Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

SỐ 260 - tác giả LÊ ANH CHỚI




NỖI LÒNG NGƯỜI DÂN TÂY NGUYÊN
TRONG BÀI BÓNG CÂY KNIA

       
Cùng chung sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, mỗi dân tộc Tây Nguyên có những phong tục, tập quán khác nhau, nhưng đều có cái chung là lối canh tác nương rẫy. Với đặc điểm loại cây có ý nghĩa trong đời sống tâm linh, rễ cọc cắm sâu, bám chặt vào lòng đất, thân cây to khỏe cứng  cáp, dẻo dai, càng lên cao tán lá càng cao rộng, có thể đứng riêng lẻ một mình giữa nương đồi, bão táp, cuồng phong cũng khó quật đổ được, nên cây Knia được người dân Tây Nguyên không chặt khi phát rẩy làm nương, để làm nơi nghỉ mát, lúc ăn trưa và nghỉ trưa trong mùa nương rẫy. Bởi thế, cây Knia trở nên thân thuộc với người dân Tây Nguyên, là biểu tượng cho buôn làng Tây Nguyên, con người Tây Nguyên. Bài thơ được Ngọc Anh phỏng dịch từ làn điệu dân ca Hơ-rê. Khúc mở đầu làn điệu dân ca này có âm hưởng thật phóng khoáng, mạnh mẽ, được cất lên cao vút như mây ngàn gió núi của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ:
Buổi sáng em làm rẫy
Thấy bóng cây Knia
Bóng ngả che ngực em
Về nhớ anh không ngủ…
Nỗi lòng của người em gái Tây Nguyên đối với anh thật sâu nặng, ân tình biết bao! Nhìn cây nhớ người! Tuổi thơ của em và anh cùng lớn lên dưới  bóng cây Knia! Biết bao nhiêu mùa nương rẫy, kỉ niệm cứ đong đầy trong em… Bóng cây như nhắc nhớ, gọi về tuổi thơ, làm sống lại những tháng ngày bên anh, cứ trào dâng khôn xiết… Cây Knia trở thành biểu tượng của cội nguồn, của sự che chở tình thương cho con người. Cái hay trong bài thơ là cùng nói về sự che chở của cây cho người, nhưng đối với em và mẹ lại khác nhau. Sự tinh tế và ý nghĩa sâu xa trong tứ thơ, lời thơ là ở chỗ đó. Cách sử dụng thời gian nghệ thuật rất phù hợp với em và mẹ. Em xuất hiện vào buổi sáng, lúc bình minh tỏa xuống rạng rỡ của một ngày mới đang lên, với vồng ngực căng tròn tràn đầy sức sống thì Knia làm bóng mát che cho em trên con đường vươn tới tương lai! Người mẹ tần tảo tháng ngày nuôi cái cùng con, đóng góp cho làng, cho nước, nay lưng mẹ đã còng thì bóng cây che cái lưng còng cho mẹ, như an ủi cuộc đời khó nhọc của người thân! Từ ngữ dùng đắc địa là ở chỗ đó. Cách biểu hiện tình cảm của mẹ và em trong nỗi nhớ người thân cũng rất phù hợp với từng cảnh huống, tuổi tác, khiến người đọc cũng phải dạt dào cảm xúc sẻ chia!
Hình tượng cây Knia có sự chuyển hóa thật tài tình! Nếu trong khổ thơ đầu cây Knia làm bóng mát chở che cho con người, nhắc nhớ kỉ niệm xưa với người thân, thì bước sang khổ thơ thứ hai, cây Knia trở thành một người thân cho em và mẹ  hỏi han, tâm sự:
Em hỏi cây Knia
- Gió mày thổi về đâu?
- Về phương mặt trời mọc
Mẹ hỏi cây Knia
- Rễ mày uống nước đâu?
- Uống nước nguồn miền Bắc
Qui luật của sự sống là vậy! Cây xanh hướng về ánh sáng mặt trời để quang hợp, phát triển. Cũng giống như người dân Tây Nguyên luôn hướng về ánh sáng cách mạng của Đảng, của Bác Hồ! Cây muốn sống được phải có nguồn nước trong sạch để nuôi cây. Cũng như dân làng Tây Nguyên luôn uống nguồn nước trong lành của cách mạng để trưởng thành. Cuộc đàm thoại của mẹ và em với cây Knia ngắn gọn, nhưng ý tứ thật sâu xa đã tạo ra những giá trị nhân văn thật sâu sắc, thể hiện rõ nỗi lòng của người dân Tây Nguyên đối với người thân, đối với  Đảng, Bác Hồ, miền Bắc thân yêu.
Nỗi nhớ người thân tập kết ở miền Bắc, lòng son sắt thủy chung với cách mạng, với miền Bắc thân yêu càng về cuối bài thơ càng được đẩy lên thành cao trào, mạnh mẽ, thiết tha, cuồn cuồn như gió cuốn, triều dâng khôn xiết:
Con giun sống nhờ đất
Chim phí sống nhờ rừng
Em và mẹ nhớ anh
Uống theo nguồn miền Bắc.
Như bóng cây Knia
Như bóng cây Knia.
Những câu thơ ngắn gọn, chắc khỏe, giàu tính khẳng định, kết hợp cùng các điệp ngữ, tạo nên sự luyến láy, giống như một dòng sông cuồn cuộn chảy về xuôi, thể hiện sức mạnh và niềm tin vào một Tổ quốc thống nhất không thể cắt chia.

Bài thơ được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng, làm say đắm hàng triệu con tim của người dân đất Việt. Bởi  nó được cất lên từ trái tim của những người con buôn làng Tây Nguyên bất khuất, thủy chung với người thân, với cách mạng trong những năm chống Mỹ cứu nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét