại biết thêm đây
là nghệ nhân trẻ bởi em cho biết em đang được đặt hàng, những ai có tay nghề
cao mới được giao vẽ hàng đặc biệt như vậy. Thấy chúng tôi, một người phụ nữ đôn
hậu xuất hiện, thì ra đây là chủ cơ sở - chị Đặng Thị Thu Hà - mẹ của Đỗ Đặng
Phi Long người có ý tưởng mở cơ sở này để giúp đỡ người khuyết tật bởi cùng cảnh
ngộ sau khi chính mình làm học trò của nghệ nhân Ý Lan. Chị cũng là mẹ chung của
ai đến với Phi Long bởi chính chị chạy vạy ngược xuôi để có được nó và cũng chính
chị chăm lo miếng ăn nơi ngủ của bao nhiêu con người trong mấy năm nay. Một người
mẹ hết lòng vì con bởi người con biết vì mọi người nhất là người không may như
mình. Họ là hai nguồn sáng giữa trắng đen lẫn lộn. Tôi tin hai nguồn sáng ấy đã
tiếp thêm năng lượng cho các em mỗi khi chán nản trước đôi tay vụng về, cái đầu
u u. Cũng chính hai nguồn sáng này đốt cháy những ý nghĩ nhỏ nhen những toan tính
tầm thường trong mỗi người tiếp cận.
Tiễn chúng tôi, chị cho biết Phi Long vẫn duy trì chương
trình “Tập làm nghệ nhân” dành cho du khách thích trải nghiệm loại hình nghệ
thuật thu hút này và vẫn mở rộng cửa đón người khuyết tật từ khắp nơi trong nước
đến học nghề, làm việc. Chúng tôi vui đón thông tin này từ chị và sẽ truyền đến
nơi cần đến.
Trưa Phan Thiết nắng lóa mắt nhưng mát như có gió. Chính
là gió nhân ái thổi từ Phi Long.
BMT
24.4.2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét