Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

SỐ 261 - tác giả LÊ ĐÌNH LIỆU




NGƯỜI ĐẢNG VIÊN GƯƠNG MẪU
NHIỆT TÌNH VỚI CÔNG TÁC XÃ HỘI



Ngày ấy, người con gái vùng châu thổ sông Hồng rời xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, Thái Bình vào đất Tây Nguyên khi tuổi đời mới có 22 mà đã có 2 năm tuổi Đảng. Chẳng hiểu vì đâu, phải chăng là thôn quê đất chật người đông, ruộng đồng không còn bát ngát thẳng cánh cò bay như câu ca dao năm nảo năm nào. Hay tại những đoàn người nay vài tốp mai dăm ba tốp rủ nhau đi vùng kinh tế mới để rồi sau những năm tháng đó người của đoàn quân "Tây Nguyên tiến" trở về làng thu xếp bán nhà bán đất, vận động con cháu, bạn bè vào Tây Nguyên sinh sống.

Chu Thị Nguyễn sinh năm 1973 tại Thái Bình, tốt nghiệp trung học phổ thông, cô ở lại miền đất sinh ra mình đem hết nhiệt tình gắn bó với công tác Đoàn. Năm 1993 khi vừa tròn 20 tuổi Chu Thị Nguyễn được vinh dự kết nạp vào Đảng. Qua sách báo và tin tức của bạn bè, Chu Thị Nguyễn hình dung: Tây Nguyên qua rồi năm tháng chiến tranh bị bom đạn hủy diệt, những cánh rừng trụi lá và bây giờ đang rất cần con người ở mọi miền đất nước đem tài năng trí tuệ và sức lực vào cống hiến, làm giàu cho Tây Nguyên. Năm 1995, Nguyễn xin phép bố mẹ vào thăm Tây Nguyên, vào đúng nơi mà bạn bè và con em của làng quê Văn Cẩm, Thái Bình đang quy tụ lập quê mới.
Trên miền đất mới, năm 1996, Chu Thị Nguyễn gặp người con trai dân tộc Tày tên Lãnh Văn Giai, một thanh niên trai tráng luôn được bà con Hà Quảng, Cao Bằng ngợi ca là người hiền lành, tốt bụng. Bạn bè quý mến thúc dục cô gái miền xuôi đón nhận mối tình này. Đám cưới được tổ chức trên đất cao nguyên giữa mùa mưa mà ấm áp nghĩa tình. Ngày đón dâu chàng rể dân tộc Tày, cô dâu dân tộc Kinh cùng chứng kiến lễ nghi mang đậm phong tục tập quán của hai dân tộc anh em. Và cũng từ đây Chu Thị Nguyễn trở thành người phụ nữ Kinh đầu tiên với tư cách là một Đảng viên nữ duy nhất của thôn 7A thuộc địa bàn xã Ea Ô, huyện Ea Kar gây dựng phong trào. Người con trai dân tộc Tày hiền lành, tốt bụng, người con gái dân tộc Kinh đảm đang đã tạo nên cuộc sống hạnh phúc, cùng giúp nhau trong công tác xã hội. Năm 1998, Nguyễn được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 7A kiêm cộng tác viên dân số. Thôn lúc bấy giờ mới có 70 hộ, sau này tăng lên 160 hộ với 670 khẩu gồm 8 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Êđê, Thái, Mường, Cao Lan, Sán Dìu cùng nhau sinh sống. Trách nhiệm nặng nề đặt lên vai Chi hội trưởng Chu Thị Nguyễn.
Phong tục tập quán của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền còn nặng nề và khác biệt nhau làm cho người cán bộ phụ nữ mất ăn mất ngủ đi tìm lời giải để đồng bào nghe theo, làm theo. Hơn 6 năm làm chi hội trưởng, năm nào Nguyễn cũng được UBND xã và huyện khen thưởng. Nét nổi bật mà người cán bộ phụ nữ thôn 7A đạt được là biết tập hợp được những nét đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc để quy tụ thành phong trào, xóa bỏ được sự kì thị về khoảng cách giữa đồng bào các dân tộc thiểu số. Trên cương vị người cán bộ thôn, Nguyễn đã biết đem những điều tiến bộ của dân tộc Kinh về hạnh phúc gia đình, vận động thành công công tác kế hoạch hóa gia đình để chị em phụ nữ không tảo hôn, không sinh nhiều con mà tập tục xa xưa đồng bào dân tộc thiểu số đang làm. Phong trào cứ thế lan tỏa, năm 2001, Chu Thị Nguyễn trúng cử Ban chấp hành Phụ nữ và được bầu vào Ban Thường vụ Hội  LHPN xã Ea Ô. Năm 2003, thôn 7A được huyện Ea Kar công nhận là thôn Văn hóa; trong thành tích chung đó có đóng góp không nhỏ của Chi hội Phụ nữ.
Từ năm 2008 đến nay, Chu Thị Nguyễn được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã kiêm Bí thư Chi bộ thôn Vân Kiều. Một xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, tỉ lệ nghèo chiếm đến 62%; chị em phụ nữ dân tộc thiểu số chiếm 78% gồm 12 dân tộc. Một số chị em không biết chữ, không thạo tiếng phổ thông. Trước tình hình ấy, Chu Thị Nguyễn đã biết lồng ghép trong các cuộc hội họp để tuyên truyền phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam "Anh hùng – bất khuất - trung hậu - đảm đang". Đẩy mạnh cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" thông qua các phong trào như: Làm theo Bác về thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững, thi đua xây dựng hũ gạo tình thương để giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng hình thức cho không. Khuyến khích xây dựng Quỹ phát triển kinh tế. Đến nay  đã có 1002 hội viên đang tham gia sinh hoạt, với tổng số quỹ của Hội đạt 244.000.000 đồng. Đặc biệt Chu Thị Nguyễn đã tham mưu với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ea Kar cho chị em trong hội vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Đến nay Chu Thị Nguyễn là người đứng ra chịu trách nhiệm nhận ủy thác, giải ngân và quản lý nguồn vốn lên đến 6,4 tỷ đồng được Ngân hàng chính sách xã hội huyện đánh giá là một tổ chức quản lý và sử dụng nguồn vốn rất có hiệu quả.
Để hoàn thành nhiệm vụ, người Bí thư có vóc dáng mảnh mai ấy, nhiều khi đã phải nhờ đến chồng làm "xe ôm" cho mình trong những ngày mùa mưa kéo dài. Người chồng hiền lành đã cùng vợ vật lộn trên từng con đường lầy lội, trượt xe, ngã xe, áo quần lấm đầy bùn đất... đưa vợ vào buôn Vân Kiều để tuyên truyền chủ trương chính sách, động viên chị em chuyên tâm làm ăn, phát triển kinh tế; không nghe, không tin, không theo lời kẻ xấu xúi giục... Từ 3 Đảng viên năm 2008 đến năm 2014, Chi bộ đã có 8 đảng viên trong đó có 5 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Chi bộ đang chuẩn bị kết nạp một đảng viên mới. Bảy năm liên tục (2007-2013) Chi bộ đều đạt danh hiệu "Trong sạch - Vững mạnh". Tập thể ban lãnh đạo buôn Vân Kiều luôn được Đảng ủy, UBND xã Cư Elang đánh giá là bộ máy lãnh đạo tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Không có việc gì khó…”, người đảng viên trẻ Chu Thị Nguyễn đã vượt qua những tháng ngày gian khó khi mới lấy chồng, để vừa lo công tác xã hội lại vừa cùng chồng ổn định cuộc sống. Đến nay gia đình chị Chu Thị Nguyễn đã xây được một căn nhà kiên cố. Quanh nhà, vườn cà phê 700 cây bắt đầu thu hoạch, 4000 m2 lúa nước mỗi năm thu được 14 triệu đồng đảm bảo cho hai vợ chồng và hai con gái, một cháu đang theo học lớp 11 và một cháu học lớp 7 đủ sống. Tới thăm gia đình Chu Thị Nguyễn vào một ngày cuối tháng ba, cà phê đang nở hoa trắng xóa, hương thơm ngào ngạt lan tỏa khắp không gian, được ngắm cơ ngơi của người phụ nữ xã giỏi việc nước, đảm việc nhà đã góp phần cùng đảng bộ và chính quyền địa phương xây dựng quê nghèo thuộc vùng ba đạt tiêu chuẩn NÔNG THÔN MỚI; đó thật là một kỳ tích.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét