Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

SỐ 260 - tác giả THU HƯƠNG




LỄ CÚNG BẾN NƯỚC
CỦA NGƯỜI M’NÔNG KUÊNH


Người M’Nông Kuênh tại buôn Đắk Tua, xã Cư Pui, huyện Krông Bông cho đến nay vẫn còn lưu giữ được nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống có từ lâu đời. Một trong những nghi lễ được buôn làng tổ chức hàng năm là lễ cúng bến nước. Đây là một nghi lễ được tổ chức với sự tham gia của cả cộng đồng buôn làng, là dịp để cảm tạ các thần đã phù hộ cho buôn làng may mắn trong năm qua và cầu mong các thần tiếp tục phù hộ nhiều điều tốt đẹp cho năm mới.
  Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 25 tháng chạp hằng năm là buôn Đắk Tua lại rộn ràng hơn với lễ cúng bến nước. Ngay từ sáng sớm, mọi hoạt động chuẩn bị cho nghi lễ này đã được mọi người cùng nhau thực hiện. Thanh niên trẻ khỏe thì lo đi làm cổng rào. Cổng rào được thực hiện 3 nơi, một ở đầu buôn, 2 nơi còn lại được làm ở cuối buôn thuộc hướng tây và hướng nam, đó cũng là 2 con đường dẫn ra rẫy và dẫn đến các buôn khác. Việc làm cổng rào đánh dấu này có hàm ý: Trong 3 ngày diễn ra lễ cúng, mọi người trong buôn không được đi đâu, không được sử dụng các dụng cụ lao động, không được làm rung động đến cây cối, đất đai. Tại hàng rào cổng chính dẫn vào buôn, người dân còn để mỗi bên 2 cục đá lớn, tượng trưng cho người gác cổng.
Những cụ già lớn tuổi, đặc biệt là những nghệ nhân khéo tay thì đẽo từ gỗ cây gòn ra những con vật như: kỳ đà, hổ, ngà voi, sừng tê giác, biểu trưng cho những con vật có sức khỏe. Đây là những con vật sử dụng trong lễ cúng ở đầu buôn để xua đuổi tà ma. Các già còn chuẩn bị 2 cái sọt nhỏ được trang trí như 2 bồ thóc cũng sử dụng trong lễ cúng.
Từ trước đến nay, lễ cúng bến nước được thực hiện tại nhà Amí Hiên. Amí Hiên là người kế thừa nhiều đời của người chủ buôn và là chủ bến nước trước đây. Buổi sáng hôm đó, nhà Amí Hiên rộn ràng, rượu cần ủ trong những ché quý đã được cột vào giữa nhà. Có cả thảy 5 ché rượu cần. Ché rượu đầu tiên đi cùng với con gà trống trắng là lễ vật để cúng thần núi. 3 ché cột liền kề là cúng cho thần nước, thần làng. Ché cuối cùng là để cúng cho chủ nhà. Lúc này, cồng chiêng đã được soạn ra, lau chùi bụi bặm để sẵn sàng cho nghi lễ cồng chiêng. Trước khi lễ cúng diễn ra, cồng chiêng được tấu lên để báo hiệu cho cả buôn biết nghi lễ quan trọng nhất sắp sửa bắt đầu.
Đến giờ đã định, tiếng cồng chiêng nổi lên, thầy cúng đọc lời cúng. Lễ cúng đầu tiên là cúng thần núi. Bài cúng rất dài bao hàm ý nghĩa mời gọi các vị thần về hưởng các lễ vật mà dân làng dâng lên, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng trong năm tới người người đều khỏe, mùa màng tươi tốt, lợn gà, trâu bò đầy đàn; xua đuổi những điều xấu xa, mang đến những điều tốt đẹp đến cho dân làng. Cúng xong, con gà được cắt tiết. Sau đó, khi gà đã luộc xong và dâng lên thì thầy cúng sẽ tiếp tục cúng. Sau lần cúng này, chủ nhà sẽ là người cầm cần rượu đầu tiên, sau đó lần lượt đến khách quý và những người cao tuổi, những người có chức vụ trong buôn, rồi đến tất cả mọi người.
Lễ cúng thứ hai là cúng cho thần nước, thần làng, Lễ cúng lần này được thực hiện lớn hơn và lễ vật là con heo. Nghi lễ cũng được thực hiện rất trang trọng, lời cúng cũng thể hiện sự cầu mong ông bà tổ tiên, thần nước và các vị thần khác phù hộ cho buôn làng luôn được sống trong yên vui, no ấm, không ốm đau bệnh tật, không bị xui xẻo. Nguồn nước luôn dồi dào để phục vụ đời sống và sản xuất được trúng mùa.
Nghi lễ cúng cuối cùng là cúng cho bà chủ nhà. Chúc cho gia chủ luôn được các vị thần phù hộ, luôn sống khỏe mạnh và nhiều may mắn. Trong lễ cúng cuối cùng này còn có một lễ cúng gọi là rước hồn lúa. Lễ vật gồm có: một bầu cháo, một bầu gạo, lúa, cơm, một con gà, một chai rượu và một cái cuốc nhỏ dùng trong sản xuất nông nghiệp của bà con và một bó cây lúa khô. Khi cúng, thầy cúng vừa đọc lời cúng, vừa dùng những cây lúa khô đem cột vào xung quanh các quả bầu, cột vào chiêng, cột vào trống, cột vào bàn thờ với lời khấn: Mong hồn lúa, cùng hồn bầu bí về và ở lại trong nhà gia chủ để gia chủ lúc nào cũng có thóc lúa đầy bồ, không lo đói kém.
Sau khi thực hiện xong các lễ cúng, tiếng cồng chiêng vẫn luôn vang lên như không bao giờ dứt, người này mỏi thì lại có người khác thay thế. Lúc này, mọi người cùng quây quần uống rượu cần, ăn một vài món ăn đơn giản như thịt nướng, cháo huyết… các gia đình trong buôn cũng lần lượt đến chung vui. Trong thời gian này, những người đàn ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn sau khi làm heo rồi thì sẽ xắt nhỏ ra thành nhiều phần, xâu đủ 116 xâu. Đây là phần được hưởng của mỗi gia đình trong buôn để các gia đình đều có quà tặng, đều vui vẻ đón chào một năm mới đến.
Lễ cúng bến nước thực ra là một lễ cúng làng, mọi hoạt động diễn ra đều cầu mong cho cả buôn làng có nhiều may mắn hơn trong năm mới. Ae Thu, một người già có uy tín trong buôn cho biết: “Phong tục cúng bến nước có từ lâu đời rồi và bây giờ người ta vẫn cứ duy trì nguyên gốc, không thay đổi gì cả. Lễ cúng này mang tên là cúng bến nước nhưng không cúng ở bến nước mà cúng tại nhà chủ bến nước. Người dân từ lâu xem đây là một lễ cúng làng. Đến tháng 4, cứ 2 năm một lần người dân lại làm lễ cầu mưa ở dưới bến nước”. 
Tại lễ cúng bến nước này, có một nghi lễ khá đặc biệt và được mọi người trong buôn chờ đợi, đó là lễ cúng ở đầu buôn. Khi ánh mặt trời dần khuất sau dãy núi, thì hoạt động này mới bắt đầu. Đầu tiên, thầy cúng cùng những người có trách nhiệm sẽ mang lễ vật đã chuẩn bị ở nhà chủ bến nước đi ra phía cổng rào đầu buôn. Những con vật đẽo bằng gỗ được chuẩn bị từ sáng lúc này sẽ được mang ra cùng rượu, thịt heo đã xâu sẵn. Một cái chén đồng cũng được chuẩn bị để thực hiện nghi lễ khóa cổng. Lúc này, tất cả già trẻ, gái trai từ các gia đình trong buôn đổ ra đường để tập trung tại cổng rào ở đầu buôn. Mọi người sẽ đứng hai bên cổng, chờ đợi nghi lễ xua đuổi tà ma.
Khi mọi người đã tập hợp đông đủ, hai người đàn ông gánh hai cái sọt nhỏ, hai người nữa thì gánh những con vật tượng trưng cho con hổ, con kỳ đà, con voi, con tê giác là những con vật tượng trưng cho sức mạnh vì người M’Nông Kuênh quan niệm, chỉ có những con vật nhiều sức mạnh này mới có thể xua đuổi được tà ma. Bốn người này sẽ đi một vòng quanh mọi người. Lúc này, mọi người sẽ cùng nhổ nước bọt vào những con vật và những cái sọt với ý nghĩa: những ốm đau bệnh tật, cùng những điều không may sẽ thoát ra ngoài, để năm tới người đó sẽ được khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn.
Sau đó, những người đàn ông này sẽ đặt các đồ vật này xuống để thầy cúng làm lễ cúng. Lúc này, cùng với rượu và huyết heo thầy cúng đọc lời cúng cầu mong những con vật có sức mạnh như hổ, voi, kỳ đà, tê giác sẽ chiến đấu với các thế lực đen tối, xua những điều xui xẻo đi nơi khác, bảo vệ buôn làng được sống trong hạnh phúc, no ấm và khỏe mạnh. Cúng xong, thầy cúng cũng thực hiện nghi lễ khóa cổng bằng cách úp một cái chén đồng ngay cạnh cổng rào. Nghi thức này có ý nghĩa, trong vòng 3 ngày mọi người không được ra khỏi buôn cũng như không được sử dụng các dụng cụ lao động. Sau 3 ngày, thầy cúng sẽ cúng bằng lễ vật là một con gà, một ché rượu, lật chén lên thì lúc đó mọi sinh hoạt trong buôn mới trở lại bình thường.
Sau lễ cúng này, mỗi hộ gia đình đều được nhận một phần thịt heo, được uống rượu cần và nhận về những lời chúc tốt đẹp cho một năm mới đang đến. Mọi người đều cảm nhận được niềm vui của một sinh hoạt cộng đồng đã được lưu truyền từ lâu đời và cho đến nay vẫn giữ được vẹn nguyên phong tục.
Chị H’Nghiệp Byă, một thanh niên trẻ ở trong buôn cho biết: “Mình cảm thấy rất tự hào vì buôn còn giữ được những phong tục giống như trước đây. Các buôn gần đó cũng có cúng bến nước nhưng đã có nhiều thay đổi, không còn giữ được như buôn mình. Mình cũng tự hào vì buôn mình là buôn căn cứ cách mạng, các gia đình đều theo tập tục ông bà, luôn đoàn kết, một lòng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước mình”.

Anh Y Kho Niê, Phó bí thư chi bộ buôn Đắk Tua vui vẻ cho biết: Buôn Đắk Tua đêm nay sẽ không ngủ. Cồng chiêng sẽ được đánh suốt đêm ở nhà Amí Hiên. Người dân sẽ uống rượu cần và đánh cồng chiêng mừng cho lễ cúng bến nước, mừng cho năm mới đang đến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét