Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

SỐ 261 - tác giả HỒNG CHIẾN


 Tác giả HỒNG CHIẾN

MỘT LẦN ĐẾN ĐẢO BÌNH BA



Đúng 13 giờ 30 phút, con tàu kéo một hồi còi dài chào tạm biệt cảng Ba Ngòi hành trình ra đảo Bình Ba, thuộc xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Trời trong xanh, không một gợn mây, ông mặt trời dội xuống những tia nắng nóng gắt. Mặt nước biển xanh thẫm, những con sóng nhỏ đùa giỡn trên mặt nước, ập vào mạn thuyền, tung lên những hạt nước nhỏ li ty như mưa. Trên vịnh neo đậu nhiều tàu rất lớn, trông xa như những ngôi trường cao tầng đứng im lìm soi mình trên mặt biển. Tôi cũng đã đi nhiều nơi, tới nhiều vùng biển khác nhau của tổ quốc, nhưng không nơi nào giống nơi đây: ngoài cảng dùng cho tàu chở khách dân sự và các tàu đánh cá neo đậu đông đúc, còn các cảng khác chỉ có tàu lớn ăn hàng, một số tàu đậu rải rác khắp mặt vịnh.
Đứng trên mũi tàu nhìn về hướng đông thấy một dãi đất nhô lên khỏi mặt biển mờ mờ; cô Thùy Liên - một hành khách đi cùng, là người dân đang sinh sống trên đảo nói với tôi:
- Đảo Bình Ba đấy anh!
- Nhìn thấy đảo rồi à! Tôi ngạc nhiên reo lên.
- Từ cảng ra tới đảo chừng 12 hải lý thôi ạ.
Thùy Liên trả lời và giải thích thêm, giúp tôi hình dung ra vịnh Cam Ranh như một nửa chiếc chén bẻ đôi để ngửa; phía bắc và đông bắc vịnh có dãy núi cao lao ra biển, tạo nên một bức tường thiên nhiên chắn gió, đây là vành chén thứ nhất; phía nam, một dãy núi thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa vươn ra biển, tạo nên vành chén thứ hai; còn miệng chén quay ra biển đông, có đảo Bình Ba đứng chắn. Nhờ đảo Bình Ba và hai dãy núi cao bao bọc ở hai phía, tạo nên vịnh Cam Ranh thanh bình, nơi đây không những là vịnh để tàu thuyền tránh bão và “ăn” hàng mà còn là một vùng giàu có về thủy sản. Quả thực nhìn kỹ trên mặt nước biển, có rất nhiều phao, báo hiệu sự có mặt của những vành lưới được thả.
Thùy Liên, khoảng ba mươi tuổi, nước da bánh mật, khuôn mặt trái xoan trông khá xinh. Cô cho biết gia đình ở đảo đã nhiều đời, công việc của người phụ nữ trên đảo chủ yếu làm thiên chức người vợ, người mẹ, một số ít người tham gia buôn bán; gần đây có nhiều người ở các địa phương tìm đến thăm đảo nên một số chị em rủ nhau mở thêm quán bán hàng ăn, giải khát ven cầu cảng; vì thế, buổi sáng phải tranh thủ vào đất liền mua đồ để tối bán cho khách vãng lai. Ngoài đảo cũng có dịch vụ nhà hàng nổi dành cho khách nhiều tiền muốn dùng đặc sản, ngắm biển đêm, các anh chị thích thì có thể ra đó thưởng thức đặc sản nổi tiếng nhất của đảo Bình Ba: tôm hùm. Thùy Liên cho biết thêm: đảo Bình Ba phía bắc cách bán đảo Cam Ranh chỉ độ 500 mét, vì thế cách đây mấy năm nhà nước đã đầu tư kéo điện cao thế từ đất liền ra đảo qua chỗ này, nhân dân thoát cảnh đèn dầu và có điều kiện sử dụng các phương tiện sinh hoạt hiện đại như: tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ... cuộc sống người dân trên đảo thay đổi nhiều từ khi có điện lưới quốc gia. Cửa biển chung với bán đảo Cam Ranh, dân địa phương gọi đây là cửa Nhỏ chỉ dành cho tàu thuyền đánh cá ra vào; còn phía nam đảo, nơi có bãi Ngang nhìn ra cửa Lớn, các tàu to đi lại như tàu ngầm, tàu chiến ta mới mua cũng đi qua đường đó.
Đảo Bình Ba rõ dần, tôi quay sang nói với Thùy Liên:
- Đảo nhà mình nhìn giống như một trái tim, phần nhỏ ngâm dưới nước biển.
- Hay quá, em chưa nghe ai nói thế bao giờ!
- Em thấy đúng không?
- Dạ! Làng Bình Ba ở ngay chỗ cuống trái tim đấy anh. Đảo Bình Ba có diện tích trên 3 km2, dân số chưa đến 5.000 người tập trung ở bốn thôn là: Bình Hưng, Bình An, Bình Ba Đông và Bình Ba Tây; tuy chia thôn như vậy, nhưng đa số sống quây quần nơi cầu cảng và một phần kéo dài qua bãi Nồm. Ngày xưa trên đảo không có trường học, ai muốn học chữ phải qua tận thị trấn Ba Ngòi hay vào thành phố Nha Trang học; còn nay ở đảo đã có trường mẫu giáo, trường tiểu học và cả trường trung học cơ sở nữa, bọn nhỏ bây giờ đi học thuận tiện lắm.
Nghe lời tâm sự có đôi chút tự hào của Thùy Liên làm tôi càng háo hức muốn tàu chạy nhanh hơn để được tận mắt thấy hòn đảo đã từng được nghe nhiều mà chưa một lần đến... và giờ đang hiện rõ dần. Xung quanh đảo, nhìn từ phía tàu chạy vào hình như chỉ thấy toàn những tảng đá khổng lồ, trắng toát chen nhau mọc từ biển lên, đứng thành bức tường chắn sóng; phía cảng của đảo nổi bật một ngôi nhà cao năm tầng có dòng chữ “Nhà nghỉ Hạnh Pháp”, còn xung quanh chỉ là những ngôi nhà nhỏ hơn, thấp thoáng sau những tán cây bàng, cây si... Phủ khắp đảo một màu xanh hơi vàng của các cây thấp và cỏ dại xen lẫn những tảng đá lớn. Phía trước cầu cảng, nhiều thuyền đánh cá neo đậu và cả những căn nhà nổi nuôi tôm hùm, nhà hàng... thể hiện một vùng quê bình yên, trù phú.
Tàu cập bến, chia tay Thùy Liên, cô dặn: “Nếu lần sau các anh ra chưa có chỗ nghỉ thì đến nhà em nhé, nhà có máy điều hòa nhiệt độ, quạt và các tiện nghi đủ tiêu chuẩn như khách sạn, giá chỉ 70 ngàn đồng một người một đêm thôi. Nhà em kia kìa!” Bắt tay tạm biệt, tôi nói vui: Một cách quảng cáo rất ấn tượng.
Chiều, cả đoàn văn nghệ sĩ Đắk Lắk ra bãi Ngang ngắm cảnh hoàng hôn theo như giới thiệu của cô chủ nhà nghỉ Hạnh Pháp. Mấy anh em thả bộ theo con đường nhựa mới làm đi dạo ven bờ biển chứ không đi xe máy hay xe ô tô, xe túc túc mà người dân nơi đây chào mời vì muốn ngắm cảnh biển và chụp hình. Bờ biển được xây kè đá cao, phía trước kè có nhiều tảng đá lớn nhô lên trên mặt nước biển đang lúc thủy triều xuống. Một đám trẻ nhỏ len lỏi qua các hòn đá để mò, bắt những con ốc, con ghẹ... bóng các cháu đổ dài trên mặt biển; thấy đẹp quá, tôi và nghệ sĩ Nguyễn Văn Lộc chĩa máy bấm lia lịa. Bỗng có người vỗ vai, tôi giật mình quay lại thấy một người đàn ông chắc khoảng trên sáu chục tuổi, râu tóc bạc phơ, nở một nụ cười hiền hậu hỏi:
- Các anh ở xa mới tới đây lần đầu à?
- Dạ, anh em em ở Đắk Lắk xuống ạ.
- Dân xứ sở cà phê xuống thăm biển, vào làm một ly cho vui đi.
Miệng nói, tay chỉ vào ngôi nhà bên cạnh đường, nơi có bảy người đàn ông đang ngồi bên hiên nhà nhâm nhi. Trước sự nhiệt tình của chủ nhà, cả hai chúng tôi vào nhập mâm. Trên mâm toàn đồ hải sản tươi: mực, tôm, cá hấp và bánh đa cuốn với rau thơm. Ông chủ nhà nói: “Chiều tối chúng tôi đi biển, giờ làm vài ly cho vui; mấy khi gặp các anh đến chơi, xin mời cụng ly”. Mọi người nâng ly, tôi cũng phải nâng và cố cạn ly đầu rồi xin phép đi vì không uống được rượu. Mọi người trong mâm cười bảo: Mấy khi gặp nhau, vui là chính, còn uống thì tùy. Không khí đầm ấm của những ngư dân nơi đây lần đầu gặp gỡ, giống như ở quê tôi ngày mùa gặp con cháu về chơi vậy; gần gũi và thân mật. Nghệ sĩ Nguyễn Văn Lộc ở lại nhậu, còn tôi vì muốn ngắm hoàng hôn nên xin đi trước, mấy người đều không nỡ giữ, bắt tay thật chặt tạm biệt.
Xuôi con đường nhựa, qua khu doanh trại quân đội trồng nhiều xoài, cây nào cũng rất sai quả, từng chùm quả phủ gần như kín cả cây trông rất đẹp mắt. Qua con đường hai bên trồng xoài, trước mắt tôi hiện ra mặt biển trong xanh nhìn rõ những hạt cát trắng tinh dưới làn sóng biển nhẹ nhàng vỗ bờ. Một đoàn thanh niên hơn hai chục người đang nô đùa trên bãi, thỉnh thoảng lại bật lên tiếng cười sảng khoái khi bắt được con ốc, con ghẹ chuyền tay nhau xem. Xa xa dãy núi thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa chạy ra chắn biển có các ngọn nhấp nhô in trên nền trời xanh. Mặt trời màu vàng nhạt xuống gần đỉnh núi, hắt bóng xuống mặt biển, tạo nên một bức tranh thủy mạc lộng lẫy đến bất ngờ; bức tranh ấy còn được điểm thêm hình của hai con tàu lớn đang đậu ở hai bên bóng mặt trời lung linh trên mặt nước. Từng làn sóng biển nhấp nhô đuổi nhau ập vào bờ, ngọn sóng nào cũng nhuộm ánh vàng lấp lánh, lấp lánh.
Dầm mình xuống mặt nước mát, đi ra xa bờ, nước lên đến cổ mà vẫn nhìn thấy từng ngón chân của chính mình. Trên đám san hô màu trắng ngà có từng đàn cá bơi lội như trong thủy cung nhân tạo. Cá ở đây không lớn lắm, nhưng màu sắc sặc sỡ và rất dạn, nhiều con thúc cả vào chân, vào bụng người. Dưới làn nước trong như lọc, san hô mọc theo từng khóm và có nhiều loại khác nhau càng làm tăng thêm vẻ đẹp của bãi Ngang. Tại sao lại gọi tên “bãi Ngang”? Trước khi ra đây, tôi tò mò hỏi cô chủ nhà nghỉ, cô cũng lắc đầu không biết, vì từ nhỏ đã được nghe gọi như thế, giống như gọi đảo này là đảo Bình Ba vậy. Đứng ở bãi Ngang nhìn được toàn bộ cửa Lớn, nơi tàu thuyền ra vào vịnh Cam Ranh và chỉ nơi đây mới thấy cảnh hoàng hôn đẹp nhất đảo. Mặt trời nhạt dần, nhạt dần rồi khuất từ từ sau một ngọn núi đã trở màu xanh sẫm xa xăm.
Chưa đến năm giờ sáng, cả đoàn văn nghệ sĩ Đắk Lắk đã bật dậy kéo nhau ra xe để đến bãi Chướng ngắm mặt trời lên. Hôm qua đã hẹn chiếc ô tô 16 chỗ chở một vòng quanh đảo đón bình minh và thăm bãi Nồm giá 200 ngàn đồng. Anh lái xe còn trẻ, chắc tuổi độ hai bảy, hai tám nói giọng xứ Nghệ đưa đoàn ra bãi Chướng. Đến nơi trời vẫn còn tối, phương đông chỉ mới vài đám mây hồng đâm ngang. Mặt biển còn nhiều bóng đèn nhấp nháy của các thuyền đánh cá đang trên đường trở về. Anh tài xế vui chuyện cho biết: quê ở tận huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; học xong phổ thông, nhập ngũ được chuyển về lực lượng Biên phòng đóng tại đảo này; xong nghĩa vụ ở lại đây làm rể và lập nghiệp luôn. Hai vợ chồng trẻ được chính quyền xã ưu tiên cho thuê một lô đất gần cầu cảng dựng quán bán hàng; chồng không biết nghề biển nên mua chiếc xe chở khách tham quan chạy quanh đảo kiếm thêm đồng giúp vợ. Nhìn chung kinh tế gia đình tạm được. Anh cho biết thêm:
- Các bác thấy mấy quán xây dựng dở dang xung quanh đây không? Có một nhà đầu tư trong đất liền định mở khu du lịch tại đây, nhưng đảo này thuộc vùng cấm xây dựng các khu vui chơi, giải trí vì liên quan đến quân sự nên công trình bỏ dở đó.
Thì ra vậy, sát mép biển có năm căn nhà gần nhau nền láng bê tông, hình bát giác; các cột đổ bê tông cốt thép đã bị cỏ và dây leo phủ kín, chắc bỏ hoang đã lâu. Phía sát chân núi một dãy nhà xây 7 phòng chưa có mái, dây leo bám đầy tường. Kinh phí đầu tư ban đầu vào đây chắc cũng khá nhiều, nay bỏ hoang, nhìn thấy tiêu điều quá. Mặt trời chưa lên, chúng tôi có thêm nhiều người gia nhập; người đi xe máy, người đi xe ô tô điện, ở đây họ gọi: xe túc túc – chở được hơn chục người một chuyến, cùng ra ngắm cảnh.
Phương đông, những đám mây đen đổi màu chuyển dần qua màu vàng rồi màu hồng; mặt biển cũng sáng dần lên, những con sóng lớn từ biển đông ầm ầm lao vào vách đá, tung lên những hạt nước lớn cao đến vài mét. Hai dãy núi cách nhau khoảng gần 200m, cùng lao ra sát mép nước, có vách đá dựng đứng, vô tình tạo nên một thung lũng xuôi dần ra biển, có chiều ngang hơn 200 mét, được đặt tên: Bãi Chướng. Bãi Chướng trên bờ cao có một lớp cát dày, phía sát mép nước được phủ một lớp san hô trắng bị sóng đánh vụn ra như những hạt sỏi, trông rất đẹp. Hôm nay nhiều mây, những đám mây hồng chuyển sang màu vàng rực rỡ làm mặt biển như dát bạc. Từng luồng gió từ biển Đông lồng lộng thổi vào giật tung cả những vạt áo nếu không nhanh tay giữ; có lẽ vì những cơn gió như thế thổi vào đây nên bãi này được mang tên bãi Chướng. Hơn 7 giờ, mặt trời lên cao mới ra khỏi mây, cả đoàn tiếp tục lên đỉnh đảo ngắm cảnh các tàu đánh cá tấp nập trở về. Nhìn về phía đông nam, những chiếc tàu lớn đi vào vịnh để lại phía sau một luồng nước trắng phau, kéo dài.
Trên đảo, thực vật chủ yếu là các loại: xương rồng, dứa dại, chà và... mọc lúp xúp quanh các hòn đá lớn, trông như vùng bán sa mạc. Con đường bê tông do quân đội thi công, xẻ các mỏm núi đưa du khách tham quan đi một vòng tròn qua phía đông đảo rồi trở lại cầu tàu. Sân cầu tàu, buổi sáng trở thành chợ hải sản, tấp nập người mua, người bán. Cá, ốc, cua, ghẹ, tôm, mực… những báu vật của biển khơi sau một đêm ngư dân trên đảo đánh bắt được đều hội tụ tại đây, còn tươi rói được bày bán thành hai dãy dài. Mấy bà trung niên thấy khách lạ đến liền chào mời: “Các bác thích ăn cứ mua rồi đưa vào quán đây bọn em nấu giúp”!
Từ cầu tàu đi sâu vào đảo khoàng hơn 300m, qua khu dân cư đông đúc đến bãi Nồm. Bãi Nồm có nhiều ngôi nhà hai, ba tầng làm nhà nghỉ cho khách tham quan, du lịch và bán cà phê. Bờ biển cát trắng tinh, thoai thoải xuôi dần ra xa, thỉnh thoảng có hòn đá lớn nhô lên trên mặt nước, sóng vờn qua, hắt lên không trung từng đám bụi nước. Nước biển trong xanh, thỉnh thoảng có bầy cá chạy qua thúc vào người đang tắm. Đứng trước bãi biển tôi chợt nhớ đến cô chủ nhà nghỉ nói với tôi khi ra đây: “Bãi Nồm là bãi tắm đẹp nhất đảo đấy”. Đến rồi mới biết cô nói không sai.
12 giờ 30, đoàn xuống tàu trở về đất liền. Ra cầu tầu chia tay chúng tôi có mấy người bạn vừa quen trên đảo và cả người sỹ quan Biên phòng làm nhiệm vụ tại trạm Cầu cảng. Chỉ chưa đầy một ngày một đêm ở đảo thôi, nhưng tình cảm tưởng như đã gắn bó từ lâu rồi, bịn rịn không muốn rời xa. Người dân trên đảo Bình Ba vẫn còn đó sự chân chất, giản dị, mến khách chưa bị cơ chế thị trường làm cho thay đổi. Phải chăng đó là truyền thống của những người dân chài ở Bình Định vào định cư tại đảo từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII lưu giữ đến ngày nay và vì thế mới đặt tên đảo là Bình Ba (Bình là Bình Định, một cách gọi để ghi nhớ tổ tiên vào lập nghiệp nơi đây) – một ông lão tôi gặp bên Lăng Nam Hải Bình Ba, giải thích như thế. Lăng Nam Hải Bình Ba được xây dựng cuối thế kỷ XVIII để thờ các ông: Nam Hải và Tiên Hiền, Hậu Hiền (những người có công khai khẩn đất đai, quy dân, lập ấp, tạo dựng xóm làng…) đã được các vua triều Nguyễn ban tặng năm đạo sắc phong và năm 2006 được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp di tích cấp tỉnh.
Đảo lùi dần rồi khuất hẳn sau mặt biển. Xa rồi, nhưng vẫn mong cho dù thời gian có thay đổi nhưng bản chất giản dị thân tình của con người ở đảo vẫn không đổi thay, họ vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt xưa và chính điều đó cùng với phong cảnh tuyệt đẹp nơi đây sẽ tạo nên sự hấp dẫn riêng, lôi kéo du khách trong nước đến với đảo, góp phần làm cho đảo Bình Ba ngày một trù phú hơn, giàu đẹp hơn để rồi ai chưa đến sẽ mong được đến, đã đến một lần lại muốn đến lần nữa, lần nữa…
Hẹn gặp lại nhé: đảo Bình Ba!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét