Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

SỐ 261 - tác giả NGUYỄN THANH TUẤN

Đường về nhà Bác


HỒ CHÍ MINH NHÀ VĂN HÓA LỚN


Chủ tịch Hồ Chí Minh được cả thế giới tôn vinh không chỉ với vai trò là nhà cách mạng, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà thơ mà còn là nhà văn hóa kiệt xuất. Điều này được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (United nation Educational Scientific anh Cultural organization - viết tắt là UNESCO) chính thức công nhận. Trong phiên họp Đại hội đồng, lần thứ 24, tại Paris, từ ngày 20.10.1987 đến ngày 20.11.1987, UNESCO đã ra Nghị quyết phong tặng Hồ Chí Minh danh hiệu kép: “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn” (Vietnamese hero of national liberation anh great man of culture).
1. Sự kết tinh hài hòa giữa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa thế giới:
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Nghệ An - Việt Nam, vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và yêu nước, từ nhỏ Hồ Chí Minh đã sớm được tiếp xúc với cuộc sống lao khổ của nhân dân lao động ở Nghệ An cũng như trên khắp mọi miền đất nước. Bên cạnh đó, Người còn sớm được tiếp xúc và thấm nhuần tư tưởng: Nho giáo, Phật giáo, Khổng giáo… Ngay từ nhỏ vốn đã có tư chất thông minh, nhân ái, yêu nước và tự hào dân tộc, Người cố gắng đi và tìm hiểu đời sống, văn hóa khắp mọi miền đất nước, tìm gặp và lĩnh hội tư tưởng của các chí sĩ yêu nước đương thời. Tư chất Hồ Chí Minh chính là những truyền thống cao đẹp vốn có của dân tộc. Trải qua quá trình bôn ba khắp năm châu, bốn biển để tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc những tư chất quý báu, sáng ngời ấy càng được phát huy cao độ.
Đánh giá về truyền thống dân tộc trong con người Hồ Chí Minh, Men-Ba-hec-nan-đét, Đại sứ nước Cộng hòa Cu Ba tại Việt Nam cho rằng: Hồ Chí Minh là sự kết tinh, sự kế thừa độc đáo và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc từ triệu triệu người con đất Việt qua suốt chiều dài bốn ngàn năm lịch sử. Người chính là “quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ” nên nhân dân Cu Ba tìm thấy ở đó cả chiều sâu văn hóa, chiều dài lịch sử, chiều rộng địa lý và sự đa chiều của truyền thống dân tộc Việt. Đó là: “nụ cười của các mẹ, các chị, các cô gái Việt Nam”, “cử chỉ dễ thương của các em nhỏ, trong những lũy tre xanh mọc lại trên những làng xóm bị lửa đạn quân thù tàn phá, trong những bông sen mới nở trên khắp dải đất Việt Nam”… Những điều gần gũi mà thiêng liêng, giản dị mà thanh khiết, bị tàn phá - hủy diệt mà vẫn mạnh mẽ hồi sinh tươi đẹp.
Yêu nước luôn gắn liền với nhân ái, thương dân là điều nổi bật của truyền thống dân tộc nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng. Sinh thời người luôn khao khát: “Tôi chỉ có một ham muốn, một sự ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Yêu nước, thương dân đã trở thành một phẩm chất sâu sắc, quan trọng cấu thành nhân cách Hồ Chí Minh. Yêu nước, thương dân không chỉ đối với dân tộc mình, nhân dân mình mà yêu nước thương dân còn gắn liền với tinh thần bác ái. Mọi con người, mọi dân tộc trên thế giới, Hồ Chí Minh đều yêu thương, trân trọng như nhau...
Trí tuệ gắn liền với tinh thần học tập suốt đời, học tập mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Đối với Bác: học không bao giờ muộn. Trên cơ sở đó, Người đã không ngừng tự học tập và rèn luyện về mọi mặt để có tầm hiểu biết bao la, trí tuệ uyên thâm và vốn kinh nghiệm đồ sộ. Ngay từ những ngày thơ ấu, Hồ Chí Minh đã có ý thức trân trọng, học tập và chắt lọc những tinh hoa văn hóa phương Đông phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc như: tinh hoa của Nho giáo, Phật giáo và khổng giáo... Văn hóa phương Tây cũng được người tinh lọc ngay từ những ngày còn theo học Lớp dự bị - Trường tiểu học Pháp. Trong quá trình tìm đường cứu nước, nó càng được bồi đắp nhiều hơn, nhất là tinh thần: tự do, bình đẳng và bác ái… Trải qua quá trình bôn ba tại các nước: Anh, Pháp, Đức… Hồ Chí Minh lại được tiếp xúc và thấm nhuần tư tưởng của Chủ nghĩa nhân văn, Chủ nghĩa duy lý và tinh thần văn hóa dân chủ…
Trong quá trình hình thành văn hóa Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa Mác - Lê Nin có vai trò là kim chỉ nam, là ngọn đèn soi sáng con đường văn hóa và cách mạng. Bản thân Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Chủ nghĩa Mác - Lênin là chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất”. Từ đó, nó được tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn văn hóa, cách mạng Việt Nam và trở thành nền tảng vững chắc trong quá trình hoàn thiện Văn hóa Hồ Chí Minh. Rõ ràng, chúng ta đều nhận thấy Văn hóa Hồ Chí Minh là kết quả kỳ diệu của quá trình tinh lọc, thẩm thấu và kết tinh văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa thế giới.
2. Không ngừng sáng tạo văn hóa:
Hồ Chí Minh còn không ngừng sáng tạo ra những giá trị văn hóa có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với dân tộc mà đối với cả nhân loại. Điều này được UNESCO khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất của sự khẳng định dân tộc, đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam với lịch sử hàng nghìn năm và những lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc văn hóa và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.
Thành công lớn nhất trong sự nghiệp của Hồ Chí Minh là đã tìm ra con đường cứu nước, lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập - tự do - ấm no - dân chủ - hạnh phúc… cho nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bên cạnh đó là những giá trị văn hóa hoàn toàn mới mẻ được tạo ra từ sâu trong quan niệm của người rằng: “Văn hóa Việt Nam chứa đựng sự kỳ diệu giữa cái ổn định và cái linh hoạt”, vì văn hóa có mối liên hệ mật thiết đến mức không thể tách rời với lịch sử, đời sống, xã hội, giáo dục…
TS. Nguyễn Danh Bình khẳng định: “Sự nghiệp giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đem lại địa vị xứng đáng cho văn hóa dân tộc Việt Nam. Không chỉ vậy, sự nghiệp này còn có ý nghĩa to lớn đối với nền văn hóa thế giới, chỉ ra cho nhân dân các nước thuộc địa con đường đứng lên đập tan xích xiềng nô lệ, giành độc lập tự do cho đất nước của mình; từ đó góp phần vào việc xóa bỏ chế độ thuộc địa trên thế giới. Có thể nói Hồ Chí Minh với tư cách là nhà văn hóa kiệt xuất đã góp phần không chỉ tạo ra một chế độ mới, một thời đại mới mà còn tạo ra một nền văn hóa mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng góp phần to lớn vào sự phát triển của nhân loại nói chung và sự phát triển văn hóa nhân loại nói riêng”.
Hồ Chí Minh đã sáng tạo nên một thời đại mới, một nền văn hóa mới trên cơ sở của nền văn hóa dân tộc hơn bốn ngàn năm, đó là: Thời đại Hồ Chí Minh, Văn hóa thời đại Hồ Chí Minh. Nó có giá trị vô cùng to lớn không chỉ đối với quá khứ, hiện tại mà còn đối với tương lai mãi mãi về sau vì: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai... Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi như thấy được ngày mai, như thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương” (nhà thơ Xô Viết, Ôxip Mandextam). Ngày nay, chúng ta không ngừng học tập, làm theo tấm gương đạo đức, những giá trị văn hóa mà Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra để nâng cao hơn nữa Văn hóa công sở, Văn hóa giao tiếp, Văn hóa ứng xử… cho cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân để hướng đến hoàn thiện hơn nữa nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trên cơ sở một nhà sáng tạo văn hóa, Hồ Chí Minh đã đặt nền móng và có nhiều cống hiến lớn lao trong nhiều lĩnh vực như: văn học, báo chí, kịch, hội họa, nhiếp ảnh, giáo dục… Hồ Chí Minh là sự kết tinh truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, là chủ thể sáng tạo văn hóa với nhiều đóng góp có giá trị đặc biệt quan trọng không chỉ đối với dân tộc mà đối với toàn thế giới. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn xứng đáng là Nhà văn hóa kiệt xuất mọi thời đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét