Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

SÔ 260 - tác giả PHẠM NGỌC HIỀN




CHẤT THI VỊ CỦA “THOÁT VÒNG Ô NHỤC”
(Đọc tiểu thuyết Thoát vòng ô nhục của Vũ Mỹ Dung,
NXB Hội Nhà văn, 2014)


Cây bút nữ Vũ Mỹ Dung đã được nhiều bạn đọc biết đến sau khi ra mắt các cuốn truyện Nỗi oan (2010), Mùa bão qua (2011) và Thằng hủi (2012). Năm 2014, chị lại tiếp tục dòng truyện tâm lý xã hội khi ra mắt tiểu thuyết Thoát vòng ô nhục. Cuốn truyện dày 580 trang, cho thấy một sức viết rất dồi dào. Nội dung cuốn sách kể về hành trình từ bóng tối ra ánh sáng của hai cô gái làng chơi. Hiện thực có vẻ trần trụi nhưng được tô vẽ bởi một màu sắc thi vị, ngọt ngào.
Truyện gồm hai nội dung chính: “trong vòng ô nhục” và “ngoài vòng ô nhục”. Phần “trong vòng ô nhục” chỉ chiếm tỷ lệ mười ba phần trăm dung lượng tác phẩm nhưng để lại dư âm rất lớn. Trên bước đường mưu sinh, hai cô Hoa - Hồng trượt chân vào chốn nhà thổ. Họ bị mụ tú cùng tay chân Tư Sẹo, Hùng Đen đánh đập tàn nhẫn. Vốn có lòng tự trọng, hai cô cũng luôn dằn vặt, đau đớn khi bị khách làng chơi hành hạ, khinh thường. Sống trong cái không gian tù túng ngột ngạt ấy, họ vẫn luôn hướng ra vẻ đẹp ngoài đời qua cửa sổ phòng trọ. Thật đáng ngạc nhiên khi các cô gái gọi cũng có tâm hồn thi sĩ:
“Từng giọt nước mắt vừa tuôn ra đã rơi vào thinh không, đọng lại thành những viên ngọc sáng long lanh bay về cuối dòng sông đang trôi trôi (…) Những đám mây đã bỏ trăng đi đâu đó nên trăng không còn e thẹn nấp dưới mây nữa. (…) Hồng gật đầu nhìn về nơi xa xăm:
- Ước gì sẽ mãi là mùa thu, cho tiết trời dịu mát, hồ chỉ gợn sóng lăn tăn, để những chiếc thuyền lá lướt êm trên lượn sóng li ti và con sông Hồng kia đừng nổi sóng điên cuồng !
 Hoa quay lại nhìn Hồng ngạc nhiên trêu:
- Trời ơi, thành văn sĩ lúc nào thế ?”.
Cốt truyện cũng ly kỳ như cổ tích từ khi hai cô được “ông bụt” giải thoát. Anh chàng Huy tình cờ gặp người yêu cũ trong chốn nhà thổ và đã rộng lòng cưới cô. Hoa bỗng trở thành vợ của giám đốc công ty địa ốc ở Sài Gòn. Anh bạn cùng cơ quan là Tùng lại lấy Hồng. Hai cô đều đẹp bề gia thất, sống trong cảnh nhà cao, cửa rộng, chồng giàu, con xinh. Điều này có vẻ khó tin nhưng ta hãy thử làm một phép so sánh. Giả sử hai cô gái điếm này trúng vé số độc đắc thì có thể đổi đời rất dễ dàng. Mà hai chiếc vé độc đắc đó chính là hai chàng đại gia Huy – Tùng.
Mặc dù các nhân vật sống cảnh giàu sang phú quý nhưng kịch tính tác phẩm vẫn không yếu đi. Hoa – Hồng đã trở về với tên thật là Nụ - Hường và thay đổi địa điểm sống nhưng họ vẫn khổ sở trốn mặt các khách làng chơi cũ. Đáng kể nhất là vụ Hoa gặp chú chồng, người đã từng dụ dỗ cưới cô để rồi vợ ông ta đánh cô một trận thừa sống thiếu chết. Khi phát hiện ra sự thật phũ phàng ấy, một chút đau khổ trào dâng trong lòng Huy. Tùng cũng có những đêm buồn khổ khi nghĩ đến quá khứ của vợ nhưng mảng tối ấy bị chìm lấp trong công việc mưu sinh bề bộn. Trong khi đó, hai cô vợ của họ cũng không ngớt bị dày vò bởi quá khứ ô nhục.
Tính chất lãng mạn của câu chuyện không chỉ dừng lại ở các nhân vật đó. Mụ tú ngày xưa hành hạ hai cô cũng thay đổi tính cách sau những biến thiên của cuộc đời. Mụ bị điên, bị bệnh tật hành hạ và nương thân chốn cửa thiền. Hai nạn nhân của bà ngày xưa đã ra tay giúp bà phục thiện. Vẫn là anh chàng đại gia Huy đứng ra giải quyết mọi vướng mắc tài chính. Kết thúc truyện rất có hậu. Cuộc đời đẹp như mơ !
Chắc hẳn sẽ có nhiều bạn đọc chau mày với cách xử lý tình tiết theo ý hướng chủ quan của tác giả. Nhưng nhiều bạn đọc khác sẽ bật cười: “Ở đời, chuyện gì cũng có thể xảy ra”. Ngoài việc xây dựng một cốt truyện nhiều gay cấn, Vũ Mỹ Dung cũng chú ý khắc họa tâm lý nhân vật. Mặc dù tác phẩm có nhiều yếu tố bi thương nhưng vượt lên trên hết vẫn là một chất thơ bay bổng để “thoát vòng ô nhục”.













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét