Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

SỐ 260 - tác giả LÊ THÀNH VĂN




PHÉP ĐIỆP TRONG CA TỪ NHẠC PHẨM
TRỊNH CÔNG SƠN

 
Nghiên cứu ca từ của Trịnh Công Sơn, chúng ta đều cho rằng đó là những bài thơ rất hay. Song, khi xét trong mối tương quan giữa ca từ với âm nhạc để tạo nên nhiều ca khúc bất hủ của Trịnh phải kể đến nghệ thuật sử dụng phép điệp một cách thường xuyên, đầy ám ảnh như một phong cách đặc biệt. Bằng sự lặp đi lặp lại một từ (điệp từ), một cụm từ (điệp ngữ), một cấu trúc câu hay một câu (điệp cú pháp)… vừa có tác dụng nhấn mạnh, vừa tạo ra những điệp khúc độc đáo trên nền nhạc chung của toàn bài thơ, nếu coi mỗi ca khúc của Trịnh Công Sơn về mặt ca từ là một thi phẩm độc lập.
Có thể nhận thấy khi nghiên cứu ca từ trong âm nhạc Trịnh, phép điệp là biện pháp tu từ chiếm một lượng đáng kể, thậm chí có ở hầu hết các ca khúc của ông. Dấu ấn cá nhân, tín hiệu ngôn ngữ nghệ thuật của Trịnh Công Sơn có lẽ cũng nằm ở đây. Nghe một ca sĩ hát, hay đọc ca từ của một bài hát chưa biết tác giả, ta dễ dàng nhận ra lời ca của Trịnh trên cơ sở nắm bắt phép điệp. Bằng phương pháp này, ông có thể mở rộng và nhấn mạnh ý, gây ấn tượng và khơi ra những cảm xúc lốc xoáy trong lòng người đọc, người nghe. Phép điệp xuất hiện nhiều lần dễ làm người ta chú ý, nhờ đó mà dấu ấn cá nhân dễ phát lộ trong khả năng liên tưởng phong phú, dồi dào.
Khảo sát ca từ bài Chờ nhìn thấy quê hương sáng chói với dung lượng trên dưới 200 từ nhưng đã có đến 31 lần tác giả sử dụng từ “chờ”, nhờ đó đã tạo nên nỗi chờ đợi mỏi mòn, nỗi ám ảnh của con người Việt Nam mong ngóng nước nhà thống nhất: “Nơi đây tôi chờ/ Nơi kia anh chờ/ Trong căn nhà nhỏ/ Mẹ cũng ngồi chờ/ Anh lính ngồi chờ/ Trên đồi hoang vu/ Người tù ngồi chờ/ Bóng tối mịt mù/ Chờ đã bao năm…”. Ở bài “Bống bồng ơi”, Trịnh Công Sơn sử dụng các cụm từ “mà vội mà vội”, “nắng vàng nắng vàng”, “bống đùa bống đùa” một cách liên tiếp tạo ra một cảm giác hụt hẫng, mất mát, một sự níu kéo trong bùi ngùi gần như tuyệt vọng:
Nắng vàng em đi đâu mà vội
Mà vội mà vội nắng vàng ơi
Mà vội mà vội nắng vàng nắng vàng ơi
Hay trong bài “Cát bụi”, một ca khúc nổi tiếng viết về sự mong manh của kiếp người vô thường, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sử dụng nhiều nghệ thuật điệp khác nhau. Các từ “hạt bụi”, “cát bụi”, “kiếp”, thậm chí cả cú pháp câu, cấu trúc câu được lặp lại nhiều lần, xoắn xuýt để diễn tả thân phận cát bụi của kiếp người như một nỗi ám ảnh triền miên:
Hạt bụi nào hóa kiếp than tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi…
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy..
Cũng với tài năng sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật sử dụng phép điệp ấy, ca từ bài hát Ở trọ được xem là một bài thơ lục bát hoàn hảo mà phải có một tài thơ lớn mới có thể viết được. Trịnh Công Sơn đã sử dụng 6 lần cụm từ “ở đậu”, 8 lần cụm từ “ở trọ” để nhấn mạnh một triết lý nhân sinh sâu sắc: Chúng ta chỉ là những người ở trọ trên cõi nhân thế này, và mỗi người là sự trú ẩn trong nhau đến vô cùng tận. Xin chép ra đây một số câu như thế:
- Con chim ở đậu cành tre
- Xưa kia ở đậu miền xa
- Mây kia ở đậu tầng không
- Môi xinh ở đậu người xinh
- Trăm năm ở đậu ngàn năm
- Con cá ở trọ trong khe nước buồn
- Cơn gió ở trọ bao la đất trời
- Tim em ở trọ là tôi
- Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều…
Phép điệp trong ca từ nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn rất nhiều, không thể thống kê ra hết được trong một bài viết ngắn này. Có thể kể ra đó là các bài Ca dao mẹ, Biển nhớ, Biết đâu nguồn cội, Em hãy ngủ đi…
Đọc hầu hết ca từ trong nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, ta đều bắt gặp phương thức tu từ trùng điệp với mật độ dày đặc như vậy. Điều đó đã góp phần giúp chúng ta nhận diện một phong cách lớn về mặt ca từ nói riêng và âm nhạc Trịnh Công Sơn nói chung. Riêng về mặt ca từ trong nhạc phẩm, Trịnh Công Sơn cũng được xứng đáng xếp vào hạng những nhà thơ lớn, một tài năng rực rỡ của thơ ca Việt Nam thế kỷ XX.









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét