HÌNH TƯỢNG CON NGỰA
TRONG TRUYỆN CỔ ÊĐÊ, M’NÔNG
Truyện cổ Êđê,
M’nông là một trong những kho tàng văn học độc đáo của các dân tộc thiểu số ở Đắk
Lắk. Bên cạnh những nội dung được phản ánh về sự tích sông núi, dòng thác, động
vật, cây cỏ, về tình yêu của những đôi trai gái, về sự thông minh, tài giỏi của
những người phụ nữ đại diện cho gia đình mẫu hệ; còn có một số truyện phản ánh
về hình tượng con ngựa. Theo quan niệm của người Êđê, M’nông, con ngựa là vật
nuôi trong nhà, là người bạn gần gũi, giúp con người lên nương, lên rẫy, đi rừng,
chuyên chở bắp lúa trong mùa thu hoạch, đưa chủ nhà đi dự các lễ hội của bà con
ở các buôn xa. Nên người Êđê, M’nông rất quý con ngựa.
Trong truyện cổ
Êđê, M’nông, có nhiều truyện về con ngựa. Tiêu biểu là truyện “Con ngựa biết
bay”, “Con ngựa bảy đầu”, “Con ngựa ba chân”, “Con ngựa và bác thợ săn”… của
dân tộc Êđê. Truyện “Ba anh em Ndam Brai Gur và ba con ngựa”, “Con ngựa và
chàng trai lười biếng”, “Con ngựa và hai chị em lạc đường”… của dân tộc M’nông.
Truyện “Con ngựa biết bay” kể rằng: Ở một buôn làng nọ có hai bà cháu chàng
Y Rít sống trong một túp lều xiêu vẹo. Hàng ngày Y Rít vào rừng kiếm củi, bẻ măng
về đổi gạo nuôi bà. Một hôm, chàng đi vào một khu rừng sâu, nơi chưa hề có người
đặt chân đến, với ý định kiếm được nhiều măng hơn. Đến chiều măng hái được chất
đầy một gùi, chàng vui sướng trở về nhà, nhưng không sao tìm được đường về.
Chàng cố tìm đường về, nhưng càng bị lạc sâu hơn. Trời tối, chàng dừng lại bên
một gốc cây lớn rồi nhặt củi nhóm lửa nướng búp măng ăn cho đỡ đói. Khi ngọn lửa
vừa nhóm lên sáng rực cả khu rừng thì từng đàn ngựa từ khắp nơi kéo đến đứng
xung quanh chàng. Hàng nghìn con ngựa đủ các loại màu khác nhau: ngựa bạch, ngựa
đen, ngựa nâu, ngựa vàng, ngựa vằn, ngựa khoang… Vừa mới nhìn thấy đàn ngựa
chàng đã hoảng sợ. Nhưng rồi chàng bình tỉnh lại và nói: Ơ các bạn ngựa! Tôi là
Y Rít ở buôn xa bị lạc đến đây, nhờ các bạn chỉ cho đường về. Nghe chàng nói vậy,
con ngựa đầu đàn liền sai một con ngựa bạch đến và bảo chàng ngồi lên lưng
mình. Chàng Y Rít mừng rỡ cúi đầu cảm tạ cả đàn ngựa rồi nhảy lên lưng ngựa bạch.
Ngựa bạch dậm chân một cái rồi bay lên trời cao. Chỉ trong chớp mắt, ngựa bạch
đã đưa chàng Y Rít về đến nhà gặp lại người bà yêu quý của mình. Trước khi trở về
rừng, ngựa bạch còn cho chàng Y Rít một viên ngọc ước. Nhờ viên ngọc ước này mà
về sau bà cháu Y Rít có nhà cửa khang trang, chàng Y Rít cưới được người vợ đẹp
và sống hạnh phúc.
Truyện “Con ngựa
và bác thợ săn” kể rằng: Có một bác thợ săn bị lạc trong rừng, không tài nào
tìm được đường về. Cứ tối đến bác thợ săn đến nhà các con vật để ngủ nhờ. Sáng
hôm sau bác thức dậy thì các con vật đã đi kiếm ăn. Lúc thì bác thấy mình đang ở
trong bụi cây, lúc thì đang ở trên cành cây, lúc ở trong hốc cây. Bác thợ săn cảm
thấy rất lạ. Bác tự nghĩ: tại sao buổi tối nhà các con thú giống như nhà của
mình ở buôn, còn ban ngày là những bụi cây, cành cây bình thường vậy nhỉ ? Rồi
một buổi tối, bác thợ săn xin vào ngủ nhà các con khỉ. Ngôi nhà dài rộng như
ngôi nhà dài của M’tao, có ghế k’pan, có chiêng trống, có nhiều ché rượu và bếp
lửa cùng nhiều thức ăn treo ở dàn bếp. Đêm ấy, bác thợ săn nằm ngủ ở ghế k’pan.
Sáng hôm sau thức dậy, bác thợ săn thấy mình nằm trên một cành cây cao, còn lũ
khỉ thì đã đi kiếm ăn hết cả rồi. Trong lúc đang tìm cách để xuống đất thì bác
thấy một con ngựa nâu đi qua. Bác thợ săn liền gọi: Này bạn ngựa nâu ơi! Giúp
mình xuống đất với! Ngựa nâu bảo: Bác cứ nhắm mắt lại rồi thả tay ra là sẽ được
xuống đất. Bác thợ săn làm theo thì thấy mình đã ngồi trên lưng ngựa nâu rồi.
Bác thợ săn vui sướng cảm ơn ngựa nâu. Ngựa nâu bảo: Bác cứ ngồi yên trên lưng
tôi, tôi sẽ đưa bác về nhà. Trên đường về, bác thợ săn hỏi ngựa nâu: Tại sao buổi
tối tôi xin nghỉ lại nhà các con vật, thỏ, dê, gấu, khỉ… tất cả đều có nhà cửa
đàng hoàng như nhà chúng tôi ở buôn, nhưng sáng ngủ dậy chỉ là những bụi cây, hốc
cây, cành cây? Ngựa nâu liền trả lời: Rừng là mái nhà chung của các loài thú.
Ban đêm nó trở thành ngôi nhà trú ẩn của muôn loài. Ban ngày nó là nguồn thức
ăn nuôi sống các con vật. Bác nên hiểu như vậy để khuyên mọi người trong buôn
cùng nhau gìn giữ, bảo vệ rừng, coi đó là ngôi nhà của mình. Bác thợ săn nghe
ngựa nâu nói vậy mới hiểu ra mọi việc. Sau khi về đến nhà, bác thợ săn kể lại
câu chuyện bị lạc trong rừng cho mọi người nghe, và khuyên mọi người cùng nhau
bảo vệ rừng. Riêng bác thợ săn cũng từ đó bỏ nghề đi săn, chăm chỉ làm rẫy, trồng
thêm cây ở các đồi trọc xung quanh buôn làng mình.
Còn truyện “Con ngựa và chàng Y Rít” kể về tình bạn của Y Rít và con ngựa.
Nhờ con ngựa này mà chàng Y Rít thoát khỏi bàn tay độc các của M’tao để đến sống
với buôn làng của các loài ngựa yên vui đầm ấm hơn. Truyện “Ba anh em Ndam Brai
Gur và ba con ngựa”, kể về cuộc chiến đấu chống con quỷ ma lai độc ác, nham hiểm.
Nhờ ba con ngựa thông minh mà ba anh em Ndam Brai Gur đã chiến thắng được con
quỷ ma lai, đem lại sự bình yên cho buôn làng. Truyện “Con ngựa ba chân” đã giúp
vợ chồng chàng Y Rít chiến thắng mọi âm mưu độc ác của M’tao M’xây. Cuối cùng
M’tao M’xây bị rơi xuống thác. Vợ chồng chàng Y Rít cùng buôn làng sống yên ổn,
hạnh phúc.
Nhìn chung
trong kho tàng truyện cổ Êđê, M’nông những câu truyện phản ánh về hình tượng
con ngựa không nhiều. Nhưng qua những câu truyện này, chúng ta đã hiểu phần nào
tư duy của người Êđê, M’nông về hình tượng con ngựa. Con ngựa ở đây là người bạn
thân thiết của con người, luôn luôn đứng về phía người nghèo để giúp họ chiến
thắng kẻ ác, giành lại cuộc sống bình yên, no ấm. Có thể khẳng định rằng, hình
tượng con ngựa trong truyện cổ Êđê, M’nông là hình tượng đẹp, biểu hiện ước mơ,
hoài bão của các dân tộc Tây Nguyên về cuộc sống thanh bình, tươi đẹp của ngày
mai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét